Sinh hoạt văn học Việt Nam trong thời kỳ Bắc thuộc

by Tim Bui
Sinh hoạt văn học Việt Nam trong thời kỳ Bắc thuộc

LÝ THÀNH PHƯƠNG

Người Việt chúng ta xuất phát từ bộ tộc Lạc Việt sống rải rác ở khu vực trung tâm của miền Bắc nước Việt Nam, khởi nguồn từ nước Văn Lang, với 18 đời Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, nằm ở  trung du của miền Bắc. Tiếng nói nguyên thủy là tiếng Việt tương tự như tiếng của các bộ tộc thiểu số Mường ở miền Bắc ngày nay. Về chữ viết, có thể khẳng định là không có, vì nếu có thì đã tìm thấy trên các di tích Trống đồng. 

Nếu căn cứ vào Việt sử, thì tổ tiên của 18 đời vua Hùng là người phương Bắc, có lẽ là gốc gác ở nước Sở, kinh đô ở Kinh Châu thuộc tỉnh Hồ Bắc ngày nay của Trung quốc. Vào thời vua Hùng Vương đầu tiên lập ra nước Văn Lang là vào thế kỷ  thứ 7 trước công nguyên (TCN). Vào thời điểm này ở Trung Hoa là thời kỳ Xuân Thu, lúc đó nước Sở, mặc dù có tiếng nói riêng, nhưng cũng dùng Hán tự, lúc đó là văn tự thông dụng ở Trung Nguyên. Cho nên có thể nói, nếu người Việt có cơ hội ghi lại những sự kiện lịch sử văn hóa, thì cũng dùng Hán tự.

Sau khi vua Hùng Vương cuối cùng bị bại về tay của Thục Phán, An Dương Vương, một người xuất thân từ nước Thục, nằm ở phía Tây của Trung Quốc, An Dương Vương thành lập nước Âu Lạc, dùng Hán tự làm chữ viết. Chứng tích là có một số chữ Hán được tìm thấy trên những thẻ bài An Dương Hành Bảo. 

Triệu Đà, người phương Bắc, là quan của nhà Tần cai trị tỉnh Quảng Đông, dùng kế Trọng Thủy – Mỵ Châu, thôn tính nước Âu Lạc và lập ra nước Nam Việt, đóng đô ở Phiên Ngung (Quảng Châu bây giờ), dùng chữ Hán làm văn tự. Những người thừa kế của Triệu Đà hèn kém, nước Nam Việt bị nhà Hán thôn tính và từ đó trở thành một phần của Đế quốc Trung Hoa.

Trong giai đoạn một ngàn năm kế tiếp, từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ 10, sử Việt gọi là 1000 năm Bắc thuộc, trải qua những triều đại khác nhau của Đế quốc Trung Hoa như Hán, Đông Ngô, Tấn,Tề, Lương, Tùy, Đường, Nam Hán… làn sóng Hoa hạ đã đưa không biết bao nhiêu người Hoa phương Bắc di cư đến vùng đất gọi là An Nam là đất Lạc Việt cũ, tiếp tục mang văn minh chữ Hán vào Việt Nam. Với chính sách ngu dân, những người bình dân của đất Lạc Việt không biết có chữ viết, nên biểu lộ cảm xúc, tình cảm, văn hóa  của mình qua tục ngữ ca dao và những câu chuyện truyền thuyết, đa số được ghi lại trong quyển Lĩnh Nam Chích Quái. Nền văn học này gọi là văn chương bình dân truyền khẩu. Mãi đến khi người Việt giành lại độc lập vào thế kỷ thứ 10, văn chương bình dân truyền khẩu mới có cơ hội được ghi lại vào sách vở bằng chữ Hán, rồi chữ Nôm vào thế kỷ thứ 13, và chữ quốc ngữ vào thế kỷ thứ 19.

Trong thời kỳ này, bên cạnh văn chương truyền khẩu, chữ Hán được dùng trong xã hội người Việt trong các cơ quan hành chính, và được dạy hạn chế cho con em trong giới quí tộc cầm quyền. Mặc dù là một bộ phận của Đế quốc Hán, một số người Việt và con cháu người Hoa hạ có chí hoặc có điều kiện cũng tập tành học hỏi chữ Hán để khám phá nền văn minh Trung Hoa, nhưng không có cơ hội ra làm quan như con cái người Hán ở Trung Nguyên. Trong bối cảnh đó, trong cả ngàn năm mà tổng cộng những sáng tác bằng tiếng Hán không có gì đặc thù và chỉ đếm được bằng đầu các ngón tay.

***

Thời kỳ Bắc thuộc kéo dài lâu như vậy, cộng đồng người Việt bao gồm người bản địa Giao Chỉ và con cháu của những người Hoa hạ càng ngày càng nhiều, có lẽ chiếm đa số trong dân số, trải qua nhiều thế hệ đã trở thành một phần của đất nước. Vùng đất Giao Chỉ, Giao Châu, An Nam hay còn nhiều tên gọi khác để chỉ đất nước Văn Lang của người Lạc Việt cũ đã trở thành nơi “chôn nhau cắt rốn” của cộng đồng này. Một cách tự nhiên, những thế hệ tiếp nối có khát vọng một quốc gia độc lập với tiếng nói và chữ viết của riêng mình. Nhiều cuộc khởi nghĩa giành độc lập đã diễn ra, như khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bôn, Triệu Quang Phục… và thành công dưới thời kỳ của Ngô Quyền, người Việt lấy lại được chủ quyền, lập nên nước Đại Việt vào thế kỷ thứ Mười.

Bên cạnh những đấu tranh giành lại độc lập diễn ra không ngừng nghỉ, những nhà trí thức Việt cũng luôn có những nỗ lực để phát triển nền văn hóa – văn học. Những chữ Hán có phát âm từ tiếng Quảng Đông được người Việt tìm cách phát âm trại theo tiếng Việt, chẳng hạn Sán là núi được phát âm thành Sơn và Hò là sông được đọc là Hà trong tiếng Việt. Nhiều từ ngữ Hán Việt được nhập vào tiếng Việt làm cho tiếng Việt trở nên phong phú hơn và giàu có hơn trong việc diễn tả những sinh hoạt của một xã hội văn minh mà tiếng Việt Mường căn bản không có.

Trong một số nghiên cứu, các học giả căn cứ vào đặc điểm cấu trúc nội tại của chữ Nôm, dựa vào cứ liệu ngữ âm lịch sử tiếng Hán và tiếng Việt, so sánh đối chiếu hệ thống âm đã đi tới kết luận rằng âm Hán Việt (âm của người Việt đọc chữ Hán) ngày nay bắt nguồn từ thời nhà Đường – nhà Tống thế kỷ thứ 8 – 9. Cho nên có giả thuyết cho rằng, từ thế kỷ thứ 8, người Việt đã có những cố gắng để viết những âm tiếng Việt bằng một chữ viết của riêng mình gọi là chữ Nôm, bằng cách ghép những chữ Hán có sẵn. Chữ Nôm qua thời gian càng ngày càng được hoàn thiện hơn và được dùng dưới thời nhà Trần vào thế kỷ thứ 14 và trở thành Quốc Âm dưới thời Tây Sơn vào thế kỷ thứ 18. Chúng tôi sẽ có một bài viết chi tiết về chữ Nôm trong thời gian sắp tới.

***

Ngoài yếu tố văn hóa tổng quát, như cách tổ chức hành chính, kinh tế, phong tục, tôn giáo du nhập từ văn minh Trung Hoa qua giới cầm quyền và những người di dân Hoa hạ, sử sách chỉ nói, Sĩ Nhiếp, vị quan Thái thú cai trị Giao Chỉ từ năm 187 đến 226 có công lớn trong việc phát triển Nho học và Hán tự vào nước Việt qua mở trường, giáo hóa nhân dân điều hay lẽ tốt, và tiến cử nhân tài nước Việt ra làm quan ở Trung Nguyên.

Ngoài ra thì không có sự đề cập nào về tổ chức trường học, nội dung môn học, mục tiêu của việc học hành. Thiết nghĩ, đã nói là Nho học du nhập từ Trung Hoa, thì có thể nói, Sĩ Nhiếp là một nhà trí thức đỗ đạt làm quan và được bổ nhiệm đến Giao Chỉ để cai trị, tất nhiên ông ấy mang những khuôn vàng thước ngọc của phương Bắc áp dụng vào đất An Nam. Do vậy có thể đoán trường học được tổ chức theo mô hình của xã hội Trung Hoa vào thời đó, với nội dung “Tứ thư – Ngũ kinh,” và sĩ tử học hành để mong sao khi thành tài thì được tuyển dụng đi chăn dân trị nước.

Tứ thư bao gồm bốn quyển là Đại học, Trung dung, Luận ngữ, và Mạnh tử. Còn ngũ kinh là Kinh Thư, kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Dịch, và Kinh Xuân Thu.

Tóm tắt nội dung của Tứ thư và Ngũ kinh:

Đại học: học để thành bậc đại nhân với nội dung chủ yếu là tu nhân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Trung dung: nói về cách giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập và phải cố gắng ở đời theo theo năm phẩm chất của  người quân tử là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. 

Luận Ngữ: là sách sưu tập ghi chép lại những lời dạy của Khổng Tử và những lời nói của người đương thời, dạy đạo quân tử một cách thực tiễn và miêu tả tính tình đức độ của Khổng Tử để làm mẫu mực cho người đời sau noi theo.

Mạnh Tử: lý luận rằng bản chất của con người là tốt cho rằng “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Và Mạnh Tử chỉ ra rằng để trở thành một con người có lý niệm, người đó cần phải giữ được 4 tiêu chuẩn, lòng trắc ẩn, sự hổ thẹn, tâm khiêm nhường, tâm thị phi, nền tảng tạo thành bốn đức tính của lòng nhân từ, nghĩa khí, lễ nghi, và trí tuệ. 

Kinh Thi: sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nói nhiều về tình yêu nam nữ.

Kinh Thư: ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử.

Kinh Lễ: ghi chép các lễ nghi thời trước. Khổng Tử hiệu đính lại mong dùng làm phương tiện để duy trì và ổn định trật tự trong xã hội. 

Kinh Dich: nói về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái…

Kinh Xuân Thu: do Khổng Tử ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê của ông, chọn lọc các sự kiện, ghi kèm các lời bình, sáng tác thêm lời thoại để giáo dục các bậc vua chúa.

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/i-to-p/ly-thanh-phuong/

You may also like

Verified by MonsterInsights