Lạm bàn về thiền

by Tim Bui
Lạm bàn về thiền

CHU TẤT TIẾN

Trong một lần trao đổi tâm sự với một vị thiền sư về thiền tại thiền đường ấm cúng của ông, nơi không có trang thờ uy nghi, mà trên vách trước mặt, chỉ có một chữ “vô” to lớn, ông đã cho thấy một nhận thức mới lạ về thiền. Theo ông, “thiền” là một hình thức trau luyện cho con người đi tới chỗ “vô ngã,” tức là quên “mình” đi, coi như “mình” không chủ quan tồn tại một cách cá nhân nữa.

Thiền cũng giúp con người tới chỗ nhận thức về “vô thọ giả,” nghĩa là không còn thời gian nữa. Một chi tiết rất lý thú của vị thiền sư này mà từ trước tới nay, hình như chưa có triết gia nào suy nghĩ như vậy. Thiền sư nói: “Chính chúa Jesus đã là một tấm gương lớn về thiền. Chúa đã thiền trong 40 ngày tại một khu rừng vắng, trước khi ngài bước ra đời để giảng đạo. Trong thời gian 40 ngày này, để chuẩn bị cho việc hy sinh thân mình hầu cứu nhân loại, chúa Jesus đã tiến đến mức “vô ngã,” quên mình là ai, từ đó ngài mới chấp nhận những sự khinh rẻ, nhục mạ, đánh đập và bị treo trên thập giá, mà không dùng quyền phép của ngài để làm dịu các cơn đau đớn về tinh thần và thể xác của một con người xác thịt.”

Nhận định của vị thiền sư phật giáo này thật quý giá, đầy tính khoa học, không phải mơ hồ hay mang tính chất mê tín.

Theo người viết, ngoài mục đích của việc tập thiền như đã viết ở trên, thiền còn là một hình thức tĩnh lặng tâm hồn, để cho tâm não được giây phút bình an. Nếu tập thiền mà biết phối hợp với việc điều dưỡng hơi thở, mang thêm oxygen vào não, từ đó, tế bào não được bồi dưỡng, thì cơ thể sẽ trẻ hóa và sinh hoạt của cơ thể mạnh mẽ hơn. Hầu hết các tế bào của con người, sau khi tế bào chết đi, lại có tế bào khác sinh ra để thay thế, điển hình là tế bào da, sau khi chết, biến thành “ghét” bị thải ra đi khi tắm. Riêng tế bào não, một khi chết đi, sẽ không có tế bào mới thay thế. Cho nên, việc làm trẻ hóa tế bào não là rất quan trọng. Việc làm đó được gọi là thiền.

Tuy nhiên, việc tập để trẻ hóa tế bào nào mới chỉ là những bước căn bản của thiền. Nếu muốn đạt được cảnh giới thật của thiền, còn phải thay đổi quan niệm trong sinh hoạt nhất là sinh hoạt với người chung quanh và với xã hội. Tập thiền mà chỉ chú trọng đến bản thân mình, làm sao cho mình khỏe mạnh, mà không cần biết đến tha nhân thì sẽ biến thành “thiền vị kỷ” và như thế, ý nghĩa của thiền sẽ không đạt được. Xem phim chưởng của Tàu, đọc sách võ thuật của Tàu, người ta thấy nhiều vị tổ sư võ phái thường đóng cửa, bế quan, tập thiền để khỏe mạnh rồi đi đánh lộn, chém giết máu me. Đó là “thiền bất thiện.” Lại có những vị sư phụ ở chùa Thiếu Lâm, tập thiền tới cảnh giới quên mình đi thì lại quá thụ động, khi kẻ thù muốn lấy mạng mình, lại cứ ngồi xếp bằng, không chiến đấu mà đưa đầu cho kẻ địch chém, thiền đó là “thiền ngớ ngẩn” không có ích lợi chi. Thật ra chả cần phải tập thiền kiểu đó, cứ sống bình thường, khi kẻ địch đến thì đưa thân mình cho địch giết. Xong chuyện.

Trở lại vấn đề thiền và y học: việc tập thiền đúng cách, phối hợp với việc thở đúng cách sẽ làm trẻ hóa cơ thể và tự trị được một số bệnh. Như chúng ta đã biết, con người sống được là nhờ ba yếu tố quan trọng: đường “tốt” (good glucose), nước, và khí oxy. Thiếu đường, người ta sẽ kiệt sức. Thiếu nước thì mệt mỏi và sinh ra đủ thứ bệnh như thận hư, gan hư, tim yếu, và phổi yếu. Thực tế, nếu thiếu hai yếu tố đường và nước, nếu khám phá kịp, thì y khoa có thể chữa được, nhưng với oxy, chỉ cần thiếu ở não trong hai, ba phút là tử nạn. (Trường hợp bị bóp cổ hay bị treo cổ, máu không chuyển oxy lên não được, thì não chết liền).

Vậy, nếu thiền mà kết hợp với phương pháp thở sâu, thở dài thì không những có thể chữa được những căn bệnh khó, mà còn kéo dài được tuổi thọ.

Theo người viết, thì có ba phương pháp tập thiền: thiền ngồi (tọa thiền), thiền nằm (ngọa thiền), và thiền động (tài chi). Nói một cách đơn giản: Hai phương pháp tập thiền ngồi và nằm đều có chi tiết như sau: tập trung tư tưởng, theo dõi hơi thở: hít sâu và đẩy hơi thở xuống bụng rồi thở ra thật chậm. Có thể đếm trong đầu: hít vào (đếm đến 10), thở ra (đếm đến 10), rồi dần dần tăng lên. Riêng về thiền động (tài chi), người tập phải di chuyển, một bước hoặc mỗi động tác là hít một hơi dài và chậm rồi thở ra cũng thật chậm.

Tập thiền có phải chỉ là ngồi, nằm, bước đi trong yên lặng, và hít thở điều hòa là đủ không? Câu trả lời là “chưa đủ.” Thiền không chỉ là tập luyện bản thân mình mà phải tập thay đổi quan niệm của mình với tha nhân nữa, tức là phải cải tạo cả khối suy nghĩ của mình đi đến chỗ chấp nhận sự bất toàn của con người. Chấp nhận như thế nào? Chấp nhận tới giới hạn nào?

Chấp nhận bản thân

Trước hết, người tập thiền phải chấp nhận một sự thật của thiên nhiên: Đó là “luật bất toàn” Không có chi tồn tại mãi mãi, không có chi là vĩnh cửu, hễ trẻ thì phải già, có sống thì có chết, có đẹp thì sẽ xấu, có lớn lên thì có lúc sẽ thấp xuống, lúc đứng lên hùng dũng thì lúc nằm xuống cứng khô. Thời trẻ sống phung phá bao nhiêu thì lúc lớn tuổi yếu đuối và bệnh tật bấy nhiêu. Người đào hoa rồi sẽ có ngày bị họa vì hoa đào. Yêu mãnh liệt rồi sẽ ghét kinh khủng. Lúc trẻ càng cố tập cho khỏe mạnh bao nhiêu thì lúc già càng đau nhức bấy nhiêu. Bộ ngực nở nang của của nam lẫn nữ, khi về già sẽ nhão nhẹt nhiều hơn những người bình thường. Những đường cong của thiếu nữ lúc trẻ càng hấp dẫn bao nhiêu thì khi già, sẽ là những nét chấm phá nhầm chỗ. Lên cao bao nhiêu thì khi tụt xuống thảm hại bấy nhiêu. Do đó, phải chấp nhận sự yếu đuối của cơ thể mình, thì mới thiền được. 

Chấp nhận người thân

Người thân cận nhất trong đời là vợ chồng, cha mẹ, anh chị em. Đã chấp nhận luật bất toàn, thì những ông chồng phải chấp nhận người vợ già càm ràm suốt ngày, da mặt nhăn nheo, mở miệng nói ra là gắt gỏng, chua cay, trong khi thân thể thì héo úa, trông rất nản. Mỗi khi nghe thấy nàng lải nhải muốn phát bực, thì phải cố hình dung thời thanh xuân khi trước, mình từng mê mẩn nhìn tà áo nàng bay, hoặc nhớ đến lúc vắng nàng một buổi thì nỗi nhớ cồn cào đến gần phát điên, để yêu vợ trở lại. Mỗi khi nhìn thấy người vợ mặc quần áo lùng thùng đứng ở bếp, tóc tai nhễ nhại trong một thân thể bèo nhèo thì hãy đưa tư tưởng về những ngày xưa, khi “nàng” còn mắt ướt đa tình, còn chúm chím duyên dáng, còn nồng cháy yêu đương, thì sẽ tự nhiên thấy lòng bình thản trở lại và thương vợ hơn. Với những người làm vợ cũng vậy, khi biết chồng không còn khả năng chăn gối hoặc khi thấy chồng bước thấp bước cao, nằm ngủ mà ngáy như còi tàu xe lửa, thì cố nhớ ngày xưa, chàng hào hoa, phong nhã, lịch sự với người yêu, chăm chút cho vợ từng miếng ăn, để rồi lòng bình thản trở lại mà săn sóc cho chồng nhiều hơn. Dĩ nhiên, không thể nói chữ “yêu” như lúc trẻ, mà chỉ cần tôn trọng chữ “nghĩa,” chữ “ơn,” là đủ, và là thiền.

Chấp nhận xã hội

Hầu hết chúng ta đều hay tỏ thái độ bực bội về các hiện tượng chung quanh. Tiếng ồn của hàng xóm, tiếng máy móc của xe cộ, tiếng chó sủa của người nhà bên cạnh, thái độ khó chịu của những người mà chúng ta gặp trên đường, nhất là sự phản bội hoặc hờ hững của bạn bè… Những yếu tố đó nếu ảnh hưởng đến tâm tính của chúng ta thì làm sao mà thiền? Có những người khi đọc báo, thấy các tin tức xấu về sinh hoạt xã hội, chính trị thì cảm thấy bất mãn; thấy tin về những người đau khổ, bệnh hoạt, bị đàn áp thì bất nhẫn, cũng không thể nào thiền được.

Vì thế, khi muốn tập thiền, thì phải chú trọng đến hai khía cạnh thể lý và tâm lý. Thiếu sót một trong hai, thì không thể gọi là thiền được.

Để chứng minh tác dụng của thiền, người viết xin kể lại hai câu chuyện đã xảy ra với bản thân: Năm 1985, một buổi sáng thức dậy, bất ngờ thấy mình lảo đảo, đứng lên không được, vì chỉ vừa đứng lên là ngã ngồi xuống ngay. Cơ thể mệt mỏi vô cùng. Gia đình vội chở vào bệnh viện Phú Nhuận gần nhà. Bác sĩ nghe tim rồi phán ngay: “Bệnh nhân mắc bệnh nhồi máu cơ tim, chỉ còn sống được vài ngày.” Gia đình hoảng sợ, chở đến bệnh viện Quảng Đông. Ở đây, bác sĩ lại nói: “Bị heart attack! Sắp chết!” Người viết không tin, nói gia đình chở đến bệnh viện Sùng Chính, lời phán có hơi khác: “Bị mỡ bao tim!” Chưa chịu tin là mình sẽ chết, người viết cho người đi tìm các bác sĩ chế độ cũ, chuyên về tim mạch (Cardiologist), thêm bốn vị nữa, tổng cộng là bẩy bác sĩ đều nói là sắp chết, về nhà nằm nghỉ đi, đừng đi bộ, và chờ… thần chết gọi! Buồn quá, người viết đã gửi thư đến các anh chị ở Mỹ, nói lời từ biệt.

Nhưng vì tính cách gan góc của một người luyện võ, không chấp nhận đầu hàng, người viết lục lọi trong ký ức, thì nhớ là có một anh bạn, võ sư Trung Hoa nói là tài chi có thể cứu người. Liền nhờ cậu con, lúc đó 16 tuổi, chở xe đạp đến câu lạc bộ tài chi ở Phú Nhuận, mỗi sáng từ 5 giờ. Ngày đầu tiên, con còn phải đứng sát cạnh, vịn tay cho khỏi ngã, nghe huấn luyện viên dạy cách thở, và làm theo, mà chưa học động tác gì, vì nếu buông tay con ra là té liền. Tập hít thở như thế vài ngày thấy khỏe lại, không ngã nữa. Một tuần sau, bắt đầu tập các thế tài chi, và thấy không còn mệt chút nào, rồi một tháng sau là có thể đi xe đạp một mình. Tháng thứ hai là đạp xe đi một vòng thành phố. Tháng thứ sáu là như người bình thường nên trở lại võ đường nhu đạo, tiếp tục võ thuật. Đến năm 1990, sang Mỹ, được bác sĩ DHT cho làm EKG, khi thấy một mạch máu bên trái vào tim bị tắc, bác sĩ DHT vội cho đánh thuốc mê và lên bàn mổ gấp để thông mạch máu bị tắc. Nhưng khi tỉnh lại, nghe bác sĩ nói là đã cho dụng cụ nong chỗ tắc theo đường háng, nhưng khi mũi dao lên đến chỗ tắc, thì bác sĩ thấy là không thể tiếp tục vì chỗ nghẽn qua năm năm rồi đã cứng lại, nên nếu đẩy mũi dao lên nữa thì bể lung tung. Nhưng điều quan trọng là thấy có một mạch máu mới đã mọc ra và bypass chỗ tắc, vì thế mà mới khỏe mạnh đến bây giờ! Điều chắc chắn là vị tập thiền động (tài chi) mà cơ thể mọc ra một mạch mới, tự cứu lấy mình, mà không uống một viên thuốc tim nào.

Chuyện thứ hai: Khoảng năm 2003, vì đa mang công việc quá nhiều, nên bị stroke. Hôm đó, ông con trai vừa về nhà, ngạc nhiên hỏi bố: “bố làm sao vậy? Mặt bố trông nhợt nhạt quá?” Vừa muốn trả lời con thì ngay lập tức thấy âm thanh từ miệng ra không tròn, không cười được, và rồi tay chân đột nhiên giật giật liên hồi, không thể điều khiển được. Ông con cuống lên, vội đưa đi cấp cứu vì cho là bị stroke! Lúc đó, còn tỉnh táo, và biết rằng mình bị stroke rồi, nên lập tức thiền định lại: nhắm mắt, tập trung tư tưởng, hít thở thật chậm, nén hơi xuống bụng. Rồi cứ thế mà thiền, mặc cho người bế xuống xe, bế lên xe đẩy, vào phòng cat scan, X-ray… không cần biết các vị y sĩ kia làm gì. Sau khi trở về giường nằm, cũng thiền cho đến khi ngủ say. Sáng dậy, nằm đến trưa, thì bác sĩ trực đến cho hay là mới bị light stroke! Người viết mới tả cho bác sĩ biết là tôi đã thiền suốt từ chiều đến đêm hôm qua! Ông ấy vỗ tay mà nói: “Yeah! You did the right thing. Should you not do it, the results would be a lot worse! You might be a disabled man now!” Ông ấy bắt tay người viết thật chặt, lại còn “cám ơn” vì đã giúp ông tìm ra một phương pháp mới chữa bệnh khẩn cấp khi thuốc men không còn hy vọng:  thiền! (zen!).

Cho đến nay, hai sự việc trên đã qua lâu rồi, người viết bài này vẫn tình nguyện dạy thiền, yoga, tài chi cho những người lớn tuổi được hơn 20 năm nay, tạo nhiều kết quả đáng kinh ngạc cho nhiều người chỉ vì biết cách thở! 

Bài kệ thiền
CHU TẤT TIẾN

Có ai tắm hai lần
Trong cùng một dòng sông?
Dù vẫn là bờ sông
Nơi hàng ngày vẫn lội?
Nước từ trên chảy vội
Mỗi sát na một khác
Chỉ cần xa môt khắc
Đã cách biệt muôn trùng
Không hẹn ngày trùng phùng
Bạn bè rồi cũng thế
Gặp nhau rồi quạnh quẽ
Chim trên trời cô lẻ
Giữa thiên nhiên mênh mông
Chẳng khác gì vợ chồng
Gần nhau rồi cũng biệt
Như dã tràng mải miết
Lấp mãi lỗ vô cùng
Ta đứng giữa không trung
Cũng chỉ là hạt cát
Nằm bên bờ biển mát
Nhưng chẳng nghĩa lý chi
Nếu không có tình si
Trao cho người đồng loại
Tình yêu còn mãi mãi
Thân thể thì hư không
Nếu yêu tận đáy long
Thế gian này bất hoại
Vậy, có chi tồn tại
Ngoài tình yêu tha nhân?
Còn những chuyện phân vân
Danh, tiền, và nhan sắc
Lúc còn rồi lúc mất
Non trẻ rồi già mau
Khỏe mạnh hay đớn đau
Cũng chỉ là giai đoạn
Niềm vui hay hoạn nạn
Của tất cả con người
Nên ta không bồi hồi
Không buồn rầu, lo lắng
Không càu nhàu, cắng đắng
Cứ để đời trôi qua
Mặc sự thế lìa xa
Ta thung dung tự tại
Sống với đời hiện tại
Sống với bản thân mình
Hạnh phúc cũng nơi mình
Ta như vầng mây xanh
Bay lượn khắp thị thành
An nhiên và giác ngộ
Không sợ trước đồ sộ
Không khinh rẻ nhỏ nhoi
Ta chính là cuộc đời
Tâm a và thân ta
Đã thực sự chan hòa
Trong trùng trùng hạnh phúc

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/q-to-z/chu-tat-tien/

You may also like

Verified by MonsterInsights