Thầy giáo làng, kỳ 16

by Tim Bui
Thầy Giáo Làng, kỳ 16

NGUYỄN TRỌNG HIỀN

Trịnh Dần, con trai của Toản, là một yếu tố khác mà vị Thượng Thư phải cân nhắc. Anh chàng đó là con trai duy nhất của ngài, đứa con út sau một chuỗi con gái mà ngài đã gả cho những chàng rể xứng đáng nhất trong kinh thành. Cậu ấm Dần thừa hưởng từ mẹ mình một cơ thể cường tráng cùng với một trí óc kém minh mẫn. Mặc dầu Toản đã tốn cả công lẫn của, bao gồm cả việc thuê một số gia sư, để dạy dỗ Dần, cậu ấm vẫn không thể nào được coi là một học giả, và không thể nào đi dự bất cứ kỳ thi nào.

Dần tự cho mình là một võ sĩ, nhưng chỉ dành một phần thời giờ để tập luyện với vệ sĩ của cha mình. Thời gian còn lại, anh ta tiệc tùng và đi khắp kinh thành để tán tỉnh những thiếu nữ thuộc mọi tầng lớp xã hội, kể cả những cô nàng được che chở bởi phong tục và truyền thống gia đình.

Ngài Thượng Thư không muốn đi sâu vào vấn đề này vì chính bản thân ngài đã từng lăng nhăng khắp nơi hồi còn trẻ, tuy ngài đã sớm biết chấm dứt lối sống như vậy. Giờ đây, ngài phải tìm cách làm cho cậu con trai ổn định cuộc sống. Nếu quả thực Dần phải lòng một trong hai cô con gái của Bonneau, có lẽ anh chàng sẽ từ bỏ cuộc sống phóng đãng của mình. Ngài sẽ trở thành một đồng minh quan trọng của người Pháp khi cậu ấm của ngài làm con rể của một trong những người Pháp có ảnh hưởng nhiều nhất tại Việt Nam.

Một ý nghĩ thoáng chạy qua đầu của vị thượng thư già. Sẽ tuyệt vời biết bao nếu Bonneau bị tước mất anh thầy giáo làng trong khi một trong hai cô con gái của y, hay cả hai cô không chừng, bị quyến rũ bởi cậu con trai của ngài. Thời còn trẻ, Toản tự coi mình là nỗi kinh hoàng cho các gia đình quyền quý tại kinh đô có con gái đến tuổi lập gia đình, và giờ đây cậu con trai của ngài đang tự tạo một thành tích tương tự như cha. Có lẽ lần này ngài có thể giúp đỡ con trai mình một ít. Nghĩ vậy, một nụ cười từ từ hiện lên mặt ngài và làm cho cô vợ trẻ rùng mình.

***   

Trời đã xế chiều và thầy Xinh đang ở trên thuyền đưa đi về nhà. Ông thầy tóc bạc trước tuổi ngồi gần mũi tàu, lẳng lặng nhìn dòng nước im lặng trôi qua. Xinh đã cạn kiệt năng lượng sau hai tuần lễ ở dinh thự Quan Lễ Bộ Thượng Thư. Ngoại trừ một lần về nhà thay quần áo, ông ta không gặp gia đình và không một đêm nào ngủ yên giấc được.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, Xinh đã lễ phép từ chối không nhận tiền thù lao. Ngài Thượng Thư đã không nài nỉ và Xinh cảm thấy người nhẹ hẳn đi vì không muốn lương tâm cắn rứt thêm nữa nếu nhận thù lao cho việc ghê tởm mà mình đã làm.

Với tài giả mạo cừ khôi, Xinh đã sao chép một trang trong bài luận của chàng sĩ tử trẻ gặp trước đây trên cùng con sông Hương này. Trong khi sao chép, Xinh đã thay thế một ký tự trong trang bằng một ký tự khác lấy từ một trong vô số tên của nhà Vua. Ký tự mà Xinh lựa chọn có thay đổi nghĩa nguyên thủy của thí sinh, nhưng không làm cho đoạn văn trở thành vô nghĩa hay vô lý.

Người nào đọc sơ qua bài luận sẽ không nhận ra sự thay đổi do Thầy Xinh tạo ra. Điều quan trọng là bất cứ người giám khảo nào sẽ nhận ra ngay chữ phạm húy. Đó là một lỗi lầm rõ ràng mà bất cứ thí sinh nào cũng có thể tránh được dễ dàng nếu đã học thuộc lòng danh sá sách những tên cấm kỵ treo ở phía trước điện Cần Chánh. Lỗi lầm như vậy có thể và đã từng xảy ra, nhưng chắc chắn không phải với một người ở cấp độ thầy Tâm.

Xinh định đi về nhà và cố quên đi chuyện đó. Hắn sẽ không nói với mẹ, vợ hoặc con của mình về những gì mình đã làm cho ngài thượng thư. Hắn sẽ tiếp tục nghề dạy học, và sẽ không nói gì về điều đó với học trò của mình. Hắn sẽ tránh gặp hàng xóm và bạn bè.

Người duy nhất Xinh nói cho biết sẽ là người cha. Hắn sẽ đến bên mộ, thắp ba nén hương, quỳ xuống khấn vái, kể lại những việc mình đã làm và xin cha tha thứ cho hành động đó. Hắn sẽ không bao giờ đến thăm kinh đô nữa trong bất cứ trường hợp nào.

 “Thầy Xinh, hôm nay Thầy trầm ngâm nhiều đấy,” người lái đò lên tiếng nói chuyện. Người ấy chính là người đã chở Xinh và thầy Tâm ngược dòng nước mấy tuần trước. “Có gì đó đang làm phiền thầy không? Trông thầy giống như người đi đến một đám tang.” 

Xinh cười chua xót. Thực vậy, có kẻ nào đó sẽ chết hoặc bị trừng phạt nặng nề đến nỗi không còn muốn sống nữa.

“Tôi đang nghĩ về chuyện đời, và tôi thấy cuộc sống đôi khi buồn làm sao.”

“Những học giả như thầy luôn luôn để đầu óc trên mây,” người lái đò cười vang. “Thầy nên sống đời sống của bọn tôi và không phải lo lắng gì ngoại trừ làm sao có được bữa ăn cho ngày mai, ngày này qua ngày khác.”

“Bác lái đò ơi! Giờ phút này tôi chỉ muốn được như bác thôi.”

Có một hành khách khác trên con thuyền. Tuy người ấy không nhìn ai, Xinh biết người ấy không thể nào không nghe được câu chuyện. Người đó là một người đàn ông da ngăm đen, dáng người chắc nịch, đội một chiếc nón lá che gần hết khuôn mặt. Người ấy ngồi quay lưng lại với người lái đò, mặt hướng về phía bờ sông, cách xa người bạn đồng hành. Trước thái độ thiếu thân thiện của người đàn ông kia, Xinh nghĩ mình không nên nói gì nữa và tiếp tục cuộc suy tưởng thầm lặng của mình.

Xinh và người hành khách thứ hai rời đò cùng một chỗ và cả hai bắt đầu đi bộ trên con đường ngoằn ngoèo dẫn từ bờ sông đến làng của Xinh. Người lạ mặt đi theo Xinh từ xa, hầu như không gây ra tiếng động nào. Nếu không nhìn thấy người đó khi rời khỏi đò, Xinh chắc sẽ không biết có người ở phía sau mình.

Mặt trời lặn đổ bóng dài trên con đường xuyên qua rặng tre già rồi ra một con đường đất rộng. Con đường này băng qua vùng đất bỏ hoang và những cánh đồng lúa trải dài trên những ngọn đồi thấp thoai thoải. Ngôi làng của Xinh nằm ở một trong những thung lũng chưa nhìn thấy được ở đằng xa.

Xinh tự hỏi người bạn đồng hành thầm lặng biết ai trong ngôi làng của mình. Làng tiếp theo cách làng nhà thêm nhiều dặm nữa, và không lẽ người đàn ông kia lại lội bộ xa như vậy. Xinh muốn tỏ vẻ thân thiện và dự định quay lại hỏi người đàn ông đó đang đi đâu, nhưng lại thay đổi ý định vào giây phút cuối cùng. Có điều gì đó bảo anh phải cảnh giác và phòng thân.

Xinh về đến nhà khi màn đêm đã buông xuống. Không có một ánh sáng nào trong nhà vì gia đình thường đi ngủ sớm như mọi người khác trong làng. Lúc Xinh lên tiếng gọi và gõ cửa, người lạ đã đuổi kịp rồi nhưng tiếp tục đi vào bóng tối. Xinh thở phào nhẹ nhõm và chờ vợ ra mở cửa. Sau đó Xinh nghe thấy tiếng bà vợ gỡ thanh gỗ chặn cửa và cánh cửa mở hé ra. Khuôn mặt bà vợ nở một nụ cười.

Ngay trước khi bước vào nhà, Xinh cảm thấy đau đớn vô cùng từ phía sau lưng xuyên thẳng đến tim. Nó đau đến nỗi Xinh không thể thốt ra được một tiếng nào. Hình ảnh gia đình vụt qua tâm trí người thầy giáo làng đầu bạc. Thầy Xinh ngã quỵ và tắt thở trước khi cơ thể chạm đất.Bà vợ chưa kịp phản ứng thì kẻ lạ mặt đã bước qua người Xinh và, bằng một đường dao găm thần tốc, cắt cổ bà ta. Sau đó, người lạ mặt đi vào trong nhà và tiếp tục dùng cũng con dao găm ấy để sát hại hai đứa con và bà mẹ của Xinh. Sau chót hắn kéo xác Xinh vào trong và phóng hỏa cả bốn góc tường. Xong xuôi hắn chạy biến vào trong đêm tối. 

(còn tiếp)

Xem thêm
https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/thay-giao-lang-ky-15/

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights