NGUYỄN THỊ VEN BIỂN
Vai trò làm ông bà trong thế kỷ 21 không còn là con đường trải hoa hồng mà là một sự chuyển mình đầy thử thách, đôi khi nóng bỏng đến bất ngờ. Bản thân tôi đã trải qua điều này khi gia đình đón thêm thành viên mới cách đây vài năm.
Chúng ta, những ông nội bà ngoại, ngày nay phải học cách xoay xở giữa những vai trò đảo lộn, những ranh giới mới mẻ và cả một “biển” thông tin nuôi dạy con cháu trên mạng tưởng như đối nghịch với kinh nghiệm cả đời mình.
Cách đây khoảng hai năm, ngày con gái tôi vượt cạn thành công, cháu ngoại đầu lòng chào đời, lòng tôi như vỡ òa. Tôi đã hăm hở lao đến, sẵn sàng xắn tay áo lên, vừa để chăm con gái, vừa để “truyền thụ bí kíp” nuôi dạy đứa cháu bé bỏng.
Suy nghĩ của tôi lúc đó thật đơn giản: mình đã nuôi con gái lớn khôn thành người, kinh nghiệm đầy mình, sao lại không áp dụng được? Nhưng, thực tế phũ phàng hơn tôi tưởng. Con gái tôi, một bà mẹ trẻ hiện đại, đã có sẵn một “bộ quy tắc” riêng. “Mẹ ơi, rửa tay kỹ trước khi bế con con nhé!”, “Mẹ đừng hôn lên mặt cháu tội nghiệp!” Những lời nói nhẹ nhàng ấy, ban đầu, khiến lòng tôi thực sự dậy sóng, một chút ngỡ ngàng, một chút hụt hẫng, và không thể phủ nhận, một chút tự ái len lỏi. Tôi, người vốn quen ra lệnh, quen bao bọc, giờ đây phải tuân theo “chỉ thị” của con mình.
Một người hàng xóm, bà Randi, cũng mới lên chức bà, đã thốt lên những lời gan ruột khi con trai bà, một ông bố trẻ, cũng đặt ra những “giới hạn” tương tự: “Tôi vốn đã quen với việc bảo con trai mình nên làm gì và không nên làm gì, thấy khó chịu khi nó không nghe mình nữa”. Tuy nhiên, cũng như tôi, bà dần nhận ra niềm tự hào khi chứng kiến con mình trưởng thành, đảm nhận vai trò người trụ cột. Dù vậy, cái cảm giác “mất quyền” ban đầu thật khó mà nuốt trôi.
Cô bạn học từ hồi trung học, cũng đã lên chức bà ngoại, chia sẻ với tôi, dù con cái có lớn đến đâu, chúng vẫn là con của mình. Nhưng khi chúng có con, vai trò “chủ đạo” của mình buộc phải lùi về sau. Ở vai trò ông bà, mình phải học cách từ bỏ vị trí “sếp tổng” – một cuộc đấu tranh nội tâm không hề dễ dàng với những ai đã quen xông pha giải quyết mọi việc trong vai trò làm cha mẹ.
Một lời khuyên có vẻ đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng: hãy để con cái bạn thực sự sống cuộc đời làm cha mẹ của chúng, tôn trọng những ranh giới chúng đặt ra. Đôi khi, điều đó đồng nghĩa với việc cắn răng chịu đựng khi thấy chúng làm khác ý mình. Nên nhớ, không phải ai cũng có diễm phúc được ôm cháu bồng chắt. Tỷ lệ sinh ở Hoa Kỳ đang giảm, và ngày càng nhiều người trẻ chọn cuộc sống không con cái. Khoảng 35% các bậc cha mẹ Mỹ từ 50 đến 90 tuổi không có cháu, một con số đáng để suy ngẫm.
Sự va chạm thế hệ còn rõ nét hơn khi con gái tôi, cũng như bao bậc cha mẹ trẻ khác, coi mạng Internet là “kim chỉ nam”. Mọi thứ, từ loại sữa, thời điểm ăn, đến lịch ngủ của cháu, đều được con bé tra cứu kỹ lưỡng. Có lần, tôi chỉ nhẹ nhàng góp ý về việc cho cháu ăn thêm chút bột gạo theo cách truyền thống, con gái tôi đã khéo léo từ chối, bảo rằng “các chuyên gia trên mạng khuyên khác mẹ ạ.” Thật khó tả cái cảm giác khi bao nhiêu năm kinh nghiệm của mình dường như không bằng vài dòng chữ trên mạng. Đôi lúc cũng thấy chạnh lòng lắm chứ!
Tôi thường theo dõi kênh TikTok của cô Taylor Wolfe, một tác giả và diễn viên hài, thường cùng mẹ mình làm những video hài hước nhưng sâu cay, phản ảnh những căng thẳng thường ngày giữa mẹ millennial và bà ngoại boomer. Chẳng hạn, mẹ cô không tài nào hiểu nổi tại sao cháu gái hai tuổi vẫn phải mặc túi ngủ. Tôi cũng tròn xoe mắt khi con gái giải thích rằng việc đặt chăn mềm hay gối chặn quanh cũi như tôi từng làm cho nó ngày xưa giờ lại là “cấm kỵ,” tiềm ẩn nguy cơ cho trẻ sơ sinh. Thời thế thật đổi thay, khiến người làm ông làm bà như chúng tôi cũng phải ngỡ ngàng học lại từ đầu, đôi khi cảm thấy mình thật lạc hậu.
Người sáng lập GrandparentsAcademy.com, ông Aaron Larsen, chỉ ra rằng nhiều ông bà vẫn khư khư quan điểm có quyền nuông chiều cháu vô điều kiện, từ việc cho ăn vặt vô tội vạ đến việc mua sắm đồ chơi không kiểm soát. “Quan điểm đó thực sự gây xung đột với thế hệ cha mẹ ngày nay,” ông Larsen khẳng định.
Dần dà, tôi thấm thía rằng việc cho lời khuyên cũng là một nghệ thuật, đôi khi là một cuộc đi dây đầy căng thẳng.
Tiến sĩ Joshua Coleman, một nhà tâm lý học, nói thẳng:
“Ngay cả khi bạn giàu kinh nghiệm hơn, con cái bạn có thể không muốn nghe. Chúng muốn tự mình mò mẫm, tự mình trải nghiệm.”
Có lần thấy cháu khó ngủ, tôi đã thử áp dụng “chiêu” của bà Heredia, mạnh dạn đề nghị con gái tạo chút tiếng ồn nền nhẹ nhàng. Tôi kể lại kinh nghiệm bản thân, rằng ngày xưa mẹo này đã giúp tôi. May mắn thay, lần đó con gái tôi đã lắng nghe. Có lẽ vì tôi không ra lệnh, mà chỉ chia sẻ như một người bạn. Khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy một niềm vui nho nhỏ, một sự kết nối được tái lập.
Trải nghiệm này khiến tôi day dứt nhớ về mẹ mình. Ngày xưa, khi tôi mới sinh con gái, mẹ tôi cũng đã từng muốn chỉ bảo, góp ý. Nhưng tôi, với sự tự tin của tuổi trẻ, đã lịch sự khước từ: “Mẹ ơi, con biết mình đang làm gì.” Giờ đây, ở vị trí của mẹ ngày đó, tôi mới hiểu hết nỗi lòng và sự áy náy của bà Heredia khi nghĩ về mẹ mình. Giá như ngày đó tôi tinh tế hơn.
Với tôi, việc tôn trọng quyết định của con gái trong việc nuôi dạy cháu giờ đây là ưu tiên hàng đầu, dù đôi khi vẫn phải nuốt ngược những lời muốn nói vào trong. Tôi không còn cố gắng “nhảy xổ” vào mọi việc nữa. Thay vào đó, tôi chọn vai trò người đồng hành, người cổ vũ thầm lặng, sẵn sàng chìa tay ra khi con cần. Tôi cũng khao khát xây dựng một mối liên hệ đặc biệt với cháu mình, một tình cảm không bị phủ bóng bởi những quy tắc hay sự kiểm soát.
Phải thành thật rằng các cha mẹ trẻ thời nay có phương pháp nuôi dạy con khoa học và quy củ hơn ngày xưa rất nhiều. Ngày xưa, các bà mẹ trẻ nhận được vô số lời khuyên từ ông bà, dù muốn hay không. Giờ đây, chúng tôi những ông nội bà ngoại, chỉ dám mở lời khi được hỏi.
Làm ông bà thời nay quả thực là một cuộc cách mạng trong tư tưởng và hành động. Đó là ngọn lửa của sự thay đổi, đôi khi đốt cháy những thói quen cũ, những suy nghĩ cố hữu. Chúng ta phải học cách lùi một bước, nhường sân khấu chính cho con cái, chấp nhận rằng thế giới đã khác và phương pháp nuôi dạy con trẻ cũng không ngừng tiến triển. Nhưng chính trong ngọn lửa thử thách đó, chúng ta lại tìm thấy một hơi ấm mới, một tình yêu thương sâu sắc và trưởng thành hơn dành cho con cháu.
Bản thân tôi, sau những xáo trộn ban đầu, giờ đây lại thấy vai trò người bà thật thiêng liêng và đầy ý nghĩa. Không còn là “người chỉ đạo”, tôi là người chở che, là điểm tựa tinh thần. Đó là một hành trình học hỏi không ngừng nghỉ, và phần thưởng lớn nhất chính là những nụ cười, những cái ôm ấm áp, và một gia đình ngày càng gắn kết bởi sự thấu hiểu và tình yêu thương được tôi luyện qua thử thách.
Nguyễn Thị Ven Biển
Washington D.C.