Trương Minh Ký, nhà văn quốc ngữ đầu tiên

by Vy Trần

Trương Minh Ký (1855-1900), bút danh Mai Nham, hiệu Thế Tải, là học trò nổi bật nhứt của Trương Vĩnh Ký và luôn bị cái bóng của thầy che mờ nên đời sau rất ít người biết về ông một cách đầy đủ.

Tuần báo Nam Kỳ, tờ báo Trương Minh Ký làm chủ bút những năm cuối đời

Ông sanh năm 1855 tại Hanh Thông Xã, Gò Vấp trong một gia đình buôn bán bình thường. Bảy tuổi, năm 1862, cũng là năm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ mất vào tay quân Pháp, ông mất mẹ. Cũng vì vậy mà ông được cha chăm sóc tốt, cho ăn học đàng hoàng. Qua nghiên cứu gần đây, chúng tôi cho rằng, ông bắt đầu học chữ Nho với cha và bà nội (là người Minh Hương) và học chữ quốc ngữ với giáo sĩ Puginier Phước, người thành lập giáo xứ Hạnh Thông Tây cách nhà ông chừng hai cây số. Sau đó, ông về sống với bà nội ở Chợ Lớn. Khi vào trung học, ông đậu vào trường Sư Phạm thành phố và đã gặp “thầy” Trương Vĩnh Ký.

Năm 1872 ông ra trường và trở thành thầy giáo dạy chữ nho và chữ quốc ngữ ngay nơi mình đã học. Nối nghiệp thầy Trương Vĩnh Ký, ông trở thành một thầy giáo nổi tiếng và hai năm sau, năm 1874, ông được thăng hạng. “Trương Minh Ký, nguyên làm thầy giáo dạy giúp hạng ba lên hạng nhì, lương đồng niên ăn 1400 quan tiền” (Gia Định Báo số 3 ngày 1-2-1874). “Dạy giúp” ở đây là một thứ bậc trong nghề giáo thời ấy. Đến năm 1880, Thống đốc Nam Kỳ dân sự đầu tiên Le Myre de Vilers đã cữ ông dẫn một đoàn học sinh gồm 11 em sang Alger du học bậc cao đẳng. Trong số 11 học sinh nầy có một “em” sau nầy khá nổi tiếng trong giới thầy giáo lẫn báo chí là “em Diệp Văn Cương”! Diệp Văn Cương (1862-1929), đồng môn của “em” Nguyễn Trọng Quản, tác giả cuốn truyện Thầy Lazaro Phiền in năm 1887 đang được coi là cuốn tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, sau khi tốt nghiệp trở về làm giáo sư trường Chasseloup Laubat (nay là Lê Quý Đôn) và từng là Chánh tổng tài cuối cùng (1909-1910) của tờ Gia Định Báo. Trong chuyến đi nầy ông Trương Minh Ký đã đi thăm Paris, khi trở về ông viết một du ký dài 2000 câu bằng văn vần Như Tây nhựt trình (Nhựt ký đi Tây) in tại Sài Gòn năm 1889.

một trang Gia Định Báo thời Trương Minh Ký phụ trách

Sau chuyến đi, trở về ông được bầu làm Ủy viên Hội đồng thành phố Sài Gòn và chuyển sang làm chủ bút tờ Gia Định Báo từ giữa năm 1881 đến năm 1896. Từ năm 1897, ông làm chủ bút cho tờ báo tư nhân tờ Nam Kỳ (giáo sư Nguyễn Văn Trung gọi là Nam Kỳ nhựt trình) cho đến giữa năm 1900, báo đóng cửa. Tháng 8-1900, ông mất đột ngột ở tuổi 45. Trong năm 1889, ông được Thống đốc Nam Kỳ cử làm phiên dịch cho phái đoàn Hoàng gia triều đình nhà Nguyễn do Hoàng thân Miên Triện dẫn đầu đi dự hội chợ quốc tế tại Paris. Trong chuyến đi, tại Paris, ông được Hoàng thân Miên Triện ban cho cái tên “Thế Tải”, “ngày mồng sáu tháng sáu, 3 juillet 1889, đức ông đặt hiệu ta là Thế Tải” (Chư quốc thại hội, trang 11). Sau chuyến đi nầy về ông cũng xuất bản cuốn du ký Chư quấc thại hội dài 2000 câu thơ song thất lục bát, in cùng năm.

Với quá trình như vậy, không hiểu vì sao ông bị xóa tên khỏi bản đồ đường phố Sài Gòn sau ngày 30-4-1975? Phải chăng vì ông là cháu họ của Trương Minh Giảng? Phải chăng vì ông luôn bị lầm lẫn với ông Trương Vĩnh Ký? Phải chăng vì ông cộng tác với Pháp?…

Được đánh giá là người có kiến văn sâu rộng cả ba ngôn ngữ Việt, Pháp, Hán; ông làm thầy giáo dạy chữ quốc ngữ và chữ nho trong 8 năm. Sau khi chuyển sang làm báo ông viết nhiều sách giáo khoa như Ấu học khải mông, Tập dạy học tiếng Phansa và tiếng Annam, Hiếu kinh diễn nghĩa, Pháp học tân lương, Quấc ngữ sơ giai, tiểu học gia ngôn...và sáng tác, dịch thuật thơ truyện. Cuốn sách 100 bài học tiếng Pháp (Pháp học tân lương) gồm bài giảng về từ ngữ, văn phạm tiếng Pháp và tiếng Việt mà ngày nay cũng có thể dùng được cho người muốn học tiếng Pháp.

Trương Minh Ký (người chống gậy) trong phái đoàn dự Hội chợ quốc tế Paris 1889

Thời ông làm chủ bút tờ Gia Định Báo, tờ báo nầy chánh thức trở thành công báo, hầu hết các trang báo đều đăng ròng các văn bản, nghị định…của chánh quyền. Có thể do chỉ đọc được những tờ báo thời Trương Minh Ký làm chủ bút, nên các nhà nghiên cứu sau nầy vội vã “phán” rằng “Gia Định Báo chỉ là tờ công báo”! Nếu họ được đọc cũng tờ báo nầy những năm trước đó thì chắc họ sẽ nói khác.

Qua  nghiên cứu chúng tôi thấy rằng, Gia Định Báo thời Trương Minh Ký có hai thay đổi căn bản và rất có lợi cho việc tìm hiểu xã hội cuối thế kỷ 19. Đó là phần Công vụ báo có đăng nguyên văn biên bản các buổi họp của Hội đồng quản hạt Nam Kỳ (do vậy mà có khi báo tăng lên đến 20 trang) và ở phần Thứ vụ, Tạp vụ có dành một phần nhỏ cho những sáng tác văn học. Và đây là trang văn học đầu tiên trên báo chí quốc ngữ nước ta. Truyện ngắn văn xuôi Tên chăn bò và truyện Thằng ăn trộm với con heo, viết lại theo nội dung thơ La Fontaine của Trương Minh Ký in trên số ra ngày 1-12-1881 là những truyện đầu tiên của nền văn học nước ta. Sau đó, năm 1884, ông đã in cuốn Truyện Phansa diễn ra quốc ngữ, cuốn truyện văn xuôi bằng chữ đầu tiên được xuất bản. Với tiền lệ truyện Kiều viết lại theo nội dung Kim Vân Kiều truyện bằng văn xuôi của Thanh Tâm Tài Nhân, thì hai truyện văn xuôi của Trương Minh Ký chính là truyện văn xuôi quốc ngữ sáng tác đầu tiên.

TRẦN NHẬT VY

Đọc thêm:

Huỳnh Tịnh Của, nhà báo tiếng Việt đầu tiên

Trương Vĩnh Ký, người thầy dạy chữ quốc ngữ đầu tiên

Chữ quốc ngữ – Bài 5: Vai trò của giáo sĩ Francesco de Pina

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights