Thầy giáo làng, kỳ 14

by Tim Bui
Thầy giáo làng, kỳ 14

NGUYỄN TRỌNG HIỀN

Sáng hôm sau, người chủ quán đem đến cho Tâm vài quyển sách gói kỹ trong một miếng vải vuông.

“Thầy Tâm, người hầu của cô tiểu thư yêu cầu tôi đưa gói này cho thầy.” 

“Xin đa tạ ông chủ quán.”

Chàng đang định hỏi người hầu đang còn chờ hay đã đi về rồi, nhưng người chủ quán nói ngay.

“Chị hầu đi về ngay sau khi trao gói này cho tôi.”

Tâm lật đi lật lại gói sách trước khi tháo dây buộc ra. Bên trong có hai quyển sách giáo khoa bằng tiếng Pháp, với một mẩu giấy nhỏ kẹp giữa bìa và trang đầu của một trong hai quyển. 

Với nét chữ tuyệt đẹp mà chàng nhận ra ngay, nàng viết:

‘Em viết những dòng này thật nhanh để cho chàng biết rằng em không được phép tiếp tục gặp chàng và giúp chàng học tiếng Pháp nữa. Em sẽ tìm cách để gặp chàng, nhưng em không biết khi nào. Trong khi chờ đợi, chàng hãy dùng những quyển sách này để học.’
‘Đi biển với chàng khiến em không thể quên  ngày hôm qua được. Những kỷ niệm này đã làm cho em không hoàn toàn khổ sở. Chàng đừng lo lắng về em, và hãy cố giữ mình.’
‘Giang’

Tên của nàng bị hơi nhòa đi bởi một giọt nước rơi trên trang giấy. Tâm hình dung nàng cố viết trong khi đang khóc, và tự trách đã để cảm xúc lấn át sự phán đoán của mình. Chàng biết chuyện sẽ đi đến nước này, và đáng lý ra chàng phải thôi không gặp nàng sớm hơn. Nhưng vì ích kỷ và không suy nghĩ, chàng đã coi thường tất cả những dấu hiệu cảnh cáo, và dẫn nàng vào con đường đáng tiếc này.

Trường Quy

Kể từ đời nhà Lý (1010-1225), thi cử được dùng để tuyển chọn quan lại cần thiết cho việc điều hành quốc gia. Lẽ tất nhiên, vượt qua các kỳ thi không phải là phương cách duy nhất để có được chức vụ trong chính quyền. Có người không bao giờ đi thi, hay không bao giờ thi đỗ, nhưng vẫn có thể được nhà Vua hoặc các quan chọn cho giữ những chức vụ quan trọng, Họ chỉ cần có liên hệ gia đình hoặc đã thực hiện những công trạng phi thường cho chế độ hay cho xứ sở.

Ngoại trừ phụ nữ và nhạc sĩ là những kẻ bị cấm đi thi, nói chung thi cử là con đường cho tất cả những ai muốn có một sự nghiệp có lương bổng trong chính quyền. Được làm quan là mục tiêu quan trọng nhất trong đời của nhiều người. Để theo đuổi mục tiêu đó, họ được cha mẹ hoàn toàn hỗ trợ khi còn trẻ, và của người vợ sau này, nếu có, sau khi lập gia đình.

Ngay cả những gia đình không mấy khá giả cũng khuyến khích con trai học hành trong nhiều năm trời trong khi những người còn lại trong gia đình phải làm việc cực nhọc và vất vả để cung phụng cho những sĩ tử ấy cho tới khi thi đỗ.

Trong trường hợp thí sinh có vợ, người vợ thường sẵn sàng chịu cực nhọc và đủ mọi thiếu thốn để chồng không phải làm gì khác ngoài chuyện học hành. Mỗi khi chính quyền tổ chức kỳ thi ở bất cứ nơi nào, các thí sinh phải dùng số tiền mà vợ mình đã dành dụm để đi đến trường thi, có khi ở những nơi khá xa nhà. Tại đó họ tốn cả mấy tuần lễ hoặc mấy tháng để dự thi và chờ đợi cho tới ngày kết quả được chính thức công bố. Nếu thi trượt, thí sinh sẽ trở về nhà tiếp tục học và vẫn nương tựa vào gia đình trong khi chờ đợi một kỳ thi khác.

Trên nguyên tắc, bất cứ người đàn ông nào muốn làm quan cũng có thể học rồi tham dự một loạt các kỳ thi để xác định mình có đủ tiêu chuẩn để phục vụ ở cấp địa phương, tỉnh, hoặc quốc gia hay không.

Không ai sinh ra là quan. Tuy nhiên, kẻ nào may mắn được đầu thai vào một gia đình quan lại khoa bảng thì ắt sẽ có phương tiện để học hành và tham dự các kỳ thi cử.

Ở kinh thành Huế, trường Quốc Tử Giám do nhà Nguyễn thiết lập là trường học cho các tôn sinh (con cháu hoàng tộc), ấm sinh (con cháu các quan triều đình), và học sinh (con cháu thường dân). Mọi người học ở đó đều được cấp tiền lương và khẩu phần gạo trong suốt thời gian đi học. Trừ khi phạm tội nặng, những kẻ xuất thân từ Quốc Tử Giám được đảm bảo sẽ giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền, nhất là nếu thi đỗ cao trong các kỳ thi.

Ngược lại, con các gia đình nghèo ít khi có cơ hội hưởng nền giáo dục cần thiết để đi thi. Đối với họ, việc thoát khỏi đời sống nghèo nàn của cha mẹ là một điều có thể thực hiện trên lý thuyết, nhưng trên thực tế rất khó đạt được. 

Tại nhiều nơi trong nước có ngôi trường làng để cho con cháu trong làng đến học. Những người dạy ở đó thường là những kẻ đã không thi đỗ những kỳ thi Hương hay thi Hội. Cũng có thể người thầy giáo làng đã thi đỗ nhưng đã chọn nghề dạy học thay vì tham gia chính quyền. 

Trường làng là nơi đào tạo nhiều học giả nổi tiếng. Những người đó không phải chỉ đỗ đạt vẻ vang mà còn trở thành những kẻ lãnh đạo tài giỏi nhất về hành chính hoặc về quân sự trong lịch sử. Tuy nhiên trường làng là những cơ sở tư nhân không được chính quyền tài trợ, và các thầy giáo làng phải tùy thuộc vào gia đình học trò trả học phí bằng tiền bạc hay bằng hiện vật.

***

Chế độ thi cử tại Việt Nam bắt nguồn từ mô hình của Trung Quốc về cả hình thức lẫn nội dung. Trước thời nhà Lý, các học giả Việt Nam phải đi sang Trung Quốc để dự những kỳ thi được tổ chức bên đó. Hoàng đế Trung Quốc ấn định số người Việt được phép sang Tàu để đi thi.

Để tránh sự kỳ thị đó, kể từ thời nhà Lý, các kỳ thi được tổ chức tại Việt Nam, với những sự sửa đổi và điều chỉnh mô hình Trung Quốc tùy theo sở thích và khuynh hướng của nhà Lý. Mặc dầu vậy, chế độ thi cử vẫn giữ hầu hết những đặc tính của Trung Quốc  cho đến khi chính quyền Pháp bãi bỏ vào năm 1919, năm cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn.

Dưới thời nhà Nguyễn và trong hầu hết thế kỷ thứ 19, các kỳ thi được chia thành ba loại chính.  

Thi Hương được tổ chức tại thành phố quan trọng nhất của một vùng. Những thí sinh vượt qua tất cả các giai đoạn của kỳ thi Hương được gọi là Cử Nhân.

Tất cả các Cử Nhân trên khắp nước có thể đi dự kỳ thi Hội được tổ chức vài năm một lần tại kinh đô Huế.  Trong một số trường hợp hiếm hoi, những người có tài năng xuất chúng nhưng không vượt qua kỳ thi Hương vẫn có thể được triều đình cho phép đi thi Hội.

Những sĩ tử đỗ kỳ thi Hội được tham dự kỳ thi Đình, tổ chức ngay sau đó tại cùng một địa điểm tại kinh đô.

***

Thi Đình được coi như giai đoạn sau cùng của thi Hội, với mục đích xếp hạng các sĩ tử theo khả năng trí tuệ của mỗi người. Người nào vượt qua giai đoạn này được gọi là Tiến Sĩ. Những Tiến Sĩ đỗ cao nhất được triều đình cấp cho đất đai và được bổ nhiệm vào các chức vụ cao nhất như đại sứ và thượng thư. Những kẻ đỗ thấp hơn được bổ nhiệm vào các chức vụ kém quan trọng hơn nhưng vẫn được nhiều người thèm muốn như Tuần Phủ hay Tổng Đốc.

Kỳ thi Đình gồm có bốn giai đoạn, mỗi giai đoạn với một chủ đề đặc biệt.

Giai đoạn đầu tiên bao gồm Tứ Thư và Ngũ Kinh, những tác phẩm kinh điển của Trung Quốc. Giai đoạn này nhằm khảo sát sự hiểu biết sâu rộng của mỗi thí sinh về chín tác phẩm này.

Giai đoạn thứ hai liên quan đến loại thơ cổ điển của Trung Quốc và thơ văn xuôi. Giai đoạn này có mục đích khảo sát tài viết thơ của mỗi thí sinh trong khuôn khổ các quy luật chặt chẽ về cấu trúc và quy tắc câu thơ.

Trong giai đoạn thứ ba, thí sinh viết bài luận về các đề tài văn học cổ điển Trung Quốc để chứng minh kiến ​​thức của họ về lịch sử và chính trị Trung Quốc, cũng như sự quen thuộc với các bài bình luận của những học giả nổi tiếng trong lịch sử.

Giai đoạn thứ tư đòi hỏi một bài luận căn cứ trên một câu hỏi về các đề tài lịch sử hoặc thời sự mà nhà Vua đang quan tâm đến.

Muốn thi đỗ thí sinh phải vượt qua cả bốn giai đoạn và có ít nhất số điểm tối thiểu cho mỗi giai đoạn. Ban đầu có bốn điểm: xuất sắc, khá, đạt, và trượt. Về sau, hệ thống điểm được thay đổi sang thang điểm chính xác hơn từ 0 đến 10. Thời Pháp thuộc, thang điểm đổi thành từ 0 đến 20. Điểm của cả bốn giai đoạn được cộng lại với nhau để xác định thứ hạng của mỗi thí sinh.
Thí sinh không vượt qua một số giai đoạn nhưng cũng không vi phạm trường quy có thể được bổ nhiệm vào những chức vụ nhỏ và sẽ được cho phép thi lại trong những năm về sau.

Mặt khác, những thí sinh bị loại trong tất cả bốn giai đoạn hoặc bị coi là hoàn toàn không đủ tiêu chuẩn có thể bị tước bỏ chức vụ và bị cấm tham gia các kỳ thi trong tương lai. Các viên chức địa phương đã không chọn lọc kỹ càng các thí sinh đó và cho phép họ đi thi cũng sẽ bị phạt kỷ luật.

Thi trượt ở cấp địa phương, tỉnh, hay tại kinh thành, có nhiều nguyên do, từ việc chuẩn bị không đầy đủ, học hành thiếu sót, hay không đủ khả năng để ghi nhớ những kinh điển và những lời bàn của các nhân vật lịch sử.

Các kỳ thi không đòi hỏi thí sinh phải có trí óc sáng tạo hay tư tưởng độc đáo, và ngay từ khi còn nhỏ tuổi thí sinh đã luôn luôn phải học thuộc lòng. Nhưng thi đỗ không phải là một chuyện dễ ở bất cứ cấp nào, và đã có nhiều học giả lỗi lạc và nổi tiếng không thể nào thi đỗ mặc dầu đã đi thi nhiều lần, ngay cả đến khi đã già rồi.

Vì việc thi cử gắn bó chặt chẽ với những quyền lợi và quyền lực mà những kẻ thi đỗ đương nhiên được hưởng, có rất nhiều phương cách để gian lận trong tất cả các kỳ thi. Qua nhiều thế kỷ, con người đã sinh ra rất nhiều mánh khóe và lề lối để đương đầu với những đòi hỏi của kỷ luật trường thi. Ngược lại, những kẻ hay định chế quản trị trường thi cũng phải đặt ra những quy tắc và thủ tục cần thiết để đánh bại những kẻ cố tình gian lận.

Đi thi mà mang theo mảnh giấy trên đó có viết sẵn bất cứ chữ gì là một hành vi phạm tội nghiêm trọng. Thí sinh và tất cả những đồ vật mang theo vào trường thi đều bị khám xét kỹ càng. Ngay cả một mảnh giấy với những chữ vô thưởng vô phạt trên đó cũng làm cho thí sinh bị đánh đòn, lập tức bị truất quyền dự thi, và bị đuổi ra khỏi trường thi.

Sau khi vào trường thi, các thí sinh tuyệt đối không được giao tiếp với nhau, bằng lời nói hay bằng bất cứ cách nào khác. Để đảm bảo quy tắc này được thi hành nghiêm ngặt, tại những kỳ thi Hương mỗi thí sinh ngồi trong một túp lều mà chính mình dựng lên trong khu vực trường thi. Những túp lều được bao quanh bởi một bức tường với nhiều vọng gác trong đó có lính canh.

Vì có ít thí sinh hơn, các kỳ thi Hội và thi Đình thường được tổ chức tại một cung điện trong hoàng thành. Mỗi thí sinh được chỉ định một căn phòng nhỏ, được cung cấp chiếu để ngồi và một bàn gỗ nhỏ để viết. Họ bị quan và lính canh theo dõi còn chặt chẽ hơn là các thí sinh đi thi Hương.

Thỉnh thoảng thí sinh khá giả có thể thuê người khác đi thi hộ. Để tránh cách gian lận này, mỗi thí sinh phải khai tên, ngày sinh tháng đẻ, nơi sinh, và một số đặc điểm về tiểu sử của mình như chức danh hay chức vụ mà họ nắm giữ. Các chi tiết đó sẽ được dùng để xác định danh tính của mỗi thí sinh. Nếu có sự nghi ngờ nào, chính quyền địa phương phải viết giấy xác nhận danh tính của thí sinh.

Tuy nhiên vẫn có trường hợp thí sinh ngụy tạo nguồn gốc của mình để có thể đi thi tại một địa phương mà họ không có quyền dự thi. Các kỳ thi không được tổ chức hàng năm hoặc cùng một lúc trên toàn quốc. Vì vậy, thí sinh nào bỏ lỡ một kỳ thi nhưng không muốn phải đợi vài năm nữa có thể mang theo giấy tờ giả mạo và thử đi đến một địa phương khác để thi.

(Còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights