Thầy Giáo Làng, kỳ 15

by Tim Bui
Thầy Giáo Làng, kỳ 16

NGUYỄN TRỌNG HIỀN

Một thí sinh chân chính và có đủ khả năng để đương đầu với các câu hỏi trong kỳ thi vẫn có thể rơi vào cạm bẫy của tội phạm húy.

Trong tất cả văn bài của mình nạp cho giám khảo, thí sinh không được phép viết những chữ húy như tên vua, tên hoàng hậu. Muốn dùng những chữ như vậy phải viết tránh đi sao cho người đọc vẫn đoán ra được chữ húy.

Trước hôm thi một ngày, danh sách chữ húy được yết bảng trước cửa trường để nhắc nhở thí sinh những chữ nào phải tránh. Ngay trên bảng, chính những chữ đó cũng phải viết tránh đi, và thí sinh phải tự đoán ra những chữ húy nguyên thủy. Danh sách đó gồm có hai loại chính.

Loại thứ nhất là tên riêng và tên chính thức của các nhà vua. Những tên này không được dùng, hoặc nếu dùng phải được thay thế bằng một chữ khác có nghĩa tương tự hoặc một chữ có âm tương tự.

Loại thứ nhì phức tạp hơn. Loại này gồm có tên của hoàng hậu, hoàng thái hậu, tổ tiên lâu đời của nhà Vua, tên các cung điện và lăng tẩm, tên làng quê của nhà Vua và của các hoàng hậu. Những tên này, nếu cần viết, phải bỏ đi hoặc thêm vào một hay nhiều nét.

Kỳ thi Hội năm 1847, một thí sinh viết trong văn bài những chữ “gia miêu chi hại” có nghĩa là “hại cho lúa tốt”. Không may cho thí sinh đó, Gia Miêu là tên quê quán của tổ tiên nhà Nguyễn. Do đó, thí sinh này không những bị thi trượt mà còn mất luôn cả bằng Cử Nhân đã đoạt được trong kỳ thi Hương.

Ngoài ra còn có quy luật đòi hỏi thí sinh, khi đề cập đến trời, phải viết chữ đó ba dòng trên dòng bình thường. Khi đề cập đến nhà vua hoặc một phần cơ thể của ngài, những chữ đó phải được đặt cao hơn hai dòng. Cuối cùng, khi đề cập đến những thành tích của nhà vua, những chữ đó phải được viết cao hơn một dòng.

 Để ngăn chặn sự gian lận và thông đồng với giám khảo, có những quy luật ấn định cách viết chính xác một số chữ. Nếu thí sinh không viết đúng theo quy luật, những sự sai lệch, chẳng hạn như viết thêm các nét hoặc không viết đủ các nét bắt buộc, có thể được hiểu là những dấu hiệu đặc biệt để giám khảo có thể nhận ra bài thi của thí sinh. Những thí sinh vi phạm quy luật này sẽ bị loại ra khỏi kỳ thi.

Nộp bài thi viết một cách cẩu thả cũng bị cấm chỉ. Thí sinh nào sửa chữa quá nhiều hoặc làm đổ mực trên quyển thi cũng có thể bị nghi ngờ làm dấu hiệu để giám khảo nhận ra bài của mình.

 Mỗi thí sinh phải đếm xem mình đã sửa hoặc xóa bao nhiêu chữ trong bài mình viết. Sau đó, thí sinh phải viết tổng số chữ đã sửa như vậy, không vượt quá 10, ở cuối bài.

Năm 1900, một thí sinh 82 tuổi quên viết vào cuối bài thi tổng số lần sửa chữa của mình. Thí sinh ấy mất hạng đứng thứ nhì trong kỳ thi, và lẽ ra còn có thể bị đánh trượt. Tuy nhiên, vì tuổi cao, thí sinh được cho thi đỗ nhưng bị xếp hạng áp chót trong kỳ thi năm đó.

Nạp bài thi trong đó có nhiều chỗ trống cũng là một trọng tội. Sự kiện đó chứng tỏ rằng thí sinh không được chuẩn bị đầy đủ. Trong trường hợp này, cả thí sinh lẫn viên quan chức cho phép thí sinh đi thi đều bị trừng phạt. Thí sinh đương nhiên bị đánh trượt, và viên quan chức có thể bị giáng chức hoặc bị phạt mất vài tháng lương.

Nạp bài thi trễ đương nhiên làm cho thí sinh bị loại. Bài thi sẽ không được chấm điểm, nhưng các quan giám khảo vẫn duyệt xét xem bài thi có phạm húy ở chỗ nào không. 

Tất cả các bài thi phải do nhiều hơn một giám khảo đọc và chấm điểm. Điều này có mục đích ngăn chặn sự thông đồng giữa thí sinh và giám khảo, vì người ta tin rằng việc hối lộ nhiều giám khảo khó hơn là chỉ hối lộ một người. Tiến trình chấm các bài thi bởi nhiều giám khảo cũng sẽ giúp khám phá ra tất cả các lỗi và vi phạm trường quy, đồng thời giảm thiểu thành kiến cá nhân đối với các thí sinh.

Tai họa sẽ giáng xuống cả thí sinh đã không khéo sử dụng một chữ nằm trong danh sách phạm húy lẫn vị giám khảo đã không bắt lỗi vi phạm đó khi chấm điểm bài thi.

Thí sinh phạm húy đương nhiên bị loại và sau đó có thể bị đánh đòn, giáng chức, trục xuất. Trong những trường hợp nặng, thí sinh có thể bị xử trảm.

Tên của những thí sinh phạm húy được liệt kê trong một danh sách riêng, được làm một cách thô sơ bằng tre sơn trắng với tên của thí sinh viết bằng màu đen. 

Đối với giám khảo quên không phạt hay cố tình tha cho thí sinh phạm húy, hình phạt có thể là bị giáng chức, trừ lương và bị vĩnh viễn không được làm giám khảo nữa.

***

Thầy Xinh ngồi đối diện quan Thượng Thư Bộ Lễ. Giữa hai người là những bài thi của Lê Duy Tâm, anh thầy giáo làng mà thầy mới gặp trước đó vài tuần lễ.

Mười năm trước, Xinh, một người giả mạo giấy tờ tài ba, đã dùng tài năng của mình để biển thủ số tiền dành cho việc xây dựng lăng mộ của vị hoàng đế quá cố. Khi bị phát hiện, hắn chỉ thoát chết bằng cách hối lộ tất cả các quan chức chịu trách nhiệm truy tố hắn. Một số quan chức cũng tham gia vào vụ biển thủ công quỹ nhưng đã che lấp dấu vết của họ bằng cách giảm tội của hắn thành một chuyện giữ sổ sách cẩu thả. Hắn thoát khỏi lưỡi gươm của đao phủ nhưng bị giáng chức và trục xuất khỏi kinh thành. Từ đó hắn sống bằng nghề thầy giáo làng cho đến khi được quan Thượng Thư Toản cho gọi lên trình diện.

Nhiệm vụ giao cho hắn vượt quá sức tưởng tượng. Hắn phải đọc qua các bài thi bày ra trước mắt để tìm cách đánh trượt người mà hắn biết là thầy Tâm.

Những bài thi đó đã được cả ban giám khảo chấm và xếp loại xuất sắc, nhưng quan Lễ Bộ Thượng Thư là người thẩm định cuối cùng và ông ta muốn thí sinh Tâm bị loại và bị trừng phạt. Quan Thượng Thư Toản ra lệnh cho Xinh phải làm giả mạo bất cứ bài thi nào của thầy Tâm và thêm vào trong bài đó một trường hợp phạm húy thật nghiêm trọng.

Toản không nói tại sao hắn muốn dùng biện pháp cùng cực như vậy. Xinh chỉ có thể đoán rằng thầy Tâm đã xúc phạm đến ngài Thượng Thư. Hắn không thể nào biết là hai người chưa bao giờ gặp nhau và công tác mà Toản giao cho hắn bắt nguồn từ sự hiềm khích giữa ngài Thượng Thư và hai người đại diện của Pháp tại triều đình, viên Khâm Sứ kiêu ngạo và viên Đặc Sứ François Bonneau.“Thưa Ngài, con đã đọc qua tất cả các bài thi. Thí sinh này không vi phạm bất cứ điều gì, dù ở thể văn xuôi hay thơ.”

Quan Thượng Thư nghiêm khắc nhìn hắn.

“Mi muốn nói rằng thí sinh này không bao giờ dùng bất cứ tên phạm huý nào, kể cả những tên phụ?”

“Thí sinh này rất cẩn thận,” Xinh đáp. “Anh ta không dùng bất cứ một tên phạm húy nào để tránh phải viết chệch đi.”

Hắn không nói thêm rằng hắn đã khâm phục tác giả những bài thi hắn đã đọc. Thầy Tâm không chỉ nắm vững ngôn ngữ và luật lệ của tiếng Việt. Chàng còn tỏ ra có tài năng tuyệt vời trong việc chọn lựa điển tích, sử dụng ẩn dụ, và nhịp điệu phù hợp để thể hiện một sắc thái nào đó và đưa ra những hình ảnh theo ý muốn của mình. Trong mấy ngày qua, Xinh đã đọc, thưởng thức, và ngưỡng mộ con người học giả và nghệ sĩ hiện thân trong những bài thi trải trên bàn trước mặt hắn. Có nhiều lúc hắn đã quên đi rằng nhiệm vụ của hắn không phải là khen ngợi mà là lên án tác giả những bài thi đó.

“Đây là lý do ta cần đến mi,” Thượng Thư Toản xen vào. “Mi chép lại một bài thi và nhét một chữ phạm húy tinh vi vào trong đó.”

“Thưa Ngài, con sẽ cố gắng làm, nhưng chuyện đó không phải là dễ. Nếu làm như vậy, ý nghĩa của cả câu văn hay cả đoạn văn sẽ bị thay đổi. Bất cứ học giả nào sẽ thấy ngay là anh ta không thể nào dùng chữ đó. Ban giám khảo chắc chắn sẽ đặt câu hỏi tại sao trước đây họ không khám phá một sự vi phạm trắng trợn như thế.”

Quan Thượng Thư cảm thấy khó chịu với Xinh và lập tức muốn chấm dứt cuộc thảo luận.

“Mi tưởng ta không biết hay sao? Mi cứ cố gắng tối đa, ta biết mi sẽ làm được, và ta sẽ lo sau chuyện mấy ông quan giám khảo. Mi nên nhớ mi sẽ được thưởng rất hậu hĩnh.”

Đó là tín hiệu cho Xinh biết rằng cuộc nói chuyện với Toản đã chấm dứt. Nhiều năm trước, Thượng Thư Toản đã cứu hắn thoát án xử trảm trong vụ biển thủ công quỹ. Xinh nợ Toản mạng sống của mình, và hắn biết không thể nào từ chối công tác giao phó cho hắn.

***

Tối hôm đó, Thượng Thư Toản ngồi ăn cơm với cô vợ trẻ tuổi. Như thường lệ, Toản không nói năng gì trong khi ăn. Còn nàng thì đã ăn rồi và chỉ ngồi đó xới cơm và hầu chuyện Ngài.

Nàng kể cho Toản nghe những tin đồn mới nhất đang được thiên hạ bàn tán cả trong lẫn ngoài kinh thành. Đa số những tin đó thuộc loại suy đoán vu vơ của những kẻ ăn không ngồi rồi.  Điển hình là tin rêu rao rằng nhà Vua trì hoãn việc công bố kết quả kỳ thi Đình vì quá nhiều thí sinh thi đỗ là người miền Bắc. Điều này có thể đúng nhiều năm trước đó, nhưng lần này Toản biết rõ nguyên do của sự chậm trễ.

Toản không nói gì và tiếp tục ăn, không để ý đến cuộc trò chuyện của nàng. Tuy nhiên tai Ngài vểnh lên khi nghe nàng nói đến một lời đồn khác.

“Người ta nói mấy ngày nay đường vào chợ Đông Ba đông nghẹt thiên hạ. Thiếp đang muốn tự mình đi xem cảnh tượng đó để biết có chuyện gì.”

Toản đoán nàng đã biết rồi và đang đợi mình hỏi.

“Có chuyện gì ở đó vậy?”

“Hình như có hai người mới bán hàng ở trong một cửa hàng tơ lụa. Hai người thiếu nữ tuyệt đẹp! Các công tử ở kinh thành đã đổ xô đến cửa hàng của hai cô, và diễn hành trước cửa để nhìn trộm vào trong hoặc để cố gắng làm cho hai cô để ý đến mình. Có một số còn tiêu tiền để mua lụa mà họ không cần đến. Vì vậy cửa hàng đó đang buôn bán rất khá.”

Ông già Toản liếc nhìn cô vợ trẻ hơn con trai của mình.

“Làm sao mà có ai xinh đẹp hơn người đang ngồi trước mặt ta?”

“Ngài bao giờ cũng quá hào phóng với lời nói của mình. Thiếp như đóa hoa sắp tàn, trong khi không có ai sánh kịp hai thiếu nữ kia. Thiếp sẽ không ngạc nhiên nếu một ngày nào đó một công tử nào đó sẽ ngất lịm đi trước cửa hàng của họ.”

Toản bỏ đôi đũa xuống và chìa tay phải ra. Nàng vội nâng lên một tách nước trà và đặt vào lòng bàn tay của Ngài.
“Nàng có biết mấy cô đó là ai không? Họ không thể tự dưng hiện ra ở chợ!”

“Người ta nói hai cô ấy là con Ngài Đặc Sứ Pháp tại triều đình.”

“Vậy là con gái của hắn!” Toản thốt ra.

“Người ta nói bà mẹ hai cô trước đây đã giấu giếm hai cô ở nhà từ lúc mới sinh. Nhưng gần đây bà ta quyết định cho con đi học nghề bán tơ lụa ở cửa hàng của họ hàng bà mẹ. Chắc Ngài cũng thừa biết gia đình này rất giàu có.”

“Đúng vậy. Họ giàu được nhờ người chồng Pháp đảm bảo cho họ độc quyền tơ lụa từ Cửa Hàn đến kinh đô Huế.”

Nàng không màng đến khía cạnh kinh doanh trong câu chuyện và tiếp tục.

“Cô em trông giống người Tây phương với mái tóc nâu nhạt và mũi cao và dài. Cô này đứng trước cửa hàng, chào mời khách hàng và thuyết phục họ mua lụa. Khuôn mặt và cách cô ấy cười khiến nhiều kẻ mê mẩn, và các chàng trai trẻ bắt chuyện với cô ấy chỉ để nghe tiếng Việt thuần túy phát ra từ miệng một người nước ngoài. Cô chị kín đáo hơn nhiều. Người ta nói cô ấy giống người Việt ở mọi điểm, trừ đôi mắt xanh. Cô này ở phía đằng sau cửa hàng và luôn luôn bận rộn với sổ sách.”

Ngài Thượng Thư nhếch một bên lông mày.

“Vậy các chàng trai thích cô nào hơn?”

“Thiên hạ nói mấy cậu công tử luôn luôn muốn tán tỉnh cô em. Nhưng cô chị cũng được nhiều người ngưỡng mộ, mặc dầu có tin đồn cô ấy đã gắn bó với ai đó rồi.”

“Và người đó là ai?” Toản đã đoán trước câu trả lời, nhưng Ngài muốn xác nhận những gì mà người của Đặc Sứ Bonneau, thư ký Kham, đã báo cáo cho Ngài rồi.

“Thiếp chỉ nghe nói người ấy là một học giả với thân thế khiêm tốn đến kinh thành để tham dự kỳ thi. Có nhiều lần người ta đã nhìn thấy anh thư sinh ấy đi dạo cùng với cô chị. Mặc dầu trông giống như người Việt, cô ta cư xử như người Tây phương và dường như không quan tâm đến việc người ngoài nhìn thấy mình đi cùng với anh chàng đó.”Nàng thở dài và nghĩ đến năm nào đó Ngài Lễ Bộ Thượng Thư đã đi ngang qua ngôi nhà khiêm tốn của cha mẹ nàng, thoáng trông thấy nàng, và chỉ trong vòng vài ngày đã bắt nàng ngủ chung giường với Ngài. Không có chuyện tán tỉnh và không có gì gọi là lãng mạn cả. 

Nàng nhìn ông già trước mặt, đôi mắt khép hờ, khuôn mặt nhăn nheo, mái tóc bạc mọc một cách lung tung xuyên qua chiếc mũ cánh chuồn mà Ngài nhất định phải đội trong nhà, bàn tay vuốt ve bộ râu lưa thưa trên đó có một hột cơm dính cứng. Nàng ước gì Ngài là một học giả trẻ và nghèo đã nói với nàng ít nhất đôi ba lời trước khi tiến đến hôn nhân.

Nàng nghĩ đến con trai của Ngài, một người nhiều tuổi hơn nàng. Cậu ấm đó là kẻ mua lụa mà mình không cần dùng đến và đã sai người hầu mang đến tặng nàng.

“Con trai của Ngài là một trong số những công tử đi ngắm hai người đẹp mới.”

Ông chồng già mở mắt và cau mày nhìn nàng. Lâu nay Ngài biết rằng bà vợ của Bonneau đang kín đáo tìm kiếm chồng tương lai cho hai cô con gái trong số con trai của các quan chức quan trọng tại triều đình. Cậu con trai của Ngài chưa lập gia đình và đã trở thành một trong những người mà bà vợ của Bonneau coi là ứng cử viên hàng đầu. Đằng sau bề ngoài dửng dưng, thực ra Toản đã cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề.

Phản ứng đầu tiên của Ngài là không muốn làm loãng dòng máu họ Trịnh khi gả con trai mình cho một cô gái có cha là người Pháp, dù cho cô ấy có xinh đẹp đến đâu. Ngài chắc chắn rằng tổ tiên của mình sẽ thẳng thừng từ chối việc pha trộn giòng giống như vậy. Tuy nhiên, chính vua Gia Long, người sáng lập triều đại nhà Nguyễn, đã cho phép người Pháp kết hôn với người Việt. Tại kinh thành không thiếu gì con cái của những người ấy, và có một số những kẻ đó đang giữ chức vụ quan trọng tại triều đình. Lính Pháp trong lúc hành quân tại khắp các vùng nông thôn cũng sinh ra những đứa con lai, tuy những đứa đó không bao giờ được coi là ngang hàng với các đứa con lai ở kinh thành, sản phẩm của sự kết hợp đúng đắn giữa hai bên cha mẹ.

Việc cô con gái Bonneau theo đạo Thiên Chúa cũng là một trở ngại quan trọng. Dù hoàn toàn không phải là một Phật tử mộ đạo và tự cho mình là một người theo Nho giáo hơn, Toản ghét những người theo đạo Thiên Chúa cũng như hắn ghét người Pháp. Nếu con trai kết hôn với một trong những cô con gái của Bonneau, ai sẽ là người chăm lo việc cúng bái bàn thờ tổ tiên? Tổ tiên của Toản có nguồn gốc từ một ngôi làng nhỏ gần Thăng Long, kinh đô cũ tại miền Bắc, nơi họ đã sống trong nhiều thế kỷ cho đến khi họ tham gia cuộc Nam tiến vào thế kỷ 16 và định cư ở vùng xung quanh Huế. Chi nhánh gia tộc ở miền Bắc vẫn thờ cúng tổ tiên chung tại bàn thờ lập ở quê tổ. Trong khi đó, Toản, với tư cách là người nổi bật nhất của nhánh phía Nam, cũng có nhiệm vụ tương tự tại bàn thờ chính trong nhà của mình. Người vợ cả của ông, và bây giờ là người vợ thứ hai, ngày nào cũng thắp ba nén hương để tưởng nhớ tổ tiên. Toản muốn con dâu tương lai của mình sẽ tiếp tục truyền thống đó. Tổ tiên sẽ nói gì nếu không có ai thắp hương, không có ai cúng giỗ?

Tuy nhiên, sau khi bác bỏ ý tưởng ban đầu, Toản đã suy nghĩ lại mà không nói với ai. Sau nhiều thập kỷ đắm mình trong những biến chuyển chính trị tại kinh đô, Toản biết mình phải luôn luôn lượng giá lại bất cứ vấn đề nào và cố gắng cân nhắc các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của mình mỗi lần.

Mặc dầu căm thù người Pháp, vị Thượng Thư già bao giờ vẫn là kẻ sống sót, một con người đã trải qua nhiều lần thay đổi con người ngồi trên ngai vàng. Trong khi có kẻ phải chịu xử trảm hoặc bị tru di tam tộc, đầu Toản vẫn còn trên vai và gia sản của y vẫn còn nguyên vẹn và có thể đã tăng trưởng nữa.

Trong khi những người khác công khai hoặc bí mật cầm vũ khí chống lại bọn thưc dân, Toản là người của phe đang cầm quyền tại triều đình. Phe này gồm những kẻ đã kết luận rằng người Pháp sẽ vĩnh viễn ở lại Việt Nam, và nhà Vua sẽ chỉ là một kẻ bù nhìn. Vì thế, trong khi ngoài mặt tỏ vẻ khinh thường và chống chọi chính quyền thuộc địa, Toản vẫn đang tìm cách hợp tác với bọn Pháp một cách gián tiếp và kín đáo. Một cuộc hôn nhân giữa cậu ấm ương ngạnh của mình với cô con gái của viên Đặc Sứ Pháp là một điều rất có thể thành tựu, và những yêu tố như sự pha trộn giòng giống hay khác biệt tôn giáo trở thành thứ yếu.

(Còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights