Chữ quốc ngữ, chữ nước ta, kỳ 9 – Gia Định Báo, văn bản chữ quốc ngữ đầu tiên

by Tim Bui
Chữ quốc ngữ, chữ nước ta, kỳ 9 Gia Định Báo, văn bản chữ quốc ngữ đầu tiên

TRẦN NHẬT VY

Sau hơn 200 năm ẩn mình, sống lẩn lút trong các nhà thờ, xóm đạo và tu viện trong và ngoài nước, chữ quốc ngữ lần đầu tiên xuất hiện công khai trước bàn dân thiên hạ. Đó là tờ Gia Định Báo, tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên và cũng là văn bản bằng chữ quốc ngữ đầu tiên phổ biến chính thức ở nước ta, sau khi Thống đốc Nam Kỳ Bonard quyết định dùng chữ quốc ngữ thay vì chữ Pháp ở Nam Kỳ.

Dĩ nhiên, trước khi có Gia Định Báo, hẳn cũng có không ít những “tác phẩm” viết bằng chữ quốc ngữ. Đó là Phi năng thi tập của Philiphe Phan Văn Minh, Sách sổ sang các việc, Sử Annam của Philippe Bỉnh…Song tất cả những tác phẩm này đều còn ở dạng viết tay nằm trong các tu viện và chưa được in ấn. Còn Gia Định Báo là tờ báo in ra nhiều bản và phổ biến rộng trong cộng đồng dân cư ngoài giáo hội Thiên Chúa ở Nam Kỳ. Tờ báo này ra đời từ chủ trương “phổ biến chữ quốc ngữ” của tướng Bonard và nằm trong chính sách “xóa bỏ chữ Nho” của linh mục Puginier, người từ năm 1866 đã trở thành Giám mục Tây Đàng Ngoài tức miền Bắc nước ta.

Cũng cần nhắc lại, trước khi Gia Định Báo ra đời, người Pháp đã cho mở trường học dạy chữ quốc ngữ ở Sài Gòn. Trước tiên là trường D’Adran mở năm 1860 ở phía sau Chủng viện Sài Gòn, nay là cơ sở của hai trường trung học Võ Trường Toản và Trưng Vương nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Năm 1862, trường Thuộc Địa được thành lập để “dạy chữ quốc ngữ cho các công chức người Pháp và Việt để làm thông ngôn” cho chính quyền. Cơ sở của trường nay là trường trung học Lê Quý Đôn, Sài Gòn. Các tài liệu lịch sử không cho biết ai được vào học ở các trường này, song điều chắc chắn rằng, muốn học chữ quốc ngữ thời kỳ này phải là những người, những con em của những người Pháp và đi theo Pháp.

Gia Định Báo số đầu tiên xuất bản vào ngày 15/4/1865, sau hai năm đặt bộ chữ in tiếng Việt ở Pháp. Thời gian đầu báo ra “mỗi tháng một kỳ,” có 4 trang khổ A3, tòa soạn đặt trong Nha Nội vụ Nam Kỳ [nay ở số 59-61 đường Lý Tự Trọng], do Ernest Potteuax, một tu sĩ bỏ tu theo quân Pháp, làm Chánh tổng tài, chức vụ tương đương chủ nhiệm hoặc tổng biên tập ngày nay. Những năm về sau, báo ra hai kỳ/tháng rồi đến năm 1881 chính thức ra hàng tuần. Tờ báo này sống đến đầu năm 1910, trải qua nhiều đời chánh tổng tài và chánh tổng tài cuối cùng là ông Nguyễn Văn Giàu. Tra nhiều tài liệu song chúng tôi chưa chắc chắn chức vụ của ông Giàu, chỉ biết ông là người Tây Ninh, lúc ấy làm thư ký riêng cho thống đốc Nam Kỳ. Và một trong những chánh tổng tài của tờ báo này là ông Trương Vĩnh Ký, được bổ nhiệm vào năm 1869 và rời nhiệm vụ vào đầu năm 1872.

Báo thường có hai mục chính là Công Vụ và Thứ Vụ hoặc Tạp Vụ. Công vụ là những tin về luật lệ, quyết định, thăng thưởng, phạt vạ… của nhà cầm quyền Pháp. Thứ vụ, Tạp vụ dành cho những tin tức lặt vặt và các loại thông báo khác. Từ năm 1881 trở đi, Thứ Vụ còn có quảng cáo dịch vụ và tác phẩm thơ văn. 

Trên báo số 2 ngày 21/1/1881 có quảng cáo bán đất như sau “Lời rao bán đất thổ cư “có một khoảnh đất thổ cư tại Saigon ở tại đường Espagne góc đường Mac Mahon, giá bán mỗi thước tây là một quan năm. Như ai muốn mua, thì cứ hỏi ông thông phán Bollol ở Saigon mà mua.” Đây là mục quảng cáo trên báo đầu tiên trong làng báo Việt. Kể từ sau quảng cáo này, việc quảng cáo các dịch vụ mua bán, hàng hóa… xuất hiện đều đặn ở mỗi kỳ báo và các tờ báo khác về sau tiếp tục mở rộng hơn cho tới ngày nay.

Miếng đất được quảng cáo bán đầu tiên này nằm ở góc đường nay là đường Lê Thánh Tôn-Nam Kỳ Khởi Nghĩa, khu vực được giới kinh doanh đất đai kêu là “khu vực kim cương” có giá cao ngất trời. Số tiền “một quan năm một thước Tây” 144 năm trước cũng là số tiền lớn nhưng giá đất lại rẻ. Những viên chức chính quyền có thể mua được bằng vài tháng lương. Như ông Trương Vĩnh Ký, lương 250 đồng/tháng có thể mua được vài trăm thước vuông ở miếng đất này. Quảng cáo này không rõ miếng đất rộng bao nhiêu thước vuông!

Ban đầu, báo có nhiều tin tức địa phương bên cạnh những thông báo của chính quyền thực dân. Từ năm 1881 trở đi, báo trở thành tờ công báo. Những năm 1865-1869, báo có nhiều phụ trương về đua ngựa, hội chợ nông nghiệp và những phụ trương nói về cuộc chiến với Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Trương Quyền, Pukompo… Và cũng từ năm 1881, tờ báo bình thường có bốn trang nhưng rất nhiều số có tới 24 trang. Thời kỳ này, báo thường đăng biên bản các cuộc họp của Hội đồng quản hạt Nam kỳ, một cuộc họp tương tự như quốc hội, chủ yếu bàn về những chính sách liên quan đến dân sinh và thuế má. Báo cũng đăng những chính sách của chính quyền thực dân, những thông báo liên quan đến đời sống. Và cũng từ năm ấy, tờ báo có trang quảng cáo dịch vụ đầu tiên và trong mục thứ vụ bắt đầu có đăng những truyện ngắn, thơ và truyện dài nhiều kỳ…

Có thể coi đây là mở đầu một thời kỳ mới trong văn học Việt, thời kỳ viết văn xuôi theo kiểu Tây phương mà trước đó chưa hề có. Trên tờ báo này, chính ông Trương Minh Ký đã chuyển thơ của La Fontaine ra văn xuôi để phổ biến rộng rãi. Những truyện văn xuôi chuyển từ thơ của ông Trương Minh Ký là bước khởi đầu cho nền văn xuôi hiện nay với hai truyện “Thằng ăn trộm” “Chuyện con bò.” Những truyện này sau đã được in trong tập Truyện Phansa diễn ra quốc ngữ của chính ông.

Cho tới nay, nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho rằng đây là “truyện dịch thuật” và xếp ông vào hàng “dịch giả” mà không đưa vào hàng những tác giả đầu tiên của nền tiểu thuyết Việt. Tất nhiên, đối với ông thì không còn quan trọng nữa, bởi dù ngồi “chiếu nào” thì những gì ông đã viết, đã in, nhiều người biết vẫn là những “bằng chứng” để thế hệ mai sau nhận định! Bởi khi đó văn xuôi là điều rất mới trong văn học Việt vốn quen theo lối văn vần!

Báo tiếng Việt hẳn phải có người Việt tham gia mới có thể chuyên chở hết nội dung và những hiểu biết đời sống gần gũi với dân chúng. Theo những tài liệu của Pháp để lại thì có khá nhiều người Việt làm việc trong Phòng Thông ngôn trực thuộc Nha Nội vụ Nam kỳ và các quan chức người Việt biết chữ quốc ngữ tham gia “viết và làm báo” trong thời đầu. Có thể kể đó là các ông Huỳnh Tịnh Paulus Của [bút danh Paulus Của], ông Tôn Thọ Tường [bút danh Phủ Ba Tường], Huỳnh Liễu Mai, Trần Tử Ca, Paulus Tôi, Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký,… Phần lớn những người này đều là tu sĩ xuất thế và được học chữ quốc ngữ trong các tu viện, trừ ông Trương Minh Ký, Tôn Thọ Tường và Trần Tử Ca. Song cho tới nay thì chỉ còn có ba ông ghi dấu ấn mạnh về tờ báo này và được đời sau chú ý là các ông Huỳnh Tịnh Paulus Của, Trương Vĩnh Ký và Trương Minh Ký. Các ông vừa là nhà báo tiên phong vừa là thầy dạy quốc ngữ thuở ban đầu cho rất nhiều người Việt.

Tượng bán thân Paulus Huỳnh Trịnh Của của Sylvain Raffergaud. Được lưu giữ tại bảo tàng Quai Branly. Dòng chữ bên dưới tượng đề “Paulus Cua, Doc Phu Su”. (Paulus Của, Đốc Phủ Sứ). Hình chụp năm 1889 (theo Wikipedia)

Ông Huỳnh Tịnh Của [1830-1908], hiệu là Tịnh Trai, bút danh Paulus Của, người Bà Rịa, từ năm 12 tuổi đã được đi học ở chủng viện Penang, Malaysia, tinh thông cả Pháp, Hán lẫn Việt văn [theo Nguyễn Văn Y, Huỳnh Tịnh Của và công trình biên soạn bộ Đại Nam quấc âm tự vị, luận án cao học sử khoảng năm 1970, bản roneo]. Lên đến chức Thầy Sáu thì ông xuất thế về nhà cưới vợ. Ông về nhà không lâu thì quân Pháp đánh chiếm Nam Kỳ và giáo dân ở Bà Rịa bị quân nhà Nguyễn bách đạo quyết liệt nên cộng tác với quân Pháp năm 1861. Thoạt đầu ông làm thông ngôn và là giáo viên trường Thuộc địa dạy tiếng Việt. Ông là Chủ bút đầu tiên của tờ Gia Định Báo từ năm 1865 đến 1868. Ông từng là thầy giáo nhiều nhân vật quan trọng người Việt trong chính quyền thực dân, trong đó có ông Tôn Thọ Tường, từng là giám khảo nhiều cuộc thi tiếng Việt của các quan chức người Pháp. Ông được chính quyền thực dân phong hàm Đốc phủ sứ vào năm 1881. Ngoài viết báo, ông còn viết nhiều sách về gia lễ, chuyện kể bằng tiếng Việt và đáng kể nhất là bộ tự điển Việt-Việt đầu tiên của Việt Nam, Đại Nam quấc âm tự vị. Bộ tự điển này đã trải qua hơn 100 năm nhưng vẫn còn giá trị nghiên cứu và được tái bản nhiều lần ở nhiều thời kỳ.

Trương Vĩnh Ký [1837-1898], chánh tổng tài Gia Định Báo người Việt đầu tiên. Năm 1869, người Pháp đã chọn ông Trương Vĩnh Ký, một thông ngôn cấp cao từng học ở tu viện Penang, làm chánh tổng tài tờ Gia Định Báo. Ông Ký cộng tác với người Pháp từ năm 1860 qua sự giới thiệu của Giám mục Lefebvre. Ông là phiên dịch viên tiếng Việt lẫn tiếng Hán cho phái đoàn triều Nguyễn khi sang Pháp chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ năm 1863 do Pháp cử đi. Sau khi trở về nước, ông được cử làm giám đốc trường trung học Thuộc địa. Từ năm 1869 đến năm 1872, ông được cử làm chánh tổng tài của Gia Định Báo với mức lương 3000 Quan một năm. Từ năm 1872 ông làm Giám đốc trường Sư phạm, rồi làm cố vấn cho triều Nguyễn. Năm 1888, ông xuất bản tờ nguyệt san Thông Loại Khóa Trình ra được 18 số rồi đình bản vì… hết tiền để in! Là người làm báo có tinh thần Việt cao độ, ông không viết nhiều mà chỉ đăng những bài khảo cứu, nhân vật lịch sử Việt Nam, thơ ca hò vè cùng một số văn tế những người yêu nước nên bị nhà cầm quyền Pháp không tin tưởng nữa. Ông để lại một loạt hơn 200 cuốn sách, trong số đó có rất nhiều tự điển các thứ tiếng và cuốn sách được in lại nhiều lần là cuốn Chuyện Đời Xưa, là những truyện dịch từ nhiều nguồn, nhất là từ sách Tàu.

Ông Trương Vĩnh Ký

Ông Trương Minh Ký [1855-1900] tự Thế Tải, bút danh Mai Nham, là nhà báo, thầy giáo lâu năm nhất ở hậu bán thế kỷ 19. Ông tốt nghiệp trường Sư Phạm thành phố năm 1872 và dạy ở trường Bổn Quốc nguyên là trường Thuộc địa đổi tên. Từ năm 1881, ông làm chủ bút Gia Định Báo cho đến năm 1896. Cùng thời gian này ông vẫn tiếp tục đi dạy chữ Nho và chữ quốc ngữ ở trường cũ. Từ năm 1897 đến 1900, ông làm chủ bút tờ Nam Kỳ, một tờ báo tư nhân của ông Alfred Schreiner. Ông để lại 26 tác phẩm, trong đó nhiều sách giáo dục và sáng tác thơ văn. Trong số đó, các cuốn Chuyện phang sa diễn ra quốc ngữ [bằng văn xuôi], Như Tây Nhựt Trình, Chư quốc thoại hội [bằng văn vần], Tuồng Bá Ấp Khảo…được biết nhiều nhất.

Gia Định Báo thời kỳ đầu chữ quốc ngữ gần tương đồng như ngày nay. Điều đó cho thấy suốt hơn 200 năm ẩn mình, chữ quốc ngữ vẫn âm thầm phát triển một cách mạnh mẽ. Song trên báo, hầu hết là viết bằng “khẩu ngữ” tức tiếng nói thường ngày chứ không văn vẻ như ngày nay. Trên báo số 6 tháng 9-1865 có thông tin viết như sau “Từ rầy về sau ai có muốn đặt chuyện gì vào nhựt trình, thì phải gửi ngày mồng bảy tháng Tây, bởi vì một mình tôi thì không có lẽ mà làm kịp trong năm ngày, mà có gửi thì phải gởi công vụ trước hết. Paulus Toi, compositeur de l’Imprimerie.” Hoặc trên báo số 5 tháng 8-1865 viết “Ngày 27/5 nhuần, quan Nguyên soái có ý thưởng công cho Trần Bá Lộc, cho người ấy ngồi huyện Kiến Phong thuộc về tỉnh Định Tường, thế cho Lê Nhựt Tuyền làm tri huyện huyện ấn mà đã xin phép về nghỉ.” 

Nói chung, chữ nghĩa trên báo thời kỳ đầu tiên còn rất tùy tiện, văn phạm, dấu chấm câu rất lộn xộn. Ắt hẳn, tờ báo cũng đã được nhiều người Việt thông thạo chữ quốc ngữ tham gia viết và sửa chữa song với cái nghề viết báo và “mổ cò,” nghề sửa bài viết, còn mới toanh thì những vị này khó mà chu toàn được. 

Vả lại, tờ báo này còn phải gửi qua Nha Nội vụ kiểm duyệt trước khi in, chủ bút phải dịch toàn bộ các bài báo qua tiếng Pháp để kiểm duyệt rồi nhiều bài bằng tiếng Pháp phải dịch qua tiếng Việt để in, do đó sai sót là chuyện cũng bình thường. 

Không rõ số lượng in thời ấy bao nhiêu số mỗi kỳ. Nhưng qua tìm hiểu nghề in còn rất mới, máy in còn phải dùng máy hơi nước nên số lượng in có thể chẳng bao nhiêu, khoảng vài trăm số là cùng. Báo cũng không bán rộng rãi, bởi dân chúng nói chung thời ấy không nhiều người biết chữ quốc ngữ, mà hầu như chỉ phát cho các ban bộ của chính quyền và hệ thống chính quyền cơ sở ở các làng xã để biết những quyết định của nhà cầm quyền và cũng để “học thêm chữ quốc ngữ”. Tờ báo cũng mở ra cho người Việt một thời kỳ mới hoàn toàn. Đó là “thoát Trung” thoát khỏi vòng tay của chữ tượng hình vốn tồn tại ở nước Việt từ hàng ngàn năm. Đó là sự tiếp cận với văn minh Tây âu, mở ra một chân trời mới rộng mở hơn đặc biệt là “văn xuôi” một thể loại khá mới đối với người Việt. Đó là có thêm một nghề mới: nghề viết báo, nghề biên tập chữ nghĩa, nghề bán báo và mở rộng nghề in ấn. Và người Việt lần đầu được phổ cập việc học hành và nhiều người biết chữ hơn so với vài năm trước. Tất nhiên, thiệt hại lớn nhất của việc dùng chữ quốc ngữ là người Việt sau này hoàn toàn không thể đọc được những gì mà tiền nhân đã viết bằng chữ Nho, chữ Nôm. Song muốn có cái mới thì cái cũ phải đi, đó là quy luật muôn đời của cuộc sống!

(còn tiếp)

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/q-to-z/tran-nhat-vy/

You may also like

Verified by MonsterInsights