NAM CƯ
Chắc hẳn nhiều độc giả cũng như tôi, đôi khi chúng ta chạm vào dái tai của mình, một bộ phận nhỏ bé thường bị lãng quên trên cơ thể, và tự hỏi: “Vậy chứ dái tai để làm gì nhỉ?”
Câu hỏi tưởng chừng đơn giản này lại mở ra nhiều điều khá thú vị. Hôm nay, mời quý vị cùng tôi thử tìm hiểu xem bộ phận này có vai trò gì trong cuộc sống của chúng ta.
Có người cho rằng dái tai, cái phần thịt mềm mại nằm dưới cùng của vành tai, giúp chúng ta nghe rõ hơn. Họ lý luận rằng cấu trúc này hỗ trợ việc hứng sóng âm thanh, tựa như một cái phễu nhỏ, hướng âm thanh vào ống tai hiệu quả hơn. Quả thật, nếu suy nghĩ theo hướng này, thì dái tai cũng có ích đó chứ. Tuy nhiên, một số nhà khoa học khác lại cho rằng dái tai thực ra chẳng có một mục đích sinh học cụ thể nào cả. Họ xem nó như một phần phụ không hơn không kém. Vậy đâu mới là câu trả lời chính xác?
Điều mà giới y học chắc chắn, đó là dái tai của con người được cấu tạo từ các mô liên kết mỡ và mô liên kết sợi khá bền chắc, nhưng lại thiếu đi sự săn chắc và đàn hồi như phần còn lại của vành tai. Một điểm đáng chú ý là dái tai không chứa sụn, bù lại nó có một nguồn cung cấp máu rất dồi dào. Một số ý kiến cho rằng chính nhờ lượng máu này mà dái tai có thể giúp giữ ấm cho tai và thậm chí góp phần duy trì sự thăng bằng cho cơ thể. Điều này nghe cũng có lý luôn. Dù vậy, nhìn chung, giới khoa học vẫn chưa xem dái tai là một bộ phận có chức năng sinh học quan trọng.
Nhưng có một điều không thể phủ nhận, đó là dái tai chứa rất nhiều đầu dây thần kinh, khiến nó trở nên nhạy cảm với những va chạm. Quý vị có để ý không, một cái chạm nhẹ, một cử chỉ kéo nhẹ ở dái tai trong một vài tập quán văn hóa, có thể đóng một vai trò nhất định trong giao tiếp xã hội và gắn kết tình cảm. Có lẽ chính sự nhạy cảm này làm cho dái tai, đối với một số người, lại là một vùng khá kích thích khi được chạm vào.
Dù cho vai trò sinh lý của dái tai có thể còn khiêm tốn và gây nhiều tranh luận, không ai có thể phủ nhận ý nghĩa văn hóa to lớn của nó trong nhiều xã hội. Từ xa xưa, con người đã khám phá ra rằng có thể xỏ lỗ dái tai để đeo trang sức. Ngày nay, không chỉ phụ nữ mà cả nam giới cũng chọn cho mình đủ loại khuyên tai, phụ kiện gắn trên dái tai như một cách bày tỏ cá tính, một lời tuyên ngôn về thời trang. Ngoài việc tô điểm bằng trang sức, dái tai còn gắn liền với các tập tục truyền thống như kéo dài dái tai ở một số bộ tộc. Như vậy, dái tai, từ một bộ phận cơ thể, đã trở thành một không gian để con người thể hiện bản thân và duy trì các giá trị văn hóa. Thật đáng ngạc nhiên phải không?
Chưa dừng lại ở đó đâu, thưa quý vị. Hình dáng dái tai có thể hé lộ đôi điều về tính cách nữa đấy!
Người phương Đông chúng ta cho rằng tai to, đầy và cân đối được cho là dáng tai tốt, cho thấy may mắn, sự thông tuệ và sự cao quý. Người phương Đông nói chung thích dáng tai dài như tai Phật. Người có cuống tai to, dầy, đầy đặn, vành tai rõ ràng, gần như tướng tai của phật Di Lặc chính là tướng rất đẹp.
Xem tướng mạo của các doanh nghiệp, những ông chủ giàu có phần lớn đều là những người có đôi tai to và đầy đặn, điều đó chứng tỏ rằng đó là đặc trưng của sự giàu có, phú quý.
Còn người phương Tây thì cho rằng, tai không dính vào má mà tách rời, là người có tâm hồn tự do. Đây là những người có tâm hồn tự do thường để cuộc sống đưa đẩy họ đến bất cứ nơi nào số phận đã định. Họ biết rằng mình sẽ hạnh phúc dù ở bất cứ đâu. Hạnh phúc là điều cốt yếu sau cùng. Những người có dái tai không dính thường tận tâm với những điều và những người quan trọng đối với họ. Họ luôn suy nghĩ cho người khác và vô cùng rộng lượng.
Ngược lại, nếu dái tai dính liền vào má, đó là người rất tự ý thức, hiểu rõ hành động của mình và chúng có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh như thế nào. Đôi khi, có thể hơi quá tự tin.
Thật không có gì lạ khi cơ thể mỗi người chúng ta lại có những hình dạng khác nhau. Chúng ta biết mình là độc nhất qua dấu vân tay, nhưng quý vị có bao giờ nghĩ rằng dái tai của mình cũng khác biệt đến nhường nào không? Khá là ngạc nhiên, phải không? Chúng ta cũng biết rằng khi tuổi tác tăng lên, dái tai của chúng ta bắt đầu chảy xệ và có vẻ lớn hơn – liệu chúng có thực sự “mập” ra hay chỉ đơn thuần là chảy xệ nhiều hơn? Đây cũng là một câu hỏi để ngỏ.
Vậy đó, qua một vòng tìm hiểu, chúng ta thấy rằng dái tai, dù nhỏ bé, lại ẩn chứa nhiều điều hơn chúng ta tưởng. Từ những giả thuyết về chức năng sinh học, vai trò không thể chối cãi trong văn hóa và thể hiện cá nhân, cho đến cả những liên hệ thú vị với tính cách con người. Có lẽ, dái tai không phải là bộ phận “vô dụng” như nhiều người vẫn nghĩ. Quý vị thuộc tuýp người có dái tai dính hay không dính? Và những mô tả tính cách trên có phần nào đúng với quý vị không? Hay quý vị cũng như tôi, chỉ thấy chúng thật thú vị mà không quá bận tâm? Dù sao đi nữa, chúng vẫn là một phần của chúng ta, một chi tiết nhỏ bé góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú của con người.