Tranh kiếng Nam bộ – Còn đâu hình bóng cái thời “Bốn chấm không”

by Tim Bui
Tranh kiếng Nam bộ Còn đâu hình bóng cái thời “Bốn chấm không”

QUỐC ĐỊNH

Có lẽ, cái thói mê truyện Tàu, rồi các tuồng tích cổ của tôi đã “khởi” từ lúc tôi là một thằng nhóc tì năm, sáu tuổi mới lõm bõm biết đọc. Mà thật ra, cái mê ấy không khởi từ cái sự đọc mà là mê từ những bức tranh kiếng sặc sỡ ở các xe hủ tiếu mì của “các chú,” mà bố tôi thi thoảng dắt tôi đi tới “xực phàn”

Những tuồng truyện từ… xe hủ tiếu mì
Lớn hơn chút nữa, khi cuốc bộ từ nhà đến trường rồi từ trường về nhà, thể nào tôi cũng “tắp dô” những xe mì ở dọc đường mà ngắm nghía mê say cho đến thuộc lòng các bức tranh kiếng được vẽ ở cả ba mặt của chiếc xe mì. Như, các nhân vật, hoặc các trận thư hùng quyết liệt trong Tam quốc diễn nghĩa: Tam hào kiệt kết nghĩa vườn đào, Chu Du hỏa thiêu Xích Bích, Trương Phi nổi giận đả Đốc Bưu, Tào Tháo hành thích Đổng Trác bại lộ giả hiến đao, Hứa Chử lõa y chiến Mã Siêu… Mãi sau này tôi mới biết, phần lớn mỗi bức tranh đều diễn tả một truyện tích nổi bật mà mọi người thời đó (thập niên 50 – 70 thế kỷ trước) biết, yêu thích, và được diễn thành tuồng trong dân gian, như: Chiến tướng một tay ẵm đứa con nít tay kia cầm thương xông pha giữa một rừng quân địch, đó là tích “Triệu Vân cứu chúa.” Hình có ba người vây đánh một người: tức là chuyện “Tam anh chiến Lữ Bố” kể lúc ba người gồm Quan Công, Trương Phi và Lưu Bị cùng vây đánh “hội đồng” Lữ Bố. Cảnh một tướng cầm đao cưỡi ngựa theo sau xe có hai người đàn bà, là chuyện “Quan Công phò Nhị tẩu.” Cảnh một tướng trẻ oai vệ được một cô gái đẹp dâng rượu, bên cạnh có một quan văn đó là “Lữ Bố hí Điêu Thuyền.” Hay hình một chiến tướng lẫm liệt đang uống rượu và một người đàn bà đang cầm dao kề vào cổ, đó là “Hạng Vũ biệt Ngu Cơ,” một chuyện rất cảm động và lãng mạn nhất trong “Hán Sở tranh hùng.” Nhiều xe còn có tranh kiếng vẽ các tích như Hằng Nga bôn nguyệt hay Tiên nữ hiến đào. Nhiều nhất, hầu như xe mì nào cũng thấy, là hình ảnh của Quan Vân Trường, mặt đỏ lừ, có bộ râu đen và dài; hay một tướng mặt đen xì, dữ dằn là Trương Phi; rồi một nho sinh đầu đội mão tay cầm quạt lông thì đó chính là Gia Cát Lượng… những nhân vật lừng danh trong Tam quốc diễn nghĩa.

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình, tranh kiếng bắt nguồn từ nghề du họa của người Hoa, được du nhập vào Việt Nam từ thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và xuất hiện lần đầu ở Huế. Đến khoảng đầu thế kỷ 20, người Hoa di dân vào vùng Chợ Lớn mang theo nghề tráng kiếng và nghệ thuật vẽ tranh kiếng. Ban đầu, họ mở những tiệm bán kiếng tráng thủy để soi mặt, đóng tủ hoặc làm khung ảnh… đi kèm đó là những bức tranh kiếng đại tự bằng chữ Hán hoặc thư họa để khánh chúc nhân dịp hiếu hỉ, lễ lạc, tân gia, khai trương… và cả những bộ tranh thư họa. Từ đó, tranh kiếng Nam bộ bắt đầu hình thành và phát triển. Tranh kiếng có giá thành vừa phải nên nhanh chóng phổ biến khắp cả miền Nam, từ đình, chùa, đền, miếu đến các gia đình, tiệm ăn. Đặc biệt là các xe hủ tiếu người Tiều, người Quảng Đông thường có các tranh kiếng về điển tích xưa trong: Tây du ký, Quan công, Cá chép hóa rồng… Lúc đầu, các tiệm kiếng ở Chợ Lớn chỉ buôn bán các loại tủ kiếng và những loại kiếng màu xanh, vàng, đỏ để gắn khung cửa chớp, cửa gió… 

Những bức tranh kiếng đầu tiên có lẽ xuất hiện trong cung đình Huế từ thời vua Minh Mạng. Đến thời Thiệu Trị, nhà vua đã đặt thợ Trung Quốc vẽ về hai mươi cảnh đẹp xứ Huế, cùng các bài thơ vịnh của mình. Từ đó, thuật ngữ “tranh gương cung đình Huế” ra đời để chỉ những tác phẩm tranh kiếng trong hoàng cung và giới quý tộc Huế. Tên gọi tranh kiếng thật ra là kính. Nhưng người miền Nam, vốn kỵ húy tên nhân vật Nguyễn Hữu Cảnh, có tên húy là Kính, tước Lễ Thành hầu, người đã có công chiêu dân mở cõi đất Nam bộ. Nguyễn Hữu Cảnh tổ chức các cơ sở hành chính thôn xã, lập Gia Định phủ trên phần đất từ sông Đồng Nai đến sông Tiền và chính thức cho sáp nhập vào bản đồ Đại Việt. Ông được người dân tôn thờ là vị Thượng đẳng công thần, một thần thành hoàng trấn nhậm bờ cõi phía Nam. Từ đó, kính mới đọc trại thành kiếng.

Hành trình của một thời rực rỡ
Khoảng thập niên 1920, những bức tranh kiếng đầu tiên xuất hiện ở khu Chợ Lớn, khởi nguồn cho hành trình lừng lẫy của dòng tranh phổ biến nhất nhì xứ Nam Bộ. Trong hành trình di dân, các nhóm người từ Quảng Đông đã mang theo những bức tranh có chủ đề thờ phụng nhân thần như một di sản văn hóa tâm linh. Vì thế, tranh kiếng vùng Chợ Lớn bắt đầu nổi lên như một dòng tranh thờ các vị thần linh. Sau đó, dòng tranh này phát triển thêm những tác phẩm mang ý nghĩa may mắn, cầu tài lộc, sung túc. Cùng thời điểm này, người dân Lái Thiêu (Bình Dương) cũng học hỏi kỹ thuật làm tranh kiếng từ người Hoa, rồi sáng tạo nên những kiểu mẫu mới, phù hợp với tín ngưỡng thờ tự của người Việt. Nhờ nét đẹp thuần Việt, phong cách pha màu độc đáo và điểm nhấn từ những mảnh ốc xà cừ, Lái Thiêu nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất và đầu mối phân phối tranh kiếng khắp lục tỉnh Nam kỳ.

Những năm sau đó, theo tuyến đường xe lửa đầu tiên ở Đông Dương từ Sài Gòn về Mỹ Tho, tranh kiếng dần phát triển mạnh mẽ về miền Tây. Một trong những dòng tranh phổ biến ở Gò Công, Mỹ Tho (Tiền Giang), Chợ Mới (An Giang), từ xưa đến nay là tranh thờ tổ tiên, phát triển từ kiểu khuôn đồ thờ tổ tiên chín đời, “cửu huyền thất tổ” vốn được chạm khắc trên gỗ sơn thiếp truyền thống, kết hợp thêm hoành phi phía trên đề tên gia tộc. Về với đồng bằng sông Cửu Long, tranh kiếng lại một lần nữa được phân nhánh, khi nhiều dòng tranh ra đời với giá rẻ, đa dạng đề tài phong cảnh làng quê hoặc các tích truyện thuần Việt như: Thoại Khanh – Châu Tuấn, Lưu Bình – Dương Lễ, Phạm Công – Cúc Hoa… mô phỏng theo tranh truyện của họa sĩ Hoàng Lương, Lê Trung. Nhờ đó, tranh kiếng không chỉ mang mục đích thờ tự mà còn trở thành vật trang trí cho cửa phòng, vách ngăn. Ngoài ra, ở những khu vực đông người Khmer sinh sống, tranh kiếng còn mang đậm yếu tố của Phật giáo Tiểu Thừa.

Như vậy, tranh kiếng Nam bộ được chia thành hai dòng chính: tranh thờ và tranh phong cảnh, đáp ứng nhu cầu bày trí lẫn tín ngưỡng của người dân. Trong đó, quan trọng nhất là tranh thờ tổ tiên, tiếp đến là tranh thờ các vị thần tín ngưỡng dân gian như tranh thờ ông Táo, ông Địa, các vị thần độ mạng, các loại tranh về Phật, Bồ Tát… hay tranh về tôn giáo như Thiên Nhãn của đạo Cao Đài, tranh Công giáo… Tranh kiếng phong cảnh cũng khá phổ biến với hình ảnh của vùng Thất Sơn bảy núi hay Thuyền Bát Nhã của các tôn giáo như: Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, tranh Trần Dà của Phật giáo Hòa Hảo… Lý giải về sự phổ biến nhanh chóng của dòng tranh này ở Nam bộ, theo nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình, thì: “Do vùng đất Nam bộ là vùng đa chủng tộc người, cộng đồng sinh sống nên tranh kiếng vào đây cũng phải đáp ứng nhu cầu thờ tự hay lễ tiết, khánh chúc. Trong đó tiêu biểu là tranh thờ tổ tiên. Đây chính là nét đặc sắc ẩn chìm trong tâm thức văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Nhất là với lưu dân đi khai phá, mở cõi ở vùng đất mới.”

Trong tâm thức người dân Nam bộ, tranh thờ cúng nổi trội luôn mang chủ đề Phật giáo, tranh độ mạng, thờ tổ tiên bằng tranh sơn thủy, tranh chữ… Sự thịnh hành của tranh kiếng đã giúp nó trở thành dòng tranh trang trí chủ đạo cho các đình chùa, đền miếu, thậm chí cả ở nhà thờ (công giáo) ở miền Nam. Từ sự thịnh hành ấy, chẳng khó để thấy tranh kiếng trong các gian nhà cổ thờ tổ tiên hay đình chùa ở Nam bộ. Người treo tranh kiếng trong nhà quý tranh như một nét tâm linh thờ phụng, lựa chọn những mẫu tranh phù hợp để cầu bình an, tài lộc và luôn lau chùi cẩn thận mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Ở Sài Gòn, các vùng đất xưa của phủ Gia Định là Phú Nhuận, Bình Thạnh hay Gò Vấp… giờ chỉ còn lác đác những ngôi nhà xưa, nhà gạch ba gian với mái ngói là còn có tranh kiếng thờ trong nhà. Một số gia đình còn lưu giữ dấu vết phong lưu xưa ở miệt Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi… cũng còn lưu giữ trong gian nhà chính những bức tranh kiếng. Tất cả những tranh kiếng đó, phần lớn là tranh thờ với câu tự chữ Hán: “Cửu huyền thất tổ” ở chính giữa, trên bàn thờ chính cùng hai liễn thờ hai bên. Hiếm hoi, cũng bắt gặp các tranh thờ, như: Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, Thuyền Bát Nhã, Bát Tiên quá hải, Thái Thượng lão quân, Cửu Thiên huyền nữ, Ngũ hổ, Tử Vi trấn trạch… Các tranh còn lại, phần nhiều là tranh trang trí, có hình chữ nhật (đứng hoặc nằm ngang), nhiều khổ… có chủ đề phong cảnh đất nước, làng quê hay chỉ mang một câu chúc, một ước nguyện, như: Vinh hoa phú quý, Gia đình hạnh phúc, cầu an, cầu lộc, cầu tài…

Nghệ thuật rồi cũng dần tàn phai
Là một dòng tranh rất phổ biến một thời, nhưng kỹ thuật vẽ tranh kiếng không hề đơn giản. Theo lời của một nghệ nhân, nếu vẽ trên giấy đã khó, thì việc tạo tác trên kiếng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ gấp bội. Để làm nên những bức tranh kiếng sống động, sắc nét, người nghệ nhân không chỉ cần sự khéo léo mà còn phải có tư duy thẩm mỹ cao, bởi tranh kiếng khác biệt hoàn toàn so với các loại tranh thông thường. Điểm đặc trưng và cũng là sự cầu kỳ của dòng tranh này nằm ở kỹ thuật vẽ ngược, tức là vẽ từ mặt sau của tấm kiếng. Chi tiết nào sau cùng, thì được vẽ đầu tiên nên những người thợ hay nói vui là nghề này “đi sau về trước” là vậy. Một trong những khó khăn lớn nhất của nghệ nhân làm tranh kiếng là việc tạo mẫu. Các mẫu tranh không chỉ đáp ứng thị hiếu của khách hàng mà còn phải đa dạng. Bên cạnh đó, mẫu tranh Hán tự cũng là một thách thức lớn với những nghệ nhân không thông thạo chữ Hán. Mẫu tranh này buộc nghệ nhân phải có cái nền chữ Hán vững vàng, để có thể đề lên những tranh chữ hay câu đối, chúc tụng như ý. Bởi với chữ Hán, sơ sẩy một nét là đã mang ý nghĩa hoàn toàn khác, từ chúc tụng, ước nguyện dễ biến thành câu… chửi, mà bút sa là… gà chết. Ở Sài Gòn, hiện chỉ còn một vài nơi vẽ tranh kiếng như khu đóng, bán các loại xe nước mía, hủ tiếu, nước sâm… được làm bằng inox ở ngã ba Hùng Vương – Nguyễn Chí Thanh (quận 5), hay ở Bình Quới – Thanh Đa (quận Bình Thạnh).

Tranh kiếng truyền thống của người Hoa, màu sắc dùng trong tranh kiếng là bột màu hòa cùng dầu cây du đồng. Tuy nhiên ngày nay, hầu hết nghệ nhân sử dụng sơn Bạch Tuyết hoặc sơn dầu để tạo nên những tác phẩm tranh kiếng vừa tiện lợi vừa bền đẹp hơn. Để hoàn thành một bức vẽ tranh kiếng thủ công, nghệ nhân phải dành ít nhất một tuần đến 10 ngày hoặc có khi cả tháng, tùy theo mẫu tranh phức tạp hay đơn giản. Giá một bức tranh kiếng vẽ tay, giá giao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. So với tranh in công nghiệp thì tranh kiếng vẽ tay đắt hơn gấp mấy lần nên sức cạnh tranh cũng kém hơn và ngày càng kén khách. Thời buổi Bốn chấm không (4.0), những bức tranh kiếng có mặt ở thị trường hiện tại, rất có thể là sản phẩm của máy móc hiện đại. Với sự phát triển của công nghệ, tranh kiếng phần lớn được sản xuất bằng kỹ thuật phun hoặc kéo lụa. “Công nghệ” này giúp màu sắc tranh sinh động hơn và giá thành chỉ bằng 1/3 so với tranh kiếng truyền thống, nhưng cũng chính điều đó đã khiến nghề vẽ tranh kiếng dần… hấp hối. Hơn nữa, quy trình làm tranh phụ thuộc nhiều vào thời tiết, cần có nắng để phơi tranh, trong khi thu nhập từ nghề lại không đủ để nuôi sống người thợ, khiến họ dần rời xa công việc này. 

Nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh kiếng?
Ở Chợ Lớn, gần như ai cũng biết nghệ nhân Lương Chí Bằng, nay đã 80 tuổi (sinh năm 1945), chủ tiệm vẽ tranh kiếng Tân Huê nổi tiếng. Ông sinh ra trong một gia đình có nghề vẽ tranh kiếng gia truyền. Từ năm 12 tuổi, ông Bằng đã được người cha truyền cho nghề vẽ tranh kiếng. Tranh của cha ông chủ yếu dùng bút lông để vẽ nét, chứ không can theo mẫu rập khuôn trên giấy nên nét vẽ rất uyển chuyển, tinh tế, sinh động và đẹp hơn tranh của những tiệm khác. Là người có năng khiếu, đam mê vẽ, lại được  cha truyền dạy một cách bài bản, nghiêm khắc nên ông nhanh chóng lĩnh hội và nối nghiệp cha, tiếp tục phát triển tiệm tranh kính Tân Huê ngày càng thêm vang danh.

Theo nghệ nhân Lương Chí Bằng, dòng tranh kiếng của các nghệ nhân người Hoa ở Chợ Lớn có đặc trưng rất riêng, mang đậm dấu ấn hội họa Trung Hoa. Đó là thường dùng gam màu đỏ làm chủ đạo, dán giấy quỳ vàng, quỳ bạc, đồng thời áp dụng kỹ thuật tráng thuỷ để làm cho bức tranh ánh lên sắc sáng bạc, giúp tăng thêm phần lung linh huyền ảo của bức tranh. Để hoàn thành một bức tranh với đường nét màu sắc đẹp, hài hòa, đòi hỏi nghệ nhân phải có tay nghề và trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ, tỷ mỷ, công phu. Trong quá trình phát triển nghề, ông Bằng luôn tiếp nhận những kỹ thuật mới nên có nhiều cải tiến giúp cho nghệ thuật tạo hình được đa dạng hơn từ hình thức tới nội dung đề tài. Ngoài loại tranh thờ như Phật Thích Ca Mâu Ni theo kiểu thức pháp phục của Phật giáo Tiểu thừa, hoặc Đức Phật ngồi thiền trên đài sen, với hậu cảnh là cây bồ đề. Nghệ nhân Lương Chí Bằng cũng vẽ nhiều loại tranh thờ đặc trưng cho cộng đồng người Hoa như tranh: Nhị phủ Bổn Đầu công, Huê Quang Đại đế, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân, Ngọc Hoàng Thượng Đế… Một đề tài nữa cũng được tiệm tranh kính Tân Huê thực hiện nhiều do nhu cầu thờ cúng của khách hàng người Hoa ở Chợ Lớn, đó là dòng tranh phong thủy, tử vi trấn trạch treo trước cửa nhà để trừ diệt ma quỷ, bảo vệ sự an yên cho gia chủ. 

Đặc biệt, tiệm tranh kính Tân Huê cũng chuyên vẽ tranh kiếng trang trí cho các xe mì, hủ tiếu. Ngoài các mẫu tranh kính xe mì, hủ tiếu do thân phụ ông sáng tác như tranh vẽ tích truyện xưa Trung Quốc, ông Bằng cũng công phu sáng tạo nên nhiều mẫu tranh mới, hấp dẫn hơn, thẩm mỹ hơn. Ông Bằng cho biết, tùy theo khách hàng đặt vẽ tranh kiếng xe lớn hay xe nhỏ, cũng như cái “gu” thích bộ tranh 2 tầng hay 3 tầng mà ông thực hiện khác nhau. Bộ tranh kính xe mì, hủ tiếu thông thường gồm: Biển hiệu tiệm mì, hủ tiếu đặt ở mặt trước, chính giữa xe, hai bên tấm tranh kiếng biển hiệu thường là hai câu đối với nội dung ca ngợi danh tiếng và khẩu vị của tiệm mì, hủ tiếu của gia chủ, cũng như chúc tụng buôn may bán đắt, danh tiếng vang xa. Tiếp theo bên hai bên câu đối là tranh vẽ tích truyện, cũng tùy theo sở thích của gia chủ mà xe mì, hủ tiếu có 2 hoặc 3 tầng vẽ tích truyện.

Những bức tranh kính vẽ cho các xe mì, hủ tiếu của nghệ nhân Lương Chí Bằng nổi tiếng nhất, phổ biến nhất, được nhiều khách đặt hàng nhất chính là vẽ các nhân vật, hoặc các trận thư hùng quyết liệt trong Tam quốc diễn nghĩa như: “Trang tam hào kiệt kết nghĩa huynh đệ,” “Chu Du hỏa thiêu Xích Bích,” “Trương Phi nổi giận đả Đốc Bưu,” “Tào Tháo hành thích Đổng Trác bại lộ giả hiến đao,” “Hứa Chử lõa y chiến Mã Siêu”… Thường trên cùng một xe mì, hủ tiếu, nghệ nhân chỉ vẽ thuần một tích truyện, trừ khi tranh bị hỏng, vỡ, có thể được thay thế bằng những tích truyện khác. Một xe mì, hủ tiếu muốn đẹp, hấp dẫn và hoàn hảo thì cần sự hợp tác chặt chẽ giữa thợ đóng xe và người vẽ tranh trang trí, nên họ trở thành đồng tác giả của xe mì, hủ tiếu. Chính vì thế, các xe mì, hủ tiếu ở khu Chợ Lớn thường có các câu chữ đề danh như “Tăng Phú tạo xa, Tân Huê chế phiến” (tiệm Tăng Phú đóng xe, tiệm Tân Huê vẽ tranh). Ngày nay, nghề đóng xe mì bằng gỗ gần như đã biến mất. Thay vào đó là các loại xe bằng inox, vừa hiện đại (?), vừa dễ lau chùi, bảo quản và bền chắc theo thời gian. Quan trọng nhất là giá cả, nó có giá chỉ bằng 1/3 các loại xe bằng gỗ, đóng thủ công.

Nghề đóng xe mì, hủ tiếu rồi vẽ tranh kiếng trang trí, một thời “song kiếm hợp bích” làm nên danh tiếng của một dòng tranh trong ký ức của Sài Gòn, Nam bộ nhiều chục năm qua, nay đã dần mai một. Còn nữa, không gian, nội thất một ngôi nhà truyền thống (ba gian hai chái) giờ đây hầu như không còn nữa, nhường chỗ cho những căn nhà phố hoặc biệt thự lộng lẫy, hiện đại, đã không còn chỗ phù hợp cho các bức tranh kiếng, nhất là tranh trang trí. Những yếu tố chết, lần hồi đã làm cho dòng tranh kiếng truyền thống, không còn… đất sống.

Bát Tiên quá hải

Cậu Quý, cậu Tài
Tranh kiếng trên một xe mì xưa

Similar article: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/gom-lai-thieu-vang-danh-mot-thuo-cua-thom-con-mot-chut-nay/

You may also like

Verified by MonsterInsights