Gốm Lái Thiêu vang danh một thuở: Của thơm còn một chút này

by Tim Bui
Gốm Lái Thiêu vang danh một thuở: Của thơm còn một chút này

QUỐC ĐỊNH

Từng một thuở lừng danh là làng gốm tiêu biểu của vùng đất phương Nam, gốm Lái Thiêu giờ gần như đã mai một. Hưng thịnh nhất từ thế kỷ 18-19, gốm Lái Thiêu là một làng có hơn 1.000 lò gốm luôn đỏ lửa, sản phẩm được tiêu thụ khắp cõi Nam kỳ và xuất khẩu đi khắp các nước Đông Nam Á, nay làng gốm chỉ còn non chục lò, lửa đỏ “riu riu,” hoạt động cầm chừng…

Thời hoàng kim “đỏ lò” rực rỡ

Theo nhiều tài liệu ghi chép, làng gốm Lái Thiêu được hình thành bởi người Hoa di cư đến Việt Nam và mang theo kỹ thuật làm gốm sứ truyền thống của họ. Làng nghề gốm xa xưa này, trước nằm gọn trong thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Làng gốm Lái Thiêu có lịch sử phát triển hơn 300 năm, bắt đầu từ khoảng thế kỷ 17. Đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, với sự góp mặt của các thợ gốm từ lò gốm Cây Mai – Sài Gòn, rồi được trời cho nguồn nguyên liệu đất sét dồi dào và đa dạng, cùng với sự thuận tiện của hệ thống giao thông bao gồm đường bộ, đường xe lửa và cảng sông Bà Lụa, gốm Lái Thiêu bắt đầu phát triển ngày càng mạnh hơn. Nghề làm gốm bấy giờ đã thu hút nhiều thợ vẽ và thợ xoay tài năng từ các vùng lân cận như Sài Gòn, Biên Hòa. Sự hội tụ của nhân lực lao động và nguồn nguyên liệu đã tạo điều kiện thuận lợi cho gốm Lái Thiêu phát triển hưng thịnh đặc biệt vào những năm từ 1930 đến 1970.

Các lò gốm ở Lái Thiêu, tập trung vào sản xuất dòng đồ gia dụng, từ đồ thờ tự đến các sản phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng hàng ngày của giới bình dân, như: tô, chén, dĩa, hũ, hộp, ống nhổ, tượng (tô lớn), tộ, ơ, thố, ấm, sanh, gối, đến sản phẩm sân vườn như: đôn, chậu, bình bông, choé, khạp, lu, đồ thờ cúng tượng, bát nhang, đèn…

Gốm Lái Thiêu được làm từ nguồn đất sét đặc biệt ở địa phương, có độ dẻo mịn cao, nung ở nhiệt độ cao nên sản phẩm bền, có khả năng chịu nhiệt tốt. Mỗi sản phẩm của gốm Lái Thiêu đều rất đặc trưng với nước men bóng và màu sắc mang chất mỹ thuật rất đẹp mắt. Các sản phẩm gốm của Lái Thiêu thường được trang trí với các họa tiết hoa văn độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa vùng đất Nam Bộ như hoa sen, con gà, rồng, phượng, cá chép… Men gốm Lái Thiêu có nhiều màu sắc đa dạng, phong phú, từ men trắng, men nâu, men xanh đến men rạn, men da lươn… tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho sản phẩm.

Gốm Lái Thiêu gồm nhiều dòng sản phẩm khác nhau với các phong cách tạo hình, lối vẽ và lối chấm men đa dạng. Mặc dù có sự khác biệt về tên lò và phong cách sản xuất, nhưng trên thị trường, dân gian thường “gom” tất cả, gọi là gốm Lái Thiêu. Lý do cho việc này là do các lò gốm thường tập trung tại Lái Thiêu và cảng Bà Lụa là nơi tập kết hàng trước khi đi ra khắp Nam Kỳ lục tỉnh và thậm chí xuất khẩu sang Cao Miên, Lào, Xiêm La, Indonesia, Philippines… Thời vàng son, chỉ riêng vùng Lái Thiêu, Thủ Dầu Một đã có cả ngàn lò các loại, ngày đêm hừng hực đỏ lửa.

Gốm Lái Thiêu thường có màu men vàng và nâu đất, rất chân chất, dân dã, gần gũi và thân thuộc với cuộc sống dân dã hàng ngày của người miền Nam. Họa tiết trên gốm thường lấy cảm hứng từ cuộc sống thôn quê và các tác phẩm mỹ thuật truyền thống, mang đến vẻ đẹp thắm dịu và sinh động. Gốm Lái Thiêu thường được phân thành ba dòng sản phẩm với đặc trưng khá rõ: Gốm Quảng, chuyên trang trí đình chùa và đồ đặt sân vườn; Gốm Tiều (Triều Châu) có men xanh trắng hoặc ngũ sắc, dùng cho nhà bếp, gia dụng (tô, chén, dĩa vẽ hình con gà) và gốm Phước Kiến, dùng màu men đen nâu, vàng đậm da bò, vàng ửng da lươn, có kích thước cỡ lớn, nặng (chậu, đôn, độc bình…). 

Ở thời vàng son, gốm Lái Thiêu gần như có mặt trong mọi gia đình, từ trong nhà ra sân vườn, đến bàn thờ tổ tiên của khắp miệt Nam bộ. Những hiệu lò nổi tiếng một thời, nay còn lưu lại nhiều sản phẩm độc đáo, với gốm Quảng có những: Thái Xương Hòa, Quảng Hiệp Hưng, Hưng Lợi, Quảng Hòa Xương… Gốm Phước Kiến có Kiến Xuân, Liên Hiệp Thành, Anh Ký, Quảng Thái Xương… Gốm Triều Châu là Vinh Phát, Đào Xương, Duyệt An…

Cái liều, cái cái dám của những người trẻ

Lặn lội tìm hiểu, mới biết các địa chỉ cửa hàng, lò gốm hiện nay, được “rao” trên Facebook, mạng xã hội hoặc livestream bán gốm, đều là các cửa hàng bán gốm, sứ tọa lạc ở Lái Thiêu hoặc Thủ Dầu Một (Bình Dương), để mang cái danh, cái thương hiệu “gốm Lái Thiêu.” Hầu hết đều không có lò nung và sản xuất gốm truyền thống.

“Cày” nát miệt Lái Thiêu, Thủ Dầu Một qua Thuận An, chúng tôi mới “mò” ra lò gốm của Nắng Ceramics, vốn là cơ ngơi của lò gốm Bình Lý vang danh gần 50 năm trước. Và chúng tôi cũng ngỡ ngàng khi biết, ông chủ lò này, Huỳnh Xuân Huỳnh, chỉ mới 27 tuổi. Khoát tay mô tả “giang sơn” gần 2 héc ta giới thiệu cơ ngơi với 37 căn lò của mình, nơi thì 3-4 thợ đang lui cui đắp lò, chỗ khác thì vài ba công nhân đang xuống đất sét từ xe tải. Tâm điểm là xưởng chế tác với hàng chục bàn xoay tạo hình những lọ, bình, tô chén… cùng cơ man những giàn phơi sản phẩm vừa tạo hình xong đang nằm chờ… nắng lên. “Ông chủ” Huỳnh cho biết, trước khi thành lập “lò” Nắng Ceramic, Huỳnh đã có thời gian tìm kiếm và học hỏi bằng việc mày mò học việc tại những lò gốm Lái Thiêu ít ỏi còn hoạt động. Thấm thoát, sự kế thừa và thai nghén rồi tôn xưng nét đẹp của gốm Lái Thiêu, được Huỳnh thể hiện qua đồ án tốt nghiệp Khoa Thiết kế Công nghiệp (trường Đại học Kiến trúc TPHCM) của anh gần đây. Đồ án của Huỳnh có tên: Bộ sản phẩm đồ thờ Gốm Lái Thiêu, gồm 2 bộ. Bộ đầu tiên được làm theo kiểu truyền thống mang tên “Lưỡng Long Tranh Châu” với men và họa tiết xanh lam trên nền trắng. Bộ thứ hai mang tên “Đại Hồng Hồ Điệp” mang yếu tố trang trí phá cách hơn. Hình tượng hoa cúc tượng trưng cho sự hiếu thảo, cũng là loại hoa gần gũi của người dân Nam Bộ bởi sự bình dị nhưng luôn vàng ươm và tỏa hương bền bỉ như tính cách của người dân nơi đây. Với họa tiết hoa và bướm này, Huỳnh đã thực hiện bằng màu men đại hồng đặc trưng của gốm Lái Thiêu. Đồ án đã giúp Huỳnh giành vị trí Á khôi khi tốt nghiệp. Các tác phẩm đã được hội đồng chấm thi đánh giá cao về thẩm mỹ lẫn tính ứng dụng, đồng thời góp phần bảo tồn và phát triển nghề gốm Lái Thiêu truyền thống và văn hóa vật thể của làng nghề này.

Chia sẻ về lý do chọn sự khởi nghiệp với cái nghề “chân lấm tay bùn” này, Huỳnh tâm tình: “Lúc bắt đầu làm đồ án thì ông của mình qua đời. Trong lúc tang gia, mình có tìm kiếm các món đồ cho bàn thờ thì nhận ra có rất ít sự lựa chọn và kiểu dáng cũng không được đa dạng, nhất là đồ thờ bằng gốm của Nam Bộ gần như không có.” Cùng với tình cảm dành cho người ông quá cố, Huỳnh đã có ý tưởng khai thác dòng sản phẩm thờ cúng cho đồ án tốt nghiệp của mình. Còn cái duyên đến với “đất” của Huỳnh là từ những buổi phụ mẹ nấu ăn. Gian bếp nhỏ đó, tất cả vật dụng chén bát, các loại lọ hũ đựng gia vị, mắm muối, tô hay các loại bình, lọ trong nhà… đều là từ gốm Nam bộ với màu men vàng đất và xanh lam rất đỗi dân dã, quen thuộc đã có hàng trăm năm.

Đến lò Vườn Nhà Gốm ở Lái Thiêu, người ta dễ có cảm giác choáng ngợp với cơ man các loại đồ gốm gia dụng từ bình dân đến trang trí, mỹ thuật nội thất và sân vườn, được trưng bày theo từng lô, từng khu như một showroom khổng lồ. Từ một lò gốm dân dã mấy chục năm trước, nơi đây giờ đã phát triển thành một địa chỉ tham quan, trải nghiệm với một hệ sinh thái giới thiệu nghề gốm thủ công với rất nhiều công đoạn chế tác gốm từ đất sét thô ban đầu đến một sản phẩm hoàn chỉnh. Nổi bật ờ lò Vườn Nhà Gốm là các loại gốm trang trí, mỹ thuật từ nội thất đến sân vườn, cảnh quan với với các loại men màu đa dạng, rực rỡ. Khách đến với lò gốm này, rất mau sẽ có trải nghiệm đầy đủ nhất về sự hình thành và phát triển nghề gốm nói chung, không nhấn mạnh đến dòng gốm Lái Thiêu. Lò nung ở lò gốm này là loại lò điện và lò gas, không phải là lò củi truyền thống. Có lẽ là để giảm chi phí và ô nhiễm môi trường. Nhưng chính sự đa dạng về chủng loại và mẫu mã, nên gốm của lò Vườn Nhà Gốm chưa hẳn là do lò này chế tác, sản xuất mà nhập từ các nguồn khác về, kể cả từ Trung Quốc!

Gốm Lái Thiêu không chỉ nổi bật bởi sự đa dạng về sản phẩm mà còn ở nghệ thuật chế tác tỉ mỉ và truyền thống lâu đời. Các nghệ nhân làng gốm đã duy trì nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác, mỗi món đồ gốm đều được trau chuốt, tỉ mỉ bởi những đôi bàn tay khéo léo của các người thợ. Họ gửi gắm vào sản phẩm của mình những nét đẹp truyền thống, những câu chuyện cuộc sống và tình yêu với nghề. Một điểm đặc biệt nữa là nhiều lò Lái Thiêu đã kế thừa nghề gia đình làm, sáng tác sản phẩm gốm từ 4 – 5 đời, tiếp tục truyền thừa, giữ lửa cho nghề truyền thống này. Những nghệ nhân gốm Lái Thiêu không chỉ làm nghề vì mưu sinh, mà còn vì tình yêu và lòng đam mê với nghệ thuật gốm sứ. Họ không ngừng sáng tạo và phát triển, mang đến những sản phẩm gốm độc đáo và chất lượng cao. 

Truyền thừa với máu mê lửa nghề từ ông cha

Giờ, làng gốm Lái Thiêu với các lò nung củi truyền thống gần như đã… tuyệt chủng. Vì lò gốm vốn dĩ chiếm diện tích đất lớn, qua nhiều cơn sóng thần đô thị hóa, đất ở lái Thiêu, Thủ Dầu Một chỉ qua đêm bỗng hóa “tấc đất, tấc vàng.” Ít chủ lò nào cưỡng lại được số tiền khổng lồ do đô thị hóa mang lại. Họ bán đất, chia cho con cháu rồi… mất nghề! Rồi phần nhiều là do lò củi nung gốm sẽ ảnh hưởng đến môi trường nên chủ lò sẽ không có được giấy phép mới với nhiều ràng buộc, xử phạt nếu gây khói bụi. Lại đóng lò… mất nghề. Theo truyền thống, gốm Lái Thiêu được nung bằng củi. Nung gốm là khâu quan trọng nhất, phải tốn rất nhiều nhân công cho việc canh lò, bớt mắt lửa sao cho hợp lý. Một mẻ, phải nung trong khoảng một tuần mới ra được một lò. Từ khi có quy hoạch và vì bảo vệ môi trường, làng gốm nung cũng không còn tấp nập như xưa. Còn lò điện và lò gas, tuy có rẻ và sạch nhưng gốm sẽ không có được màu men sáng, bóng và bền theo thời gian nên không được giới nghệ nhân yêu nghề, gắn bó với gốm ưa dùng và thị trường thì… tẩy chay. Vì lẽ đó mà hiện nay tại Lái Thiêu còn những gia đình vẫn tiếp tục duy trì sản xuất với sản phẩm chủ yếu chính là heo đất, chậu, một vài loại bình, bát, và mong chờ một ngày cái nghề “lấm đất” sẽ trở lại thời phồn vinh.

Lò của Nắng Ceramics, hiện có khoảng trên dưới 10 thợ gốm trẻ đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng từ Kiến trúc, Mỹ nghệ Biên Hòa, có trình độ và tay nghề điêu luyện nhờ cái tính tò mò, ham học hỏi của người trẻ. Khi được hỏi về lý do chọn cái nghề ít ai chọn, đòi hỏi sự tỉ mẩn, không “hot” của giới trẻ, thợ gốm Phạm Nguyễn Anh Thi, 22 tuổi, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, đã có 3 năm kinh nghiệm, tự tin cho biết: “Mình chọn vì mình yêu thôi. Tuy không là nghề thời thượng với người trẻ nhưng mình vẫn mang cái cảm giác bay bổng khi chế tác xong một sản phẩm nào đó do khách đặt. Đưa nó vào lò rồi hồi hộp chờ đón nó ra lò.” Còn với anh chàng “thợ” Đỗ Ngọc Hà, mới tốt nghiệp khoa Mỹ thuật công nghiệp (ĐH Kiến trúc TPHCM) thì: “Em theo nghề vì yêu gốm, và cũng muốn các nghệ nhân ở xứ này trao cho mình những “bí kíp, y bát” đã được truyền từ trăm năm của gốm Lái Thiêu. Để từ đó, em có thể kế thừa và sáng tác thêm những sản phẩm vừa truyền thống, vừa hiện đại mang tên gốm Lái Thiêu.” 

Theo “ông chủ” Xuân Huỳnh, để duy trì lò của mình luôn đỏ lửa, thì Nắng Ceramics luôn phải “nung” được một tình yêu thủy chung, bền vững với gốm. Huỳnh “nung” nó bằng cách trả thù lao cao hơn cho các thợ gốm của mình, bằng cách để cho những thợ trẻ có đất… để nặn, để sáng tạo các sản phẩm mới trên cái nền truyền thống. Để từ đó nuôi được cái dòng gốm Lái Thiêu mà mình đã đam mê, đã theo đuổi từ những ngày đầu khởi nghiệp. Mà muốn hồi sinh, sống với gốm Lái Thiêu, các chủ lò ở đây phải đối đầu trực diện với cơn lũ gốm Trung Quốc giá rẻ, đa chủng loại đang nhập ồ ạt vào Việt Nam nhiều năm qua, len vào khắp các ngõ ngách, đời sống hàng ngày của người Việt. Từ bộ bình tách trà, đến bộ chén bát ăn cơm, các loại tô, lọ, bình hoa… đến các loại đôn, chậu trang trí. Vì bởi, khách hàng Việt cũng không cần biết phân biệt các loại gốm, sứ… chỉ biết nó quá rẻ, nó bắt mắt, nó có đủ loại “thượng vàng hạ cám” là họ mua, họ dùng. Chỉ cần xài bài ba năm là thay bộ mới, cái mới được rồi.

Lò truyền thống Lái Thiêu nung củi, hiện chỉ còn vài lò là chập chờn đỏ lửa như: Năm Gặp, Tư Thế, Năm Kiểu, Tiền Phát, Ông Sơn, Ông Kim… cũng chỉ nung các loại đồ lớn như: lu, khạp. Thật buồn cho làng gốm Lái Thiêu trước mối nguy mất nghề rồi thất truyền. Vì nghệ nhân có tay nghề cao cũng chỉ còn lác đác, lại lớn tuổi mà ít ai bén duyên để truyền nghề cho những người trẻ, ngay cả với con cháu. Ngay cả một lò lớn nằm ven sông Sài Gòn trên đường Châu Văn Tiếp (Thuận An) là Lý Chí Cường, cũng đã tắt lửa, dẹp lò gần 20 năm nay. Các sản phẩm gốm trưng bán ở đây là chủ lấy từ nhiều nguồn khác rồi bán về miền Tây. 

Đều đều, cứ mỗi tháng là Nắng Ceramics lại nổi lửa một lần với hơn chục lò nung củi, cho ra mắt hơn 3.000 sản phẩm lớn nhỏ các loại. Không có mối lớn, gốm của lò này lại được khách du lịch Nhật rất ưa chuộng, thường mua xách tay hàng chục loại mang về, rồi sau này đặt mua qua internet. “Khách Nhật họ sành gốm và ưa chuộng truyền thống. Nhìn sản phẩm là họ biết ngay chất lượng gốm nung như thế nào, người thợ chế tác tâm huyết ra sao. Có những tháng, họ mua đến cả ngàn sản phẩm từ lò này. Họ yêu văn hóa truyền thống Việt Nam với từng sản phẩm cụ thể.” Xuân Huỳnh cho biết. 

Cố gắng chăm chút từng sản phẩm của mình với lòng yêu nghề và như để trút bầu tâm sự, ông Chín Cẩn 56 tuổi, thợ gốm dằn vặt với nghề gốm truyền thống, nói như tố: “Gốm Lái Thiêu là phải vẽ, tô men trước khi nung nó mới lên đúng và bền màu. Nó đẹp và lành. Giờ nhiều lò, họ dán đề can họa tiết lên rồi hấp lại xong mới đi nung. Các sản phẩm này mới ra lò tuy đẹp, màu sắc bắt mắt nhưng rất mau trôi màu nhất là khi chùi rửa với chất tẩy rửa và trong máy rửa chén bát.” Nguy nữa, gốm dùng các “chiêu” dán này còn có mang độc tố tiềm ẩn trong sản phẩm vì hóa chất của các loại đề can sẽ được thấm ẩn vào gốm khi được nung ở nhiệt độ cao.

Không mang lại lợi nhuận cao, các lò gốm truyền thống ở Lái Thiêu giờ còn cố đỏ lửa nhưng một sự níu kéo một tình yêu đã và đang tuột khỏi tay mình. Nếu tính toán, một mẫu đất ở Lái Thiêu hiện có giá hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Chủ lò gốm chỉ cần “ới” một tiếng là có ngay một núi tiền khủng mà cả chục năm “nai lưng cày cuốc” để đỏ lửa, không một sản phẩm nào có thể mang lại. Chỉ có đau đáu với một tình yêu bất tận, các chủ lò mới có thể cưu mang nổi dòng gốm Lái Thiêu đang bên bờ… tuyệt diệt.

Similar article: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/nghe-bat-ca-bo-gu-ca-ngu-dai-duong/

Ông chủ trẻ Huỳnh Xuân Huỳnh của lò Nắng Ceramics với bình hoa có dòng men và họa tiết truyền thống Lái Thiêu: “Mình đang cố gắng kế thừa và phát triển dòng gốm này giữa các sản phẩm mỹ thuật hiện đại”

Ông chủ trẻ Huỳnh Xuân Huỳnh của lò Nắng Ceramics với bình hoa có dòng men và họa tiết truyền thống Lái Thiêu: “Mình đang cố gắng kế thừa và phát triển dòng gốm này giữa các sản phẩm mỹ thuật hiện đại”
Thợ gốm Phạm Nguyễn Anh Thi của Nắng Ceramics, 22 tuổi, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, đã có 3 năm kinh nghiệm đang chế tác hoa văn trên sản phẩm mới
Thợ gốm Lái Thiêu đang chế tác các loại bình gốm mới trên căn bản phát triển từ dòng gốm Lái Thiêu cổ truyền

You may also like

Verified by MonsterInsights