Chiếc xe Honda Dame màu cam của tôi

by Tim Bui
Chiếc xe Honda Dame màu cam của tôi

50 năm đã qua đi kể từ ngày 30/4/1975. Giữa bao nhiêu kỷ niệm buồn ở Việt Nam khi sống trong chế độ Công sản, tôi bỗng nhớ lại môt câu chuyên khá hy hữu xảy ra cho mình sau khi đọc được một bài báo viết về xe gắn máy, là một trong những phương tiện đi lại của nhiều người dân ở miền Nam trước khi đất nước đổi chủ.

Vào đầu năm 1968, để tiết kiệm tiền đi xe trường đưa đón, ba tôi mua cho tôi chiếc xe gắn máy hiệu Cady để tôi có thể đi học từ nhà ở Cư xá Lữ Gia đến trường Trung Học Nguyễn Bá Tòng ở đường Bùi Thị Xuân. Khi lên Đại học, tôi cho em gái út cái xe Cady để mua một cái xe Honda Dame cũ màu xanh lá cây.

Hồi đó Honda Dame loại dành cho đàn bà chỉ có hai màu xanh lá cây và màu đỏ. Vì thích màu vàng đất của xe Cady nên tôi thuê ông thợ sửa xe ở trong xóm sơn xe Honda của mình màu vàng đất, giống màu xe của chiếc Cady.

Ai dè hôm ra nhận xe, cái xe Honda của tôi không phải màu vàng đất như tôi muốn mà là màu cam chói chang! 

Ông thợ pha màu hay quá nên tôi có xe Honda màu cam, có lẽ “có một không hai” ở Sài Gòn. Ông thợ cãi chày, cãi cối đòi tôi trả tiền thêm nếu muốn ổng sơn lại nên tôi đành “chấp nhận thương đau” và đem xe về để vừa đi vừa mắc cỡ vì đoán mò bị thiên hạ nghĩ oan là mình thích màu mè cải lương hay thích chơi nổi!

Thế nhưng cũng nhờ màu cam này mà tôi đã tìm lại được cái xe Honda của mình sau khi nó biến mất hôm 30/4/1975.

Sáng 30/4 đó, tôi đến Đài Sài Gòn thuộc Hệ thống Truyền thanh Quốc gia nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm khoảng 8 giờ sáng để làm việc vì tôi làm ca sáng ở đó với vai trò nữ phóng viên tin tức kể từ năm 1972.

Vì vấn đề an ninh của Đài Phát Thanh Sài Gòn, một cơ sở quan trọng mà Cộng sản thường muốn chiếm nên đồn quân cảnh nằm trước mặt đài giăng dây kẽm gai chận ngang đầu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm phía góc đường Hồng Thập Tự. Do đó, tôi phải khóa và đậu xe ở đầu đường để đi bộ đến đài, những tưởng đến trưa thì mình sẽ ra lấy xe về vì đầu đường lúc ấy còn có lính gác.

Ai dè, sau khi bàng hoàng nhận được lệnh đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh để loan báo trên đài và chứng kiến giây phút lịch sử chấm dứt chiến tranh trong đau thương ấy, anh Vũ Ánh, lúc ấy là chánh sự vụ sở thời sự và tôi rời đài phát thanh vì nghĩ rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ.

Thay vì tôi đi bộ ra đầu đường lấy xe, anh Vũ Ánh và tôi leo lên xe hơi của ông hệ  thống trưởng Đài Sài Gòn là Thiếu Tá NVT khi đó đang mới đến cửa Đài. Theo lời đề nghị của ông ấy, chúng tôi đi tìm đường rời khỏi Việt Nam vào giờ thứ 25.

Thật tình lúc đó, chúng tôi quá đau đớn trước tin miền Nam bị mất một cách tức tưởi, nên không biết mình phải làm gì lúc đó cho đúng.

Sau khi chạy hướng về miền Tây và thấy không an toàn vì đường đi bị pháo kích, chúng tôi vòng xe trở lại hướng về Chợ Lớn thì xe hơi bị bể bánh trên Đại lộ Trần Hưng Đạo.

Và cuối cùng, khi thấy xe tăng T54 của Cộng sản xuất hiện trước mắt, chúng tôi biết mình không còn hy vọng gì nữa, thế nên tôi yêu cầu tài xế của ông NVT chở tôi lại đường Hồng Thập tự để lấy xe Honda của mình, thì ôi thôi, nó không còn ở đó nữa.

Tôi điếng hồn vì mất phương tiện di chuyển đó và mất đi một tài sản lớn lao với một người phóng viên có số lương khiêm nhường như tôi và lo sẽ khó có thể mua một chiếc xe khác.

Anh Vũ Ánh lúc đó cũng không dám trở lại Đài Phát Thanh để lấy xe Honda của anh ấy đậu trước Đài cả tháng Tư vì không biết Cộng sản sau khi chiếm đài, sẽ  đối xử như thế nào với mình nên cũng bị mất xe luôn.

Qua ngày 1/5/1975, chúng tôi nghe tin trên đài phát thanh loan báo là tất cả nhân viên cũ của đài phải trình diện với nhóm điều hành mới nên tôi đạp xe đạp đến đài.

Lâu lắm không đạp xe đạp nên khi đến đài là ngồi thở dốc rất lâu mới hoàn hồn.

Tất cả nhân viên Đài Phát thanh Sài Gòn bị bắt buộc tham dự buổi thuyết trình của những người thuộc “Bên thắng cuộc” về chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của họ và bị mắng nhiếc là ngụy vì đã phục vụ Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa.

Họ bắt chúng tôi ghi danh học tập về chính sách Xã hội Chủ nghĩa trong vòng hai tuần lễ kể từ hôm 1/5/75. Mỗi buổi sáng, chúng tôi phải ngồi nghe anh cán bộ tuyên truyền lải nhải một luận điệu tự ca tụng cuộc chiến thắng gọi là anh dũng của họ.

Sau khi biết tôi và anh Vũ Ánh mất xe, anh N M Tiến là cựu phụ tá chủ sự phòng phóng viên tình nguyện đưa đón tôi và anh Vũ Ánh đi “học tập” mỗi ngày bằng chiếc xe gắn máy Kawasaki của anh. Chúng tôi chở ba trên cái xe cũ của anh Tiến suốt thời gian tranh tối, tranh sáng ấy khi không biết số phận của mình sẽ bị quyết định như thế nào.

Tôi không nhớ rõ lúc đó tại sao tụi tôi lại được lãnh lương của tháng 4/75 sớm nên ai cũng có tiền và đôi khi rủ nhau đi uống cà phê sau khi đi “học tập” buổi sáng. (Lúc đó, nhiều quán cà phê đã mở cửa lại vì với chính quyền mới, bán cà phê là thuộc giai cấp lao động).

Tác giả Yến Tuyết

Hôm đó, ba anh em chúng tôi gồm Vũ Ánh, N M Tiến và Yến Tuyết đang ngồi ở một quán cà phê góc đường Nguyễn Huệ thì tôi thấy một người chạy chiếc xe Honda Dame màu cam đặc biệt của tôi vụt ngang.

Tôi rối rít nói với hai anh ban đồng nghiệp: “Xe của Tuyết, xe của Tuyết’, vì tôi nghĩ không có ai ở Sài Gòn có xe màu cam ấy. Hai người đàn ông vội chạy ra xe Kawasaki và bảo tôi ngồi chờ khi họ lái xe đi.

Khoảng ½ tiếng sau, hai ông bạn tươi cười trở về với chiếc xe Honda Dame màu cam của tôi.

Họ kể rằng hai người lái xe theo kịp một chàng thanh niên trẻ lái chiếc xe Honda màu cam và nói với anh đó là nên trả xe lại cho họ vì họ là chủ xe Honda màu cam đó. Họ hỏi có phải anh ta tìm thấy xe ở góc Hồng Thập Tự, Nguyễn Bỉnh Khiêm không vì họ dựng xe tại địa điểm đó và bị mất ngày 30/4. Nếu anh ta lấy dùng tạm trong mấy ngày qua thì không sao, bây giờ chỉ cần trả xe lại cho họ là xong. Người tài xế biết mình có “mượn đỡ không xin phép” nên lẳng lặng giao trả xe mà không kèn cựa lôi thôi.

Phải công nhận là người miền Nam cách đây 50 năm còn hiền chứ bây giờ chắc đừng hòng họ trả lại dễ dàng như thế.

Thêm vào đó, lúc Việt Cộng mới chiếm miền Nam họ áp dụng kỷ luật sắt là ai bị cướp giật trên đường phố mà la lên, công an sẽ bắn chết kẻ cướp ngay nên dù là dân giang hồ cũng hơi hãi.

Riêng anh chàng lấy chiếc Honda màu cam của tôi thì chắc chỉ là dân thường, đi ngang qua thấy xe nằm bên đường thì lấy, nếu ai đòi thì trả lại.

Xui cho anh ta là “hình như” chỉ có một cái xe Honda Dame sơn cái màu cam thấy ghê đó nên anh bị chủ nhân của nó nhận diện dễ dàng, dù bất cứ nơi nào, bất cứ ở đâu.

Tôi tìm lại được xe đặc biệt của mình nhưng chỉ khoảng một năm sau đã phải bán đi vì không có tiền mua xăng và để có tiền làm vốn buôn bán.

Những năm sau khi bye bye xe Honda là những ngày rong ruổi trên con ngựa sắt, lâu rồi “đời mình cũng quen và cũng qua’” vì chung quanh nhiều người cũng như mình.

Bây giờ thấy có nhiều nhà sưu tầm đồ cổ tìm hiểu các loại xe gắn máy thông dụng được người dân miền Nam hay sử dụng trước 30/4/75 cũng thấy nhớ lại các loại xe ấy và cảm thấy vui vui, bên cạnh câu chuyện về chiếc Honda màu cam của mình.

Tôi nhớ lại thời thập niên 50, 60 các bà chị tôi toàn đi xe đạp ở Huế. Bà nào có ông bồ hay chồng chở đi xe Vespa là le lói lắm.

Khi vô Sài Gòn năm 1960, chị Liên tôi 19, 20 tuổi hay đi xe Velo Solex màu đen có cái đầu máy nặng hay làm tôi ngã chúi mũi khi tập lái xe. Mấy chị đi Velo Solex, mặc áo dài và vẫn đội nón lá.

Hình ảnh này đã được nhà thơ Nguyên Sa ghi lại trong bài thơ tả cô gái đi xe Velo Solex có tên “Tám Phố Sài Gòn”:

Sài Gòn phóng Solex rất nhanh
Đôi tay hoàng yến ngủ trong gang
Có nghe hơi thở cài vương miện
Lên tóc đen mềm nhung rất nhung

Tôi có tên bạn học bên Báo chí Vạn hạnh năm 1970, sơn xe Velo Solex của tên ấy màu trắng, cũng đặc biệt nhưng không thể so sánh với xe Honda Dame màu cam của tôi được!

Con gái thời tôi còn vị thành niên khoảng thập niên 1960-1970 cũng không đi xe Mobylette dù loại xe này khá thịnh hành nhưng thích đi xe Cady của Pháp (Motobecane), hay sau này là xe Honda PC vì hình dáng nó thanh cảnh hơn Mobylette. 

Bên cạnh Honda, ở Việt nam hồi đó còn hai hiệu xe Yamaha và Suzuki có kiểu dáng dành cho phụ nữ cũng khá được ưa chuộng. Nghĩa là người Việt Nam từ hồi nào đến giờ hình như hay dành cho xe Nhật cảm tình đặc biệt vì kiểu nhẹ nhàng, thanh lịch của nó. 

Cho dù bây giờ qua Mỹ lái xe hơi, tôi thấy người Việt vẫn thích đi xe Toyota hay Honda.

Gần đây, trên các đường phố Hoa Kỳ xuất hiện những chiếc xe đạp điện đủ màu sắc. Ngoài ra những chiếc xe Vespa nhỏ nhắn cũng được một số trẻ vị thành niên chạy cùng khắp.

Nhìn thấy xe Vespa bỗng nhớ đến phim “Vacance Romaine” với hai tài tử mà tôi rất thích là Audrey Hepburn và Gregory Peck với câu chuyện tình ngắn ngủi giữa một chàng phóng viên và cô công chúa.Cuối cùng xin lỗi quý độc giả, người viết vì nhớ về kỷ niệm cũ nên trí óc cứ lang thang từ chuyện này đến chuyện nọ, cho dù mới đầu chỉ định viết về chuyện cái xe Honda màu cam của 50 năm trước mà thôi.

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/q-to-z/yen-tuyet/

You may also like

Verified by MonsterInsights