TÁM BÔN XA

Mới lướt qua cái tựa bài này, chắc hẳn có bạn đọc sẽ nghĩ “Cha Tám này chắc có vấn đề ở cái đầu rồi? Chợ trời mà buồn cái gì!”.
Ậy, đời có khi vui khi buồn quý bạn ơi! Bởi cuộc đời “như cánh chuồn chuồn/Khi vui nó đậu khi buồn nó bay” mà. Lâu nay Tám chỉ nói chuyện không buồn để các bạn “giải trí được vài trống canh” nay thì nói chuyện buồn!
Hồi còn ở trong nước, Tám nghe dân chúng nói “Tới Việt Nam mà không tới Sài Gòn coi như chưa tới Việt Nam.” Đến thập niên 1990, sau khi nhà cầm quyền “mở cửa” nhiều công ty ngoại quốc ào ạt nhào vô “đầu tư” kinh doanh hầu hết đều muốn đặt văn phòng chánh ở Sài Gòn. Nhưng nhà cầm quyền lại buộc các công ty phải có văn phòng ở Hà Nội. Vậy là công ty nào đầu tư, lớn nhỏ gì cũng vậy, đều “đã mần ăn ở Việt Nam thì phải có một văn phòng ở Hà Nội” để tiện “liên hệ công tác.” Vì vậy mỗi công ty đều phải có một văn phòng ở Hà Nội với một hoặc vài nhân viên xinh xắn, khéo léo ngồi đó để “liên hệ công tác” khi cần và thỉnh thoảng những người có nhiệm vụ quan trọng đáo qua, còn phần lớn nhân viên, công việc lại dồn vô Sài Gòn, bởi đây mới là đất mần ăn, hoạt động kinh tế thị trường có “nền tảng” lâu đời.
Sau khi đến Hoa Kỳ, Tám lại nghe nói “Tới Hoa Kỳ mà không đi chợ trời coi như chưa tới Mỹ!” Nghe hơi xốc nhưng khi ra tới chợ trời rồi thì… Bởi vậy du khách Việt tới Hoa Kỳ là đều muốn “đi chợ trời” cho biết! Sống lâu ở xứ Cờ Hoa, đi ngang dọc chút ít Tám dám khẳng định rằng, đặc sản của Hoa Kỳ chính là…chợ trời! Và Cali chính là tiểu bang có nhiều chợ trời nhất hạng của xứ này. Nếu ở các tiểu bang khác chợ trời chỉ xuất hiện vào mùa Hè, mùa Thu thì Cali có chợ trời quanh năm nhờ vào thời tiết không quá lạnh, không mưa nhiều.
Ở Cali, bạn có thể đi chợ trời hàng ngày, hàng nửa tuần, hàng tuần, hàng tháng… ở Cali đều có tuốt! Bên cạnh chợ trời tập trung ở một khu vực nào đó còn có “chợ trời gia đình” chính là các điểm bán garage sale, yard sale… vào mỗi cuối tuần. Để biết ở nơi nào có chợ trời đang hoạt động hoặc nhà nào “yard sale” vào cuối tuần cứ hỏi “ông bà nội” Google là biết liền trong vòng… một nốt nhạc!
Hầu như du khách Việt đến Hoa Kỳ đều muốn “thưởng thức” món “chợ trời.” Bởi đi chợ trời vui hết biết. Ngoài việc thể dục, thư giãn, gặp gỡ bạn bè bất ngờ còn có thể tìm thấy những món đồ mình ưa thích được bán với giá hời không tưởng. Chợ trời cái gì cũng có, từ giá bèo nhất là 50 cent cho tới món đồ hàng ngàn đô! Thậm chí, chợ trời còn là nơi “tình cờ” gặp gỡ những người tưởng chẳng bao giờ có thể gặp. Không chỉ có đồ cũ, chợ trời có cả đồ mới toanh, nhiều món khó kiếm trong các mall, các chợ bình thường. Đi chợ trời còn là một cách thỏa mãn thú shopping khi trong túi không có nhiều đô la!
Tám nghĩ rằng, mỗi người đang sống ở Bolsa ít nhất đã một hoặc vài lần ghé qua chợ trời. Bởi vậy đi chợ trời phải đi trước 9 giờ mới dễ kiếm chỗ đậu xe. Bằng không thì phải chạy vòng vòng chừng 10 tới 30 phút mới có chỗ đậu. Đi trễ sau 9 giờ sáng tới nơi mà có chỗ đậu liền Tám kêu rằng người đó “ăn ở có đức”! Ta nói nó đông vui hết chỗ chê!
Vậy hàng hóa ở đâu ra? Xin thưa, từ các ngôi nhà khi sửa chữa, dọn dẹp, dời đổi, chuyển đi nơi khác, từ các yard sale và từ các kho hàng của các khu kinh doanh lẫn các kho hàng do khách gửi đã quá hạn mà không thấy ai tới lấy… Mỗi tuần chợ trời đều có…đồ mới! Nghĩa là những đồ cũ của tuần trước gần như không thấy nữa. Nhiều chủ hàng bán tới khoảng 2PM là chuẩn bị dọn dẹp, nhiều mặt hàng họ free hoặc đem bỏ vô thùng rác! Vì vậy hàng họ luôn luôn mới dù là đồ cũ từ thuở tám hoánh nào đó.
Ai bán chợ trời? Dĩ nhiên là người nghèo và người rất nghèo! Tám đi hoài mà chưa thấy ai giàu có mà ra ngồi “hứng nắng” ở chợ trời cả. Bởi nghèo, vì không có nghề ngỗng gì hết, vì thất nghiệp… người ta mới phải ra chợ trời để kiếm sống qua ngày. Người bán giỏi lắm hoặc may mắn thì mỗi buổi chợ kiếm được vài trăm bạc là cùng! Số tiền đó chỉ đủ trả tiền chỗ, có chút cho gia đình xài vài ngày nếu không nợ nần! Có những người bất đắc dĩ phải ra chợ trời ngồi vài ba tháng cho qua cơn khó khăn. Cũng có người sống bằng nghề chợ trời vài hoặc hàng chục năm. Tám từng gặp một người bán chợ trời chuyên nghiệp, đi chợ trời nào cũng thấy anh ta. Hỏi thì anh ta cười, không có nghề nghiệp đành phải bán chợ trời để nuôi gia đình. Hay một gia đình người Việt khác có hẳn một tiệm nước ở chợ trời cho biết “Khi qua đây thì đã có tuổi, học hành không kịp người ta, nghề nghiệp thì không có nên đành…” Mỗi chỗ bày hàng ở chợ trời thường bằng một chỗ đậu xe với giá vài chục đô/ngày, lắm người bán cả hai ngày mà kiếm không đủ tiền chỗ. Nói chung việc kiếm sống cũng không dễ dàng gì.
Và hầu như đến hơn 90% người bán ở chợ trời đều là người Mễ. Ngoài cái màu da xám đen khuôn mặt của mỗi người đều mang nét khắc khổ! Có một ông già tuổi ngoài 50 nhưng tóc bạc trắng và gương mặt nhăn nheo trông như người ngoài 70! Thương quá!
Vậy mà….
Khoảng hơn một tháng nay, chợ trời vắng tanh. Cứ tưởng chỉ mỗi chợ trời gần Bolsa là vậy. Tám đi vài chợ trời ở Torrance, ở Riverside, ở Corona… cảnh vắng vẻ cũng y chang!
Người bán bỏ chỗ khá nhiều. Hàng hóa cũng không nhiều. Chỗ đậu xe không còn cảnh phải chạy lòng vòng kiếm chỗ đậu. Và trên mỗi gương mặt của những người nghèo khắc khổ kia lại vương thêm nỗi buồn khó tả!
Chuyện gì vậy? Tại sao chợ trời lại buồn?
Hỏi ra Tám mới biết, có rất nhiều người là bạn hàng của chợ trời đã không còn được tự do đi lại nữa. Một lớn khác thì… không dám ra khỏi nhà vì… sợ!
Qua nhiều tin tức trên tivi, báo chí, Tám nghe nói có nhiều người nhập cư bất hợp pháp đã bị bắt, bị trục xuất. Nhiều gia đình dù đã cư ngụ ở Hoa Kỳ hàng chục năm nhưng vẫn bị chính quyền bắt “trả về” nơi xuất phát. Tám không rành chuyện chính trị, chuyện quốc gia nên không dám lạm bàn. Chỉ thấy những người nghèo ở chợ trời giờ mặt mày lơ láo hoặc không dám ra chợ để kiếm cơm hàng ngày thì… buồn! Một nỗi buồn “không tên” nên Tám đành kêu đó là “Nỗi buồn chợ trời!”
Vậy thôi!
Similar articles: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/sang-tac/phiem-luan/
