Huỳnh Tịnh Của, nhà báo tiếng Việt đầu tiên

by Vy Trần

Huỳnh Tịnh Của (1830-1908), người có tên đường ở phường 8 quận 3 TPHCM, một khu vực sang trọng của Sài Gòn trước đây và là tác giả bộ tự điển Đại Nam quấc âm tự vị vừa được tái bản lần thứ tư năm 2018. Song điều rất ít người biết là ông là nhà báo viết chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta.

Huỳnh Tịnh Của còn gọi là Huỳnh Tịnh Paulus Của hiệu là Tịnh Trai bút danh là Paulus Của, sanh năm Canh Thân (1830) tại làng Phước Tụy, tổng Phước Hưng Hạ, tỉnh Bà Rịa (nay là Bà Rịa-Vũng Tàu). Là người theo đạo Thiên Chúa, năm 12 tuổi ông được sang học ở chủng viện Pinang (Mã Lai), thông hán tự, giỏi chữ Pháp, Latin và chữ quốc ngữ. Khi lên đến chức Thầy Tư thì hoàn tục về quê cưới vợ. Trong đạo Thiên Chúa, để trở thành linh mục có sáu bậc, học hết bậc thầy sáu mới trở thành linh mục.

Năm 1861, ông ra làm thông ngôn cho Pháp. Năm 1865 ông làm chủ bút tờ Gia Định Báo. Năm 1873 ông làm việc tại phòng phiên dịch của dinh Thượng thơ (Nha nội vụ), năm 1892 ông là Ủy viên ủy ban cải tổ trường Thông Ngôn, có chân trong Ban  biên tập bán nguyệt san Revue Indochinoise, một tạp chí chuyên nghiên cứu về Đông Dương tồn tại từ năm 1893 đến 1925. Nhiều lần ông làm giáo khảo trong các cuộc thi tuyển môn Việt văn trong các kỳ thi tuyển công chức. Ông được thăng hàm Đốc phủ sứ năm 1881 và ông mất vào ngày 26-1-1908 tại Sài Gòn.

Gia Định Báo là tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta ra đời ngày 15-4-1865 do Ernest Potteau làm Chánh tổng tài, Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút. Công việc của ông là biên dịch tất cả những văn bản bằng chữ Pháp của chánh quyền ra chữ quốc ngữ, tổ chức trang báo, tổ chức nội dung và viết tin tức. Hiện nay, những số đầu tiên của tờ báo nầy còn lưu được ba số 4, 5 và 6. Trong các số báo nầy, chúng tôi đều tìm thấy những bài viết của ông dưới bút danh Paulus Của. Xin chép nguyên văn vài tin và không sửa lổi chánh tả. “Năm nay, mưa thuận đều trời đâu đó cũng có mưa, mùa màng làm chỗ nào cũng được, chỉ còn sợ hạng tháng 7 mà thôi, nghe ra zân sự đã yên hơn ngày trước, lo làm ăn không còn lòng một zụ hai nữa, đám giao loạn đã nát, bọn tháp 10 cũng cũng đã vắng tin, kẻ làm nghịch hồi đầu xuất thú cũng nhiều, những quân lấy trung ngải quyên tiền mà ăn cùng xui zân làm loạn cũng đã bớt…” (số 4 ngày 15-7-1865). “Tháng trước quan Thượng thơ có truyền cho quan Bố Sai phủ Saigon đi vào trong làng Bình Hòa Gò Vấp mà làm sổ, biên nam phụ lão ấu, biên sanh tử nghề nghiệp, ruộng đất, biên thử một ít làng cho quan trên đặng biết, chẳng phải có ý biên mà tấn thuế thêm hay là lấy vườn đất ai, mà có nhiều người nghi nan sợ hãi zấu đi, không muốn khai cho thiệt, trong nhà có nhiều người khai ít, ruộng đất nhiều khai chừng một đôi miếng mà thôi, sợ quan có lấy đất đi hay là có bắt người mà đem đi đâu, lại nghe có kẻ muốn đút tiền cho làng ăn cho được khai ít vậy, những người làm thế ấy thì đã mất tiền mà có khi lại mắt lấy tội zối quan, nào có ích gì, có làm sao mà phải làm đều zối trá như vậy….” (số 5 ngày 15-8-1865). “Tại Cần Giuộc, mới bắt đặng Huyện Đức là người của Quản Định cử để mà hay việc thâu thuế nội huyện Phước Lộc mà cấp cho quân giặc…” (số 6 ngày 15-9-1865).

Dưới sự xuất hiện dày đặc ở mỗi số báo và viết thể lại đặc trưng của báo chí là tin tức, chúng tôi có thể xác định rằng “Huỳnh Tịnh Của là nhà báo và là chủ bút của tờ báo” một chức danh không được in lên mặt báo trong thế kỷ 19.

Tuy nhiên, thời gian làm báo của ông dường như không lâu lắm. Không rõ thời kỳ 1869-1871, thời kỳ mà ông Trương Vĩnh Ký làm Chánh tổng tài, thì ông Huỳnh Tịnh Của còn làm việc ở Gia Định Báo không! Do không có những số báo từ năm 1866 đến 1870 nên chúng tôi chưa biết chắc. Song đến năm 1872 thì không còn thấy tên của Paulus Của nữa. Có thể từ những năm nầy ông đã chuyển sang làm công việc khác trong Phòng Thông ngôn của dinh Thượng thơ.

Là một trong hai người Việt biết chữ quốc ngữ cộng tác với quân đội Pháp ở Nam Kỳ đầu tiên, ông luôn là người cổ động mạnh mẽ việc người Việt dùng chữ quốc ngữ, thứ chữ mà sau nầy chính người Pháp phải thừa nhận “đã trở thành vũ khí của người Việt”, và cổ súy cho văn hóa dân tộc. Ngoài bộ Đại Nam quấc âm tự vị in vào hai năm 1895 và 1896, ông còn khoảng 25 tác phẩm viết bằng chữ quốc ngữ. Hầu hết những tác phẩm nầy đều là chuyển ngữ từ chữ nho, nôm sang quốc ngữ những tác phẩm văn học cổ hoặc sưu tầm các câu hát, chuyển cổ, tục ngữ, cổ ngữ…từ dân gian như Chuyện giải buồn, Tục ngữ cổ ngữ, gia ngôn, Quan Âm diễn ca, Gia Lễ, Chiêu Quân cống Hồ, Câu hát góp….

Song có lẽ gia tài đáng kể nhứt của ông chính là Đại Nam quấc âm tự vị. Bộ sách được chánh quyền bấy giờ tài trợ in ấn, với khổ lớn, 2 tập dầy 1200 trang in. Đây là cuốn tự điển chữ quốc ngữ đầu tiên của người Việt viết. Sự ra đời của cuốn sách nầy ngoài nhu cầu đương thời là “phổ biến chữ quốc ngữ”, nhu cầu “tra cứu của các thông ngôn” và còn có nhu cầu tự thân của tác giả nữa. Bởi không phải ai cũng có điều kiện làm tự điển và không phải ai cũng có thể làm tự điển. Với trình độ và tài năng của bản thân, có thể Huỳnh Tịnh Của cũng muốn “làm cái gì đó” có ích trong việc phổ biến chữ quốc ngữ đang hồi “náo nhiệt”. Tất nhiên, để tự điển ra đời được có thể ông đã có sự giúp sức của một số người và nhà cầm quyền.

So với những cuốn tự điển trước đó do người Pháp viết (tự điển Bá Đa Lộc, tự điển Taberd) và những cuốn về sau nầy, Đại Nam quấc âm tự vị vượt trội hẳn. Đầu tiên là Đại Nam quấc âm tự vị chứa đựng một kho tàng chữ Nôm rất phong phú mà chưa quyển tự điển nào có được, bên cạnh đó là tiếng Hán. Ngày nay, muốn học chữ Nôm chúng ta có thể tham khảo Đại Nam quấc âm tự vị. Đây là bộ tự điển Việt Nam đầu tiên giải nghĩa bằng tiếng Việt có cả chữ Hán và chữ Nôm. Hai là trong thời đại mà chữ nho vẫn còn thịnh hành (nhứt là ở miền Bắc và miền Trung), Đại Nam quấc âm đã quan tâm đến ngôn ngữ của người Việt và ghi chép hầu hết những tiếng Việt đang sử dụng đương thời. Ba, trong tự điển có đủ thứ tiếng của cả ba miền đất nước, tất nhiên tiếng Nam vẫn trội hơn do tác giả sanh trưởng và sống ở miền Nam.

Muốn làm được như Huỳnh Tịnh Của đòi hỏi phải có sở học tốt, có khả năng về ngôn ngữ lẫn say mê ngôn ngữ, đồng thời phải thật yêu ngôn ngữ của dân tộc hết mực mới có thể làm được. Chính điều đó đã giúp cho một công chức mẫn cán và có lẽ không có nhiều thời gian, đã làm được điều mà ngay ngày nay nhiều người có điều kiện chưa chắc đã làm được. Bộ tự điển đã giúp chúng ta giữ gìn được gia tài tiếng nói cổ xưa của tiền nhân ở đủ các lãnh vực từ thấp đến cao trong xã hội, đồng thời cung cấp một phần nào đó bộ mặt của xã hội Việt vào cuối thế kỷ 19. Chỉ riêng việc nầy thôi, Huỳnh tịnh của đã xứng đáng được tôn vinh là một trong những ông tổ có công phổ biến chữ quốc ngữ.

TRẦN NHẬT VY

đọc thêm:

Trương Vĩnh Ký, người thầy dạy chữ quốc ngữ đầu tiên

Chữ quốc ngữ – Bài 5: Vai trò của giáo sĩ Francesco de Pina

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights