TRẦN HỮU NGƯ
“… Vì đâu trăng vui nên trăng rụng xuống cầu…”
(Trăng rụng xuống cầu-Hoàng Thi Thơ)
Bây giờ nhắc lại cặp song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết (NC-NHT), chúng ta không khỏi tiếc nhớ. Dù thời gian ấy đã lùi thật xa, tưởng chừng như đã chôn vùi trong dĩ vãng, nhưng tiếng hát của cặp song ca này đã ghi đậm dấu ấn trong lòng người nghe từ những ngày Chiến tranh Việt – Pháp vừa chấm dứt cho mãi đến hai mươi năm sau khi chia cắt đất nước.
Ngọc Cẩm, một giọng ca trong veo, vút lên để Nguyễn Hữu Thiết “hụt hơi” chạy theo trong giai điệu Rumba-Boléro như một cuộc đuổi bắt ngoạn mục! Có thể nói đây là cặp song ca làm say mê hàng triệu con tim từ đầu năm 1955, và đã mở đầu cho những cặp song ca sau này như: Diễm Chi – Ngô Mạnh Thu, Như An – Jo Marcel, Từ Dung – Từ Công Phụng, Minh Xuân – Minh Phúc, Lê Uyên & Phương,… và sau này có thêm Khánh Ly – Trịnh Công Sơn… và sau này nữa có Thu Phương – Huy MC, và Phương Thảo – Ngọc Lễ…
Nhưng chỉ có Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết là cặp song ca bền vững (trong cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), chỉ có cái chết mới chia lìa đôi lứa!
Nhìn tên của những cặp song ca này, chúng ta mới thấy văn hóa của người Việt bao giờ cũng tôn trọng phụ nữ, tên nữ đứng trước nam! Trước và sau 1975 đều có những cặp song ca, nhưng đó là những cặp song ca “thời vụ,” thấy hợp thì hát chơi cho vui như: Hoàng Oanh – Trung Chỉnh, Thanh Tuyền – Chế Linh, Giáng Thu – Giang Tử, Mai Lệ Huyền – Hùng Cường… Chỉ có Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết là cặp song ca “biên chế,” và không trừ một vài ngoại lệ như chồng hát thì vợ phụ họa và ngược lại.
Năm 1954 hòa bình lập lại, người dân từ những vùng kháng chiến trở về làng cũ, bỏ lại sau lưng những núi non rừng rú, ghềnh thác, sông sâu, núi cao…, giã từ bệnh tật đói nghèo, dốt học, về lại đất xưa vườn cũ, nhà hoang. Đây là thời kỳ phải nói là rất êm đềm mà sau chín năm kháng chiến toàn dân phải trả bằng máu mới có được. Và cũng từ những ngày tháng đó, người người bắt tay xây dựng lại từ đầu trên những đống hoang tàn đổ nát sau chiến tranh.
Rồi những câu hò điệu hát ê a trong những đêm trăng sáng, sau những vụ mùa vất vả… tự biên tự diễn trong những buổi văn nghệ cây nhà lá vườn. Chán chiến tranh, người ta tìm giải trí với nhau qua những bài hát trữ tình dù rất ít ỏi như Lời người ra đi (Trần Hoàn), Sơn nữ ca (Trần Hoàn), Dư âm (Nguyễn Văn Tý)… Có thể nói rằng đây là ba ca khúc có mặt trong những hội hè đình đám nơi những làng quê vừa mới phục hồi sau chiến tranh thời bấy giờ. Hát mãi những ca khúc ấy rồi cũng có ngày… chán, rồi người ta đi tìm những bài hát khác nghe “câu được câu mất” trong chín năm kháng chiến như Phố buồn, Chiến sĩ vô danh của Phạm Duy, Hòn vọng phu của Lê Thương, Trăng mờ bên suối của Lê Mộng Nguyên…
Những năm tiếp theo, lẫn trong những ca khúc mang dáng dấp “chiến tranh”, có không ít ca khúc “thanh bình” xuất hiện và được mang đến cho người nghe từ khắp thôn làng qua hai giọng ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết với hai tác phẩm tiêu biểu: Gạo trắng trăng thanh và Trăng rụng xuống cầu của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Đây là hai ca khúc đẹp về ca từ lẫn giai điệu, mở đầu cho những bài “dân ca” sau này:
“… Trong đêm trăng tiếng chày khua
Ta hát vang trong đêm trường mênh mang
Ai đang xay chày buông lơi
Nghe tiếng vơi tiếng đầy
Ai đang đi trên đường đê
Tai lắng nghe muôn câu hò đê mê
Vô đây em dù trời khuya anh vẫn đưa em về…”
(Gạo trắng trăng thanh)
“ …Đêm nay bao con thuyền về đâu xuôi mái
Ai ca dưới trăng ngà
Gần xa vắn dài mái chèo khoan thai
Trên sông hai màu
Con thuyền về đâu
Ô hay sao trăng rụng xuống cầu…
Vì đâu trăng vui nên trăng rụng xuống cầu…”
(Trăng rụng xuống cầu).
Hai nhạc phẩm này đã đưa tên tuổi, giọng ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết đến khắp thôn làng và thành thị miền Nam và đây cũng là bệ phóng để cặp song ca khẳng định tên tuổi của mình, và cũng để mở đầu cho những cặp song ca tiếp theo sau này.
Nói đến Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết, người nghe nhạc cũng không quên nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, ông hoàng nhạc quê hương, hai nhạc phẩm Trăng rụng xuống cầu và Gạo trắng trăng thanh nằm trong chuỗi nhạc viết về quê hương. Chính vì quê hương mà nhạc ông cho dù lịch sử có thăng trầm, lòng người có ly tán… nó vẫn đứng được với thời gian, và người nghe nếu có dịp nghe lại vẫn cảm thấy xao xuyến như thuở ban đầu!
Hơn nửa thế kỷ qua, bây giờ với những xô bồ của đời sống, người nghe đã thừa mứa trước những dòng nhạc phổ thông, thị trường, nhạc nhảy… lẫn trong số này, có không ít những bài hát vô duyên và lạc lõng… Và có đôi khi chúng ta tìm về những dòng nhạc cũ, mà người nghe thường gán cho là nhạc “Tiền chiến” lẫn trong đó có “Nhạc vàng”.
Thôi thì, trước, trong, và sau… Chiến tranh nhạc nào cũng được, miễn đó là nhạc hay mà người nghe, nghe lại để nhớ về một cánh đồng thơm mùi lúa chín, một làng quê nghèo xa hun hút, những người thân yêu sum vầy bên mâm cơm và nơi đây đã từng cưu mang nuôi sống bao thế hệ cho dù nghèo khó và từ tổ tiên cho đến con cháu sau này, quyết bám đất mà sống bám ruộng mà nương thân, dù bây giờ chỉ còn trong… cổ tích!
Người Việt chúng ta ai cũng nặng lòng với quê hương, cho nên nhạc viết về quê hương bao giờ cũng trụ được với thời gian. Nhạc quê hương là thứ nhạc bình dân, ai ca cũng được, ai thuộc cũng xong, người nhà quê hình như chỉ có đôi tai là rảnh còn tất cả đều bận!
Vì vậy, khi nghe lại “16 tình khúc quê hương” của Hoàng Thi Thơ, Trần Hoàn, Hoàng Nguyên, Phạm Thế Mỹ, Phạm Duy, Văn Phụng, Văn Lương… do Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết song ca, ta thấy những tình cảm thiết tha dù tưởng chừng những vết thương như mới đâu đây, mặc dù chiến tranh đã lùi rất xa và những âm vang nghe đến nao lòng, những ca từ làm nên một bức tranh Việt Nam đẹp như một huyền thoại dù có lẫn máu và nước mắt.
Mở đầu hai CD này Nguyễn Hữu Thiết đã nói:
“… Quê hương này đớn đau, những dòng sông còn đó, ôm chặt những cánh đồng màu lúa đã héo úa bởi sự tàn phá của chiến tranh. Và dòng sông hiền Việt Nam đứng từ xa và trên cao trông giống như những vành khăn sô…”
Cặp song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết đã để lại trong lòng người nghe những nhạc phẩm viết về quê hương mang nỗi đau từ chiến tranh, những chia cắt đất nước và con người. Hơn nửa thế kỷ qua, những thính giả của thời ấy bây giờ nghe lại tiếng hát của cặp song ca này, trong lòng vẫn còn xúc động bồi hồi lẫn tiếc nuối một con sông, một cây cầu, một cánh đồng, một làng quê… bị chiến tranh tàn phá. Thời gian đã đi quá xa, Nguyễn Hữu Thiết và Ngọc Cẩm cũng đã không còn, nhưng tiếng hát của ông bà vẫn còn đó, trước kia, bây giờ và mãi mãi về sau.
Nguyễn Hữu Thiết còn là một nhạc sĩ, ông sáng tác trên dưới mười nhạc phẩm như: Dấu ấn một thời, Ai đi ngoài sương gió, Chàng là ai, Giọt mưa chiều nay hay nước mắt em, Gởi người tôi yêu, Hoa thương nhớ ai, Nàng xuân của tôi, Người đã đi rồi, Tình người còn đó, Kỷ niệm xa rồi…
Nếu tôi không lầm thì Nguyễn Hữu Thiết không hát nhạc của mình, không giống như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Lê Uyên & Phương…Và hình như tác giả hát nhạc của mình phần đông đều… không hay?! Nhạc ông, có những bài đứng được với thời gian, tiếc rằng người đời thường vô tình chỉ biết hát, biết thuộc, biết nghe và không biết… tên tác giả!
Trong giai điệu Slow:
“… Kỷ niệm ấy hôm nay xa rồi
Thời gian cuốn như dòng nước trôi
Còn đâu những giây phút bên nhau
Nhìn trăng lên trong những đêm thâu
Gửi tâm tư cho mây cùng gió…”
(Kỷ niệm xa rồi – Nguyễn Hữu Thiết)
Và trong một tình khúc Tango, ông như trải lòng với cuộc đời gió sương:
“… Trời thu mưa bay bay
Mà lòng ai như say
Hoa lá rơi đầy
Từng giọt mưa rơi rơi
Hòa nhịp tim chơi vơi
Gió cuốn mây trôi
Ai đi ngoài mưa…”
(Ai đi ngoài sương gió – Nguyễn Hữu Thiết)
Năm 1999 tôi đến thăm ông với tư cách là thính giả ái mộ. Lúc này đôi mắt ông không còn nhìn được. Ông say sưa nói về chuyện đời chuyện nghề, như thời gian theo học trung học ở Huế, nơi đây được một giáo sư người Pháp dạy xướng âm, sau 1945 hoạt động văn nghệ ở Chiến khu Tuyên Hóa (Quảng Bình)… Ông cũng là chứng nhân của thời cuộc và là con chim đầu đàn khi nền ca nhạc Việt Nam bước ra từ thời kỳ phôi thai và kết hôn với ca sĩ Ngọc Cẩm năm 1948, đến cuối năm 1953 ông bà rời Phan Thiết vào Sài Gòn và trở thành cặp song ca lừng danh thời bấy giờ.
Nguyễn Hữu Thiết qua đời ngày 31/10/2002 tại Saigon thọ 74 tuổi, Ngọc Cẩm cũng mất ngày 2/11/2020 tại Saigon, và tôi vì một chút hoài niệm, một kỷ niệm nhỏ khi nhớ về ông bà, xin mượn một bài hát của ông để kết cho bài viết ngắn này:
Kỷ niệm ấy hôm nay xa rồi
Thời gian cuốn như dòng nước trôi…
Thành kính nghiêng mình ngưỡng mộ cặp song huyền thoại, thắp nén nhang tưởng nhớ ông bà.