Giới trẻ thế kỷ 21 bảo vệ môi trường

by Tim Bui
Giới trẻ thế kỷ 21 bảo vệ môi trường

TRÙNG DƯƠNG

“Xưởng dầu cá voi,” Minh họa Zeke Gervasoni, 16 tuổi. (Tư liệu TD)

“Giới trẻ của thế kỷ 21 có khả năng và cơ hội để mang lại sự thay đổi, để tạo ra một thế kỷ hòa bình, đối thoại và lòng trắc ẩn. Ngay cả khi sức nóng toàn cầu ngày càng gia tăng, nhiều người trẻ đang cùng nhau chia sẻ và tìm ra giải pháp. Họ là hy vọng thực sự của chúng ta.”
The Dalai Lama

Trước những thay đổi chính sách nhanh đến chóng mặt đang xảy ra trên nước Mỹ, giới trẻ ngày nay đang dùng hết khả năng của mình để tìm cách mang lại sự thay đổi mà Đức Đạt Lai Lama nói ở trên bằng cách lên tiếng bảo vệ môi trường.

Cuối tháng Năm vừa qua, nhóm người trẻ từng kiện, và thắng, các chính quyền tiểu bang về khí hậu biến đổi, đã bắt tay vào một vụ kiện mới nhắm vào loạt sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump liên quan đến khí hậu và môi trường. 

Đơn kiện có tên Lighthiser v. Trump được đệ trình lên tòa án liên bang ở Montana vào thứ Năm ngày 29/5/2025, lập luận rằng ba trong số các sắc lệnh hành pháp của chính phủ này là vi hiến và sẽ làm tê liệt ngành năng lượng xanh, kìm hãm khoa học khí hậu và làm trầm trọng thêm tình trạng nhiệt hóa toàn cầu.


Chi tiết của vụ kiện mới nhất

Ba sắc lệnh được nêu lên trong vụ kiện là 1) Ban bố tình trạng khẩn trương quốc gia về năng lượng do TT Trump ký ngày 20/1/2025, ngay sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai. Cùng lúc đó ông đã ký sắc lệnh 2) Thúc đẩy việc khai thác nhiên liệu hóa thạch vốn là nguồn khí thải làm nóng trái đất, tạo nên hiện tượng khí hậu biến đổi, gây nên hạn hán, hỏa hoạn, bão tố thường xuyên, dữ dội và tác hại hơn. Và 3) Làm sống lại kỹ nghệ khai thác than mà việc sử dụng đã tác hại lên môi trường từ rất lâu nay.

Nhóm nguyên đơn trẻ tuổi này cáo buộc rằng những sắc lệnh hành pháp trên vi phạm quyền sống và tự do của họ theo Tu chính án thứ năm, bằng cách “cố tình làm trầm trọng thêm” tình trạng ô nhiễm khí hậu, đe dọa sức khỏe và tương lai của họ.

Bản tóm tắt vụ kiện Lighthiser v. Trump, theo chiều kim đồng hồ: Ba lệnh hành pháp liệt kê trong đơn kiện, gồm lệnh số 14154, 1415614261; Xâm phạm Tu chính án thứ Năm, vượt quyền hiến định vốn thuộc Quốc hội; và một số mục tiêu mà vụ kiện nhắm vào, gồm đòi vô hiệu hóa các sắc lệnh hành chánh kể trên; ngăn cản không cho thực thi các sắc lệnh đó trong tương lai; che chở quyền của giới trẻ được sống, phát biểu và tấn tới trong một khí hậu ổn định và trong lành; và hành sử sự kiểm soát của tư pháp đối với các việc làm vi hiến của hành pháp. (Nguồn: Our Children’s Trust)

Trong số 22 em đứng đơn kiện, tuổi từ bẩy tới 25 và đến từ năm tiểu bang khác nhau, có em hiện đang sống tại những vùng bị ảnh hưởng, như nhà máy điện chạy bằng than Colstrip ở Montana được chính quyền Trump miễn khỏi quy định về ô nhiễm.

Theo tài liệu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường, nhà máy điện cũ này thải ra nhiều chất ô nhiễm dạng hạt mịn, hay còn gọi là bồ hóng, có hại hơn bất kỳ nhà máy điện nào khác trên toàn quốc. Một quy định của thời chính phủ Biden sẽ buộc cơ sở này, nhà máy điện chạy bằng than duy nhất trong cả nước không có biện pháp kiểm soát ô nhiễm hiện đại, phải lắp đặt thiết bị mới, nhưng cơ sở này đã nhận được sự miễn trừ từ chính quyền Trump vào tháng trước.

“Các lệnh về nhiên liệu hóa thạch của [chính quyền] Trump là bản án tử hình cho thế hệ của tôi,” nguyên đơn được nêu tên Eva Lighthizer cho biết trong một tuyên bố với báo chí. “Tôi không kiện vì tôi muốn — tôi kiện vì tôi phải kiện. Sức khỏe, tương lai và quyền được nói lên sự thật của tôi đều bị đe dọa. Ông [Trump] đang tiến hành chiến tranh với chúng ta bằng nhiên liệu hóa thạch như vũ khí của mình, và chúng tôi đang chống trả bằng [viện dẫn] Hiến pháp.” 

Đơn khiếu nại lập luận rằng các lệnh hành pháp kể trên đã vi phạm điều khoản về thủ tục tố tụng hợp pháp vốn là thực chất của Tu chính án thứ năm, bằng cách tước đoạt quyền cơ bản của các nguyên đơn đối với sự sống và quyền tự do. Hồ sơ kiện cũng nêu rõ rằng các lệnh này đã vượt quá thẩm quyền của Tổng thống vì đó là quyền hạn dành riêng cho Quốc hội đã được Hiến pháp quy định: chỉ Quốc hội mới có quyền tuyên bố tình trạng khẩn trương về nạn khan hiếm nhiên liệu trầm trọng, và thực tế điều đó không đang diễn ra.

“Ngay từ ngày đầu tiên của chính quyền hiện tại, Tổng thống Trump đã ban hành các chỉ thị nhằm tăng cường sử dụng và sản xuất nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ngăn chặn quá trình chuyển đổi năng lượng sang năng lượng gió, năng lượng mặt trời, lưu trữ pin, hiệu quả năng lượng và xe chạy bằng điện,” đơn khiếu nại tuyên bố. “Các [lệnh hành pháp] của Tổng thống Trump đã tuyên bố sai sự thật về tình trạng khẩn cấp về năng lượng, trong khi tình trạng khẩn cấp thực sự là ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch đang phá hủy nền tảng cuộc sống của các nguyên đơn.”

“Những chỉ thị vi hiến này có tác động ngay lập tức là (a) làm chậm quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng [xanh] của Hoa Kỳ, loại bỏ ô nhiễm khí nhà kính do nhiên liệu hóa thạch làm nóng hành tinh… và (b) tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm không khí, nước, đất đai và khí hậu mà cuộc sống của các nguyên đơn phụ thuộc vào,” đơn khiếu nại nhấn mạnh.

Vụ kiện nêu tên ông Trump và một số bộ trưởng nội các và cơ quan, bao gồm Bộ trưởng Nội vụ Doug Burgum; Bộ trưởng Năng lượng Chris Wright; và Lee Zeldin, quản trị viên của EPA.

Những chiến thắng pháp lý của giới trẻ

Các nguyên đơn đứng tên trong vụ kiện Lighthizer v. Trump gồm 22 em, phần lớn từ Montana, với một số từ Hawaii, Oregon và các tiểu bang khác, được đại diện bởi nhóm luật sư phi lợi nhuận Our Children’s Trust. Gần đây, các nguyên đơn thanh thiếu niên và cả trẻ em đã giành được thắng lợi pháp lý qua hai vụ kiện, một chống lại tiểu bang Montana và một với Sở Giao thông Vận tải Hawaii.

“Tối cao Pháp viện tiểu bang Montana đứng về phe các nguyên đơn trẻ tuổi trong vụ kiện khí hậu lịch sử” ngày 18/12/2024. Phán quyết này đã quyết định rằng “‘môi trường sạch sẽ và lành mạnh’ được ghi trong Hiến pháp Montana bao gồm quyền được hưởng một hệ thống khí hậu ổn định và các nguyên đơn đã chứng minh được ‘quyền lợi cá nhân đầy đủ’ trong quyền đó.” (Ảnh montanafreepress.org) Đọc phán quyết của tòa tại đây.
Khoảng hai năm sau khi 13 trẻ em và thanh thiếu niên kiện tiểu bang Hawaii về mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra, cả hai bên đã, vào tháng 6/2024, đạt được một thỏa thuận bao gồm yêu cầu đầy tham vọng của các em, là trừ khử hóa chất carbon trong hệ thống giao thông của tiểu bang trong 21 năm tới. Hình trên, Thống đốc Hawaii Josh Green, đứng bên phải, chụp chung hình với bẩy trong số 13 em nguyên đơn trong đơn kiện. Các em đã bằng lòng dàn xếp vụ kiện tiểu bang về ảnh hưởng của khí thải nhà kiếng và khí hậu biến đổi. (Ảnh hawaiitribune-herald.com)

Trước chiến thắng pháp lý của các em, một số nhân vật trong giới bảo thủ và truyền thông cực hữu đã lên tiếng chỉ trích là tổ chức đứng sau các em, như Our Children’s Trust, đã nhận tài trợ từ các nguồn tài chính đen tối mà họ gọi là “dark money.” Một cuộc điều tra của quốc hội năm 2024 đã tiết lộ rằng công ty luật Sher Edling, đại diện cho nhiều nguyên đơn trẻ tuổi này, đã nhận được hàng triệu đô la tiền quyên góp của một số tổ chức vô lợi nhuận bảo vệ môi trường. Vì đây là những tổ chức phi lợi nhuận 501(c)(3) và không bắt buộc phải tiết lộ các nhà tài trợ của mình, đó là lý do tại sao những người chỉ trích dán nhãn khoản tài trợ là “tiền đen.” Tuy nhiên, không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy bản thân các nguyên đơn trẻ tuổi được các nhà tài trợ này tài trợ hoặc chịu ảnh hưởng cá nhân—chỉ có bằng chứng cho thấy đại diện pháp lý của họ có thể được hỗ trợ bởi các khoản tiền đó.

Tóm lại, giới trẻ không bó tay. Biểu tình phản đối những vi phạm môi trường của nhà nước hay các doanh nghiệp chỉ quan tâm tới lợi nhuận cá nhân và phe nhóm là một chuyện. Họ đã và đang sử dụng pháp lý như một giải pháp hữu hiệu hơn và lâu dài.

Không chỉ giới trẻ tại Mỹ, mà tại nhiều quốc gia khác cũng tranh đấu cho môi trường sạch qua ngả pháp lý. Các vụ điển hình có thể kể:

  1. Portugal v. 33 quốc gia: Vào năm 2023, sáu người trẻ Bồ Đào Nha đã lần đầu tiên đưa vụ kiện lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu, cáo buộc 33 quốc gia—bao gồm tất cả các thành viên EU, Vương quốc Anh và Nga—đã không có hành động nào về biến đổi khí hậu. Họ lập luận rằng điều này vi phạm quyền được sống và quyền được hưởng hạnh phúc của họ. Vụ kiện vẫn đang chờ xử lý, song có thể tạo ra tiền lệ mạnh mẽ.
  2. Các vụ kiện khí hậu mới nổi ở Châu Mỹ LatinhChâu Á: Thanh thiếu niên ở các quốc gia như Colombia, Ấn Độ và Philippines cũng đã đệ đơn kiện, thường viện dẫn các quyền hiến định hoặc các thỏa thuận quốc tế, như Hiệp định Paris về khí hậu. Những vụ kiện này đang thu hút sự chú ý, đặc biệt là ở những nơi tòa án dễ tiếp thu hơn đối với các quyền về môi trường.

Những vụ kiện này là một phần của phong trào pháp lý rộng lớn hơn, định hình lại biến đổi khí hậu thành vấn đề nhân quyền, không chỉ là vấn đề về môi trường.

Tưởng cũng nên điểm qua một số khuôn mặt trẻ nổi bật trong cuộc tranh đấu nhằm bảo vệ môi trường trong vài thập niên quan.

Những khuôn mặt đấu tranh cho môi trường nổi bật

Vào đầu tháng 6/1992, một cô bé 12 tuổi, tên Severn Suzuki, từ Canada đã cùng các bạn gom góp tiền bạc gây quỹ được tới Rio de Janeiro, Brazil, để tham dự cuộc hội nghị thượng đỉnh về môi trường và phát triển do Liên Hiệp Quốc tổ chức. Mục tiêu của hội nghị là giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu và đưa đến các thỏa thuận về biến đổi khí hậu và sự đa dạng sinh học. 

Trong năm phút, cô Suzuki đã khiến cả hội trường nín lặng sững sờ nghe tiếng nói của giới trẻ.

Nghe bài phát biểu của cô Severn Suzuki tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp họp tại Rio, Brazil, tháng 6/1992, tại https://www.youtube.com/watch?v=oJJGuIZVfLM 

“Chúng tôi là một nhóm trẻ em 12 và 13 tuổi đang cố gắng tạo ra sự khác biệt: Vanessa Suttie, Morgan Geisler, Michelle Quigg và tôi,” cô Suzuki nói, giọng xúc động. “Chúng tôi đã tự mình quyên góp tiền để đến đây — để đi 5.000 dặm để nói với những người lớn rằng quý vị phải thay đổi cách sống của mình.

“Đến đây hôm nay, tôi không có mục đích ẩn giấu nào. Tôi đang đấu tranh cho tương lai của mình. Đánh mất tương lai không giống như thua cuộc bầu cử, hay mất một vài điểm trên thị trường chứng khoán. Tôi ở đây để nói thay cho tất cả các thế hệ tương lai. Tôi ở đây để nói thay cho những đứa trẻ đang chết đói trên khắp thế giới, những đứa trẻ mà tiếng khóc không được lắng nghe. Tôi ở đây để nói thay cho vô số loài động vật đang chết dần chết mòn trên khắp hành tinh này, vì chúng không còn nơi nào để đi. Bây giờ, tôi sợ phải ra ngoài nắng vì những lỗ thủng trên tầng ozone. Tôi sợ hít thở không khí vì tôi không biết trong đó có những hóa chất gì.” 

Nhiều nhà tranh đấu cho môi trường cho bài kêu gọi khẩn thiết của nhóm cô Suzuki là một biến cố lịch sử trong cuộc đấu tranh cho môi trường, vì kết quả từ hội nghị Rio đã dẫn đến việc công nhận bản Kyoto Protocol nhắm vào việc ổn định khí thải nhà kính trong bầu khí quyển. Đồng thời là một nhắc nhở giới lãnh đạo cần lắng nghe tiếng nói của những người chịu ảnh hưởng nặng nhất của nạn khí hậu biến đổi lại là thuộc những cộng đồng nghèo và tiêu thụ ít nên thải ít thán khí hơn cả vào bầu khí quyển.

Chuyện cô gái sống trên cây

Luna là tên được đặt cho cây cổ thụ cả ngàn tuổi, cao 200 feet (67m) này. Vào đầu thập niên 1990, hãng Pacific định đốn cây này để sẻ thành gỗ bán. Nghe tin, cô Julia Butterfly Hill, lúc ấy mới 23 tuổi, và một nhóm bảo vệ môi trường đột nhập vào khu rừng này, và cô Julia tình nguyện leo lên cây cổ thụ để bảo vệ cây. 

Cô Julia đã trấn thủ lưu đồn một mình trên Luna trước sau cả thảy 738 ngày bất kể giông bão, tạo nên một áp lực không chỉ trong nước Mỹ mà cả thế giới. Cuối cùng hãng Pacific đành nhượng bộ bằng cách bán lại cho nhóm bảo vệ môi trường của cô Julia cây cổ thụ với giá 50,000 Mỹ kim, là ước lượng trị giá thu nhập nếu họ chặt cây xuống để bán gỗ và các sản phẩm liên hệ. Ngoài ra, Pacific cũng đồng ý tạo một vòng an ninh đường kính 200 feet xung quanh để bảo vệ cây. 

Sống 738 ngày trên Luna để bảo vệ cây cổ thụ hàng ngàn tuổi không bị đốn ngã làm gỗ: Trái, cô Julia Butterfly Hill trên một nhánh cây của Luna. (Ảnh PBS/POV). Phải, Julia mặc áo đỏ đứng trên đỉnh Luna, phía dưới là cái lều phủ bạt màu xanh da trời nơi cô sống từ ngày 10 tháng 12, 1997 tới ngày 18 tháng 12, 1999. (Ảnh trích bìa sau của cuốn hồi ký của Julia, “The Legacy of Luna – The Story of a Tree Woman, and the Struggle to Save the Redwoods.”)

Từ biểu tình đơn độc tới phong trào toàn cầu ‘Thứ Sáu cho Tương lai’

Như nhiều đứa trẻ Thụy Điển khác, từ bé cô Greta Thunberg, sinh năm 2003, đã được dậy phải tiết kiệm năng lượng (tắt đèn), không phí phạm tài nguyên (recycle). Lần đầu cô nghe về hiện tượng khí hậu thay đổi là do nhiệt hóa toàn cầu, là lúc lên 8 tuổi. Cô cũng được biết là sở dĩ có hiện tượng này là do cách sinh sống của loài người.
“Tôi nhớ đã nghĩ là thật là lạ, rằng con người vốn cũng chỉ là một trong những loài sống trên trái đất mà sao có khả năng thay đổi được khí hậu của trái đất,” cô tâm sự tại một cuộc nói chuyện trên diễn đàn TED Talks. “Bởi vì rằng nếu thực sự là như vậy thì chúng ta phải là chỉ nói về chuyện đó thôi mới phải – trên TV mỗi khi ta bật lên, và ở các tít lớn trên radio, báo chí, mọi người sẽ chỉ nói về chuyện đó thôi, như thể đang có chiến tranh vậy. Thế nhưng không ai nói gì về chuyện [khí hậu thay đổi] cả. Nếu đốt nhiên liệu hóa thạch mà tệ hại đến đe dọa sự tồn vong của chúng ta thì tại sao chúng ta cứ tiếp tục sống như vậy? Tại sao đã không có những hạn chế? Tại sao không biến nó thành phạm pháp? Theo tôi, điều đó khó tin, quá sức là không thực.”
Cuối cùng, vào ngày thứ Sáu 20/8/2018, sau nhiều ngày Âu châu bị nhiệt độ cao khác thường hoành hành và Thụy Điển trải qua một loạt cháy rừng, cô Greta quyết định đi biểu tình dù chỉ có một mình. Cô bãi học, đạp xe tới ngồi trước tòa nhà Quốc hội Thụy Điển với tấm bảng “Bãi lớp cho khí hậu thay đổi” (“skolstrejk för klimatet” hay “school strike for climate change”) và bảng liệt kê các dữ kiện khoa học về hiện tượng thay đổi khí hậu do cô viết tay.
Chẳng bao lâu, sau nhiều lần biểu tình đơn độc, cô Greta đã khiến giới truyền thông lưu ý và nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, cùng tham dự, không chỉ tại Thụy Điển mà trên toàn thế giới. Một phong trào do giới trẻ chủ động thành hình khi Greta dùng Internet và các diễn đàn xã hội khuyến khích học sinh khắp nơi bãi lớp mỗi thứ sáu để cùng tham dự vào “Thứ Sáu Cho Tương Lai – Fridays for Future.” Hàng triệu người trẻ từ nhiều quốc gia đã đáp ứng lời kêu gọi bãi trường mỗi thứ sáu. Phong trào phải tạm ngưng khi COVID diễn ra vào đầu năm 2020.

Theo chiều kim đồng hồ: Thứ Sáu ngày 20/8/2018, Greta Thunberg biểu tình đơn độc trước nhà Quốc hội Thụy Điển với tấm bảng “Bãi trường cho Khí hậu”; và với vài bạn học cùng tham dự những ngày thứ Sáu kế đó, mở đầu cho phong trào “Thứ Sáu cho Tương lai – Fridays for Future” chẳng mấy chốc lan ra khắp thế giới. (Ảnh theguardian.com); và thứ Sáu ngày 15 /3/2019: Trên một triệu người, phần lớn là sinh viên học sinh, từ trên trên 2,000 thành phố tại 125 quốc gia cùng tham dự ngày “Thứ Sáu cho Tương Lai.” Hình chụp tại Prague, Cộng Hòa Tiệp Khắc. (Ảnh Greta Thunberg Twitter) Nghe cô Greta phát biểu tại hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc vào năm 2019 tại đây.

Lời kêu gọi thống thiết ‘Hãy Cứu Sơn Động”

Vào năm 2014, Hang Sơn Động trong Công viên Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, nổi tiếng thế giới là hang lớn nhất hoàn cầu với cả một hệ sinh thái gồm sông ngòi và rừng mưa nhiệt đới riêng, đối diện với một thử thách có thể thay đổi cả bản chất thiên nhiên của nó. 

Đó là việc chính quyền địa phương có dự án thiết lập một hệ thống xe cáp treo để đưa những du khách nào muốn xem hang mà không phải vượt nhiều cây số băng rừng lội suối. Nếu thành, Sơn Động từ một hệ thống hang huyền bí chỉ dành cho một số nhỏ du khách chọn lọc và có khả năng thể chất mới có thể tới viếng thành một nơi lôi cuốn đông đảo du khách. Chưa kể một hệ thống máy móc cho cáp treo sẽ phá đi vẻ đẹp huyễn hoặc thiên nhiên, như đã xảy ra cho Chùa Hương và nhiều di tích khác kể từ khi Việt Nam mở cửa đón du khách các nơi với tất cả vội vã, vụng về trong các công trình kiến trúc xây cất.

Lê Nguyễn Thiên Hương, một nhà giáo dục trẻ ở Hà Nội, người đã từng thăm Sơn Động và bị quyến hoặc bởi vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa huyền bí của hang động này, đã cùng các bạn trẻ cùng mối quan tâm về môi trường phát động một phong trào lấy tên là SaveSonDoong – Hãy Cứu Sơn Động. 

Xem Lê Nguyễn Thiên Hương trình bày về phong trào vận động cứu Sơn Động tạm thời khỏi một dự án khai thác du lịch, đó là việc chính quyền địa phương cho thiết lập hệ thống cáp treo để đưa du khách vào thăm động mà không phải băng rừng lội suối nhiều cây số, https://www.youtube.com/watch?v=jmcsUzs3lIE 

Sự hiện diện của phim tài liệu này cũng là một nhắc nhở cho chúng ta là công cuộc cứu Sơn Động vẫn chưa hẳn chấm dứt. [td2025-06]

Chú thích:
Một số đường dẫn trong bài:
Các hoạt động viên trẻ tuổi kiện chính phủ Trump về các sắc lệnh hành chánh vi hiến – Youth Climate Activists Sue Trump Administration Over Executive Orders,
https://www.nytimes.com/2025/05/29/climate/youth-climate-lawsuit-trump-executive-orders.html

Vụ Lighthiser v. Trump kiện chính phủ Trump vi phạm Tu chính án 5 khi ban hành ba sắc lệnh hành chánh tuyến bố tình trạng khẩn trương về năng lượng, cho phép khai thác nhiên liệu hóa thạch và hủy bỏ các quy định bảo vệ môi trường, nạp tại
tòa liên bang ở tiểu bang Montana ngày 29/5/2025, https://clearinghouse.net/case/46643/Our Children’s Trust, https://www.ourchildrenstrust.org/

Tòa Tối cao Tiểu bang Montana phán quyết thuận lợi cho các nguyên đơn trẻ tuổi, https://montanafreepress.org/2024/12/18/montana-supreme-court-sides-with-youth-plaintiffs-in-landmark-climate-lawsuit/

Tiểu bang Hawaii dàn xếp vụ kiện với các em về khí hậu biến đổi, https://apnews.com/article/hawaii-youth-climate-lawsuit-things-to-know-bcb791b6f23c7dc798bf9e3cd2b67f97

Hoạt động viên giới trẻ Bồ Đào Nha-Portugal đưa 33 nước Âu châu ra tòa án quốc tế đòi giải quyết nạn khí hậu biến đổi mà họ coi đó là nhân quyền của họ phải được hưởng một môi trường trong sạch, https://apnews.com/article/climate-change-
international-news-europe-bebd4cd5a94de6426bf77a99fa22bbe5


Khuynh hướng đưa đơn kiện về khí hậu biến đổi đang chờ kết quả một vụ kiện lớn nhất chưa từng có tại một tòa ở Châu Mỹ Latinh, https://www.reuters.com/business/environment/wave-climate-lawsuits-builds-court-hears-largest-case-ever-2024-05-29/

Kiện tụng về khí hậu biến đổi: Góc nhìn từ ASEAN, https://cil.nus.edu.sg/blogs/climate-change-litigation-a-view-from-asean/

Đức Đạt Lai Lạt Ma: ‘Tất cả tùy nơi chúng ta – và đặc biệt nơi các chính trị gia –trong việc cứu vãn hành tinh của chúng ta,’
https://www.dalailama.com/messages/environment/its-up-to-us-and-especially-politicians-to-save-our-planet

________________

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/a-to-h/trung-duong/

You may also like

Verified by MonsterInsights