‘Ngày ký giả đi ăn mày’ 10/10/1974 & cuộc đấu tranh cho tự do báo chí của Miền Nam

by Tim Bui
‘Ngày ký giả đi ăn mày’ 10/10/1974 & cuộc đấu tranh cho tự do báo chí của Miền Nam

TRÙNG DƯƠNG

Khoảng thời gian này 50 năm trước là lúc giới báo chí tại Miền Nam đứng lên đòi quyền tự do báo chí, cùng với người dân đòi quyền được thông tin ngay thực. Nhiều người chỉ còn nhớ tới cuộc biểu tình không tiền khoáng hậu mệnh danh là “Ngày ký giả đi ăn mày.”

Vào ngày 10/10/1974, hàng trăm ký giả, nhà báo, nhân viên in ấn, phát hành và dân chúng đã tụ tập tham gia một cuộc biểu tình bột phát lớn nhất chưa từng thấy ở miền Nam. 

Đã hẳn biến cố này được phe Cộng sản khai thác triệt để khiến nhiều người bên phía Quốc gia cũng đâm nghi ngờ là sự kiện này do phe Cộng sản giật giây. Trong khi tìm những bài đã viết về biến cố đó, tôi không khỏi bật cười khi đọc các bài viết của người trong nước gọi những ký giả tham dự cuộc biểu tình này bằng những sáo ngữ như “các nhà báo cách mạng và yêu nước miền Nam” nhằm chống lại “bàn tay sắt của chính quyền miền Nam bóp nghẹt tự do báo chí.” Như thể trong chế độ Hà Nội tự do báo chí được triệt để tôn trọng.

Là người trong cuộc, đặc biệt lại là người đứng tên một trong ba tờ nhật báo bị chính phủ đương nhiệm Nguyễn Văn Thiệu truy tố về tội “phỉ báng, mạ lỵ” khi đăng bản cáo trạng chống tham nhũng của Phong trào Nhân dân Chống Tham nhũng và Kiến tạo Hòa bình do linh mục Trần Hữu Thanh lãnh đạo, nhân kỷ niệm 50 năm biến cố này, tôi cảm thấy cần lên tiếng về cuộc tranh đấu cho tự do báo chí của giới báo chí miền Nam mà “Ngày ký giả đi ăn mày” chỉ là một biến cố tuy nổi bật song chỉ có tính cách tượng trưng. Nhật báo Sóng Thần do tôi làm chủ nhiệm là tờ báo đầu tiên nhận được trát đòi hầu tòa vào ngày 31/10/1974.

Miền Nam Việt Nam, còn gọi là Việt Nam Cộng Hòa, với sự tiếp tay của Hoa Kỳ và thế giới tự do, chính thức được thành lập vào năm 1955, và là nền dân chủ duy nhất của đất nước có một lịch sử dài mấy ngàn năm, nếu không bị ngoại bang đô hộ thì là dưới một chế độ quân chủ chuyên chế. Tồn tại vỏn vẹn có 20 năm, với nền dân chủ còn non nớt trong một cuộc chiến do Cộng sản Bắc Việt khởi động, người miền Nam dù vậy đã đạt được nhiều tiến bộ về kinh tế, giáo dục và văn hóa, những thành quả mà chính họ khi nhìn lại cũng không khỏi ngạc nhiên. Nhiều người trong nước, không chỉ ngạc nhiên, mà còn nuối tiếc, trước nỗ lực không ngừng để xóa sổ VNCH của nhà cầm quyền Cộng sản. Nỗ lực này ngay cả bây giờ, sau nửa thế kỷ chiến thắng, vẫn còn được họ duy trì, thì thử hỏi, vì lẽ gì nếu không phải là vì sợ?

Tôi đã viết về các tiến bộ Miền Nam đã đạt được khi giới thiệu cuốn “Việt Nam Cộng Hòa 1955-1975 – Kinh nghiệm Kiến Quốc” của một nhóm giáo sư trẻ gốc Việt, trong bài này

VNCH có tự do báo chí, như đã ghi trong Hiến pháp; nhưng tất nhiên trong một chế độ dân chủ còn phôi thai, lại luôn phải đối phó với chiến tranh do Việt Cộng khởi động gây bất ổn, nghi kỵ, tang tóc khắp nơi, tự do đó phải chịu những hạn chế. Dân Miền Nam không được phép lập đài phát thanh hay truyền hình tư, nhưng được quyền ra báo, hay xuất bản sách, mà không quyền lực nào chỉ đạo họ phải viết cái gì, viết ra sao. 

Nhờ nền giáo dục phổ biến (và phần lớn miễn phí,) đặt trên căn bản nhân bản, dân tộc và khai phóng, số học sinh, sinh viên gia tăng, nhu cầu sách vở cũng nhờ vậy mà tăng trưởng, tiếp tay đẩy mạnh các sinh hoạt văn hoá khác, trong đó có các ngành thuộc văn học nghệ thuật, báo chí và xuất bản.

Hàng đống sách—truyện, biên khảo, sách dịch, kể cả những sách vở của Marx, Lenin lẽ ra phải là đồ quốc cấm—bày bán trong tiệm, la liệt đầy đường phố, khiến người nữ cán bộ Cộng sản Dương Thu Hương khi vào “giải phóng” Miền Nam đã phải bật khóc thốt lên, “Trong khi tất cả mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại khóc. Vì tôi thấy tuổi Xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí. Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bày trong các hiệu sách, ngay trên vỉa hè; và đầy rẫy các phương tiện thông tin như TV, radio, cassette.”

Bối cảnh dẫn đến cuộc tranh đấu cho tự do báo chí

Là một người sáng tác văn chương, do những quan tâm đối với xã hội và đưa đẩy của thời cuộc, tôi nhận lời đứng tên chủ nhiệm của nhật báo Sóng Thần vào cuối năm 1971. Thế hệ của tôi làm, viết báo phần lớn là do nghề dạy nghề, mặc dù lúc ấy ở miền Nam đã bắt đầu có trường đào tạo ký giả chuyên nghiệp. 

Tờ Sóng Thần khởi đầu được dùng như một cơ quan truyền thông nhằm phơi bày tham nhũng trong chính quyền và quân đội, với hoài bão làm sạch hậu phương để không phụ lòng người chiến đấu ngoài tiền tuyến. Báo được tài trợ với khoảng nửa số vốn do cổ đông – gồm những người cùng quan tâm tới vận mệnh của miền Nam trong cuộc chiến chống Cộng sản – đóng góp. 

Khi Sóng Thần còn đang chập chững thì xảy ra vụ tấn công vào mùa Xuân kéo dài đến mùa Hè 1972 khi Cộng quân, bất chấp ký kết của Hiệp định Ngưng chiến 1954 tại Geneva, đem xe tăng vượt vùng phi quân sự ở Bến Hải, tấn công Quảng trị, đồng thời phát động hai mặt trận ở trung nguyên và Nam phần. Sóng Thần trưởng thành sau biến cố Mùa Hè Đỏ Lửa này, và cùng lúc đó, đã giúp mở chiến dịch “Chết Một Nấm Mồ” quyên tiền hốt xác gần 2000 nạn nhân bị Việt Cộng pháo kích chết trên đường chạy khỏi Quảng trị.

Vụ tấn công này và các phá hoại của đặc công nằm vùng, đặc biệt trong giới báo chí, khiến chính phủ VNCH phải đối phó. Luật báo chí 007/72 ra đời sau khi quân Cộng sản mở cuộc tấn công năm 1972 nhằm tạo áp lực trên cuộc hội đàm hòa bình diễn ra ở Paris từ sau vụ tấn công Tết Mậu thân 1968. Tưởng cũng nên nhắc lại, là vào dịp trước Tết 1968, mặc dù VNCH và Việt Cộng đã cùng thỏa thuận ngưng bắn để dân chúng đón Tết, nhưng Cộng quân đã nuốt lời cam kết, mở cuộc tấn công toàn diện vào các thành phố của miền Nam, dẫn đến vụ thảm sát hàng ngàn dân vô tội, đặc biệt ở Huế. Cuộc tấn công này thực ra đã tiêu diệt tới 70% quân của Mặt trận Giải Phóng Miền Nam, song phía Mỹ bị áp lực chính trị nội bộ nên có nhu cầu hòa đàm. Do đấy diễn ra cuộc hòa đàm tại Paris kéo dài từ đó tới đầu năm 1972 khi chiến dịch tấn công năm 1972 xảy ra.

Luật báo chí 007/72


Khi chiến tranh ngày càng khốc liệt, chính phủ của ông Nguyễn Văn Thiệu thấy cần phải thắt chặt kiểm soát báo chí thêm nữa. Ngày 28/6/1972, Quốc hội đã thông qua Luật Ủy Quyền, trao toàn quyền cho Tổng thống Thiệu ban hành luật khi ông thấy có nhu cầu vì an ninh quốc gia. Luật này được ấn định tồn tại trong sáu tháng, có nghĩa là nó đã phải kết thúc vào ngày 28/12/1972, trừ phi Quốc hội gia hạn. Song trên thực tế, điều đó đã không xảy ra.

Sắc lệnh 007/72 trở thành luật báo chí mới kể từ ngày 4/8/1972, thắt chặt sự kiểm soát của chính phủ đối với báo chí. Mặc dù vẫn công nhận quyền tự do ngôn luận và xuất bản theo Hiến pháp, luật mới đưa ra những hạn chế mới, trong đó có hai điều khoản mà có giới báo chí hồi ấy đã mệnh danh là “sát báo”: 1) Mỗi nhật báo phải ký quỹ 20 triệu đồng (khoảng 50.000 Mỹ kim bấy giờ); và mỗi tờ báo định kỳ hay tạp chí phải nộp 10 triệu đồng; và 2) Trước khi phát hành, mỗi tờ báo được yêu cầu phải “nạp bản” bốn tiếng đồng hồ (thay vì hai tiếng như theo luật năm 1969), để nhân viên Bộ Thông tin có đủ thì giờ duyệt xét, do đó trì hoãn việc phân phối báo trong một thị trường cạnh tranh dữ dội giữa các tờ nhật báo. Trong suốt bốn tiếng đồng hồ khắc khoải đối với một tờ báo đó, nhân viên Bộ Thông tin phải xem xét xem có chỗ nào vi phạm theo luật báo chí mới. Nếu một vi phạm nào đó được phát giác, tờ báo sẽ được khuyến cáo phải đục bỏ, nếu không sẽ bị tịch thu. Trong trường hợp được khuyến cáo đục bỏ, tờ báo phải viết vào khoảng đục bỏ đó cụm từ “Tự ý đục bỏ,” tức là tự nguyện xóa bỏ chứ không phải do bị kiểm duyệt.

Điều luật khắt khe và có kết quả tức thời, là việc ký quỹ 20 triệu đồng. Nhiều báo phải đóng cửa vì không thể kiếm đâu ra tiền ký quỹ. Riêng nhà báo kỳ cựu Trần Tấn Quốc đã đóng cửa tờ nhật báo Đuốc Nhà Nam, vốn rất được nể trọng, của ông để phản đối luật báo chí mới, mặc dù ông có khả năng tài chính để đóng ký quỹ. Có khoảng 16 tờ nhật báo và 15 tờ báo định kỳ phải đóng cửa. Ban chủ biên Sóng Thần đắn đo quay quắt về việc có nên tiếp tục ra báo hay không. Sau nhiều bàn thảo, ban chủ biên quyết định đi vay tiền để đóng ký quỹ. 

Theo Việt Tấn Xã, trong số ngày 16/9/1972, thì có 29 tờ báo đã nạp tiền thế chân đúng theo kỳ hạn để tiếp tục xuất bản, gồm 17 nhật báo tiếng Việt, 11 nhật báo tiếng Trung Hoa, một nhật báo tiếng Anh, và năm tờ báo định kỳ. Trong số đó, có hai tờ nhật báo được chính phủ tài trợ, và ít nhất hai tờ được giới báo chí biết có khuynh hướng thân Cộng sản.

Báo chí tự ý đóng cửa hàng loạt. Ký giả, nhà văn, thợ nhà in, giới phát hành, người bán báo, nhiều người lâm cảnh thất nghiệp, không có kế sinh nhai. Nhưng đấy mới chỉ là đợt đầu. Chính sách kiểm duyệt khe khắt, nhiều khi vô lý, dẫn đến việc báo bị tịch thu, là nguyên nhân khiến nhiều nhật báo chết lần chết mòn. 

Dù các báo đã phải miễn cưỡng “tự ý đục bỏ” tới độ nhiều khi các trang báo trở thành nham nhở đến tội nghiệp, việc tịch thu các số báo bị coi là vi phạm luật lệ, phần lớn vì lý do gọi là an ninh, vẫn xảy ra một cách đáng lo ngại. Đặc biệt khi chiến sự ngày càng khốc liệt, nhu cầu công chúng cần được thông tin nhanh chóng và đầy đủ cũng gia tăng; thì nhân viên Bộ Thông tin càng bị thêm căng thẳng vì phải bới tìm những chi tiết cho là vi phạm; và kết quả là tờ báo không đủ thời giờ để “tự ý đục bỏ” rồi in ấn cho kịp thời để kịp phân phối ở Sài Gòn cũng như các tỉnh thành. 

Việc tịch thu đã gây tổn hại tài chính cho nhiều báo vì nó gây ra thất thu từ hai nguồn quan trọng của một tờ báo, đó là độc giả mua báo và khách hàng quảng cáo. Do đó, để cho chắc ăn, có một dạo ban quản lý Sóng Thần do anh Nguyễn Đức Nhuận phụ trách, và ban phát hành do anh Sáu Cao của tờ báo đã tự ý mướn một nhân viên của phòng kiểm duyệt Bộ Thông Tin (sau đổi là Bộ Dân vận và Chiêu hồi) tới tòa soạn mỗi ngày từ lúc báo lên khuôn vào thành từng trang, khoảng 12 giờ trưa (giờ ăn và nghỉ trưa của nhân viên này,) để đọc các bản vỗ xem có gì có thể vi luật thì gỡ bỏ, vì gỡ bỏ ở giai đoạn này thì dễ dàng hơn là khi đã làm bản kẽm mà phải cạo bỏ. Ban biên tập, dưới quyền tổng thư ký Uyên Thao và phụ tá Trương Cam Vĩnh, biết việc mướn nhân viên của Phòng Kiểm duyệt này, nhưng quay lưng làm ngơ.

Giọt nước tràn ly

Tờ báo đầu tiên, sau khi đã vay tiền ký quỹ để tồn tại song kiệt quệ vì nạn tịch thu nên đã tuyên bố đóng cửa vào ngày 31/8/1974, là nhật báo Hòa Bình do nhà báo Linh mục Trần Du làm chủ nhiệm. Hai bản tin dẫn đến việc báo bị tịch thu và là giọt nước làm tràn ly, là hai mẫu tin “tầm thường” các báo khác đã đăng tải, nhưng khi Hòa Bình đăng thì bị coi là “phạm thuần phong mỹ tục,” theo thư của chủ nhiệm gửi Tổng thống VNCH và Thủ tướng chính phủ.

Trước vụ báo Hòa Bình bị bức tử, ban chủ biên nhật báo Sóng Thần, vốn cũng đã từng bị tịch thu nhiều phen, liền phát động chiến dịch đòi chính phủ xét lại luật báo chí 007/72, với bài tham luận in ngày 1/9/1974 nơi trang nhất, nhan đề: “Quốc hội và Chính phủ phải chịu trách nhiệm về các hiểm họa đe dọa đệ tứ quyền.”

Cùng ngày xuất bản bài tham luận của Sóng Thần, chủ tịch Hội Văn Bút PEN Việt Nam, là nhà biên khảo Linh mục Thanh Lãng, cũng ra thông cáo sau phiên họp bất thường của ban thường vụ, về vụ báo Hòa Bình bị bức tử và chính sách báo chí của chính phủ VNCH. Tiếp theo, một Ủy ban Tranh đấu cho Tự do Báo chí và Xuất bản được thành lập với sự tham gia đông đảo của các đại diện dân cử đối lập, chủ báo, ký giả, nhà văn và giới xuất bản. Mục đích chính là đòi bãi bỏ luật 007, chấm dứt việc tịch thu báo bừa bãi, gây cản trở xuất bản.

Trong khi đó, nhiều biến cố quân sự cũng như chính trị diễn ra, báo chí có bổn phận phải tường trình. Nổi bật nhất trong thời gian này là sự ra đời của Phong trào Nhân dân Chống Tham nhũng và Kiến tạo Hòa bình do Linh mục Trần Hữu Thanh phát động từ Huế với sự góp mặt của 300 linh mục. Mặc dù có vô số tin đồn cho là các vị tu hành này là thân cộng, động cơ của họ hoàn toàn đến từ mối quan tâm đến sự an nguy của chính thể đang phải đương đầu với cuộc chiến chống Cộng. Khi Phong trào ban hành bản cáo trạng liệt kê một số vụ tham nhũng của giới quyền thế, Sóng Thần và hai tờ nhật báo Đại Dân Tộc và Điện Tín cùng phổ biến, và cùng bị tịch thu. Cả ba bị truy tố ra tòa. Sóng Thần là tờ báo đầu tiên nhận được trát ra tòa ngày 31/10/1974. Hai tờ kia được trát đòi hầu tòa ngày 17/11 cùng năm.

‘Ngày ký giả đi ăn mày’

Những biến cố này khiến đời sống của các ký giả và công nhân xuất bản bị mất việc vì báo đóng cửa khốn đốn. Tình trạng này đã đi đến giai đoạn mà ba tổ chức Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam, Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt, và Hội Ái hữu Ký giả Việt Nam cảm thấy họ phải làm một cái gì, dù chỉ có tính cách tượng trưng, để báo động về tình trạng kinh tế ngặt nghèo của những người sống trong ngành báo. Họ quyết định chọn ngày 10/10 làm “Ngày ký giả đi ăn mày.” Thực tế, ngày này không nằm trong dự tính của cuộc đấu tranh cho tự do báo chí, mà có tính cách bộc phát, song lại là dữ kiện được ghi nhận và nhớ hơn cả.

Vào “Ngày ký giả đi ăn mày,” tại trụ sở Câu lạc bộ Báo chí ở số 15 đường Lê Lợi ở trung tâm thành phố Sài Gòn, trước khi đoàn biểu tình xuất phát, đại diện ba tổ chức ký giả trên đưa ra một tuyên ngôn liên quan đến bài diễn văn một tuần trước đó của Tổng thống Thiệu, và yêu cầu ông rút lại nhận xét tiêu cực về các ký giả khi cho họ là một lũ “chuyên làm tiền” và “báo chí là những ống loa của cộng sản.” Bản tuyên ngôn cũng đồng thời đòi hủy bỏ sắc lệnh 007/72 đang hủy hoại tự do báo chí và kế sinh nhai của ký giả. 

“Ngày ký giả đi ăn mày” đã diễn ra với sự tham dự của hàng trăm nhà báo, nhà văn, các dân biểu đối lập, các cựu chiến binh và các nhân vật tên tuổi, như Linh mục Thanh Lãng và Nguyễn Quang Lãm, sát cánh với học giả Hồ Hữu Tường… Mỗi người đội một chiếc nón lá cũ, tay cầm gậy, vai đeo bị. Các hình ảnh chụp trong ngày này cho thấy nhiều người già cả, phụ nữ và trẻ em nắm tay nhau tạo thành một hàng rào người giữa đoàn diễn hành và lực lượng cảnh sát. 

Có thể nói đây là cuộc biểu tình bộc phát lớn nhất chưa từng thấy ở Sài Gòn trong những năm qua. Nhiều người dân góp tiền mặt và gạo cho đoàn “ăn mày.” Có một vài xô đẩy giữa cảnh sát và vài thành phần tham gia cuộc diễn hành như thể cố tình khuấy động, nhưng bên công lực đã tự kiềm chế không sử dụng vũ lực nào khác ngoài tay trần và dùi cui, theo tường thuật của giới báo chí.

Trong số những người cố ý quấy rối người ta nhận thấy có một số nhân vật tự gọi là thuộc Lực lượng thứ Ba, như Ni cô Huỳnh Liên và Linh mục Nguyễn Ngọc Lan, là những người được coi là có cảm tình với Cộng sản. Khác với một số bài báo trong nước sau này viết về một cuộc đàn áp quyết liệt tưởng tượng của cảnh sát Cộng hòa, cuộc biểu tình dù vậy diễn ra êm thấm, và đã không xảy ra biến cố đáng tiếc nào, trừ việc một ký giả của hãng truyền hình CBS bị một dùi cui vô tình đánh vào bụng. Chi tiết này đã đương nhiên được báo chí và các hãng thông tấn ngoại quốc đưa tin. Sau cuộc biểu tình, không có ai bị công an mật vụ theo dõi làm khó dễ hay bắt bớ, hay giả dạng côn đồ quấy nhiễu hành hung. Nếu có thì đã có loan tin tường thuật.

Báo Sóng Thần đã đăng tải một bài tường thuật với nhiều hình ảnh về “Ngày ký giả đi ăn mày” trong số báo ra ngày 12/10/1974. Riêng Linh mục Nguyễn Quang Lãm đã đóng góp một bài ký ghi lại kinh nghiệm lần đầu đi biểu tình của mình, dưới tựa đề “Tôi xuống đường” được đăng tải trong cùng số báo kể trên. Xin được trích đăng tường thuật này:

 “Phải thú thiệt là quả tôi có thấy hơi ngài ngại. Bởi vì đây là lần đầu tiên tôi thực sự xuống đường, đúng giữa hàng ngũ những người tranh đấu trong cái thế phải sẵn sàng đương đầu với nhân viên công lực. Tôi đã được trang bị xong: nón rách, bị và gậy, với tấm bảng phản đối đeo trước ngực mang những hãng chữ đỏ như máu. Hai người đứng bên tả hữu tôi là anh Việt Định Phương, và Lý Chánh Trung. Cả hai vừa cười vừa nói: Chúng mình đứng bên Cha, có bề nào thì có Cha đưa thẳng về Thiên Đàng. Tôi hơi vững bụng, vì bên cạnh tôi còn có Cha Thanh Lãng, trước mặt tôi có ký giả lão thành Trần Tấn Quốc, Vũ Ngọc Các, Hồ Hữu Tường và sau lưng tôi có DB Nguyễn Hữu Chung, Đỗ Sinh Tứ. Bỗng có tiếng anh Huỳnh Thanh Vị, rồi DB Nguyễn văn Binh và Võ Long Triều: Xin mời hai cha lên hàng đầu cho! Thế là Thanh Lãng và tôi bị đẩy lên làm mũi nhọn, phải sẵn sàng chọc thủng vòng vây của cảnh sát. Bây giờ tôi thì cảm thấy ái ngại thực sự. Lần đầu tiên thực sự xuống đường tôi sẽ phải thực sự đương đầu với sức mạnh của nhân viên công lực trong nhiệm vụ phá hàng rào dãy đặc cảnh sát án ngữ trước mặt, mở đường cho hàng ngũ anh em ký giả tiến lên.

Tôi nhìn lại đằng sau, Bộ Tham Mưu của nghiệp đoàn sừng sững đứng đó, các anh Nguyễn Kiên Giang, Thái Dương và Lý Binh Hiệp đan cánh tay vào nhau, dưới tấm biểu ngữ lớn “ngày ký giả đi ăn mày,” phải hủy bỏ sắc luật 007. Tôi bỗng cảm thấy một vinh dự lớn phải xung phong chọc thủng hàng rào cảnh sát cho Bộ Tham Mưu và Lực Lượng ký giả đi qua. Cái vinh dự làm tôi can đảm.

Và như để tiếp sức cho sự can đảm ấy đằng trước tôi đã thấy án ngữ hai hàng DB nhóm QG và DTXH, tất cả đều trong tư thế xung kích mở đường húc đầu vào hàng rào cảnh sát sừng sững như bức tường thành cách đó năm thước. Tôi bước qua phía sau bức tường thành, những cái đầu lố nhố lên ở các khoảng giữa hai nhân viên công lực, những cánh tay luồn vào cảnh tay cảnh sát đang dàn kín giữ chặt lấy nhau. Tôi nhận ra các DB Phan Xuân Huy, Hồng Nhuận, Lý Quí Chung và NV Nguyễn văn Long. Tôi chợt hiểu ra hàng ngũ ký giả đi ăn mày đã được các DB thân hữu nội xung ngoại kích trong cái kế hoạch chọc thủng các hàng rào cảnh sát. Bỗng có tiếng loa của Văn Chi “anh em ký giả sẵn sàng, đan cánh tay vào nhau, hãy tiến lên đi.” Tôi thấy thật xúc động. Bởi vì không một chút xô đẩy, không một tiếng la lối chỉ thấy các DB đằng trước và sau hàng rào Cảnh Sát đang như ép vào nhau cố sức gỡ ra cánh tay của nhân viên công lực. Chỉ trong một phút đồng hồ, bức tường thành trước mặt bị thủng, mở lối cho lực lượng ký giả thong thả đi qua.

Từ Câu Lạc Bộ Báo Chí qua QH vòng xuống Lê Lợi, tới chợ Bến Thành, năm hàng rào Cảnh Sát như thế, có những hàng rào kết chặt bởi hàng trăm nhân viên công lực nhưng tất cả đều bị chọc thủng, bị phá vỡ cùng một kiểu cách với sự tiếp tay của hàng ngàn khán giả vừa reo hò vừa xông đại vào giúp sức nhóm dân cử thân hữu tự lãnh trách nhiệm đi phá vòng vây.

Tôi đã từng đi coi nhiều đám biểu tình, nhưng đây là lần đầu tiên tôi tham gia một đám biểu tình, cũng là lần đầu tiên tôi cảm thấy xúc động và hãnh diện vì chính cuộc biểu tình của tôi, của hàng trăm ký giả anh em đồng nghiệp tôi. Cuộc xuống đường đã nói lên sự đoàn kết của làng báo làng văn với sự hợp tác nhiệt tình của các Dân Biểu thân hữu và sự hỗ trợ nồng nàn của từng từng lớp lớp đồng bào nhất là giới trẻ từ những SVHS cho tới những trẻ em đánh giày.”

Sau hôm “Ngày ký giả đi ăn mày,” tôi nhận được trát đòi ra hầu tòa vào ngày 31/10/1974 cho số báo bị tịch thu, vì đã đăng tải toàn bộ văn bản có tên là “Cáo trạng số 1” của Phong trào Nhân dân Chống Tham nhũng. Một số luật sư trẻ, với hai vị lãnh đạo là Đinh Thạch Bích và Đặng thị Tám, đứng ra thành lập Lực lượng Luật sư Tranh đấu, và kêu gọi được 205 luật sư ghi danh tình nguyện biện hộ cho Sóng Thần.

Ngày 31/10, đến giữa một Sài Gòn bị phong tỏa tê liệt trong nín thở chờ đợi. Tên tôi với tư cách bị can, mang số đăng đường 20942 trong danh sách của phiên tòa trực tố ngày 31/10/1974, không được mang ra xét xử hôm ấy. Không ai biết lý do vì sao.

Vào tháng Hai năm 1975 khoảng sau Tết, tôi nhận được một văn thư của Bộ Nội Vụ tuyên bố rút giấy phép xuất bản báo, không nêu lý do vì sao. Lúc ấy cả Miền Nam đang bận rộn với chuyện di tản và câu hỏi lớn nhất là liệu miền Nam có tan hàng.

Nửa thế kỷ sau nhìn lại, tôi tin giới báo chí miền Nam đã làm một việc cho phép mình không phải hổ thẹn với hậu thế, mặc dù có người đã kết lỗi cho họ là đã phần nào tiếp tay đẩy miền Nam tới chỗ tan rã nhanh hơn. Giới báo chí miền Nam đã đứng lên đòi quyền tự do báo chí vì người dân miền Nam cần biết tin tức ngay thật mặc cho những thủ đoạn nhằm ngăn chặn khao khát đó. Đó là một điểm sáng lạn trong lịch sử báo chí miền Nam vậy.

Kết luận

Tôi bắt đầu soạn bài này vào ngày bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 5/11/2024. Cuộc bầu cử quan trọng này đã kết thúc với kết quả là cựu Tổng thống Donald Trump đã lại đắc cử năm nay cho một nhiệm kỳ bốn năm và cuối cùng. Ông Trump đã từng bị tòa Tiểu bang New York kết tội hối lộ cô đào phim người lớn để liên hệ tình dục với cô không gây ảnh hưởng xấu tới cuộc tranh cử Tổng thống của ông vào năm 2016, và vài vụ hình và dân sự khác. 

Là một người không thuộc đảng phái nào, song ủng hộ ứng cử viên Phó Tổng thống Kamala Harris, tôi cảm thấy thất vọng và không khỏi lo ngại. Vì ông Trump hứa khi tranh cử là nếu thắng, ông sẽ thực hiện nhiều màn trả thù những người bất đồng với ông mà ông gọi là “kẻ thù bên trong,” trong đó có giới báo chí mà ông đã gọi là “kẻ thù của nhân dân” vì đã làm cái nhiệm vụ của báo chí là canh chừng các hành xử của chính quyền của ông trong nhiệm kỳ đầu. Lời tuyên bố về báo chí đó đã bị cố Nghị sĩ John McCain khi còn sinh tiền chỉ trích là dấu hiệu khởi đầu của độc tài.

Vào lúc tôi viết những dòng này, đảng Cộng hòa của ông Trump cũng đồng thời đã nắm được Thượng viện và có thể sẽ giữ được Hạ viện. Ông Trump sẽ mặc sức thao túng nếu cả hai viện Quốc hội nằm trong tay đảng Cộng hòa. Với một Tối cao Pháp viện nằm gọn trong tay sáu vị thẩm phán bảo thủ, với ba vị do chính ông Trump đề cử, vừa ban cho Tổng thống quyền miễn nhiễm, người dân Mỹ, như tôi và bao triệu người đối lập khác, còn lại gì? 

Tôi không thất vọng vì chúng ta còn có Đệ tứ quyền, là tự do báo chí, được bảo vệ bởi Tu Chính án Thứ nhất. Các đồng nghiệp báo chí của tôi sẽ canh chừng hành xử của chính phủ ông Trump trong bốn năm tới, như họ đã làm với mọi chính quyền bất kể của đảng nào, và sẽ tiếp tục bảo vệ dân quyền của người dân. Tôi biết mình không cô độc trong một chính thể với các định chế dân chủ pháp quyền lâu đời và vững vàng. Các đồng hương và cả đồng nghiệp còn trong nước của tôi không có được may mắn đó.

[TD2024-11]

———-

Đọc thêm:
“Cuộc tranh đấu cho tự do báo chí: Vụ án Sóng Thần 31-10-1974”
https://hopluu.net/a4103/cuoc-tranh-dau-cho-tu-do-bao-chi-vu-an-song-than-ngay-31-10-1974

Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả Trùng Dương và không nhất thiết là quan điểm của tòa soạn tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi.

You may also like

Leave a Comment