Trương Vĩnh Ký, người thầy dạy chữ quốc ngữ đầu tiên

by Vy Trần

Dù có rất nhiều ý kiến khác nhau về ông Trương Vĩnh Ký, song có lẽ không ai có thể phủ nhận rằng, ông là người Việt đầu tiên “làm thầy giáo” dạy chữ quốc ngữ. Chỉ riêng với điều này, ông xứng đáng là “tiền hiền” trong số những người có công sáng tạo và phổ biến chữ quốc ngữ ở nước ta.

Tháng 5-1862, sau khi chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, gồm Biên Hòa, Gia Định và Định Tường, Phó đô đốc Charner đã ký lịnh thành lập trường Thông ngôn (Collège des Interprèste) dạy hai thứ tiếng Pháp và quốc ngữ nhằm đào tạo thông ngôn cho quân đội viễn chinh. Ngày xưa, trường được dân chúng và báo chí gọi là trường Khải Tường, vì trường đặt trong khuôn viên chùa Khải Tường; và cơ sở đó nay là trường Lê Quí Đôn.

Vì sao quân Pháp không chỉ sử dụng tiếng Pháp mà phải dùng cả chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ?

Thực tế, sau khi chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, quân Pháp phải dùng rất nhiều giáo sĩ Thiên Chúa để làm thông ngôn trong việc giao tiếp giữa chánh quyền Pháp với dân chúng. Song không phải viên thông ngôn nào cũng “hết mình” vì công việc. Một số thông ngôn đã lợi dụng công việc để truyền đạo.

Năm 1861, giáo sĩ Paulus Galy có tên Việt là Lý, được cử đến làm thông ngôn cho đồn Thuận Kiều đóng tại làng Thuận Kiều thuộc 18 thôn vườn trầu.

Đến năm 1863, không rõ công trạng làm thông ngôn của ông thế nào nhưng ông đã thành lập được giáo xứ Bà Điểm và lập nhà thờ sau chợ. Và cuối cùng vị giáo sĩ nầy trở thành chủ chăn ở giáo xứ Bà Điểm và rời bỏ công việc thông ngôn. Đó là một nguyên nhân.

Nguyên nhân thứ hai là giới giáo sĩ Thiên Chúa lúc bấy giờ muốn “tham chánh” để chia xẻ quyền lực với quân đội Pháp. Đây là yêu cầu khó chấp nhận đối với giới quân đội. Cuối cùng một giải pháp trung dung được cả hai phía chấp thuận là “sử dụng chữ viết của công giáo ở Nam Kỳ”. Đó là chữ Annam viết bằng mẫu tự latin, tức chữ quốc ngữ, chữ Việt ngày nay.

trang đầu của sách giáo khoa do Trương Vĩnh Ký soạn

Trong suốt mấy trăm năm hình thành, chữ quốc ngữ, do chánh sách cấm đạo của các vua chúa Việt Nam, luôn bị coi là thứ chữ “của người ngoại quốc” và chỉ phổ biến nội bộ các nhà thờ và các xứ đạo Thiên Chúa. Việc chánh quyền Pháp ở Nam Kỳ chấp nhận cho phổ biến rộng rãi thứ chữ nầy là một bước nhượng bộ quan trọng của giới cầm quyền Pháp đối với các giáo sĩ.

Và chính vì vậy mà trường Thông Ngôn ra đời.

Phải nói rằng, trường dạy tiếng Annam viết bằng mẫu tự latin đã được giáo sĩ Puginier Phước thành lập trước đó (khoảng cuối năm 1860 đầu 1861) mang tên là trường d’Adran (nay là khuôn viên trường Võ Trường Toản và Trưng Vương) khi giáo sĩ nầy còn phụ trách Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn. Giáo sĩ Puginier Phước cũng là người thành lập giáo xứ Hạnh Thông Tây và dạy chữ quốc ngữ cho các giáo dân ở đây, trong số đó Trần Tử Ca, và có thể có cả một người không phải giáo dân là cậu bé Trương Minh Ký, nhà ở gần đó!

Ngay khi trường Thông Ngôn thành lập thì ông Trương Vĩnh Ký được mời làm giáo sư. Và ông trở thành người Việt đầu tiên làm thầy giáo dạy chữ Việt, một công việc không hề dễ dàng lúc bấy giờ. Và năm 1864, sau khi hoàn thành nhiệm vụ làm phiên dịch cho phái đoàn “đi chuộc ba tỉnh miền Đông” do Phan Thanh Giản dẫn đầu từ Pháp trở về, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc trường này.

Cái khó khăn đầu tiên là làm sao có được giáo trình một thứ chữ mới rợi đối với mọi người?

Sau khi trở thành Giám đốc (hay hiệu trưởng?), Trương Vĩnh Ký đã viết cuốn sách giáo khoa đầu tiên mang tên Ngữ pháp tiếng Annam (Abrégé de grammaire Annamite) in năm 1867. Sau đó là hàng loạt sách giáo khoa như Chuyện tiếng An Nam và tiếng Langsa, Sách tập nói chuyện tiếng An Nam và tiếng Langsa, Phép lịch sự An Nam, Văn phạm tiếng An Nam, Chữ quốc ngữ và lịch sử An Nam...

Riêng cuốn Văn phạm tiếng An Nam dã dầy 304 trang in. Sách giáo khoa của ông viết rất chi tiết từ cách đánh vần cho tới những từ ngữ, các danh từ, động từ, tỉnh từ… đều phân biệt chi tiết. Ví dụ “con ốc” là loài ốc nói chung khác với “con ốc vặn” mà ta gọi là ốc vít. Còn con cò thì khác với cò súng, con ngựa khác với ván ngựa (bộ ván), con ngựa của cây đờn…

Sách của ông cũng dạy đặt câu sao cho trúng cách và phân chia từ thấp đến cao một cách có hệ thống và khoa học. Đây lại là công việc của một người quả là rất đáng nể! Ngày nay, chúng ta có cả một tập thể không nhỏ nhưng sách giáo khoa liên tục thay đổi hàng năm là điều rất khó hiểu!

Không chỉ viết sách dạy chữ, ông còn viết cả lịch sử, chuyển âm truyện thơ Lục Vân Tiên, Kiều, Trương Lương….cho học trò có sách để đọc tham khảo.

Trong lời nói đầu cuốn Vần quốc ngữ và lịch sử An Nam ông viết “Sách nầy rút tóm lại đại cái người ta phải học, để cho con trẻ mới vô trường, học những đều đại lược mà phá ngu, cho đặng đến sau khi vào trường chung nghe dạy nghe giảng rộng các đều ấy thì mau hiểu hơn là một. Hai nữa là để tập coi, tập đọc, tập viết tiếng An Nam trong chữ quốc ngữ cho trúng tiếng, cho nhằm giọng, phân biệt ra cho rõ ràng…”  

Ông đã làm thầy giáo trong suốt 22 năm kể từ năm 1864 cho đến 1886, thời điểm ông rời Sài gòn ra Huế làm cố vấn cho vua Đồng Khánh theo đề nghị của Toàn quyền Đông Dương Paul Bert. Suốt thời gian này, ông có 9 năm trực tiếp ở các trường (từ 1864-1869 làm Giám đốc trường Thông Ngôn, từ 1872-1876 làm Giám đốc trường Sư Phạm) và đã viết khoảng 25 cuốn sách giáo khoa dành cho học trò học, trong số gần 200 tác phẩm của ông. Đó là một số lượng rất lớn đối với một thầy giáo dạy chữ quốc ngữ trong một điều kiện chưa có tiền lệ.

Bởi thuở ấy, việc có được học sinh cho trường là một điều kỳ diệu! Cũng do trong dân chúng truyền miệng nhau chữ quốc ngữ là thứ chữ “của người ngoại quốc”, học nó sẽ mất gốc và có thể sẽ bị đưa đi đâu mất! Ban đầu học sinh trường Thông ngôn là lính Pháp và con em những người cộng tác với Pháp và con cháu của giới theo đạo Thiên Chúa. Về sau, để có học sinh, chánh quyền thực dân ra lịnh mỗi làng phải chọn một hay hai em trong lứa tuổi từ 10 đến 16 đi học. Làng xã thường nhắm vào các gia đình có tiền của để bắt đi học, nên “kiếm người đi học mà như đi đánh giặc”. Dù học nội trú, không tốn tiền lại có tiêu vặt phí nhưng không mấy gia đình muốn con đi học. Sợ mất con rất nhiều gia đình có tiền đã mướn người ở (nay gọi là người giúp việc nhà) đi học thế, để rồi sau nầy sanh ra một lớp thông ngôn “vô lại” chuyên làm tiền, hối lộ dân chúng.

Song trong nghiệp làm thầy giáo của ông Trương Vĩnh Ký cũng để lại khá nhiều dấu ấn tốt đẹp. Một lớp khá đông học trò của ông, sau là những công chức mẫn cán của chế độ hoặc là những người có công lớn đối với nền văn học, văn hóa của nước nhà. Trong số những người đó là ông Trương Minh Ký (nhà báo, nhà văn, thầy giáo), Đặng Thúc Liêng (nhà báo, nhà văn). Nguyễn Khắc Huề (thầy giáo)…

Ông cũng có thời gian làm báo chữ quốc ngữ và là Chánh tổng tài (tương đương Tổng biên tập) người Việt đầu tiên của tờ Gia Định Báo từ 1869 đến 1872 và là “chủ báo tư nhân” đầu tiên khi xuất bản tờ Thông Loại Khóa Trình, một nguyệt san chuyên sưu tầm, khảo cứu văn hóa dân gian Việt Nam. Thời kỳ làm báo, ông đã mạnh tay cổ động việc viết lịch sử dân tộc, phổ biến văn hóa dân gian…

Chính trên tờ Thông Loại Khóa Trình ông đăng nhiều bài hịch, vè chống Pháp như hịch chống Pháp của Nguyễn Tri Phương nên đã bị chánh quyền Pháp âm thầm tẩy chay, không mua báo dẫn đến cái chết của tờ báo nầy sau 18 số báo.

TRẦN NHẬT VY

Đọc thêm:

https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/van-hoa/

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights