ĐINH VĂN TUẤN
Trong lịch sử giáo dục Việt Nam vào thời trung đại, Đoàn Thị Điểm dù không phải là người được đi học và đỗ đạt ở xã hội phong kiến bấy giờ nhưng bà lại là người phụ nữ đầu tiên can đảm vượt qua định kiến “trọng nam khinh nữ” để mở trường dạy học, trở thành danh sư ở kinh thành Trường An (Thăng Long) và sau học trò của bà đã có người đỗ Tiến sĩ.
Đoàn Thị Điểm thường gắn liền với tài năng kiệt xuất về các giai thoại đối đáp văn chương, là tác giả của tác phẩm chữ Hán Truyền kỳ tân phả và bản diễn Nôm Chinh phụ ngâm nổi tiếng trong văn học cổ Việt Nam. Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm tôn vinh hình tượng liệt nữ: vì nghĩa cương thường, vì triều đại, đất nước và tinh thần tự do sinh sống, công bằng, đòi quyền tự chủ cho nữ giới…
Tiểu sử của Đoàn Thị Điểm hiện nay vẫn còn nhiều mâu thuẫn, không đồng nhất khiến cho ai muốn tìm hiểu về bà đều bị phân vân không biết đâu là sự thật. Bài viết này sẽ tìm hiểu kỹ về thân thế và sự nghiệp của Đoàn Thị Điểm qua những tài liệu xưa đáng tin cậy.
Trước tiên về tên họ, Đoàn Thị Điểm (họ Đoàn) nhưng vẫn còn lưu truyền một tên gọi khác đó là Nguyễn Thị Điểm (họ Nguyễn), vậy đâu là tên họ thật của bà Điểm?
Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án gọi là Đoàn Thị Điểm, sau đến Chinh phụ ngâm bị lục, Vũ Hoạt xác nhận: Phu nhân họ Đoàn tên là Điểm diễn âm. Đoàn thị thực lục đã xác định: Phu nhân họ Đoàn, húy Điểm, tiểu tự Hồng Hà, con gái thứ Giám sinh Đoàn Doãn Nghi, em gái Giải nguyên trường thi hương Kinh Bắc Đoàn Doãn Luân. Nhưng ở các sách khác, Đoàn Thị Điểm đã từng được gọi tên là Nguyễn Thị Điểm (họ Nguyễn) như Đăng khoa lục sưu giảng:
Tiến sĩ Nguyễn Trác Luân có người em gái là Nguyễn Thị Điểm, Sơn cư tạp thuật: Nguyễn Thị Điểm. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí từng gọi nữ học sĩ, tác giả Tục truyền kỳ với họ Nguyễn, Nguyễn Thị Điểm; Xuyết thập tạp ký của Lý Văn Phức lại gọi tên là Nguyễn Thị Ngọc Điểm. Các sách như Quốc văn tùng ký của Hải Châu tử, Nguyễn Văn San; Đại Nam hiển ứng truyện; Nam thiên trân dị tập; Hát Đông thư dị của Nguyễn Thượng Hiền cũng đều gọi tên là Nguyễn Thị Điểm. Sau này các sách Quốc ngữ về Chinh phụ ngâm mỗi sách mỗi khác, lúc là Đoàn Thị Điểm (Trương Vĩnh Ký, Bùi Văn Lăng, Sở Cuồng Lê Dư, Nguyễn Quang Oánh, Thuần Phong…) khi là Nguyễn Thị Điểm (Phan Kế Bính, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Đỗ Mục…).
Nguyên nhân nào dẫn đến việc họ Đoàn ra họ Nguyễn? Theo chúng tôi, hiện không có bằng chứng nào trong thư tịch cổ xác nhận Tiến sĩ Nguyễn Trác Luân có người em gái tên là Nguyễn Thị Điểm, nếu có đi nữa bà Điểm họ Nguyễn không thể là tác giả Truyền kỳ tân phả.
Trùng tên người anh là Luân thì có thể nhưng trùng tên cả người anh là LUÂN và người em gái Điểm thì thật khó tin có thể xảy ra. Chính vì Đoàn Thị Điểm người xứ Kinh Bắc có anh là Đoàn Doãn Luân nhưng chỉ đỗ giải nguyên (đỗ đầu thi hương), không theo đuổi con đường quan chức mà chỉ ở nhà dạy học nên người đời ít biết đến hơn là Tiến sĩ Nguyễn Trác Luân người trấn Hải Dương. Khi cha Đoàn Thị Điểm là Đoàn Doãn Nghi (dạy học ở Hải Dương) mất, gia đình đưa di hài về quê quán chôn cất và sau khi mãn tang, Đoàn Thị Điểm đã đưa mẹ về sống chung nhà với anh Đoàn Doãn Luân và chị dâu cùng các cháu ở làng Vô Ngại, huyện Đường Hào, xứ Hải Dương. Lưu ý, địa điểm Đường Hào, Hải Dương trùng với sinh quán của Tiến sĩ Nguyễn Trác Luân (Đường Hào, Hải Dương) nên càng khiến người đời ngộ nhận Đoàn Thị Điểm ở Hải Dương là em gái Tiến sĩ Nguyễn Trác Luân cũng ở Hải Dương nên dĩ nhiên bà Điểm sẽ mang họ Nguyễn.
Nguyễn Quang Oánh đã lại cho rằng: “Đoàn Thị Điểm, em gái giám sinh Đoàn Luân làng Hiến Phạm, huyện Văn Giang, xứ Kinh Bắc. Lấy ông Nguyễn Kiều nên mới lấy họ nhà chồng xưng là Nguyễn Thị Điểm”” Thật ra không phải vậy, vì theo truyền thống Trung Quốc và Việt Nam, ngày xưa thường gọi phụ nữ có chồng như sau: Đoàn Thị Điểm lấy chồng là Nguyễn Kiều (họ Nguyễn) sẽ được gọi một cách trang trọng là Nguyễn phu nhân, Nguyễn phủ phu nhân hoặc Nguyễn công á phu nhân chứ không bao giờ gọi cả họ chồng và tên vợ là Nguyễn Thị Điểm. Như vậy bà Điểm họ Đoàn bị gọi là họ Nguyễn nguyên nhân vì Đoàn Thị Điểm đã từng cư ngụ, dạy học ở Hải Dương và bà Điểm lại nổi tiếng với tác phẩm Truyền kỳ tân phả, nhưng vì Đoàn Doãn Luân chỉ là Giải nguyên nên người đời dễ ngộ nhận bà là em gái của Tiến sĩ Nguyễn Trác Luân người Hải Dương.
Đoàn Thị Điểm, có tiểu tự là Hồng Hà, nên người sau kính trọng gọi là Hồng Hà phu nhân, Hồng Hà nữ sĩ…Cha là giám sinh (học trò Quốc tử giám) Đoàn Doãn Nghi (trước họ Lê sau đổi họ Đoàn), chức Điển bạ, hiệu là Kinh Môn Tiên sinh, mẹ là con gái của Thái Lĩnh bá họ Vũ người làng Vũ Điện, huyện Nam Xang, anh là Giải nguyên Đoàn Doãn Luân. Nguyên quán Đoàn Thị Điểm ở xã Hiến Phạm, tổng Yên Phú, huyện Văn Giang, phủ Thuận Yên, xứ Kinh Bắc (xưa là Bắc Giang), sau là xã Giai Phạm, tổng Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Đoàn Thị Điểm sinh năm 1705, là người con gái xinh đẹp, cử chỉ đoan trang, lời nói thành văn chương, lễ độ, hiếu nghĩa, giỏi nữ công. Năm 16 tuổi, Thượng thư Lê Anh Tuấn vì cớ bà Điểm là con gái của môn sinh mình là Đoàn Doãn Nghi nên nhận nuôi làm con, có ý định tiếm làm cung tần. Quan Thượng ra một bài thơ Nôm để thử tài học, đề bài là: Một ngày không gặp xem bằng ba thu. Bà nghe xong liền ngâm: “Những màng mấy khắc giang cầm hạc, Ngỡ đã vài phen đổi lá ngô.” Song phu nhân vốn yêu thích văn chương, không để tâm đến nơi trướng gấm, hai ba lần xin về, để được hàng ngày cùng cha anh vui việc nghiên cứu cách xem sao, diễn giải âm dương lý số, lúc nhàn rảnh thì anh em lại cùng nhau thơ phú, những bài câu hay tứ đẹp, tất cả có đến vài trăm còn những câu ứng đối xướng thù không chỉ một vài. Như một hôm, anh Đoàn Doãn Luân vào nhà thấy bà đang soi gương, mới ra một vế đối:
Chiếu kính họa mi nhất điểm phiên thành lưỡng điểm.
(Soi gương vẽ mày, một chấm hóa thành hai chấm)
Lúc ấy thấy anh đến bên bờ sông đùa với nước, phu nhân liền đối ngay:
Lâm giang ngoạn nguyệt chích luân chuyển tác song luân.
(Bên sông ngắm nguyệt, một vầng hóa ra đôi vầng).
Đoàn Thị Điểm sáng tác Tục truyền kỳ gồm Vân Cát thần nữ, một tác phẩm lớn rất có tinh thần, bàn về người cung nữ trinh lương thì Hải khẩu linh từ, một chương diễm lệ, An ấp liệt nữ ngữ ý trung thành, Mai huyễn, Yến Anh thì ngôn từ khẳng khái.
Bà Điểm là một bậc nữ Nho nơi bút mực nhưng lại gồm hết thảy công dung ngôn hạnh của nữ nhi. Chiếc áo bà may dù bằng tấm gấm mắc tiền cũng không cần dùng thước đo; màu sắc bà nhuộm dù hoa văn năm màu vẫn có thể chế. Tiếp khách cho anh dù rau dưa mắm muối nhưng vẫn ngon hơn cỗ bàn sang trọng; hết lòng hiếu phụng dưỡng mẹ thì nóng lạnh sớm hỏi tối thăm đều đúng lễ nghi. Bà Điểm tài học khiến người nể sợ, mẫn tiệp hơn hẳn mọi người, lại khéo léo không ai sánh kịp. Bà thường hay may chiếc túi vuông bằng vải da la. Một chiếc thêu ba người bạn (tùng trúc mai), một chiếc thêu hình bát quái, hết sức tinh xảo. Có người đòi đem căn nhà gỗ xoan 5 gian đổi lấy nhưng bà không thuận. Lại có một chiếc túi dùng da la đen làm nền, trên viết hai câu thơ Đường luật. Bà cắt bỏ phần da la đen ở các con chữ và dùng da la trắng đính vào rồi lấy kim tuyến viền quanh; đó là hai câu thơ trong bài Khách trung hành của Lý Bạch, đời Đường:
Đãn sử chủ nhân năng túy khách,
Bất tri hà xứ thị tha hương
(Chỉ cần chủ nhân khiến khách say, Còn biết nơi nào là quê người).
Chiếc túi này bà luôn đeo bên mình, khi mất cũng bỏ vào linh cửu.
Về chuyện gia thất bà có ý kén chọn khắt khe, không muốn gượng ép để hôn nhân làm lụy. Khi phụ thân tạ thế (năm 1729) bà đã 25 tuổi, tuy cảnh nhà thanh bạch nhưng ba năm cư tang tận lễ. Đến khi mãn tang có công tử Nhữ Đình Toản (sau đỗ Tiến sĩ làm quan đến Thượng thư), vị quan sang Siêu Quận công, Thượng thư người Kim Lũ, nhiều lần mai mối nhưng bà không ưng thuận đám nào. Bà chỉ vui với việc ở nhà phụng dưỡng mẹ, sớm hỏi tối thăm, ngọt bùi dâng tiến, cùng anh luận bàn lý học, không để tâm đến giàu sang. Chẳng được mấy năm (khoảng 1733), anh lại qua đời, để lại hai con nhỏ dại. Cảnh nhà nghèo túng, không biết lấy gì lo việc tang ma. Bà phải hết sức nỗ lực xoay sở mới đưa được linh cữu anh từ làng Vô Ngại về quê cũ. Bà đã soạn bài Văn tế anh rất cảm động, chân tình.
Bà Điểm cư tang anh, phụng dưỡng mẹ, hết lòng hiếu thuận cung kính, lại nuôi dạy hai cháu mồ côi để nối nghiệp nhà. Nhà nghèo không nơi nương tựa nên phải bốc thuốc, chữa bệnh, soạn thuận văn chương cho người để có tiền chi dùng rau cháo hằng ngày. Không lâu sau, có vị quốc thích là Bỉnh Trung công mấy lần nhờ người mai mối dạm hỏi. Phu nhân cho rằng ngoại thích gốc rễ nông mỏng, nên nhiều lần Trung công mang lễ đến cầu hôn, bà đều tìm lời thoái thác, cuối cùng vẫn không chịu để họ làm lụy.
Đại Nam kỳ truyện, Nam thiên trân dị tập còn kể: “Tràng An tứ hổ” (bốn con hổ ở chốn Tràng An) là Đỗ Huy Kỳ ở huyện Thụy Nguyên, trấn Thanh Hóa, Thám hoa năm Tân Hợi (1731), Trần Danh Tân ở Cổ Am, Nguyễn Bá Lân ở xã Cổ Đô, trấn Sơn Tây, Tiến sĩ năm Tân Hợi (1731), Vũ Toại ở Thiên Lộc nghe danh của bà Điểm, muốn thử đố làm thơ. Đoàn Thị Điểm cho người bưng khay trầu ra mời, trên khay có đề một câu đối: “Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang”: Trước sân có gió thoảng (thiếu nữ) lay động cây cau (tân lang), bốn người không đối được, phải xấu hổ trở về.
Từ đó bà càng nổi tiếng trong triều ngoài quận, ai cũng khâm phục mến mộ. Bấy giờ ở làng Sài Trang, huyện Đường Hào có người con gái được dâng vào hậu cung, được sủng ái, bèn đón bà vào cung để dạy con gái. Bà vì muốn tránh việc hôn nhân từ thế lực quyền quý, liền nhận lời. Trong thời gian ấy bà vẫn liên lạc với gia đình nên việc hiếu đễ vẫn chu toàn. Đến năm 1739, giặc giã nổi lên như ong, chợ An Bình, làng My Thự đều bị tàn phá, phu nhân xem một quẻ bói biết làng Vô Ngại cũng sẽ là chiến trường, bèn đưa mẹ lánh đến làng Chương Dương, cư ngụ ở nhà một người học trò, bà Điểm thường nói: “Từng xem trong nữ sử, đàn bà học giỏi không phải không nhiều, nhưng chưa có ai dạy được học trò đỗ đạt,” nhân thế bà mới mở trường dạy học trò. Sau này Tiến sĩ Đào Duy Doãn người Chương Dương chính là học trò của bà.
Như mọi người đã biết, phụ nữ thời phong kiến do định kiến “trọng nam khinh nữ” nên chỉ quanh quẩn ở khuê phòng với công việc thêu thùa, may vá… ít ra khỏi nhà, không được đi học nếu có cũng chỉ được cha anh ở nhà dạy học để biết đọc biết viết, làm thơ phú… Trước Đoàn Thị Điểm, cũng có một vài phụ nữ tài năng, có tri thức sâu rộng đã từng dạy học trong cung đình như Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Thị Duệ nhưng chưa ai có cam đảm, tự tin tự mở trường dạy học và có học trò đã đỗ Tiến sĩ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam có một phụ nữ tiến bộ, tiên phong với tinh thần tự do, bình đẳng nam nữ. Hơn nữa ngay từ thời thanh xuân bà Điểm đã có tinh thần lãng mạn, phóng khoáng lạ thường vì tâm đắc không rời xa hai câu thơ trong bài Khách trung hành của Lý Bạch. Đến khi chấp thuận làm vợ kế của quan Thị lang Tiến sĩ Nguyễn Kiều bà Điểm đã 37 tuổi nhưng vẫn không chịu nhượng bộ, khuất phục khi so tài thi phú với chồng mình. Bà cho rằng: Thường người tài danh tuổi trẻ đỗ cao, tài đức xuất chúng, không ngờ học lại theo lối cử nghiệp, nhờ chương cú mà nổi tiếng, hàng ngày tụng đọc cả nghìn lời mà chẳng quan hệ gì đến lý thể. Chồng mình không những không biết thơ đối với kinh luân vẫn còn nhiều thiếu sót, mà còn cả đối với việc cột trụ của nước nhà. Hai vợ chồng vẫn cùng làm phú, nhưng bài của ông thường thua xa bà Điểm. Dù vậy hai vợ chồng cùng thơ từ xướng họa, trong khuê môn vui hòa, trọng nhau như khách.
Với tính cách, tinh thần, tài trí như trên, chắc chắn Đoàn Thị Điểm là tác giả của câu đối nổi tiếng hạ nhục sứ thần nhà Thanh, theo Đại Nam kỳ truyện: Năm Long Đức (1732 – 1735) Bắc sứ sang sách phong. Hoàng thượng lệnh Đoàn Thị Điểm đứng ở ngoài cửa Đoan môn. Quan chính sứ nói đùa một câu đối với Đoàn Thị Điểm:
An Nam nhất thốn thổ bất tri kỷ nhân canh
(Một tấc đất nước An Nam không biết bao nhiêu người cày),
Đoàn Thị Điểm ứng đối ngay:
Bắc triều chư đại phu, giai do thử đồ xuất
(Các đại phu triều đình phương Bắc, đều do từ chỗ ấy mà ra)
Về nhà chồng được hơn một tháng lại chuẩn bị hành trang tiễn Thị Lang Nguyễn Kiều đi sứ nước Thanh năm 1742. Bà Điểm cai quản việc nhà, nuôi nấng con chồng, yêu thương như con ruột, lại dạy dỗ văn chương lễ nghi cặn kẽ, kiêm cả đạo làm thầy.
Chính trong thời gian này vì cô đơn, nhớ chồng, Đoàn Thị Điểm đã dịch tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn thành bản diễn Nôm nổi tiếng, sánh ngang Truyện Kiều của Nguyễn Du sau này. Sau ba năm, năm 1745 Nguyễn Kiều đi sứ trở về nhưng đến năm 1748 triều đình có lệnh sai ông đi trấn nhậm Nghệ An. Ông muốn phu nhân đi cùng nhưng bà từ chối vì bận việc nhà, hẹn lần sau. Ông năn nỉ mãi, bà Điểm đành từ biệt mẹ, cùng ông đến nhiệm sở. Không may Đoàn Thị Điểm bị cảm nặng, dù chữa trị nhiều nhưng bệnh không khỏi, cuối cùng bà mất ở Nghệ An vào ngày 11 tháng 9 (Âm lịch 1/11/1748), bà Điểm không có con. Nguyễn Kiều có làm hai bài văn tế rất xúc động là Văn tế khi đưa linh cữu xuống thuyền, Văn tế lễ mở cửa mộ.
Riêng về tác phẩm Chinh phụ ngâm, gần một thế kỷ qua khởi đi từ Phan Huy Chiêm – Đông Châu đến Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Xuân… đã phủ nhận Đoàn Thị Điểm là dịch giả Chinh phụ ngâm và dành lại tác quyền cho Phan Huy Ích. Nhưng đến nay vẫn chưa thành công. Gần đây chúng tôi đã nghiên cứu các bản Nôm Chinh phụ ngâm còn lại và phát hiện những bằng chứng về chữ húy và từ cổ thuộc thế kỷ XVIII là thời đại của Đoàn Thị Điểm đã góp phần khẳng định Đoàn Thị Điểm là dịch giả bản diễn âm Chinh phụ ngâm hiện hành.
