Sau nhiều tháng leo thang căng thẳng với các mức thuế quan trả đũa chóng mặt – có lúc lên tới 145% từ phía Hoa Kỳ và 125% từ Trung Quốc – việc giới chức cao cấp hai nước ngồi vào bàn đàm phán tại Thụy Sĩ đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới.
Đây là cuộc gặp trực tiếp, công khai đầu tiên kể từ khi Tổng thống Trump tái áp đặt các biện pháp thuế quan cứng rắn. Giờ đây, câu hỏi lớn mà các thị trường, doanh nghiệp và chính phủ các nước đang chờ đợi câu trả lời là: liệu những cuộc gặp này có thực sự mở ra một chương mới, hay chỉ là một động thái tạm thời trong ván cờ địa chính trị phức tạp giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu?
Tại sao phải đối tại sao phải đối thoại?
Không khó để nhận thấy cả Washington và Bắc Kinh đều đang chịu áp lực kinh tế ngày càng lớn. Tại Hoa Kỳ, thị trường tài chính đã có những phen chao đảo. Các doanh nghiệp lớn như Walmart và Target đã phải kín đáo báo động về nguy cơ thiếu hụt hàng hóa và giá cả leo thang nếu cuộc chiến thuế quan không sớm hạ nhiệt. Nông dân Mỹ khốn đốn khi các mặt hàng đặc thù như chân gà, đầu cá tra Á châu vốn được thị trường Trung Quốc ưa chuộng nay khó tìm thị trường tiêu thụ. Thiệt hại ước tính có thể lên tới 8 đến 10 đô la cho mỗi con heo nếu mất thị trường Trung Quốc đối với các phụ phẩm.
Phía Trung Quốc, dù luôn tỏ ra cứng rắn, cũng không tránh khỏi tổn thất. Số liệu tháng Tư cho thấy xuất cảng sang Mỹ giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước, dù tổng kim ngạch xuất cảng chung vẫn tăng. Các nhà máy sản xuất hàng tiêu thụ hàng ngày đã phải giảm tốc độ hoặc tạm ngưng dây chuyền. Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng thị trường sang các khu vực khác như Liên Minh châu Âu, nhưng việc thay thế sức mua khổng lồ của thị trường Mỹ không phải là chuyện một sớm một chiều. Áp lực này, cùng với những dấu hiệu suy yếu trong nền kinh tế nội địa như sản xuất trì trệ và giảm phát, có lẽ là động lực chính khiến Trung Quốc quay lại bàn đàm phán.
Con đường đàm phán chông gai
Dù đối thoại là việc cần thiết, không ai ảo tưởng rằng con đường phía trước sẽ bằng phẳng. Tổng thống Trump, với những phát biểu khó lường – lúc thì cứng rắn đòi hỏi Trung Quốc phải nhượng bộ đáng kể, lúc lại gợi ý mức thuế 80% “có vẻ ổn” – khiến cho việc dự đoán chiến lược của Mỹ trở nên vô cùng khó khăn. Liệu Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Đại diện Thương mại Jamieson Greer có đủ thẩm quyền để đưa ra những quyết định quan trọng, hay mọi thỏa thuận cuối cùng đều phải chờ sự can dự của hai vị tổng thống?
Về phía Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Xuân Oánh tỏ ra tự tin về khả năng quản trị các vấn đề thương mại, nhưng Bắc Kinh cũng rất thận trọng. Họ xem các cuộc đàm phán này mang tính thăm dò nhiều hơn là kỳ vọng vào một thỏa thuận lớn ngay lập tức. Họ muốn đo lường mức độ nghiêm chỉnh của phía Mỹ. Sự thiếu tin tưởng lẫn nhau, cùng với một danh sách dài các vấn đề gai góc – từ thâm hụt thương mại, tiếp cận thị trường, kiểm soát xuất cảng khoáng sản đất hiếm, cho đến vấn đề fentanyl – tạo thành những rào cản không dễ vượt qua. Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc coi cuộc chiến thuế quan này không chỉ là vấn đề thương mại, mà còn là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Mỹ nhằm kìm hãm sự trỗi dậy của họ, thậm chí là mối đe dọa cho sự tồn tại của mô hình phát triển kinh tế của họ.
Vượt lên những động thái tượng trưng
Giới quan sát quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp đều mong chờ một kết quả thực chất, chứ không chỉ là những tuyên bố ngoại giao sáo rỗng. Việc hạ một vài phần trăm thuế suất mang tính tượng trưng sẽ không đủ để khôi phục dòng chảy thương mại. Theo Brian P. Klein, một cựu nhà ngoại giao Hoa Kỳ, thuế suất phải giảm xuống dưới ngưỡng khoảng 35% thì các nhà sản xuất Trung Quốc mới có thể có lợi tức khi buôn bán trở lại với Mỹ. Đề nghị 80% của Tổng thống Trump rõ ràng vẫn còn quá cao.
Nếu các cuộc đàm phán chỉ dừng lại ở việc thiết lập một khuôn khổ cho các cuộc gặp gỡ tương lai, như một số nhà phân tích dự đoán, thì những lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ và những khó khăn cho kinh tế toàn cầu sẽ khó mà lắng dịu. Một ví dụ gần đây là thỏa thuận mà chính quyền Trump vừa đạt được với Vương quốc Anh: dù được công bố, nhiều nhà phân tích cho rằng nó thiếu cả sự rõ ràng lẫn nội dung thực chất, chủ yếu là tuyên bố ý định hơn là cam kết cụ thể. Nếu thỏa thuận với Trung Quốc cũng chỉ dừng ở mức độ này, e rằng khó lòng xoa dịu được thị trường và các doanh nghiệp đang rất lo lắng. Các doanh nghiệp cần sự chắc chắn để đưa ra các quyết định đầu tư và mua hàng lớn. Người tiêu thụ Mỹ cũng sẽ sớm cảm nhận được gánh nặng nếu giá cả hàng hóa, đặc biệt là vào các dịp lễ lớn, tăng vọt do thiếu hụt nguồn cung.
Tia hy vọng mong manh giữa một núi thách thức
Không thể phủ nhận rằng việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nối lại đối thoại là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, con đường đi đến một thỏa thuận toàn diện, giải quyết căn cơ những bất đồng sâu sắc giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, vẫn còn vô cùng xa vời và đầy thách thức. Stephen Olson, một cựu nhà đàm phán thương mại Mỹ, phải chú ý rằng những xích mích mang tính hệ thống sẽ không được giải quyết trong một sớm một chiều.
Có lẽ, mục tiêu thực tế nhất trong giai đoạn này là đạt được một sự “xuống thang”, giảm bớt những mức thuế quan trên trời đang bóp nghẹt thương mại song phương. Nhưng ngay cả khi điều đó xảy ra, những rào cản thuế quan cao và các hạn chế khác vẫn sẽ còn đó. Cuộc đối đầu Mỹ-Trung không chỉ đơn thuần là về thương mại; nó phản ảnh một cuộc cạnh tranh chiến lược rộng lớn hơn. Do đó, dù kết quả các cuộc đàm phán tại Thụy Sĩ ra sao, thế giới vẫn cần chuẩn bị cho một giai đoạn tương tác phức tạp và có thể còn nhiều biến động giữa hai cường quốc này. Điều quan trọng là cả hai bên cần nhận thức được rằng một cuộc chiến thương mại kéo dài không có người chiến thắng thực sự, và hậu quả của nó sẽ lan rộng ra toàn cầu.
Năm Cư
Washington, D.C. 10/5/2025