‘Phường Sài Gòn,’ tại sao không?

by Tim Bui
‘Phường Sài Gòn,’ tại sao không?

DAVID LE

Sáng ngày 18/4, Hội đồng nhân dân Sài Gòn đã biểu quyết OK đặt tên Sài Gòn cho một phường ở trung tâm quận 1. Trung tâm quận 1 bây giờ cũng chính là trung tâm cả của Đô thành Sài Gòn trước đây. Cái tên Sài Gòn đã bị bóp cổ, trấn nước chết từ năm 1976 trong tất cả văn bản hành chánh xứ Đông Lào. Nay Sài Gòn sống dậy sau 49 năm “đã chết” khiến nhiều người yêu Sài Gòn phản ứng dữ dội.

Số gạch đá dành cho những người đề xuất lấy tên Sài Gòn đặt cho một phường và cả mấy ông bà Hội đồng nhiều không kể nổi. Nếu để xây nhà ắt hẳn số gạch đá này đủ xây cả một dãy phố là ít! Đó là những tình cảm tốt đẹp dành cho hai chữ Sài Gòn thân thương đã bị “xóa sổ” từ 49 năm qua. Đó cũng là tình yêu của con người đối với mảnh đất mình sinh ra, mảnh đất mình sinh sống, mảnh đất mình trưởng thành, nơi chứa cả nỗi đau và hạnh phúc. Số gạch đá mênh mông ấy cho thấy người Việt yêu Sài Gòn không chỉ là những người “bản địa” như David, mà còn có rất nhiều người từ phương xa đến đây sinh sống, cư ngụ và thành danh. Với người Việt, hai chữ Sài Gòn không chỉ là một cái tên nằm trên giấy tờ, một cái tên của một đô thành thân thương mà còn là nơi rất nhiều xương máu của tiền nhân đã đổ xuống để mảnh đất này tươi đẹp như hôm nay.

Nói đi phải nói lại.

Trong cơn bão “tinh gọn” địa giới hành chính, một vấn đề rất hệ trọng liên quan đến vài chục triệu người, liên quan tới sự thay đổi địa giới hành chính, liên quan đến rất nhiều tiền của “dân chúng,” mà lệnh của cấp trên nói một cách dứt khoát là “làm chứ không bàn” thì cấp dưới đâu có quyền gì! Nếu như trước đây, khi có lệnh trên ban xuống, người ta sẽ tổ chức bàn thảo từ cấp khu phố, rồi trình ý kiến lên phường, xã. Phường, xã sẽ tổ chức họp bàn chán chê mới lập biên bản trình lên quận. Quận cũng sẽ làm như thế trước khi trình lên thành phố, tỉnh. Và…cứ như thế mà ra tới trung ương, nơi quyết định tất cả chuyện lớn nhỏ trong nước. Một quy trình như thế sẽ kéo dài chừng vài ba năm mới có quyết định chính thức. Và khi có quyết định chính thức rồi thì dân chúng “quên mẹ” nó cái chuyện đã bàn, đã góp ý và không nhớ quyết định của cấp trên nó có trúng như chuyện đã bàn thảo ở những cấp dưới hay không!

Nay thì khác, chỉ trong vòng có một hai tháng kể từ khi bên trên ra quyết sách, bên dưới không còn bàn thảo gì ráo, cứ họp lại đề xuất việc tinh giản, tách nhập như thế nào rồi trình lên thôi. Không có bàn cãi lộn xộn. Ông bà nào thích bàn, thích nhiều chuyện thì lập tức sẽ bị “đi chỗ khác chơi” một cách rất nhanh chóng. 

Bởi vậy, khi có lệnh “tinh gọn”, bỏ quận huyện, nhập tỉnh, nhập xã phường là bên dưới răm rắp làm, răm rắp đề xuất không bàn nữa. Công việc nhanh tới nỗi quyết định nhập tỉnh thành, phường xã đã định rồi mà hiến pháp chưa kịp sửa, mấy ông bà Nghị phải hấp tấp xách quần chạy đi họp để “hợp thức hóa” cho nhanh! Đó là bên trên. Còn bên dưới thì các ông bà công chức mần việc gần như không có giờ nghỉ ngơi, phải ráo riết “đề xuất” qua các phương tiện sẵn có để cho kịp với lệnh trên. Còn các em đánh máy, in ấn… nói chung là công việc văn phòng cũng cắm mặt vô máy móc để viết, chép, in ấn các loại giấy tờ. Ngay cả chuyện “lấy ý kiến của dân chúng”, các công chức phường xã cũng phải làm đêm, chặn đường dân để xin ý kiến! Ta nói bộ máy hành chính nó chạy rần rần ngó thấy thương luôn. Giá như mấy chục năm nay nó chạy như vậy thì Đông Lào đã hóa rồng bay lên rồi chớ không còn ngọ nguậy trong đống bùn đất!

Ngay cả mấy ông bà Nghị ở quốc hội còn chạy vắt giò lên cổ thì mấy ông bà Hội đồng cấp thành phố “tuổi gì” mà dám bàn những cái tên đã được cấp trên quyết định. Lâu nay, dân chúng vẫn kêu mấy ông bà ngồi trong Hội đồng là “hội đồng dư” bởi mấy vị này có quyết định được chuyện gì ngoài chuyện “giơ tay hợp thức hóa” mấy cái quyết định của cấp trên!

David có một ông bạn thân từng ngồi ghế Hội đồng một quận hồi nẳm. Một ngày ổng tuyên bố xin ra khỏi hội đồng vì… bệnh nặng! Bệnh gì? Ổng cho biết, sau mấy năm ngồi trong Hội đồng ổng bị bệnh “lớn tay phải!” Ở trong Hội đồng thay vì phải “ăn nói rồi gói đem về” thì ổng được “ưu tiên” giơ tay phải để đồng ý với các đề nghị hay quyết sách của địa phương. Thành ra tay phải của ổng bự hơn tay trái, khiến thân thể không đồng đều, đi đứng cứ xiêu vẹo! Do vậy, chuyện mấy ông bà Hội đồng Sài Gòn giơ tay đồng ý cái rụp các đề nghị đã được cấp trên ra nghị quyết đồng ý là chuyện cũng bình thường. Chửi người ta cũng tội. Ai cũng cần miếng cơm manh áo mà!

David cũng xin hoan nghênh mấy ông bà nào đã đề xuất lấy tên Sài Gòn đặt cho một phường ở quận 1. 

Phải nói rằng, đây là đề xuất “táo bạo” có tính lịch sử nhen.  

Như đã nói trên, Sài Gòn là cái tên đã bị chôn rồi. Nhà cầm quyền vi xi khi mới vô Sài Gòn đã tỏ ra không thích lắm cái tên Sài Gòn. Bởi nó gợi lại những ngày… gian khổ của… dân chúng!

Ai từng sống ở Sài Gòn từ năm 1965 trở về sau mà không biết sự gian khổ ấy. Đêm đang ngủ bỗng bị “pháo kích” khơi khơi. Có nhiều người chết rồi mà không hiểu tại sao mình chết? Đang sống yên lành bỗng chiến tranh nổ ra. Súng lớn, súng nhỏ tràn ngập tứ phía. Ai cầm súng thì sống chết có mạng. Còn dân chúng tội tình gì, có súng ống đâu mà cũng tan nhà nát cửa, chết chóc tá lả? Ngay cả khi đi chơi, đi ăn uống, coi xi nê cũng bị bom mìn nổ chết tươi! Khổ lắm quí vị! Bởi vậy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới có câu hát “Đại bác đêm đêm dội về thành phố…”, mà thành phố có phải là chiến trường đâu?

Bởi vậy, người dám đề xuất xài lại cái tên Sài Gòn là người rất dũng cảm. Cả mấy ông bà Hội đồng dám OK cái tên này cũng rất ư là dũng cảm, phải khen chớ!

Mà Sài Gòn là cái gì mà người sợ, người yêu?

Với David, Sài Gòn chỉ là Sài Gòn. Có nhiều người đề nghị phải đặt tên Sài Gòn cho một địa giới nào đó lớn lao, có tầm vóc tương xứng với lịch sử. Tỉ như một thành phố, một vùng đất… chẳng hạn. Nghe có lý nhưng điều đó có khả thi?

Việc làm sống lại một cái tên đã chết từ 49 năm rồi là một thành công của người Sài Gòn. Đó là điều nên vui. Còn Sài Gòn nằm trên bảng hiệu, trên khu vực hành chính nào không đáng kể. Dù là một phường, một xóm hay thậm chí ở trên một bảng hiệu của một quán hủ tíu… cũng không thành vấn đề. Bởi Sài Gòn thực chất không nằm ở những nơi đó, mà Sài Gòn nằm ở ngay trong lòng người Việt. Sài Gòn là xương máu của tiền nhân, là da thịt của chúng ta, những người Việt yêu Sài Gòn. Chúng ta ở đâu thì Sài Gòn ở đó. Nếu máu xương tiền nhân quyện vào mỗi gốc cây, ngọn cỏ, mỗi tấc đất của thủ đô miền Nam ngày nào, thì Sài Gòn cũng nằm trong trái tim, trong huyết quản chúng ta. Tình yêu ấy không cầm hình thù rõ ràng, mà dáng vẻ của Sài Gòn cứ vẫn tươi đẹp trong lòng người Việt như thuở nào. Có nơi nào ngoài Sài Gòn lại có những quán ăn “0 đồng,” có chợ áo quần “ai thiếu thì lấy,” những thùng trà đá mát rượi giữa cái nóng gắt của trưa Hè uống tại chỗ cũng được mà đổ vô chai mang đi cũng OK, có những trụ ATM gạo ai thiếu thì lấy…? Chỉ có ở Sài Gòn. Của ai? Không ai biết! Người nghèo buổi sáng chưa có gì ăn thì cứ ghé vô tủ bánh mì 0 đồng để trên lề đường lấy mà ăn. Nếu chiều tối chưa có tiền ăn một dĩa cơm, thì cứ ghé mấy tiệm cơm 2.000 đồng với đủ ba món canh, xào, mặn ngon lành. Hai ngàn đồng ở xứ Việt bây giờ là số tiền có mệnh giá nhỏ, có cho con nít nó cũng không thèm lấy! Đó là tính cách, là cách sống, là tình cảm của người Sài Gòn mà không cần một bảng hiệu, một tờ giấy chứng nhận nào hết.Vì vậy, David ủng hộ đặt tên ‘phường Sài Gòn’ ở trung tâm quận 1 hiện nay. Và từ tháng Bảy tới đây, những người đang sống lưu vong có quyền đến và có quyền nói “về Sài Gòn” một cách ngon lành chứ không phải ghi trên giấy tờ một thành phố có cái tên xa lạ nào đó.

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/mot-thoi-rap-cine-saigon/

You may also like

Verified by MonsterInsights