CHU DU
Người Việt sống ở Mỹ lâu năm nói nước Mỹ lớn lắm, có đến 50 tiểu bang, cho nên khó mà đi hết. Tuy nhiên, nếu như có thể đi được bốn vùng là Viễn Tây có các tiểu bang như California, Arizona, Nevada, vùng Tây Bắc với tiểu bang Oregon, Washington State, miền Nam với tiểu bang có nhiều bờ biển đẹp là Florida, và miền Đông Bắc với thủ đô Washington, thành phố nhà chọc trời New York, và thành phố Boston có các trường đại học danh tiếng thì xem như đã điểm qua những nổi bật (highlight) nhất của nước Mỹ.
Gia đình chúng tôi được may mắn định cư ở miền Nam California, cho nên xem như là thổ địa của miền Viễn Tây. Chúng tôi đã nghe nhiều về những thành phố nổi tiếng ở vùng Đông Bắc với 13 tiểu bang khởi thủy của nước Mỹ nên lâu nay hằng mơ ước có dịp thăm viếng vùng đất lịch sử này.
Nhân dịp các cháu nghỉ Hè vào tháng Sáu, gia đình chúng tôi cùng một cặp vợ chồng người bạn nối khố trẻ hơn, quyết định làm một chuyến du hành miền Đông mà chúng tôi gọi là “East Coast Vacation.”
Miền Đông Bắc hay còn được gọi một cách gọn hơn là miền Đông nước Mỹ dịch từ chữ truyền thống “Back East” bao gồm 13 tiểu bang đầu tiên của nước Mỹ. Tuy nhiên để thăm viếng hết 13 tiểu bang và thành phố lớn của nó khó mà thực hiện được trong một chuyến nghỉ hè. Do vậy, chương trình chúng tôi chỉ gói gọn trong 12 ngày qua những điểm chính mà chúng tôi cho là thú vị nhất. Cuộc hành trình sẽ bắt đầu bằng chuyến bay one way từ Los Angeles đến Washington D.C., từ đó chúng tôi sẽ đi thăm New York, Boston, và thành phố Portland của tiểu bang Maine rồi sẽ đáp chuyến one way từ Boston về lại Los Angeles.
Đoàn chúng tôi tổng cộng bảy người gồm 2 già, 3 sồn, và 2 trẻ đáp chuyến bay nonstop của hãng United Airlines với giá 180 đô mỗi người khởi hành lúc 8 giờ sáng và mất khoảng năm tiếng đồng hồ bay để đáp xuống phi trường Washington Dulles International Airport vào khoảng hơn bốn giờ chiều. Như đã dự định, nếu mướn chiếc xe van bảy chỗ, với tiền bảo hiểm và xăng cộ, chi phí lên đến 200 đô một ngày, chúng tôi chọn giải pháp dùng Uber cho phương tiện di chuyển thì có lẽ gọn gàng hơn, giá cả có khi lại nhẹ hơn, và quan trọng nhất là không phải lo chỗ đậu.
Washington DC & Maryland
Hai chiếc Uber bảy chỗ đưa nhóm chúng tôi đến khách sạn Sofitel Washington DC, một khách sạn sạch sẽ, sang trọng, tiện nghi nằm gần khu vực White House mà giá chỉ có $200/đêm. Check in và tắm rửa xong, chúng tôi ăn chiều bữa welcome steak ở khách sạn với rượu vang đỏ rất ngon miệng mà giá cả thì khá nhẹ nhàng bao gồm tip mà chỉ có $80 cho mỗi người lớn.
Ăn chiều xong, chúng tôi còn đủ thì giờ để đi bộ vòng quanh khu vực khách sạn cho xuống cơm. Dưới trời mưa phùn lất phất và thời tiết hơi se se lạnh, chúng tôi thật không ngờ là mình đang tản bộ ngay trong lòng thủ đô của nước Mỹ.
Thủ đô Washington có dân số khoảng 700 ngàn người. Nếu kể luôn hai vùng phụ cận là Maryland và Virginia thì dân số tổng cộng lên đến 6 triệu. Đây là trung tâm quyền lực của nước Mỹ mà mỗi quyết định không chỉ riêng cho nước Mỹ mà có tầm ảnh hưởng đến cả thế giới.
Sáng hôm sau, sau khi dùng bữa điểm tâm nhẹ với bánh ngọt và cà phê đen ở một quán gần khách sạn, như kế hoạch định sẵn, chúng tôi đi thăm viếng Tòa Bạch Ốc (White House). Nhưng khi đến nơi thì mới biết là vào tháng này, White House đang trong thời gian bảo trì, nên không tiếp khách du lịch vào trong thăm viếng. Quả là một thất vọng!
Đổi kế hoạch, chúng tôi chụp vài tấm hình trước White House, rồi nhảy lên xe bus Hop on – Hop off đi thăm viếng các khu vực nổi tiếng ở D.C. như Tòa nhà quốc hội (United States Capital), Tối cao pháp viện (United States Supreme Court), Đài tưởng niệm (Washington Monument), và Ngũ giác đài (Pentagon).

Một thất vọng khác là tòa nhà Quốc hội, sau vụ bạo động Jan 6, 2021 khi có nhiều người tràn vào bên trong đập phá, chính quyền làm hàng rào sắt bao bọc chung quanh khuôn viên làm cho hình ảnh của tòa nhà quốc hội giống như một công trường xây dựng, không còn dáng dấp uy nghiêm của một cơ quan lập pháp có tầm vóc quốc tế nữa.



Buổi chiều đó, chúng tôi có gia đình người bạn sống ở Maryland mời đi ăn lẩu ở nhà hàng Urban Hotpot ở Maryland. Chúng tôi lấy Uber sang đó, mất gần 40 phút, hết 40 đô. Lâu ngày mới có dịp gặp lại, câu chuyện hàn huyên thật là rơm rả. Và hơn thế nữa, mặc dù thịt thà tôm cá cũng giống như ở các nơi khác, nhưng nước súp của cái quán lẩu này ăn vô thấy có phần đậm đà đặc biệt hơn. Phải chăng là vì có người đãi, khỏi phải trả tiền, nên cảm giác có khác chăng?
Hai vợ chồng người bạn đó cũng giới thiệu ở bờ biển Maryland có quán Seafood có bán món ghẹ hấp, tẩm muối ớt rất trứ danh mà hầu như người Việt nào đến đây cũng muốn thưởng thức. Lâu ngày không có dịp ăn ghẹ, lại vì không được vào tham quan White House, chúng tôi có dư một buổi sáng nên quyết định sáng hôm sau bao một chiếc Uber bảy chỗ chạy qua Maryland chơi và xuống bờ biển ăn ghẹ.
Không ngờ hôm đó là ngày cuối tuần, cho nên khách rất đông, chúng tôi kêu một dĩa ghẹ, hào sống, và nhiều món đồ biển khác nhưng phải chờ hơn một tiếng mới được phục vụ món ghẹ và hào. E rằng, nếu còn nhởn nhơ ăn nhậu thì sẽ trễ chuyến xe lửa, đã mua vé đi New York chiều nay lúc ba giờ, chúng tôi quyết định to go phần còn lại và quay về D.C.

Vì phải về lại khách sạn lấy hành lý, mà xe Uber bảy chỗ không đủ chở vừa người vừa hành lý, nên tài xế Uber quyết định thả gia đình tôi năm người ở trạm xe lửa trước, còn hai vợ chồng anh bạn thì về khách sạn hốt đám vali. Chiều hôm đó, không hiểu sao, xe cộ kẹt cứng, anh tài xế Uber, chạy hết ga, có khi phải vượt đèn mà cuối cùng cũng không đưa hai vợ chồng người bạn đồng hành kịp chuyến 3 giờ. Gia đình chúng tôi phải đi trước, còn vợ chồng bạn, chạy vắt giò lên cổ, ì ạch đẩy đám vali cho cả nhóm mà cuối cùng cũng phải đổi vé đi chuyến 4 giờ sau đó.
New York City
Xe lửa vượt quãng đường 230 miles đến New York vào lúc 6 giờ chiều, mất độ hơn 3 tiếng. Chúng tôi được vợ chồng đứa con gái lớn sống và làm việc ở New York ra sân ga đón. Chúng tôi kiếm một quán cà phê gần trạm xe lửa uống chút nước juice và dùng bánh ngọt trong thời gian chờ đợi vợ chồng người bạn đến.
Cuối cùng thì cả đoàn lại hội ngộ và cùng nhau lấy taxi về căn condo ABNB 2 phòng ngủ 2 phòng tắm đã đặt sẵn ở khu vực Central với giá $370/đêm. Loay hoay về đến condo thì đã hơn 8 giờ tối. Thấy không tiện ra ngoài ăn, chúng tôi order đồ ăn Tàu đem đến tận nhà. Vậy mà chờ mãi đến 10 giờ mà đồ ăn đâu chẳng thấy, mà tiền thì đã thanh toán qua thẻ rồi, gọi đi gọi lại cũng chẳng thấy ai bắt máy. Thế là đi đong hơn 100 bạc. Chúng tôi không có gì ăn, đành phải lấy cái mớ seafood to go từ Maryland hồi sáng hâm lại nhai cho đỡ đói. Welcome to New York!!!
Sau cuộc hành trình mệt mỏi và căng thẳng hôm nay, chúng tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Vào khoảng 1 giờ sáng, alarm của cả building đột nhiên kêu lên ầm ĩ báo hiệu có hỏa hoạn. Chúng tôi nháo nhác thức dậy chạy toáng ra ngoài hành lang. Bên ngoài cũng có nhiều người khách khác hốt hoảng hỏi nhau “What’s going on?” Nhìn đi, nhìn lại khắp nơi thì không thấy lửa cháy ở đâu. Mãi một lúc sau thì nhân viên trực mới cho biết là căn condo kế bên chúng tôi tụi nó hút cần sa thổi khói nhiều quá làm kích động hệ thống báo cháy. Nhưng mấy người nhân viên không thể làm tắt hệ thống alarm được, phải đợi hơn một tiếng nữa thì sở cứu hỏa mới đến làm im được tiếng alarm nhức nhối này.
Sáng hôm sau, chúng tôi dùng bữa sáng nhẹ ở một quán có balcony bên ngoài quán gần condo nơi chúng tôi ở. Ở New York có rất nhiều quán cà phê như vậy, ngồi ăn sáng và uống cà phê ngoài trời rất là relax . Khí hậu đầu tháng Sáu khá dễ chịu. Chuyến hành trình mấy hôm nay có nhiều trục trặc làm chúng tôi khá lo lắng. Hy vọng những ngày sắp tới mọi chuyện sẽ được thuận lợi hơn.
New York là thành phố đông dân nhất nước Mỹ với dân số gần 20 triệu người. Đây là một trung tâm tài chính lớn nhất thế giới với New York Stock Exchange (NYSE) mà công ty lớn nhỏ khắp thế giới muốn được lên sàn để giao dịch trên thị trường chứng khoán này,
Sau khi ăn sáng xong, vợ chồng của đứa con đưa chúng tôi đi tham quan New York Stock Exchange nằm trên Wall Street và Ground Zero, nơi từng có tháp đôi (Twin Towers) bị khủng bố dùng máy bay phá sập trong biến cố 911 năm 2001. Buổi chiều thì đi viếng tượng Nữ thần Tự do, biểu tượng của nước Mỹ, ở đảo Liberty. Tối đó chúng tôi đi dạo Chinatown và dùng bữa chiều ở Peking Duck House New York. Phải nói một điều là đồ ăn Tàu ở New York có phần đặc sắc và ngon miệng hơn ở các phố Tàu khác trên nước Mỹ.


Di chuyển ở New York bằng phương tiện xe điện ngầm rất tiện lợi và rẻ tiền. Chúng tôi cũng phải đi bộ một khoảng nhưng vậy mà tốt hơn cho cơ thể vì có dịp vận động ít nhất cũng để tiêu cơm.

Ngày kế tiếp chúng tôi đi tham quan Empire State Building ở tầng cao nhất nhìn toàn cảnh thành phố New York. Trưa đó, nhờ thổ địa ở New York, chúng tôi được thưởng thức món đặc sản ở New York là Bagel với kem phô mai tại quán Ess-a-Bagel. Vào buổi trưa, chúng tôi còn có chút thì giờ thư giãn ở công viên Central Park. Đây là công viên lớn nhất ở New York, nơi lý tưởng để đi dạo trong không gian thiên nhiên rất là yên tỉnh ngay giữa lòng thành phố. Rời Central Park, chúng tôi qua khu phố nhỏ nằm cạnh cầu Brooklyn, cây cầu biểu tượng của thành phố New York, nối liền Manhattan và Brooklyn. Chiều đó chúng tôi có dịp thử qua bánh Pizza kiểu New York ở quán Pizza Juliana ở gần đó với bánh mỏng và các loại thịt thà rặt mùi Ý hơn là Pizza kiểu Mỹ ở California.
Tối hôm đó chúng tôi cũng tranh thủ đến Time Square để thăm New York về đêm. Mặc dù không phải là dịp Countdown cuối năm, nhưng quần thể ánh đèn ở khu vực này thật là rực rỡ khó mà tìm thấy ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.





Buổi chiều đó, chúng tôi đến khu chợ du lịch của Boston là Quincy Market & Faneuil Hall nằm cạnh cảng nổi tiếng với nhiều món ăn đặc sản rất địa phương như Clam Chowder, Lobster Roll, và Boston Cream Pie với nhiều quầy hàng lưu niệm.
Trời đã về chiều, vào tháng 6 nhưng khí hậu rất mát mẻ. Lúc đó là khoảng 6 giờ nhưng trời hãy còn sáng bửng. Vì nhóm khá đông, chúng tôi không kiếm được cái bàn bên trong đủ cho số người, nên ra bên ngoài ngồi ở các băng làm bằng xi măng. Chúng tôi lai rai món súp Clam Chowder xong thì cô bạn vào trong bưng ba cái Lobster Roll ra. Khi cô bước gần tới băng ghế nơi chúng tôi ngồi thì huyên thuyên nói “nhìn cha đầu bếp làm mấy cái Lobster Roll hấp dẫn quá làm em chảy nước miếng luôn.” Vừa nói xong thì cổ trợt bước, vấp một cái, ba cái Lobster Roll bay lên trời văng tung tóe trên mặt cỏ. Trong khi chúng tôi phụ dọn chiến trường thì chồng cổ vội chạy vào mua ba cái khác. Lúc đó thì đã chiều rồi nên hàng Lobster Roll vừa đóng cửa. Chúng tôi đành phải ăn French Fries và Boston Cream Pie trừ cơm buổi đó.

Ngày hôm sau, chúng tôi có được nguyên ngày để đi thăm bà con. Vợ tôi có người anh cô cậu sống ở đây rất lâu nhưng từ khi qua Mỹ đến giờ chưa có dịp gặp. Anh ấy rất mừng khi gặp được gia đình chúng tôi nên khoản đãi từ sáng đến chiều. Buổi sáng thì Dimsum ở Ming’s Seafood Restaurant, buổi chiều thì ở nhà hàng Việt Nam gần khách sạn nơi chúng tôi ở. Cám ơn anh Trung đã cho chúng tôi một buổi sum họp ấm cúng tình gia đình!!!
Portland – Maine
Vợ chồng người bạn có người cousin sống ở thành phố Portland thuộc tiểu bang Maine, cho nên theo chương trình tụi tôi ra phi trường Boston mướn chiếc van 7 chỗ lái xe đến nhà gia đình họ dự buổi tiệc sinh nhật vào buổi trưa rất vui vẻ. Đường đi từ Boston đến Portland hơn 100 miles lái xe mất gần hai tiếng đồng hồ.
Maine là một tiểu bang nhỏ chí có hơn 1 triệu dân. Thành phố lớn nhất là Portland thì dân số không đến 100 ngàn người. Ở đây nổi tiếng nhất là kỹ nghệ nuôi tôm hùm cung cấp cho nhu cầu ẩm thực cho cả nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới.
Sau khi tiệc sinh nhật xong, chúng tôi lái xe xuống vùng biển nổi tiếng gần đó và ăn trưa ở nhà hàng Lobster Place – Maine nằm trên bờ dốc ngó xuống mé biển. Nghe nói mấy con tôm hùm ở đây là mới vừa đánh bắt về cho nên thịt của nó rất là tươi và ngọt hơn so với tôm hùm dù đang còn sống lội trong hồ mà chúng tôi thường ăn ở California.
Trong khi đoàn vui vẻ trò chuyện với nhau khen ngợi vị ngọt của con tôm hùm, anh bạn của tôi vô tình gọi vợ ảnh bằng tên của người vợ cũ đã ly dị nhiều năm của ảnh. Bà vợ anh ấy bực mình lên khóc rồi đi vào toilet. Khi trở ra, chắc trong đầu còn lẩn quẩn chuyện cái tên hồi nãy, bà đi vấp té ở khoảng xi măng giáp với sân cỏ. May phía dưới là cỏ nên chỉ bị trầy da chảy máu chút xíu thôi, chớ nếu ở dưới là xi măng thì cú té đó bả có thể bị gãy tay. Thế là khi lên xe về lại Boston, chúng tôi lại phải nghe thêm một đoạn “niệm khúc cuối” nữa. Mọi người phải góp vào vài lời khuyên cho đó là chỉ là một sự “quán tính” rất là bình thường mà ai trong tình trạng ly dị như vậy cũng thường xảy ra, chúng tôi cùng nhau xin bả hãy “rộng lòng tha thứ” cho cái miệng lỡ dại kia.

Kết thúc hành trình
Ngày vui qua mau, 11 ngày nghỉ hè vui chơi liên tục đã hết. Sáng hôm sau chúng tôi dùng xe van tha cả đoàn và hành lý ra phi trường đáp chuyến bay của hãng JetBlue với giá $250/người khởi hành lúc 5 giờ chiều từ Boston về lại LAX lúc 8 giờ tối.
Mục đích của bài viết này là muốn chia sẻ với quý độc giả một trải nghiệm lý thú của chuyến “East Coast Vacation” để quý vị nào chưa có dịp đi qua thì có cái nhìn là nên đi nơi nào, ở đâu, ăn cái gì, và phương tiện vận chuyển với chi phí tối ưu và tiện lợi. Còn quý vị nào đã từng đi qua thì cũng có dịp hồi tưởng lại cái lý thú của chuyến du lịch của gia đình mình. Riêng đối với chúng tôi, qua chuyến nghỉ hè ngắn ngủi này, mặc dù có xảy ra nhiều trục trặc, chúng tôi có dịp mở rộng tầm mắt về lịch sử cùng khung cảnh, địa danh, thức ăn đặc sản, và lòng hiếu khách của người địa phương. Như cổ nhân từng nói : “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.” Mỗi chuyến đi chơi cũng là dịp để mình học hỏi thêm nhiều điều bổ ích cho cuộc sống. Điểm nổi bật của chuyến đi này là biết được thêm truyền thống giáo dục tốt của thành phố Boston và tiểu bang Massachusetts.
Similar articles: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/doi-song/du-lich/