TRUNG NAM
Giới thiệu
Thú chơi ngọc thạch (Jade) bắt đầu từ hàng ngàn năm qua, từ Trung Quốc cho đến châu Âu. Các loại ngọc được xem là biểu tượng của sự quý phái, quyền lực, và tinh tế.
Người Tàu xem ngọc là vật quý, có sự huyền diệu, hội đủ năm đức tính cơ bản của con người là nhân, lễ, nghĩa, trí, dũng. Do đó ngọc được tôn sùng, và chỉ có các nhà quyền quý mới có ngọc. Vua chúa dùng ngọc làm biểu tượng cho quyền lực, địa vị như ngọc tỷ (con dấu riêng của vua dùng cho việc đóng dấu các văn kiện quan trọng).
Theo tục lệ ở Trung Quốc ngày xưa, người ta đặt một viên ngọc vào trong miệng người mất, vì họ tin rằng ngọc sẽ bảo vệ xác chết, giữ cho thân thể người quá vãng mãi mãi nguyên vẹn, mang lại phúc lành. Ngọc này được gọi là Grave Jade (ngọc dưới mộ).
Trong các ngôi mộ cổ được khai quật gần đây ở miền Trung Trung Quốc, người ta tìm thấy rất nhiều ngọc thạch. Có một điều hết sức lạ là ở những mộ có nhiều ngọc thạch chôn theo, xác chết vẫn còn nguyên vẹn dù đã được chôn cách đây hơn 2.000 năm.
Một điều lạ nữa là những viên ngọc chôn một thời gian dài dưới mồ ấy sau khi đào lên có sự biến đổi khác thường:
Bạch ngọc từ trong suốt trở nên trắng đục hơn, từ bên trong ửng lên các vân màu hồng, giống như những sợi chỉ máu.
Cẩm thạch từ màu xanh lục biến thành sẫm hơn, ửng hồng như nhuộm với máu. Riêng hồng ngọc, hoàng ngọc, lam ngọc… màu sắc cũng sẫm thêm nhưng khi đặt dưới ánh sáng mặt trời hay ánh sáng đèn, chúng rực lên một thứ ánh sáng lung linh kỳ dị, như từ một cõi u minh nào đó.
Người ta cho rằng, những viên ngọc đó đã thấm máu và tinh khí từ cơ thể người, hay đúng hơn là thấm hồn người chết. Do đó nó càng trở thành vô giá, cực kỳ linh thiêng.
Tương truyền Từ Hy Thái Hậu luôn giữ được sự tươi trẻ, uy nghiêm lúc sắp mất là nhờ ngọc thạch. Bà được một nhà sư Tây Tạng chỉ cách dùng ngọc để giúp làn da mãi tươi tốt, dù về già không có nếp nhăn.
Người ta cho rằng sự tươi trẻ đó một phần cũng nhờ hai viên bạch ngọc thuộc loại quý hiếm nhất, có kích cỡ bằng quả trứng mà thái hậu luôn mang theo người. Chính các Lạt ma bảo đảm với Thái hậu rằng, khi nào bà còn giữ được hai viên bảo ngọc đó trong người thì sinh lực sẽ luôn dồi dào, đẩy lùi được mọi bệnh tật…
Truyền thuyết trên đúng hay sai cho đến nay chưa ai chứng minh được. Nhưng người Trung Quốc ngày nay vẫn tin rằng ngọc thạch có nhiều khả năng kỳ lạ, huyền bí, nên họ tiếp tục tôn sùng thứ bảo thạch đó và đem niềm tin và đam mê này truyền sang cho rất nhiều người trên thế giới.
Ngày nay người chơi ngọc tin rằng đeo ngọc vào người, sẽ giữ cho tâm thân cân bằng ying yang, thu hút vượng khí vào người.
Chi tiết về Ngọc thạch (Jade)
Có hai loại ngọc: ngọc cẩm thạch (Jadeite) và ngọc bích (Nephrite).
Ngọc cẩm thạch và ngọc bích có độ cứng khác nhau. Jadeite có độ cứng cao hơn Nephrite. Độ cứng Mohs của Jadeite là 7, còn độ cứng của ngọc bích dưới 6.5. Độ cứng cao nhất là kim cương, 10.
Ngọc Nephrite còn được gọi là ngọc cổ của Trung Quốc. Người Trung Quốc đã say mê và tôn sùng ngọc bích từ hơn 5,000 năm nay. Trong số dòng ngọc Nephrite, ngọc bích Hetian (ngọc Hòa Điền) đến từ Tân Cương và ngọc bích Nga là hai loại ngọc bích cao cấp nhất. Ngày xưa, Trung Quốc chỉ có ngọc bích (Nephrite) cho đến thế kỷ 18 mới có ngọc cẩm thạch (Jadeite) từ Miến Điện.
Ngọc bích Nephrite thường được tìm thấy dọc bờ biển, bờ sông ở New Zealand. Ngoài ra, ngọc Nephrite còn được tìm thấy ở Úc, Trung Quốc, Brazil, Nga, Đài Loan, Canada, Zimbabwe, Hoa Kỳ (Alaska, Wyoming) và Ba Lan. Ngọc Jadeite là loại ngọc quý hiếm hơn. Bề mặt của ngọc Jadeite bóng loáng hơn hẳn khi so với ngọc Nephrite. Sắc xanh cũng đậm hơn, khi chiếu qua ánh sáng có độ trong suốt đều màu.
Khu vực khai thác Jadeite chính trên thế giới là các tỉnh phía Bắc của Miến Điện, các mỏ này được khai thác từ hơn một nghìn năm nay. Các mỏ cẩm thạch nhỏ hơn còn được phát giác ra ở Guatemala (Metagau), Mỹ (Clair Cleed, tiểu bang California), Nhật Bản. Tuy nhiên, khối lượng khai thác không đáng kể và chiếm một thị phần rất nhỏ trên thị trường thế giới.
Nói đến cẩm thạch Jadeite và ngọc bích Nephrite thì người ta đều lấy những đặc tính nhất định để phân loại ngọc như màu sắc, độ trong, mức độ đồng điều màu, cấu tạo, hình dạng, kích thước, và độ bóng của ngọc. Nhưng trong đó màu sắc của ngọc được xem là quan trọng nhất. Trong nhiều thế kỷ, người ta nhầm lẫn Nephrite và Jadeite là cùng một khoáng chất và gọi chung là ngọc bích. Trong khi thực tế, chúng rất khác nhau về mặt hóa học.
Để phân biệt giữa ngọc Jadeite và ngọc Nephrite dễ nhất là theo màu sắc. Chúng ta đều quen thuộc nhất với màu xanh lục, nhưng ngọc có hầu hết mọi màu sắc của cầu vồng. Ngọc Jadeite có thể có màu trắng, xanh táo nhạt, hồng, và thậm chí là xanh đậm. Tất nhiên, màu có giá trị cao nhất là màu xanh đậm được gọi là “Imperial Green” (màu cánh chim con sa sả hay còn gọi là phỉ thúy) Ngọc Nephrite cũng có nhiều màu sắc khác nhau nhưng dải màu hẹp hơn, bao gồm cả màu xanh lục đậm đến nhạt và thậm chí là màu đen. Và do cấu trúc có hàm lượng magie cao, ngọc Nephrite có màu sắc đục hơn.
Ngọc bích xanh hoàng gia (Imperial Green Jade) được dùng để làm đồ trang sức, đồ trang trí, tượng nhỏ, đũa, đồ dùng trên bàn viết và thậm chí cả những đồ nội thất nhỏ bằng ngọc bích Trung Quốc. Ngoài việc là một loại đá quý, nó còn được dùng làm vật khảm trang trí trong các tác phẩm nghệ thuật khác như đồ trang sức bằng đồng mạ vàng hoặc vàng. Đối với Thế vận hội Olympic 2008 ở Bắc Kinh, mọi huy chương – vàng, bạc và đồng – đều được gắn một miếng ngọc bích.
Về giá trị ngọc thì ngọc Jadeite có giá trị cao hơn ngọc Nephrite, vì Jadeite hiếm và khó tìm, như trường hợp Ngọc Hoàng Gia. Nhưng nếu bạn có ngọc màu mỡ trừu (bạch ngọc dương chi, mutton fat jade) thì đắt giá hơn ngọc hoàng gia.
Trung bình thì trị giá ngọc thạch Jadeite từ $70.00 đến $400.00 cho mỗi karat (hay $100 hoặc $1000 cho một pound). Nhưng về ngọc hoàng gia thì có thể vài ngàn đô la cho mỗi karat.
Cuối bài, chúng tôi xin ghi lại những hình ảnh vài ngọc thạch có trị giá bán cao nhất.
Nguồn:
Ngọc Gia Trang
Sức Khỏe và Đời Sống
Eva
Rarest Org
Jade Artisan
Marchant
Chopsuey Club