Du lịch Hồng Kông – Quảng Châu – Thẩm Quyến

by Tim Bui
Du lịch Hồng Kông – Quảng Châu – Thẩm Quyến

CHU DU

Mùa Hè năm nay (2025), gia đình chúng tôi cùng một số bạn hữu có chương trình về Việt Nam nghỉ hè một tháng. Mọi người đề nghị hãy đi du lịch Hồng Kông và Ma Cao. Trước khi về Việt Nam, chúng tôi liên lạc với một công ty du lịch ở Việt Nam để làm một tour riêng cho nhóm mình thì được biết visa đi Ma Cao rất khó xin cho người ở Việt Nam, mà chúng tôi định mời một số thân nhân ở Việt Nam đi cùng chuyến này, cho nên cuối cùng chúng tôi phải làm một cái tour đi Hồng Kông, Quảng Châu, và Thẩm Quyến.

Đoàn du lịch trong chuyến này gồm tám Việt kiều Mỹ và năm thân nhân ở Việt Nam. Chúng tôi hợp đồng với công ty Lữ Hành Việt thực hiện một private tour bốn đêm năm  ngày với giá 1,000 đô cho mỗi người. Tour bao gồm chuyến bay khứ hồi với hãng Cathay Pacific, khách sạn bốn sao, ăn uống, di chuyển, và các chi phí làm visa và vào cổng tham quan.

Ngày thứ nhất

Đoàn chúng tôi đáp chuyến bay đi Hồng Kông khởi hành từ phi trường Tân Sơn Nhất lúc 11 giờ 25 sáng và hạ cánh ở sân bay quốc tế Chek Lap Kok – Hồng Kông lúc ba giờ 15  chiều. Thời gian bay là hai tiếng 50 phút.

Chúng tôi được chiếc xe bus 35 chỗ đón và đi tham quan cầu Thanh Mã (Tsing Ma Bridge) được xây dựng năm 1997 nối liền hai hòn đảo quan trọng của Hồng Kông là Tsing Yi và Ma Wan, đây là cây cầu treo đẹp nhất Á châu. Tận mắt nhìn toàn cảnh cây cầu bắt ngang eo biển rộng thật là tuyệt đẹp. Quả là danh bất hư truyền !!!

Sau đó chúng tôi được đưa đi tham quan “Đại lộ ngôi sao” có chiều dài khoảng nửa cây số, nơi in dấu vân tay và chữ ký của các nhân vật nổi tiếng của Hồng Kông.

Sau chuyến tham quan bỏ túi, chúng tôi được đưa về check in khách sạn, tắm rửa, và dùng bữa cơm chiều thịnh soạn.

Tối hôm đó, chúng tôi đi tham quan và mua sắm ở khu “chợ Quý Bà” (Lady Street) và đi ăn các loại chè Hồng Kông giống như các loại chè Sâm Bổ Lượng, chè mè đen, chè đậu đỏ trong Chợ Lớn vậy.

HỒNG KÔNG 

Hồng Kông hiện nay là một đặc khu hành chính của Trung Quốc, nằm ở bờ Đông Nam Trung Quốc, gồm đảo Hồng Kông, bán đảo Cửu Long, và vùng Tân Giới. Có diện tích chỉ 1.106 km², nhưng dân số thì gần 7,5 triệu người, có thể nói đây là mật độ dân số cao hàng đầu thế giới (So với Sài Gòn thì diện tích là 6.772 km² và dân số là 14 triệu người). Ngôn ngữ chính ở Hồng Kông là tiếng Quảng Đông, do từng là một nhượng địa của Anh qua 100 năm, đa số người Hồng Kông nói được tiếng Anh, ngoài ra tiếng Quan thoại ngày càng được sử dụng phổ biến.

Trước khi trở thành một nhượng địa của Anh vào năm 1842, Hồng Kông chỉ là một làng chài nhỏ thuộc tỉnh Quảng Đông với dân số chỉ có vài ngàn người, trong đó đa số là người Hán, sinh sống chủ yếu bằng nghề cá và nông nghiệp.

Chính quyền Mãn Thanh, lúc đó cai trị Trung Quốc, thua cuộc một cách nhục nhã trong Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất trước quân đội Anh và phải ký hiệp ước đình chiến Nam Kinh vào năm 1842, Hồng Kông được nhượng cho Anh trong 100 năm. Sau đó các bán đảo Cửu Long (1860) và Tân Giới (1898) được thêm vào sau các hiệp ước bại trận khác.

Có được nhượng địa này, người Anh xây dựng Hồng Kông thành cảng tự do, trung tâm thương mại và tài chính quốc tế. Từ thập niên 1950 trở đi, Hồng Kông phát triển mạnh mẽ về công nghiệp nhẹ, sau đó chuyển sang dịch vụ.

Sau thời kỳ 100 năm nhượng địa, Hồng Kông được trả về Trung Quốc vào 1/7/1997, trở thành một Đặc khu hành chính với mô hình “một quốc gia, hai chế độ,” và giữ lại hệ thống tư bản trong 50 năm, đến năm 2047.

Trước 1997, Hồng Kông là một trong “bốn con rồng châu Á” cùng với Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Hồng Kông phát triển bắt đầu bằng sản xuất công nghiệp, sau đó chuyển sang dịch vụ tài chính, thương mại, logistics. Hồng Kông từng là cảng nhộn nhịp nhất thế giới nhờ có một hệ thống luật pháp minh bạch, chính sách thuế đơn giản, và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Sau 1997, Hồng Kông tiếp tục giữ vai trò là trung tâm tài chính quốc tế. Tuy nhiên, ngày càng chịu sự cạnh tranh từ Thượng Hải, Thẩm Quyến, và các thành phố Trung Quốc khác. Sau năm 2020, bị ràng buộc bởi  Luật An ninh Quốc gia của Trung Quốc, nhiều công ty nước ngoài bắt đầu chuyển dần hoạt động ra khỏi Hồng Kông.

Là sự hòa quyện của văn hóa Đông–Tây, người Hồng Kông chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Anh Quốc. Điện ảnh Hồng Kông từng  thịnh vượng, đứng hàng đầu châu Á vào thập niên 1980–1990 với các ngôi sao như Lý Tiểu Long, Châu Nhuận Phát, Lưu Đức Hoa, Trương Mạn Ngọc… Văn hóa đại chúng (Cantopop, truyền hình TVB, phim võ thuật) lan tỏa khắp châu Á. Sau 1997, văn hóa truyền thống vẫn mạnh, nhưng chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ đại lục. Một số nghệ sĩ, đạo diễn và nhà báo chuyển ra nước ngoài do hạn chế ngôn luận. Hồng Kông vẫn là điểm đến hấp dẫn về ẩm thực, thời trang và nghệ thuật đương đại.

Trước 1997, dân chủ có tính hạn chế, do chính phủ do Anh chỉ định; tuy nhiên được hưởng tự do báo chí, pháp quyền, nhân quyền cao. Hồng Kông có nền giáo dục và y tế phẩm chất cao, hệ thống pháp lý theo luật Anh. Sau 1997,  Hồng Kông tiếp tục duy trì sự ổn định trong nhiều năm đầu. Nhưng bắt đầu từ 2014, với Phong trào Dù vàng, và đặc biệt là biểu tình chống Luật dẫn độ năm 2019, mâu thuẫn xã hội và chính trị gia tăng. Luật An ninh Quốc gia 2020 do Trung Quốc ban hành siết chặt tự do ngôn luận và hoạt động chính trị. Nhiều tổ chức dân sự và đảng phái đối lập bị giải tán, nhiều người bị bắt hoặc lưu vong.

Hồng Kông là một ví dụ độc đáo về sự giao thoa giữa Đông và Tây, nơi từng được xem là biểu tượng của tự do kinh tế và đa nguyên văn hóa ở châu Á. Tuy nhiên, sau khi trở về Trung Quốc, đặc biệt trong thập niên 2020, Hồng Kông đối mặt với những thay đổi lớn về chính trị và xã hội, đặt ra câu hỏi về tương lai của mô hình “một quốc gia, hai chế độ.”

Ngỗng quay dách lầu Hồng Kông

Ngày thứ hai

Buổi sáng hôm sau, sau khi dùng điểm tâm buffet ở khách sạn, chúng tôi đi tham quan “Vịnh Nước Cạn.”  Bãi biển ở đây có cát vàng mịn màng nghe nói là chuyên chở từ một nơi khác đến. Trời buổi sáng vào Hè nhưng khí hậu không nóng lắm. Biển ở đây khá đẹp, nhưng nếu phải so sánh thì không có cửa so với rất nhiều bãi biển ở khắp Việt Nam.

Chúng tôi tiếp tục đi tham quan “Đỉnh núi Thái Bình” cao 552 mét nằm giữa đảo Hồng Kông và Cửu Long, Tour guy nói đất ở đây mắc nhất thế giới. Trên này là nơi ở của các đại gia Hồng Kông như chủ các doanh nghiệp lớn và siêu sao điện ảnh, chỉ có họ  mới có tiền mua nổi. Từ đỉnh núi nhìn xuống, những building cao tầng san sát nhau, chúng trông như những đồ chơi của con nít.

Sau khi dùng bữa trưa chín món, chúng tôi đi tham quan  “Thiền viện Chí Liên.” Thiền viện này có kiến trúc rất độc đáo, công trình được xây toàn bộ bằng gỗ, được xâu kết với nhau qua các mối nối, mà không dùng đến một cây đinh. Thật là một kỳ công sáng tạo bởi những nhà thủ công tài hoa của Hồng Kông. Kiến trúc này mô phỏng theo kiến trúc thời nhà Đường của thế kỷ thứ 10.

Cơm chiều hôm nay cũng chín món, nhưng chúng tôi yêu cầu thêm món “Ngỗng quay” chấm với nước xí muội, một đặc sản trứ danh, hình như chỉ có ở Hồng Kông, làm cho bữa ăn chiều nay thêm phần thịnh soạn.

Tối hôm đó, cả đoàn chúng tôi cùng với một đoàn khác tổng cộng 30 người đi tour “Hồng Kông về đêm.” Tour này thì phải trả tiền thêm với giá 45 đô cho mỗi người. Tour bắt đầu từ khách sạn ở Cửu Long, đi vòng vòng các địa điểm danh tiếng ở Hồng Kông như Tsim Sha Tsui, Wan  Chai, Victoria để ngắm cảnh các khu đèn sáng rực ban đêm. Chiếc xe bus hai tầng, chạy ào ào với tốc độ hơn 100km/giờ để có thể đi hết các nơi trong một tiếng đồng hồ. Xe chạy trên xa lộ, chúng tôi có dịp ngắm các phố xá, nơi cư dân Hồng Kông ở để thấy sự chen chúc gần như quá tải, và cái cách tham quan thành phố bằng xe chạy trên con đường cao tốc thể hiện nhịp sống vội vã của người Hồng Kông.

Ngày thứ ba

Sáng hôm sau, đoàn chúng tôi được dùng bữa điểm tâm Dimsum ở một nhà hàng khá danh tiếng ở Hồng Kông. Hồng Kông rất nổi tiếng với món Dim Sum. Hầu hết các nhà hàng Dim Sum ở Mỹ đều có người Chef Cook là người gốc Hồng Kông. Sở dĩ Dimsum ở Hồng Kông ngon hơn ở Mỹ là vì họ dùng thịt tươi so với Mỹ dùng thịt đông lạnh mặc dù cùng làm bởi những vị đầu bếp có cùng tay nghề.

Các món Dim Sum hôm đó không được phong phú lắm có lẽ là do ngân sách hạn chế của tour. Chúng tôi phải gọi thêm vài món ăn cho khoái khẩu và trả bằng tiền túi. Nói chung thì đồ ăn cũng tạm được so với lời đồn. Theo tôi nghĩ, từ ngày Hông Kông thuộc về Trung Quốc thì các nhà hàng nổi tiếng và đầu bếp trứ danh lần lượt di dân ra nước ngoài. Dưới chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cuộc sống không thể nào bằng của Hồng Kông thời trước 1997. So với tiêu chuẩn Dim Sum của Sài Gòn trong mấy năm gần đây, tôi thà chọn Sài Gòn cho ăn chắc mặc bền.

Hôm nay đoàn chúng tôi sẽ di chuyển đến thành phố Quảng Châu bằng xe bus. Đoạn đường từ Hồng Kông đến Quảng Châu dài 170km và sẽ mất chúng tôi khoảng ba tiếng đồng hồ trong đó có một tiếng dự trù cho thời gian làm thủ tục nhập cảnh Trung Quốc.

Quá trình nhập cảnh Trung Quốc thật phức tạp và mất nhiều thì giờ so với nhập cảnh vào các nước khác kể cả Việt Nam. Tôi nghĩ là chính quyền Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ những người đi vào nước họ với mục tiêu đề phòng gián điệp. Một điều đáng chú ý là khi vào đến địa phận Trung Quốc thì mọi dịch vụ internet từ trong đến ngoài nước đều bị hạn chế tối đa. Internet chỉ dùng để hỗ trợ cho điện thoại, không được xem tin tức, youtube, và nhiều ứng dụng khác.

Xe đến địa phận thành phố Quảng Châu vào lúc 11 giờ sáng. Điểm tham quan đầu tiên của chúng tôi là “Nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn.” Khu di tích này được xây trên một khuôn viên đẹp và rất rộng.  Trên chính điện của nhà tưởng niệm rộng lớn có bức hoành phi ghi “Thiên Hạ Vị Công.” Phía trước có tượng Tôn Trung Sơn đứng trên đài , bên dưới ghi tạc tiểu sử và công trạng của vị cha già dân tộc. Được biết, Tôn Trung Sơn có danh hiệu Tôn Dật Tiên, là người đề xuất “Tam dân chủ nghĩa – Dân tộc, dân chủ, dân quyền” làm thay đổi tư tưởng của người dân Trung Quốc trong thời kỳ phong kiến Mãn Thanh. Chủ thuyết này đã dẫn đến nhiều cuộc cách mạng dân chủ làm tiền đề cho những sự thay đổi thành xã hội ngày nay.

QUẢNG CHÂU

Thành phố Quảng Châu 

Quảng Châu nằm ở đồng bằng châu thổ sông Châu Giang, phía nam Trung Quốc, với dân số hơn 18 triệu người, là trung tâm hành chính, thương mại, công nghiệp, văn hóa và giao thông của miền Nam Trung Quốc, và là một trong những thành phố lớn và phát triển nhất Trung Quốc. 

Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc có lịch sử hơn 2.000 năm mà thời xa xưa gọi là nước Nam Việt, là một thành phần trong chủng tộc Bách Việt, là đồng bào với chủng tộc Lạc Việt của nước Văn Lang ngày xưa, tiền thần của nước Việt Nam ngày nay. 

Dưới thời kỳ nhà Triệu, Triệu Việt Vương – Triệu Đà dùng kế “Trọng Thủy – Mỵ Châu” đánh cắp bí mật nỏ thần của An Dương Vương và thôn tính nước Âu Lạc. Lạc Việt trở thành một bộ phận của nước Nam Việt – Quảng Đông trong hơn một trăm năm. Sau đó toàn bộ nước Nam Việt bị Đế quốc Hán phương Bắc thôn tính và bị đô hộ trong 1,000 năm. Bộ phận Nam Việt-Quảng Đông và các nhóm Việt khác bị người Hán đồng hóa, chỉ có nhóm Lạc Việt còn sống sót và trở thành nước Việt Nam sau này.

Quảng Đông từng là thành phố cảng quan trọng thời nhà Hán trong việc giao thương với các nước Đông Nam Á và Ấn Độ. Trong thời nhà Đường và Tống, Quảng Châu trở thành một trung tâm buôn bán quốc tế sầm uất, từng là cửa ngõ của “Con đường Tơ lụa trên biển.” Trong thế kỷ 18–19, dưới thời kỳ Mãn Thanh,  Quảng Châu là hải cảng duy nhất mà Trung Quốc cho phép thương nhân phương Tây giao dịch trong chính sách “Cảng đơn nhất” (Canton System).

Trong thế kỷ 19, Quảng Châu là nơi diễn ra nhiều cuộc xung đột trong Chiến tranh Nha phiến giữa Trung Quốc và Anh. Thời kỳ đầu thế kỷ 20, Quảng Châu trở thành trung tâm hoạt động cách mạng chống nhà Thanh, là nơi Tôn Trung Sơn từng hoạt động.

Trong thời kỳ hiện đại, Quảng Châu tiếp tục là trung tâm công nghiệp phía Nam. Từ thập niên 1980, nhờ chính sách cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình, Quảng Châu trở thành đầu tàu trong quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế. Quảng Châu hiện nay là trung tâm kinh tế lớn thứ 3 của Trung Quốc, chỉ sau Bắc Kinh và Thượng Hải. Là một thành phố công nghiệp đa ngành: cơ khí, điện tử, ô tô (hãng xe GAC), hóa chất, dệt may…  Quảng Châu là nơi tổ chức Hội chợ Canton (Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc) – hội chợ thương mại lớn nhất và lâu đời nhất tại Trung Quốc.

Với hệ thống giao thông thuận tiện, có cảng biển lớn, sân bay quốc tế Bạch Vân, đường sắt cao tốc kết nối với toàn quốc, tăng trưởng kinh tế của Quảng Châu tiếp tục ở mức độ bền vững với tổng sản phẩm khu vực năm 2023 đạt gần 3.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 429 tỷ đô).

Là cái nôi của văn hóa Quảng Đông (Cantonese Culture), với đặc trưng riêng biệt về ẩm thực, ngôn ngữ, và nghệ thuật. Ngôn ngữ chính là tiếng Quảng Đông, nhưng tiếng Quan thoại ngày càng phổ biến trong giới trẻ.

Nổi tiếng với ẩm thực Quảng Đông – một trong “Tứ đại ẩm thực Trung Hoa.” Các món nổi tiếng: dimsum, ngỗng quay, cháo cá, lẩu Quảng Đông…  

Là trung tâm của âm nhạc C-pop, kịch Quảng Đông, điện ảnh và truyền hình địa phương.  Ngoài ra Quảng Châu còn có nhiều bảo tàng, công viên, đền đài lịch sử, và các địa danh du lịch nổi tiếng như Tháp Quảng Châu (Canton Tower), Nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn, Bạch Vân Sơn…

Quảng Châu là một thành phố kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa bản địa Quảng Đông và xu hướng toàn cầu hóa. Với vai trò là trung tâm thương mại, công nghiệp và văn hóa hàng đầu Trung Quốc, Quảng Châu tiếp tục giữ vị trí chiến lược trong sự phát triển khu vực Vịnh Lớn (Greater Bay Area) và trong chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.

Hội chợ Canton

Sau buổi cơm trưa ở một nhà hàng địa phương, đoàn đi tham quan “Trung Tâm Nghiên Cứu Y Dược Trung Hoa” có tên là Đồng Nhân Đường. Ở trung tâm này, các y sĩ kể rằng tổ sư của họ từng chữa bệnh lạ cho vua Khang Hy thời Mãn  Thanh và được vua Khang Hy tài trợ để mở Đồng Nhân Đường như một cử chỉ đền ơn. Họ còn nói là trung tâm đã từng chăm sóc sức khỏe cho các nhân vật lớn và có tiếng trong ĐCSTQ như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình…

Họ khuyến khích mọi người vào để họ bắt mạch miễn phí xem có bệnh tật gì không. Một số người trong đoàn sau khi được họ bắt mạch đều khẳng định là họ nói vanh vách đúng các vấn đề sức khỏe mà họ đang mắc phải và đang điều trị. “Quả thật là thần y,” những người trong đoàn nói. Nhưng khi họ đề nghị phương thuốc điều trị, thì mỗi phương thuốc đều tốn đến bạc ngàn đô la Mỹ.

Có nhiều người ở Mỹ đã khuyến cáo rằng: Đồng Nhân Đường có khả năng chẩn bệnh chính xác, nhưng thuốc của họ không phải là thần dược. Có nhiều trường hợp không chữa được bệnh gì mà họ thì luôn hét cái giá trên trời, khuyên mọi người nên cảnh giác, đừng có nhẹ dạ tin vào lời đường mật của họ.

Theo kinh nghiệm du lịch Trung quốc của riêng tác giả, nói chung các tour đều cố đưa đoàn của họ vào các nơi quảng cáo bán này bán nọ. Ở những nước khác thì tác giả thấy OK, đồ dùng được, mặc dù giá hơi cứng, có lẽ là phải kê thêm phần hoa hồng cho tour. Riêng ở Trung Quốc, các Trung tâm đều quảng cáo rất ngọt và đánh vào tâm lý của đoàn mà đồ của họ giá rất mắc và phần nhiều là không phải như lời họ quảng cáo.

Thời gian còn lại của buổi chiều hôm đó, chúng tôi đi tham quan “Công viên Việt Tú” năm ở nội ô thành phố với diện tích hơn 800.000 m² nơi đây có  biểu tượng của thành phố Quảng Châu.

Sau khi check in vào khách sạn, chúng tôi dùng bữa chiều, và sau đó được đưa đi mua sắm và ăn vặt các món ăn đường phố ở ”Bắc Kinh Lộ,” một quảng trường rất rộng lớn ở trung tâm thành phố Quảng Châu. Người người tấp nập ăn uống và vui chơi ở quảng trường này. Hôm nay không phải là ngày cuối tuần mà người ta đông như vậy, điều này phản ánh sự đông dân quá tải của Trung Quốc nói chung và thành phố Quảng Châu này nói riêng.

Ngày thứ tư

Sau khi dùng bữa sáng ở khách sạn ở Quảng Châu, chúng tôi check out và tiếp tục hành trình đi Thẩm Quyến, nằm cách đó 120 km.

THẨM QUYẾN

Thành phố Thẩm Quyến

Tên tiếng Trung là Shenzhen, nằm ở tỉnh Quảng Đông, giáp với Hồng Kông về phía nam, trong vùng Vịnh Lớn Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao (Greater Bay Area). Diện tích thành phố này vào khoảng 2.000 km² với dân số khoảng 17 triệu người (nhắc lại Sài Gòn có diện tích 6.772 km² và dân số là 14 triệu người), trong đó phần lớn là dân di cư từ các địa phương khác.

Khởi thủy chỉ là một làng chài nhỏ với dân số chỉ vài ngàn người phần lớn  làm nghề nông. Vào năm 1980 được chọn làm Đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc, theo chính sách cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình, Thẩm Quyến trở mình thành biểu tượng của “phép màu kinh tế Trung Quốc” từ làng chài thành siêu đô thị hiện đại chỉ trong vài thập kỷ. 

Hiện nay Thẩm Quyến là một trong bốn thành phố trực thuộc tỉnh có GDP cao nhất Trung Quốc, chỉ sau Thượng Hải và Bắc Kinh. Là trung tâm công nghệ cao, sản xuất thông minh và khởi nghiệp sáng tạo. Thẩm Quyến một trong những thành phố phát triển nhanh nhất thế giới.

Các ngành chính bao gồm: công nghệ cao, là nơi đặt trụ sở của các tập đoàn như Huawei, Tencent, DJI, BYD, ZTE. Là “thủ đô phần cứng” của thế giới, với trung tâm điện tử Hoa Cường Bắc (Huaqiangbei). Là trung tâm tài chính thứ ba Trung Quốc, sau Thượng Hải và Bắc Kinh. Được gọi là “Thung lũng Silicon của Trung Quốc.”

Thẩm Quyến là thành phố trẻ, dân cư đa dạng đến từ khắp Trung Quốc, tạo nên một nền văn hóa nhập cư cởi mở và năng động. Ít có truyền thống lịch sử lâu đời như Bắc Kinh hay Tô Châu, nhưng phát triển mạnh văn hóa đương đại, công nghệ và sáng tạo. 

Có nhiều công viên giải trí và khu triển lãm, như:

  • Window of the World – mô phỏng kỳ quan thế giới.
  • Splendid China – tái hiện lịch sử và văn hóa Trung Quốc thu nhỏ.
  • OCT Loft – khu nghệ thuật sáng tạo nổi tiếng.

Thẩm Quyến là ví dụ tiêu biểu cho sự chuyển mình của Trung Quốc trong thời đại toàn cầu hóa. Từ một làng chài nghèo, nay trở thành một siêu đô thị toàn cầu, năng động, hiện đại và là trung tâm đổi mới sáng tạo công nghệ của thế giới.

Một góc của China Splendid

Như một thông lệ của các tour, chúng tôi phải  ghé vào “Cửa Hàng Ngọc Trai” để nghe bài “Con cá sống vì nước” của các con buôn. Những người bán hàng ở đây nói tiếng Việt rất thông thạo và cũng như các điểm bán hàng khác ở Trung Quốc, họ đều nói là có máu mủ với Việt Nam để mua lòng du khách người Việt. Một lần nữa xin quý du khách hãy cẩn thận khi phải xài một số tiền lớn.

Kế tiếp chúng tôi ghé tham quan “Thị Trấn Hoa Hà Lan” (Dutch Flower Town), Các tòa nhà ở đây có kiến trúc theo  phong cách Hà Lan với đầy màu sắc trông rất lãng mạn. Đây quả là một mô hình Hà Lan thu nhỏ với giày gỗ, cối xay gió, và hoa Tulip, một nơi lý tưởng để chụp ảnh lưu niệm.

Sau bữa cơm trưa chín món, chúng tôi đi tham quan “Trung Hoa Cẩm Tú” (China Splendid). Nơi đây tái tạo lại những mô hình của các công trình và cảnh quan nổi tiếng ở Trung Quốc như Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Vạn Lý Trường Thành, lăng Tần Thủy Hoàng – Tây An… rất xứng đáng để du khách có cái nhìn tổng thể về đất nước Trung Hoa. Tuy nhiên hôm đó không có một thuyết minh bằng tiếng Việt, quả là một thiếu sót.

Cũng ở tại đây, chúng tôi chờ đến năm giờ chiều để xem Show “Quyến Rũ Đông Phương,” khá hoành tráng, phô diễn văn hóa của Trung Quốc về các dân tộc thiểu số.

Buổi tối sau khi dùng cơm chiều cũng chín món tương tự, chúng tôi được tự do mua sắm ở chợ “Đông Môn” Thẩm Quyến và tìm các món ăn vặt để bổ túc vô chín món ngán ngẩm của hai bữa cơm ngày hôm nay.

Ngày cuối cùng

Sáng hôm sau, đoàn rời Thẩm Quyến và trực chỉ ra phi trường Hồng Kông để đáp chuyến bay của hàng Cathay Pacific về lại Sài Gòn. 

Chuyến du hành năm ngày bốn đêm qua thật nhanh, nhanh cũng như nhịp sống tất bật của người Hồng Kông. Chúng tôi cũng được trải nghiệm cái đông đúc khủng của hai thành phố Quảng Châu và Thẩm Quyến. Và cũng không quên cái kinh nghiệm bị trấn lột ở cửa hàng Y dược danh tiếng “Đồng Nhân Đường” của đàn anh Trung Quốc.

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/doi-song/du-lich/

You may also like

Verified by MonsterInsights