Thầy giáo làng – kỳ 12

by Tim Bui
Thầy giáo làng - kỳ 12

NGUYỄN TRỌNG HIỀN

Nàng lập tức đỏ mặt, nhìn xuống cát ngay sau khi câu ấy rời khỏi môi. Nhưng rồi nàng ngước mắt lên nhìn thẳng vào mắt chàng, chờ đợi câu trả lời.

“Không, chẳng có ai hết.”

Nàng lấy lại bình tĩnh và tiếp tục theo đuổi câu hỏi ban đầu. 

“Vậy tại sao em giống người Pháp? Có phải tại vì cách em đối xử với thầy không?”

“Tôi không có ý ám chỉ điều đó. Nhưng em khác hẳn bất cứ người Việt nào khác mà tôi từng biết. Em và tôi sống trong hai xã hội thật khác biệt. Ba em thì đứng ngay bên cạnh nguồn gốc quyền lực đằng sau ngai vàng. Cha của anh là một thầy giáo làng nghèo, chỉ để lại cho con ngôi trường và một số học trò lưa thưa. Em sống trong một biệt thự, trong khi tôi sống ở phía sau một trường làng nhỏ.”

“Chúng ta đến từ hai thế giới khác nhau và cơ duyên đã tạo ra hoàn cảnh gặp gỡ cho chúng ta. Nếu không có hai tên cướp, chúng mình sẽ không bao giờ biết nhau. Sợi dây giữa chúng ta hoàn toàn tình cờ. Nhưng, nó đã trở nên bền bỉ hơn mỗi ngày. Như trong Phật giáo dạy, chắc phải có nghiệp chướng gì đó trong kiếp trước đã khiến cho chúng ta gặp nhau trong kiếp này.”
Sau đó cả hai người im lặng một hồi lâu để suy nghĩ về những gì đã trao đổi cho nhau về cuộc sống của mình. Giang và Tâm đi bộ dọc theo bờ biển vô tận, hưởng cái mát mẻ của nước biển so với cát nóng. Những con chim hải âu lượn trên không và từng đám chim choắt nhỏ bay bổng lên hoặc đáp xuống quanh đây đó trên bãi cát.

“Em thích khái niệm nghiệp chướng này,” nàng nói. “Mạ em và những người bạn của bà hay nói đến nghiệp chướng trong lúc nói chuyện, mặc dầu họ không phải là tín đồ Phật giáo. Bây giờ em mới thấy tại sao.”

“Nhiều khi chỉ có nghiệp chướng mới giải thích được những cái gì, dù tốt hay xấu, xảy ra trong đời mình,” Tâm nói. “Như hiện nay thiên hạ nói rằng nước ta đang trải qua những thời kỳ khó khăn vì những điều mà tổ tiên ta đã gây ra cho vương quốc và dân tộc Chàm. Qua bẩy thế kỷ, các vua chúa và tướng lĩnh Việt Nam đã gần như quét sạch cả một nền văn minh trong cuộc Nam tiến của ta.”

Nàng chỉ có thể gật đầu đồng ý với chàng. Cái nóng và cái nắng gay gắt của mặt trời khiến hai người trở về dưới tán cây thông. Khi ngồi xuống Tâm để ý thấy có những vết phồng ở cả hai bàn chân của Giang. Chàng chỉ vào những chỗ đó.
“Giang, em không thể đi bộ về nhà được với những vết phồng đó.”

“Em biết, nhưng em nghĩ đến khi mình đi về những vết đó sẽ xẹp xuống và lành lại. Còn thầy, sao không thấy có vết phồng nào trên cả bàn chân?”

“Tôi đi bộ khắp nơi và lòng bàn chân đã cứng như da trâu,” chàng trả lời với đôi mắt lóng lánh. “Từ quê nhà đến kinh thành, tôi đi cùng với một nhóm sĩ tử khác. Một vài người trong bọn thuê người khuân vác riêng. Cả bọn phải đi bộ hàng ngày trong hơn một tháng mới đến nơi.” 

“Đó thật là một quãng đường quá dài! Bây giờ em mới thấy thầy chỉ còn toàn da bọc xương,” nàng trêu chọc chàng, rồi nói thêm. “Để em kể cho thầy biết về một điều mà em thấy ở bên Pháp, cái mà họ gọi là xe lửa. Đó là những đoàn xe dài chạy trên đường rầy bằng sắt, được kéo bởi máy sử dụng năng lượng từ một động cơ chạy bằng hơi nước. Cả gia đình em đi xe lửa từ hải cảng Marseilles đến thủ đô Paris. Xe chỉ cần khoảng một ngày để đi một quãng đường dài hơn nhiều so với con đường từ đây đến Hà Nội. Và mình có thể ăn ngủ trên tàu, và ngồi trên những cái ghế rất êm ái. Nếu nước ta có xe lửa, thầy đã không phải đi bộ lâu như vậy lên đến đây thi.”

“Tôi có nghe đến những xe đó, nhưng chưa bao giờ gặp một người nào đã đi trên một chuyến xe như thế.”

“Thầy chưa đi thăm miền Nam đấy. Cha em nói họ bắt đầu xây dựng đường xe lửa đầu tiên ở đó vào năm 1881. Bốn năm sau đã có những hành khách đầu tiên đi xe lửa từ Sài Gòn đến Mỹ Tho. Còn ở Âu Châu họ đã bắt đầu có loại xe không phải do ngựa kéo mà do máy móc, hay là động cơ tương tự như những động cơ kéo xe lửa, nhưng nhỏ hơn nhiều. Cha em nói sẽ chẳng bao lâu những xe đó, gọi là xe ô tô, sẽ xuất hiện ở Sài Gòn.” 

Tâm chỉ có một khái niệm mơ hồ về những điều Giang đang mô tả, nhưng chàng muốn nghe thêm.

“Em hãy kể thêm về những gì có bên đó mà mình không có bên này.”

“Để em nghĩ,” nàng nói và dừng lại một lát. Nàng cố nhớ lại, đôi mắt nhìn xuống trước khi tươi tỉnh lại và tiếp tục.

“Thiên hạ ở bên Pháp bàn tán rằng có người đã phát minh và đang chế tạo những máy có thể bay được. Họ nói vào thế kỷ thứ 20, loại máy đó sẽ chở được nhiều người, sẽ đi nhanh hơn xe lửa, sẽ bay cao hơn mấy con chim mà mình nhìn thấy đang bay trên cao ngoài kia, và có thể còn cao hơn cả các tầng mây trên trời.” 

Cả hai nhìn lên trời, cố tưởng tượng những máy bay đó sẽ trông như thế nào trên nền trời xanh. Những máy đó sẽ có cánh không? Tâm không biết. Chàng còn chẳng biết xe lửa trông như thế nào.

“Cô Giang, tôi thật khâm phục kiến thức của cô về thế giới bên ngoài.”

Hài lòng với lời khen, Giang mỉm cười, ngẩng mặt lên để hưởng gió biển, đôi mắt khép hờ. Không nhìn Tâm, nàng từ từ hạ mình xuống tấm vải trải trên cát.

“Em sẽ ngủ trưa một giấc, và Thầy cũng nên ngủ. Bây giờ trời quá nóng để đi bất cứ đâu, và chúng mình cần nghỉ ngơi trước khi trở về kinh thành chiều nay.”

Cảm nhận được sự do dự của Tâm, nàng chỉ vào phần vải bên cạnh nàng. “Đây có đủ chỗ cho hai người. Em hứa sẽ giữ im lặng trong khi chúng mình ngủ.”

***

Tâm nằm xuống thật cẩn thận để không chạm vào Giang, và nhắm mắt lại. Chàng cảm thấy và ngửi thấy sự hiện diện của nàng. Mùi thơm nhè nhẹ của hoa đại hòa với mùi hương của người nàng là một cảm giác mới mẻ và xúc động sâu sắc với chàng.

Một tháng trước đó, chàng không thể tưởng tượng là chàng sẽ đi biển với nàng, hay với bất cứ một thiếu nữ nào. Chàng tự hỏi mọi người ở quê nhà sẽ nghĩ gì nếu nhìn thấy thầy giáo làng của họ nằm trên bãi biển bên cạnh một thiếu nữ mới gặp được trước đó vài tuần. Người ta sẽ bàn tán như thế nào nếu biết Giang và chàng đang làm gì ở rất xa kinh thành và xa mọi người khác?

Khi mới gặp Giang, chàng rất tò mò về nàng. Sau đó chàng đã bị quyến rũ bởi sự quan tâm mà nàng dành cho mình. Nàng thật hồn nhiên, không có vẻ ngượng ngùng trong những giờ học hàng ngày, hay những khi đi thăm chùa hoặc cô nhi viện.

Trong một xã hội với quy tắc nam nữ chưa kết hôn phải tuyệt đối cách biệt về thể xác, ngay cả trong những hành động đơn giản như cho nhau quà cáp (nam nữ thọ thọ bất thân), Giang đã không khiêm tốn giả tạo và không sợ vi phạm quy tắc đó. Nàng đã nắm tay chàng nhiều lần rồi, nhưng những hành động đó bộc phát rất tự nhiên, không có bất cứ ý nghĩ hay ý định không trong sạch nào. 

Có lúc Tâm coi nàng như một người em gái. Tuy nhiên, mỗi khi gặp nàng, chàng không nhìn thấy được ở nàng hình ảnh một người em gái mà chàng chưa bao giờ có. Trong thâm tâm thầm kín nhất của mình, chàng ước ao nàng luôn luôn là người thiếu nữ dịu dàng và đảm đang, một người bạn mà chàng chưa từng mơ ước mình sẽ có.

Ngoài mặt, chàng dè dặt với nàng hơn nhiều. Với tư cách một học giả Nho giáo, chàng biết mình phải cố gắng không được quá gần gũi với nàng. Nhưng chàng không tự kéo mình ra xa, và cũng chẳng nói không được làm như vậy. Chàng thầm nói với mình là bất cứ sự đụng chạm nào giữa hai người là hoàn toàn ngẫu nhiên, không tính trước. Ngoài ra, không có gì xảy ra thêm, và những cảm xúc và ý tưởng của chàng về Giang vẫn trong sáng và chân thật như ngày chàng giải cứu nàng khỏi tay bọn cướp giật. Vâng, chàng bị nàng thu hút, nhưng nàng chỉ là một người bạn tốt thôi. Sự kiện nàng là một thiếu nữ không đặt ra một vấn đề nào. Đó là điều chàng nghĩ đến trong khi chìm dần vào giấc ngủ. 

Tâm nhớ đến những gì người chủ thuyền nói với chàng trước đó trong ngày.  Chàng thấy mình được đưa trở lại con thuyền đi ngược dòng sông về phía kinh thành. Có một hành khách khác trên thuyền. Lúc đầu, chàng tưởng người ấy là Giang, mặc dù chàng chỉ nhìn thấy một hình dạng đen tối và không rõ ràng. Chàng lên tiếng gọi nàng, và bóng đen quay lại. Đó là Thầy Xinh, với nụ cười nhăn nhó, ánh mắt đe dọa, một tay cầm con dao găm, con dao mà bọn cướp dùng để tấn công Giang. Bất thình lình Thầy Xinh lao về phía chàng. Chàng lùi bước sang một bên trong khi con dao găm bay ngang qua áo của chàng. Trái với linh tính và sự huấn luyện của mình, chàng quay lại để cảnh báo Giang và đẩy nàng ra khỏi đường nguy hiểm, Nhưng ngay lúc đó chàng cảm thấy lưng bị con dao đâm. Chàng kêu lên đau đớn và gọi tên nàng lần nữa.

“Thầy Tâm ơi, dậy đi, dậy đi!”

Chàng mở mắt ra và thấy nàng đang cúi nhìn chàng với vẻ mặt hốt hoảng. 

“Chắc thầy đã có một cơn ác mộng. Em đang ngủ thì nghe thấy thầy gọi em, rồi em nhìn thấy thầy vùng vẫy như là đang giao tranh với người nào.”

Tâm ngồi dậy và sờ đằng sau lưng. 

“Tôi mơ thấy có ai đâm tôi từ phía sau.”

Nàng đi vòng ra sau lưng chàng. Nàng nhìn thấy hình một viên sỏi nhỏ ở chỗ chàng nằm. Nàng kéo miếng vải trải trên cát lên, sờ soạng bên dưới và đem ra một vỏ sò nhỏ màu trắng có hình nón thon dài với một đầu nhọn. Nàng cười và đưa vỏ sò cho chàng xem.

“Thầy đã nằm ngủ trên vỏ sò này.  Nó là lý do làm cho thầy nằm mơ thấy có người đâm mình.”

Tâm bật cười và lắc đầu mạnh mẽ để xua đuổi giấc mơ đi.

“Thế mà tôi lại nghĩ là người mà tôi gặp trên thuyền hôm nọ đã thực sự tấn công chúng mình.”

“Người đó là ai vậy?”

“Người ấy là một thầy giáo làng ở vùng đâu đây, kẻ mà người chủ thuyền sáng nay nói cho tôi biết. Có lẽ đó là nguyên nhân cơn ác mộng. Dù sao chăng nữa, chúng ta không nên lo lắng về người ấy nữa, và tôi xin lỗi đã làm gián đoạn giấc ngủ của em.”

Nàng di chuyển về phía trước và quỳ ngay sát chàng. Nàng không nhìn chàng và hỏi.

“Thầy gọi em trong giấc mơ, phải không?”

“Đúng thế! Tôi muốn tìm và cảnh cáo em. Tôi trông thấy em, và rời mắt người kia, và người ta lao vào tôi, và … Thôi, bây giờ chuyện chẳng có nghĩa lý gì. Cả hai chúng mình đang ở đây, còn sống và khỏe mạnh, ở trên bãi biển này.”

Nàng hạ giọng xuống, gần như nói thầm.

“Như vậy, thầy nghĩ đến em trong giấc mơ, phải không?”

Tâm nắm lấy một bàn tay của nàng và bóp nhẹ.

“Vâng và ngay cả những lúc thức nữa.”

(Còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights