BẮC KỲ DI CƯ
Thiệt tình, Sáu tui thấy người ta nói tiếng Việt nhiều khi không chỉnh. Không biết bao nhiêu lần, Sáu tui nghe thấy bạn bè, gia đình, bà con nói: “Hôm nay đi khám bác sĩ,” giống như “đi khám điền thổ” hồi xưa vậy. Nói “đi khám bác sĩ” tức là đến phòng mạch rồi nói: “Bác sĩ ơi! Cho tui khám ông (bà) nhé!” Theo Sáu tui là “phó thường dân,” thì nên nói là “đi khám bệnh” hoặc dài dòng hơn thì “đến phòng mạch Bác sĩ để được khám bệnh,” hoặc nói theo kiểu Mỹ: “đi thăm Bác sĩ” (visiting a doctor). Nhưng cũng không nên lịch sự thái quá mà nói: “xin bác sĩ khám cho!”
Ở xứ văn minh này, không ai “xin” và không ai “cho.” Người mắc bệnh mà không có bảo hiểm, thì cho dù có “năn nỉ xin” cũng không bác sĩ nào chịu “cho” khám, không phải là bác sĩ không có lương tâm, mà vì “trách nhiệm” (responsibility). Nếu mở lòng từ tâm “khám cho” thì lỡ có xảy ra điều gì trật vuột, thì bác sĩ lãnh đủ, vừa mất bằng, vừa mất nghiệp, và vừa mất tiền! Bởi vì người mới năn nỉ “xin bác sĩ khám cho,” lại trở mặt, đi “sue” bác sĩ thì coi như là bác sĩ gặp xui tận mạng. “Làm ơn, mắc oán” là vậy đó! Xứ Mỹ này quái lắm. Thấy người té ngã, bị đụng xe mà lanh chanh chạy tới, nâng đỡ người té ngã lên, chẳng may gặp phải tên thổ tả ham tiền, lại “sue” người làm phước, tố cáo với cảnh sát là “ông ấy làm gãy xương sống tui!” thì thật là rắc rối to. Cách chắc ăn nhất là nhấc điện thoại lên, gọi 911 giùm cho người té ngã, và canh chừng họ không làm gì bể thêm mà thôi. Thiệt ra, biết thì biết vậy, nhưng khi thấy người trượt chân ngã trước mặt, thấy em bé chạy ra đường, sắp bị xe đụng, thì không ai mà làm ngơ được! Phải lập tức chạy đến nâng người ngã lên, phải bế xốc em bé và chạy vào trong, không ai có thể đứng nhìn tai nạn xảy ra hoặc sắp xảy ra mà tỉnh queo, đi qua được!
Có một chuyện này mà Sáu tui đau lòng mãi là chuyện chó cắn em bé, cắn người đi đường. Đọc tin thấy có em bé bị lũ chó dữ xông tới cắn chết, thì Sáu tui phẫn nộ vô cùng. Tưởng tượng lúc ấy cháu bé đau đớn và sợ hãi lắm. Chúa ơi! Chúa ở đâu mà để thiên thần Chúa bị dứt từng miếng thịt? Bị chó cắn đâu có chết ngay, mà chỉ mất hết máu mới chết! Tưởng tượng Sáu tui có mặt lúc đó, thì không những phải đập mấy con chó chết mà còn bóp cổ luôn cả cái thằng cha, con mẹ nào nuôi chó dữ mà để xổng ra như thế! Tui thẫn thờ tự hỏi: “Lúc đó không có ai đi qua sao? Có người thấy mà cũng sợ chó cắn, nên né chạy, để bé bị chó cắn chết?” Có thể lắm! Lòng người nhẫn tâm thì nhiều, người có máu anh hùng thì ít! Về trường hợp bị chó cắn, Sáu tui có một mẹo này, nếu là quý ông mà thấy chó cắn ai đó, hoặc chính mình bị chó cắn, thì rút ngay dây thắt lưng ra, cầm cái đuôi, vung cái đầu sắt vào đầu con chó đồng thời la hét thật lớn thì nó bỏ chạy. Còn các bà? Có thể rút guốc ra ném, vừa ném vừa la hét um sùm, chó cũng bỏ chạy, vì đó là chó nhà, loại Bulldog, giống chó dữ, mặt quằm quặm như ông già, nên khi thấy chủ la hét và ném đồ thì nó chạy xa. (Tui không hiểu sao có người nào lại mê nuôi giống chó ông già này! Chẳng đẹp tí nào mà hay lên cơn giết người. Đã biết bao trường hợp chó cắn chết em bé trong nôi, chó cắn chết ông nội, chó cắn bà hàng xóm, chó cắn chủ nhà! Vậy mà vẫn thích nuôi? Có thể là người nuôi chó dữ loại này cũng có loại máu… không hiền!) Dĩ nhiên, trừ khi gặp chó sói, mà nếu không có gậy dài để thủ thân thì võ sư cũng phải co cẳng chạy.
Nói lòng vòng mãi, trở lại vụ “đi thăm bác sĩ.” Hồi trước 1975, có câu “lương y như từ mẫu” (thầy thuốc tốt như mẹ hiền), thiệt là đúng (mặc dù bác sĩ là đàn ông!). Tui thấy câu này rất đúng với những vị y sĩ thời trước 75, nhất là các vị quân y sĩ, hoặc bác sĩ quân y. Sáu tui chịu ơn mấy vị này nhiều lắm khi còn trong thời gian đi “học tập tốt.” Nếu không có mấy vị mẹ hiền này thì Sáu tui giờ này đang viết trên chốn nào rồi. Lần đầu xảy ra với tui, tại Trảng Lớn, khi đó vì làm lao động nhiều, không có ăn đủ, mà lại lo lắng cho gia đình, một vợ hai con nhỏ, không biết làm sao sống sót, nên… nằm thẳng cẳng, nhắm mắt, không nói được, và không mở miệng húp nước cháo mà anh em rót cho được, chờ leo qua bên kia. Hai người bạn tui, bác sĩ Lân và bác sĩ Phượng nằm kế bên, đã tìm mọi cách báo cáo với y tế xin thuốc mà chỉ nghe mỗi câu: “khắc phục!” Hai vị lương y này, sau cùng, sốt ruột quá, cõng đại bệnh nhân lên trạm y tế, cũng chỉ nghe chữ “khắc phục!”. Không chấp nhận cho bạn mình chết hoảng, hai vị cứ năn nỉ mãi thì tay y tá kia phải phun ra: “Ra hái lá xoài non, sắc nước cho nó uống!” Vì hết cách, nên Lân và Phượng đành cõng ra cây xoài ở Trung đoàn, một người đứng đỡ bệnh nhân, môt người leo lên cây. Vừa lúc đó, một tay y tá thứ thiệt của Trung đoàn, người Nam Kỳ (mấy người tập kết này vì đã sống trong Nam nên hiểu tình cảnh của người đi “học tập” hơn là mấy trự Bắc Kỳ rốn, răng đen mã tấu, căm thù miền Nam), đi xe đạp Phượng Hoàng đến, thấy hai ông bác sĩ đang trèo cây thì quát hỏi, nhưng khi biết sự việc, thì biểu: “Về trại đi, tôi đến liền” Rồi anh ta chửi tay Bắc Kỳ bệnh xá bằng tiếng Nam: “Đ.M. Nó thấy anh cứ lải nhải hoài, nó biểu anh lấy lá xoài cho uống để đi ỉa chảy ra rồi chết luôn, không làm phiền nó nữa!” Hai vị lương y teo người, lại hì hục một cõng, một khiêng bệnh nhân về trại. Lúc sau, tay y tá Nam Kỳ đạp xe đến, mang theo thuốc chích B1, B 12… Anh ta mở mắt bệnh nhân ra xem, thấy lờ đờ rồi, liền phóng kim vào ngay ngực, gần tim! Hai ông y sĩ hoảng quá, giơ tay ngăn lại: “Sao anh lại chích vào đó! Trúng tim thì có thể chết liền!” Tay y tá kia tỉnh bơ nói: “Đằng nào anh ta cũng sắp chết rồi, chích vào đây, một là sống, hai là chết luôn, không mệt!” Trời! Hai ông bạn tôi đứng tê cả người, chờ tui ra đi, nhưng số Trời chưa cho chết, nên thở lại. Tay y tá Nam Kỳ có lòng nhân này, gọi anh “quản heo” của trại lại, ra lệnh: “Mỗi ngày cho anh ta một lon cám, nghe chưa?” Thế là nhờ sự tận tình của hai lương y quân đội Saigon và môt tay y tá Nam Kỳ tập kết, và vài lon cám, mà giờ này Sáu tui vẫn viết lăng nhăng.
Lần khác, ở trại Suối Máu, cùng phòng với mấy vị y sĩ, nha sĩ, dược sĩ. Tất cả quý vị “sĩ” này, phải bỏ kim chích, cùng với Sáu tui làm công tác nắm than bùn, móc than lên rồi vò thành cục như quả bàng, nộp cho trại. Riêng tui vì đứng dẫm lên than bùn, xui xẻo bị đạp vào miếng than đá cứng làm sứt da, nên ngón chân bị mạch lươn. Hôm đó, tự nhiên thấy nóng quá, mà hai ngón chân giữa của bàn chân phải sưng vù lên, Sáu tui kêu lên: “Lộc ơi! Sao tui nóng quá, ông ơi?”Lộc chạy lại, rờ đầu tui, rồi ra lệnh lung tung: “Trời, cha này nóng quá! Lân! Kiếm cho tui hai viên Aspirin, nhét vào mồm…! Khánh! Lấy khăn lạnh đắp lên đầu gấp! Nhân! Coi cái bàn chân xem!” Nhân bước thật nhanh đến, nhấc chân tui lên, dòm dòm, gõ gõ, rồi kêu lên: “Bị mạch lươn rồi! Khánh ơi! Mổ gấp!” Thế là mấy vị lương y kia bế tui lên giường sắt, Nhân đè đầu, Lộc đè tay, Khánh là bác sĩ giải phẫu, lấy dao mổ ra, banh ngón chân tui ra rồi lúi húi đục, khoét giữa hai ngón chân tui. Đau thấu trời xanh, tui cong người lên như con tôm. Lộc ấn tui xuống: “Ráng chịu đi ông! Chịu đau thêm chút nữa!” Khánh khoét mãi, khoét mãi, vì cái mạch lươn bắt đầu từ giữa kẽ ngón chân, chạy vào tới lòng bàn chân, không biết bao nhiêu centimet. Nhưng cái đau kinh khủng không phải việc khoét, cắt thịt thối mà là cồn sát trùng! Khánh rút cồn 90 độ vào kim chích, rồi phóng vào từng khe kẽ trong chân, như những mũi kim đâm vào thịt thối, sau đó cũng bơm thuốc đỏ vào cái lỗ hun hút ấy! Phải bơm mạnh, thuốc mới xuyên qua da thối vào da lành! Chúa ơi! Đau quá, tui bất tỉnh luôn! Tỉnh dậy, thấy ngón chân mình đã được băng bó kín, tuy vẫn đau, nhưng thấy nhẹ người hẳn.
Cám ơn những người bạn thân, bác sĩ Phạm Thanh Nhân, bác sĩ Lê Hồng Khánh, bác sĩ Lương Tấn Lộc, bác sĩ Đoàn Lân, bác sĩ Thân Trọng Đàm, bác sĩ Trương Đăng Hiếu, và bác sĩ Phượng (quên mất họ, chỉ nhớ là đẹp trai nhất trại, da trắng bóc, ngực nở như thiếu nữ, luôn cười mủm mỉm, Sáu tui hay đùa, lấy chăn che mặt ông, chỉ để lộ phần ngực, và gọi ông là “Cô Phượng!” Phượng không nói gì, chỉ tủm tỉm: “Cái ông này, dê quá!”) Sáu tui cám ơn trời đã cho tui cơ hội làm bạn với những vị này. Đời tui không gặp họ thì đã chầu trời sớm rồi. Còn nhiều chuyện lắm, sẽ kẻ từ từ. Riêng tui, năm nay, ngồi nhớ những bạn hiền này vô cùng. Tự dưng ngào nghẹn. Đúng là lương y như từ mẫu! Nhớ mãi và nhớ nhiều nhất là trong số những người bạn này, đã ba vị về chầu Chúa: Lân, Nhân, và Phượng. Vừa mới đây, nghe người cháu của bác sĩ Đàm cho biết ông cũng đã mất ở Saigon! Chắc chắn quý vị này đã được Chúa thưởng công bội hậu trên thiên đàng vì hy sinh cả tuổi trẻ để cứu nhân, độ thế.
Bắc Kỳ Di Cư
Tháng Bảy, 2025
Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/a-to-h/bac-ky-di-cu/
