LÊ NGUYỄN
LTG: Vườn Bách Thảo Sài Gòn (Jardin botanique), tiền thân của Thảo Cầm Viên Sài Gòn ngày nay, được ra đời ngày 23/3/1864. Với tuổi đời hơn 160 năm, công trình này được xem là một trong những Thảo cầm viên lâu năm nhất trên thế giới.
Trong khoảng thời gian dài đó, Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã chứng kiến những bước thăng trầm của thành phố thuộc địa đầu tiên trong vùng đất Đông Dương, lần hồi biến thành một khu vực trù phú của cả vùng Đông Nam Á.
Ngày nay, Thảo Cầm Viên Sài Gòn được xem là “lá phổi xanh” ngay trong lòng thành phố, là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc hàng trăm loài động thực vật, trong đó có những chủng loài quý hiếm trên thế giới. Hàng năm, Thảo Cầm Viên Sài Gòn đón tiếp hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến với nhiều mục đích khác nhau, để dạo chơi, thăm thú, hoặc tiến hành nghiên cứu các loài động thực vật đa dạng tại đây.
Xin mời bạn đọc ngược dòng thời gian, trở về những năm tháng đầu tiên của Thảo Cầm Viên Sài Gòn với những trở ngại, khó khăn to lớn, và nỗ lực vượt qua của chính quyền thuộc địa cùng các nhà khoa học đương thời.
***
Vào những thế kỷ XVIII-XIX, Nam kỳ còn là một vùng đất bị hoang vu nhiều nơi, sông ngòi chằng chịt, thú dữ sống thành đàn trong những khu rừng không xa thị trấn Sài Gòn [khi đó còn gọi là thị tứ Bến Nghé].
Thời đó, cư dân vùng Bà Điểm – Hóc Môn đêm đêm mang trầu cau xuống bán tại Sài Gòn phải đi thành từng đoàn đông người, đèn đuốc đốt sáng rực, nếu không, họ có thể trở thành nạn nhân của loài cọp dữ. Câu chuyện về sự lộng hành của chúa sơn lâm tại chợ Tân Kiểng (vùng Chợ Quán ngày nay) và hành động tay không đánh cọp của hai nhà sư tại đây chứng tỏ đời sống hoang dã rất gần với sinh hoạt của cư dân Sài Gòn.
Điều đáng nói là ngay những năm đầu tiên thiết lập chế độ thuộc địa tại đây, trong lúc còn phải bận tâm đối phó với các cuộc nổi dậy của nghĩa quân Việt, thực dân Pháp cũng không quên phát triển các cơ sở công ích, phục vụ nhu cầu tìm hiểu, giải trí cho đoàn quân thuộc địa sống xa nhà.
Ngày 23/3/1864, Thống đốc De La Grandière ký nghị định thành lập Vườn bách thảo (Jardin Botanique), tiền thân của Thảo Cầm Viên Sài Gòn ngày nay. Nghị định tạm giao cho bác sĩ thú y Germain nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc việc xây dựng và quản lý khu vườn rộng 12ha nằm cạnh rạch Thị Nghè, trong lúc chờ đợi bổ nhiệm chính thức một viên chức thuộc địa làm giám đốc cơ sở này.
Sau khi hoàn tất bước đầu việc xây dựng Thảo cầm viên, chính quyền thuộc địa thiết lập tại đây một vườn ươm để cung cấp cây giống, phục vụ chương trình trồng cây dọc theo các đại lộ ở Sài Gòn. Họ cũng không giấu giếm ý định dùng nơi đây làm điểm nuôi dưỡng hay tập kết để đưa về chính quốc những động, thực vật vùng nhiệt đới mà các thảo cầm viên của Pháp đang thiếu hay không có. Tờ báo Courrier de Saigon (Tây Cống nhật báo) số ra ngày 20/1/1865 đã viết về một trong những mục tiêu thành lập Thảo cầm viên là: “nhằm trang bị cho các vườn bách thú Pháp một số lượng lớn những động vật từ lâu còn thiếu hoặc chỉ sống sót trong một thời gian ngắn. Chấm dứt tình trạng thiếu thốn những loài chim có ích trong khu vực thuần hóa ở Paris...”
Những ngày đầu năm 1865, việc bố trí thú rừng đã hoàn tất, từ thời điểm này, cơ sở trên đã có vai trò của một Thảo cầm viên chứ không đơn thuần là Vườn bách thảo nữa. Đúng như tinh thần nghị định ngày 23/3/1864, bác sĩ thú y Germain chỉ giữ vai trò tạm thời trong lúc xây dựng và hoàn chỉnh cơ sở ban đầu. Người chính thức nắm giữ trách nhiệm điều hành Thảo cầm viên chính là nhà thực vật học Pierre, một nhà khoa học có nhiều công sức đóng góp vào sự phát triển cơ sở này.
Ngày 15/12/1867, Thống đốc Nam Kỳ De La Grandière ban hành nghị định số 183 nhằm chấn chỉnh tổ chức và điều hành Thảo cầm viên. Nghị định dự liệu việc đặt cơ sở này dưới sự quản lý của Hội đồng thành phố Sài Gòn, với một ngân khoản điều hành 21 ngàn quan Pháp/năm, do ngân sách thuộc địa cung cấp. Ngày 17/2/1869, Phó Đô đốc G. Ohier, Quyền Thống đốc Nam kỳ, ký nghị định số 33, thành lập một Ủy ban thường trực do Philastre, công chức ngạch thanh tra các vấn đề bản xứ (ínpecteur des affaires indigènes), làm chủ tịch, để giám sát việc chi tiêu tại Thảo cầm viên, bảo đảm không vượt quá mức dự chi.
Vào thời điểm này, chi phí hàng năm của Thảo cầm viên được nâng lên 30 ngàn quan Pháp/năm, gồm:
– Chi phí nhân viên (1 giám đốc, 1 trưởng bộ phận làm vườn, 4 thợ làm vườn và 20 nhân công bản xứ): 20.800 quan.
– Chi phí vật tư: 9.200 quan.
Cũng theo nghị định trên, từ thời điểm này, Thảo cầm viên mở cửa thường trực cho công chúng vào xem. Gần năm tháng sau, đúng vào ngày Quốc khánh của Pháp (14/7/1869), Ohier lại ký nghị định số 138 quy định việc nhượng hạt giống và cây giống cho tư nhân và các cơ sở chính quyền với giá cả tùy theo chủng loại. Một kho chứa hàng mẫu được đặt tại Nha Đổng lý Nội vụ, công chúng có thể đến đó xem mặt hàng và mua.
Về sau, khi nhu cầu xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp tăng lên (năm 1862, chỉ riêng mặt hàng gạo xuất khẩu qua cảng Sài Gòn là 42.470 tonneau), diện tích 12ha của Thảo cầm viên không đảm bảo cho việc tạo giống và thử nghiệm đáp ứng đủ yêu cầu phát triển nông nghiệp, ngày 18/2/1875, Thống đốc Nam kỳ Duperré ký quyết định thành lập Trại thực nghiệm Mares rộng 42ha, kết hợp với 40ha khác vừa thuộc đất công vừa thuộc đất tư.
Năm 1876, trại này đã trồng thử nghiệm cây mía đường, cây bông vải, cây tràm, cây đay, cây tầm ma, cây dong… và đến ngày 31/12/1877, đã cung cấp 144.430 cây cà phê, 1.600 cây xoài, 240 cây gỗ teak và trên 1 triệu cây mía đường cho ngành nông nghiệp. Riêng Thảo cầm viên, trong nửa đầu năm 1877, đã cung cấp 13.347 cây các loại, gồm cây cảnh, cây trồng ở đồn điền, cây ăn trái. Không rõ bao nhiêu cây đã được gửi về chính quốc.
Về hệ thực vật của Thảo cầm viên trong những ngày đầu, sẽ là một thiếu sót lớn nếu không kể đến một nguồn ngoại viện quan trọng đến từ Nhật Bản vào năm 1865. Nhờ sự vận động của một viên chức Pháp tại Nhật, chính phủ nước này đã cung cấp cho Thảo cầm viên Sài Gòn khoảng 900 giống cây, phần lớn chưa có tại đây. Đấy là những loại cây thân rất thẳng, vươn lên rất cao và đạt đến một kích thước rất lớn, mang tên Nhật Latinh hóa như: Chizagnamatz, Goyamatz, Acamatz, Coromatz, Kayanoki, Kayamaki, Enoki, Maki, Asoumaro, Sengni, Momi, Cashi, Kiaki, Inoki…
Ngoài ra, còn có những giống cây: cam lùn, hoàng liên gai, hồng, hoa tú cầu, dương mai… trồng trong khuôn viên dinh Thống đốc…
Về động vật, Thảo cầm viên Sài Gòn nằm trong một khu vực có nhiều rừng với một hệ động vật miền nhiệt đới khá phong phú. Theo bác sĩ J.C. Baurac, tác giả quyển “La Cochinchine et ses habitants” (Nam kỳ và cư dân – Saigon 1894), thì vùng Nam kỳ thế kỷ XIX có nhiều chủng loại thú 4 tay (quadrumane), nhiều nhất là khỉ, vượn, thú bộ dơi (chiroptère) và các loài ăn thịt như cọp, báo, gấu, chó, mèo…
Nhờ đó, ngay trong những năm hoạt động đầu tiên, Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã có khá đông đúc thú các loại: loài chim có gà lôi, sếu, cò, diều hâu, gà nước, cu gáy, hồng hoàng, công…; loài có vú gồm hươu, nai, cọp, khỉ, chồn hương…; loài bò sát có tắc kè, rùa… Một số loài được thực dân Pháp đưa về chính quốc để thuần hóa.
Chính quyền thuộc địa cũng kêu gọi tư nhân tặng cho Thảo cầm viên những loài vật họ đang nuôi và đã nhận được nhiều động vật như chồn ngân hương, gà rừng… Mặt khác, nhiều giống thú lạ cũng được đưa từ các thuộc địa khác của Pháp tới, nhiều nhất là từ Cambodge (Campuchia) như loài cọp lông xám đốm đen, rùa to, công có mào, sếu, gà lôi xanh, chim cú lợn…Ngày nay, số lượng động thực vật tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn ngày một gia tăng, trong đó có nhiều loài thú quý hiếm do được biếu tặng hay trao đổi với các nơi trên thế giới. Nơi đây đã gắn bó với những thăng trầm của một thành phố lớn và với nhiều thế hệ người Sài Gòn…