Chữ quốc ngữ, chữ nước ta, kỳ 11- Chữ quốc ngữ trên Gia Định Báo

by Tim Bui
Chữ quốc ngữ, chữ nước ta, kỳ 11 Chữ quốc ngữ trên Gia Định Báo

TRẦN NHẬT VY

Có nhà nghiên cứu cho rằng, cho đến khi ông Trương Vĩnh Ký làm chánh tổng tài thì chữ nghĩa trên Gia Định Báo mới thiệt ngon lành. Đây có lẽ là sự hiểu lầm do thiếu thực tế từ những tờ báo xuất bản thời kỳ đầu mà nhà nghiên cứu không đọc được, hoặc mức tưởng tượng cao! Bởi trên thực tế, ngay từ khi ra đời, Gia Định Báo đã có chữ quốc ngữ “ngon lành” và gần với tiếng Việt ngày nay.

Có thể chia chữ nghĩa trên tờ báo này ra làm ba thời kỳ. Thời kỳ ông Huỳnh Tịnh Paulus Của làm chủ bút từ tháng Tư năm 1865 tới tháng Tám năm 1869. Thời kỳ ông Trương Vĩnh Ký làm chánh tổng tài kiêm chủ bút từ tháng Chín năm 1869 tới tháng Mười Hai năm 1871, và thời kỳ ông Trương Minh Ký làm chủ bút từ 1/1/1881 tới tháng Chín năm 1897.

Phải thừa nhận rằng, cả ba ông “nhà báo” kể trên, đều là “thầy” về chữ quốc ngữ trong thời kỳ chữ quốc ngữ mới xuất hiện công khai đối với người Việt. 

Ông Huỳnh Tịnh Của, học chữ quốc ngữ từ tu viện Penang từ thuở niên thiếu và là một trong những thầy dạy chữ quốc ngữ đầu tiên ở trường học Bổn quốc thành lập vào năm 1862. Ông cũng là tác giả của cuốn tự điển Việt-Việt đầu tiên của nước ta, cuốn tự điển đến ngày nay vẫn còn được sử dụng. 

Ông Trương Vĩnh Ký cũng học chữ quốc ngữ ở tu viện Penang và là thông ngôn “cao cấp” đầu tiên cho người Pháp ở Sài Gòn. Ông là người đầu tiên ra báo tư nhân, tờ Thông Loại Khóa Trình xuất bản vào hai năm 1888-1889, là người dịch truyện Kiều từ chữ Nôm ra chữ quốc ngữ năm 1875, và còn là tác giả của rất nhiều tác phẩm, tự điển. 

Ông Trương Minh Ký có bối cảnh khác. Ông lớn lên hoàn toàn trong thời gian Pháp đã nắm quyền cai trị Nam Kỳ. Ông học cả ba thứ tiếng Việt-Pháp-Hoa ở trường Chợ Lớn, một trường học do Pháp mở. Từ năm 1872, ông vào học trường sư phạm dưới sự chỉ điểm của thầy Trương Vĩnh Ký. Ông cũng là người bắt đầu viết “tiểu thuyết” bằng chữ quốc ngữ từ nội dung thơ của La Fontaine.

Trên Gia Định Báo từ năm 1865 đến giữa năm 1869, [thời ông Huỳnh Tịnh Của] chúng ta sẽ thấy chữ quốc ngữ thời ấy đã hoàn toàn như ngày nay. Tất nhiên, về từ ngữ vẫn còn có khoảng cách, song không thể nói là khác biệt nhiều quá! Ông Paulus Của cùng các cộng tác viên không chỉ dùng chữ quốc ngữ theo tiếng nói thường dùng ở Nam Kỳ thuở ấy, mà còn Việt hóa nhiều chữ từ tiếng Hoa, tiếng Pháp để bổ sung cho chữ quốc ngữ thêm phong phú. 

Chúng tôi đã từng suy nghĩ muốn “bể cái đầu” chỉ vì một chữ: “nước giá.” Đây là thứ nước gì? Và hãng làm “nước giá” là làm ra thứ nước gì? Nước thì biết rồi, còn giá? Giá chỉ có hai nghĩa là lạnh và loại thực vật non mọc từ hột đậu xanh dùng để ăn kèm với món ăn khác. Lật muốn rách tất cả các tự điển xưa nay cũng không thấy ghi nhận chữ này. Hỏi người già xưa còn sống cũng không ai biết. 

Suy luận cũng không ra. Nếu lấy giá để nấu lấy nước thì làm gì? Trong Đông y, nước giá dùng để trị “khàn tiếng” rất hay. Nhưng lẽ nào người Pháp sản xuất thứ nước này để trị bệnh? Còn giá nghĩa là lạnh thì kêu luôn là nước lạnh cho gọn chứ “nước giá” làm gì khiến phiền phức ra? 

Rồi cho tới một ngày, đọc được một bản tin quốc tế trên chính tờ báo này, chúng tôi mới hiểu được nghĩa của chữ “nước giá.” Đại để bản tin viết, một con sông nào đó ở châu Âu nên nước sông đặc lại vì trời quá lạnh, và người ta “đã cắt nước giá trên sống thành từng cục lớn đem về.” Thì ra là vậy! Nước giá chính là thứ mà ngày nay chúng ta kêu là “nước đá,” “đá lạnh.” Và nhà máy làm “nước giá” đầu tiên ở Sài Gòn vào năm 1867 nằm ở đầu đường Hai Bà Trưng hiện nay. Nhà máy này chuyên cung cấp “nước giá” cho các cơ quan của Pháp dùng để uống rượu và làm mát trong mùa Hè nóng bức của Sài Gòn. Được biết, cơ sở này sau đã bán lại cho hãng la ve BGI, và sau năm 1975 thuộc về Bộ công thương và nay đã bán cho một công ty Thái Lan.

Chúng tôi cũng đau đầu với chữ “rô bê son.” Đọc qua thì biết là tiểu thuyết dịch của Tây phương, nhưng tên gốc là gì thì… bó tay! Nhiều ngày sau đọc lại và tham khảo lại thì mới hiểu đây là bản dịch cuốn Robinson du ký nổi tiếng. Hóa ra từ thế kỷ 19, Gia định Báo dịch từ năm 1869, cuốn sách này, và người dịch là ông Huỳnh Liễu Mai, một người chúng tôi chưa rành tiểu sử lắm. Chỉ biết ông là người Thủ Dầu Một và hình như là cháu của ông Huỳnh Tịnh Của.

Với nhiều “tử ngữ” so với ngày nay, Gia Định Báo thời ông Của còn một mặt yếu là “câu cú” rất lộn xộn, đặc biệt là dấu chấm câu. Ở đây, chúng tôi loại trừ các “dấu hỏi, ngã.” Tiếng nói của phương Nam nói chung là nhẹ nhàng, khó phân biệt “g” với “d,” “v” và các dấu hỏi, ngã. Mà báo chí thuở ấy viết “theo tiếng nói thường dùng” của người Việt tại chỗ. Vì vậy, không thể tránh khỏi sự khác biệt với cách viết ngày nay. Tỉ như chữ “cửa” ngày xưa luôn viết dấu ngã khiến ngày nay đọc “rất khó chịu” nếu là người biết chút ít về chính tả. Hay những chữ như “chích mát” nghĩa là mất mát, đơn lẻ, hay “vít” là thương tích, “lẻ loi” là đơn lẻ, một cái, “cả thể” là tất cả, nhiều, “đàng” là đường đi…Ngày nay có bạn viết vui rằng “Đang đi trên đường” là cách người Bắc nói, còn người Nam thì “Đương đi trên đàng!” 

Về câu cú cũng còn khá lộn xộn, dấu chấm câu rất tùy tiện… Đọc một câu trong bản tin in báo ngày 15/1/1866 như sau “Bên Biên Hòa có một đảng ăn cướp chệc, nó hay chặn ghe buôn lối Sóng rắn cùng lối Tắt Đồng Nai, rạch Chiếc ngày tháng 10 nó đánh một chiếc ghe bá hộ chín là người ở Lò Gốm, thương hại bá hộ này cự với nó không lại, bị nó đâm chết, hàng hóa đồ đạc trong ghe nó dọn sạch, bạn chèo ghe bơ vơ chèo ghe không chở thây bá hộ trở về, vang khóc giậy đàng rất nên thảm thiết.” Đọc tin thì hiểu nội tình nhưng phóng viên ngày nay viết như thế này thế nào cũng bị biên tập viên liệng bản tin vô sọt rác! Lẽ ra phải viết “Bên Biên Hòa có một đảng ăn cướp hay chặn ghe buôn lối Sóng Rắn cùng lối tắt [là con rạch nhỏ] Đồng Nai, rạch Chiếc. Ngày 10 [không rõ tháng năm nào], nó đánh một chiếc ghe của bá hộ [tên là] Chín người ở Lò Gốm [địa danh sản xuất gốm nổi tiếng ở Sài Gòn-Chợ Lớn]. Thương hại bá hộ này cự với nó không lại, bị đâm chết….” Nói chung dấu chấm câu rất tùy tiện và không có chuẩn mực nào cả.

Song thời kỳ này, có khá nhiều chữ quốc ngữ được Việt hóa và thường dùng trên báo chí khá phổ biến. Như chích ngừa [chớ không có tiêm chủng], chích, Miên, Chà và, Ma Ní, thương hồ, đua ngựa, trường đua… được sử dụng bình thường.

Đến thời kỳ của ông Vĩnh Ký thì chữ nghĩa cũng không có gì mới hơn, nên nếu như nói ông có công với chữ nghĩa thời kỳ này thì hơi ép! Ông làm báo có hơn hai năm, từ tháng Chín năm 1869 đến tháng Mười Hai năm 1871. Đọc các bài viết thời kỳ này, chỉ thấy câu cú gọn hơn chút đỉnh chứ chữ nghĩa không có gì thay đổi. Đọc một đoạn văn thời ông Vĩnh Ký trên báo số ra tháng Hai năm 1870 “Trước ta đã nói về sự lòng người ta hay ham học cho biết cùng là biết rồi thì lại dạy cho kẻ khác biết với. Đều ấy đã chắc rồi; song còn có kẻ dại dột dốt nát, đến đổi sự mình chưa từng chưa biết cũng cả gan đem ra mà dạy người ta.” Ở đây các dấu chấm câu giống như ngày nay. Dù gì ông Vĩnh Ký cũng là thầy giáo có tiếng và trực tiếp dạy nhiều lớp học trò thuở ấy.

Đến thời ông Trương Minh Ký thì vẫn giữ nguyên những gì lớp đàn anh đã làm. Ông Minh Ký nhỏ hơn ông Vĩnh Ký 18 tuổi và nhỏ hơn ông Của 25 tuổi. Ông Minh Ký là lớp người được Pháp đào tạo hoàn toàn. Khi ông đủ tuổi vào tiểu học thì Pháp đã chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Tuy vậy nhờ ham học và được gia đình dạy dỗ nên ông thông thạo cả Việt-Pháp-Hoa và làm thầy dạy trường Bổn Quốc, rồi được đi tu nghiệp ở Pháp. Ông cũng từng được cử làm thông dịch viên cho đoàn viên chức hoàng gia Huế đi dự Hội chợ quốc tế Paris năm 1889.

Ông Minh Ký làm Gia Định Báo lâu nhất, từ năm 1881 đến 1897, và nhiệm vụ của ông cũng cực nhất so với những người tiền nhiệm. Như đã nói trước đây, công việc của chánh tổng tài và chủ bút tờ Gia Định Báo là “dịch các văn bản tiếng Pháp ra tiếng Việt” để in báo và “dịch các bản tin, bài vở tiếng Việt ra tiếng Pháp để trình kiểm duyệt.” Thời ông Minh Ký, Gia Định Báo ra hàng tuần và đăng nguyên văn biên bản của Hội đồng quản hạt. Có số báo dầy tới 24 trang khổ lớn. Riêng việc dịch qua dịch lại cũng tốn nhiều thời gian và công sức.

Thời ông Minh Ký làm báo, Nam Kỳ đã có nhiều thay đổi, kinh tế phát triển, một số hình thức khoa học đã xuất hiện, do đó cũng xuất hiện khá nhiều chữ mới mà ngày nay chúng ta vẫn dùng. Như “xe máy” hay “xe máy đạp” tức xe đạp ngày nay. Chữ “xe petro” hay “xe hơi” xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 trên báo. Chữ “chiếu bóng” hay “chớp bóng” đã xuất hiện và phổ biến rộng. Xe lửa, đường rầy có từ năm 1881, xe điện có từ năm 1879…
Đọc báo thấy nhiều chữ như hát xiệc, diễu binh, rạp hát, toa xe, ga, tàu đò, tàu khói…

Xin nói thêm, việc Việt hóa chữ nghĩa của tiền nhân ở miền Nam lâu nay vẫn khá mạnh mẽ. Riêng chữ “tàu” thôi, tiền nhân cũng phân biệt rõ là “loại phương tiện chạy dưới nước” chứ trên bộ thì phải dùng chữ “xe.” Phương tiện chạy dưới nước cũng có nhiều loại được phân biệt rõ ràng. Loại nhỏ chỉ đi lại gần, hoặc các vùng nước cạn thì kêu là “xuồng.” Lớn hơn một chút, có thể chở được nhiều người, nhiều đồ thì kêu là “ghe.” Loại có thể đi ra sông cái, biển và đi xa thì kêu là “tàu.” Tàu đò là loại tàu lớn, chở được nhiều người, nhiều đồ đi xa nên kêu là “tàu đò.” Đò là phương tiện chở hành khách đi trên sông. Đò đi qua sông kêu là “đò ngang.” Đò đi dọc sông kêu là “đò dọc.” Và sau này, xe chở hành khách đi xa thì kêu là “xe đò.” Còn “tàu khói” là loại tàu có máy chạy bằng hơi nước xuất hiện ở cuối thế kỷ 19 bắt đầu được sử dụng ở miền Nam. 

Đặc biệt, thời ông Minh Ký tờ báo đã bắt đầu có quảng cáo ở trang cuối cùng. Dù có quảng cáo khá lâu nhưng có lẽ báo không có người chuyên trách nên suốt hơn 30 năm cuối cùng của tờ báo cũng chỉ có một trang quảng cáo, không tăng trang thêm. Trong khi đó, tờ Nam Kỳ, một tờ báo tư nhân ra vào nửa cuối năm 1897 đã có tám trang quảng cáo trên 16 trang báo! Quảng cáo trên báo giúp giảm chi phí xuất bản cho tờ báo và giúp cho độc giả mua báo rẻ hơn. Về mặt xã hội, quảng cáo còn giúp cho đời sau nhiều hiểu biết và biết chắc chắn một số sự kiện đã diễn ra trong quá khứ. Đọc dòng quảng sau đây đặng trên báo ngày 18/3/1887 “J.P Nguyễn Trọng Quản mới gửi cho nhà hàng Linage bán một thứ sách nhỏ nhỏ, hiệu là Lazaro Phiền, giá mỗi cuốn là một góc rưỡi.” Câu quảng cáo này cho biết cuốn tiểu thuyết nay gọi tên là Thầy Lazaro Phiền của ông Nguyễn Trọng Quản in năm 1887, đây là một trong cuốn tiểu thuyết văn xuôi đầu tiên được in ra. Xin nói thêm một chút về ông Quản. Ông là người Bà Rịa, là rể thứ của ông Trương Vĩnh Ký. Ông từng được Pháp đưa đi du học ở Angie từ năm 1880. Ông là học trò của ông Minh Ký. Cuốn tiểu thuyết của ông được nhiều người ngày nay cho rằng là cuốn “tiểu thuyết đầu tiên” của văn học Việt. Song thực tế không phải vậy. Người viết tiểu thuyết bằng văn xuôi tiếng Việt là ông Minh Ký. (xin đọc thêm bộ Văn chương Sài Gòn 1881-1924 gồm năm tập của Trần Nhật Vy).

Không chỉ có quảng cáo, thời ông Minh Ký còn dành rất nhiều đất ở mục Thứ Vụ để đăng tiểu thuyết bằng văn xuôi lẫn văn vần. Có thể nói được rằng, thời ông Minh Ký nắm quyền ở Gia Định Báo, văn học Việt mới bắt đầu phổ biến để từ đó trở thành một nền văn học của nước Việt sau này. Dù công việc làm báo không nhẹ nhàng lắm song mỗi số báo, ông đều dịch và viết một đoạn hay nhiều đoạn văn để đăng báo. Và những đoạn văn nhỏ bé của ông ban đầu ấy dần dà trở thành những cuốn tiểu thuyết sau này. Ông cũng là người đầu tiên chuyển thơ La Fontaine ra văn xuôi và in cuốn sách văn xuôi vào năm 1884. 

Điểm qua thời kỳ của các nhà báo xưa, để thấy rằng chữ quốc ngữ được đi vào đời sống người Việt, để trở thành “quốc ngữ” của nước Việt ngày nay cũng trải qua nhiều truân chuyên, nhiều khó khăn chớ không dễ dàng! Và những tờ báo thời kỳ đầu này, là những “người tiên phong” đưa chữ quốc ngữ đến công chúng để rồi chúng ta ngày nay được thừa hưởng.

(còn tiếp)

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/q-to-z/tran-nhat-vy/

You may also like

Verified by MonsterInsights