David Le
Dù Bolsa trời bắt đầu nóng đúng nghĩa của mùa hè thì Sài Gòn cũng bắt đầu mưa “thúi đất”. Cơn mưa đầu mùa vào ngày 7-5 đã khiến giới hữu trách phi trường Tân Sơn Nhứt “muối” mặt vì nhà ga T3 mới khánh thành chưa đầy tháng đã bị…dột! Tất cả đều mới toanh, và từng được báo chí vài ngày trước đó hết lời ca ngợi, thì hôm trời mưa, người ta phải dùng sô, chậu để hứng nước và lau dọn. Phải chi dột ở chỗ nào kin kín một chút còn đỡ xấu hổ, nó lại nhè ngay chỗ phòng đợi của khách ra máy bay mà dột khiến cả thế giới chiêm ngưỡng! Không biết còn chỗ nào mà chui không? Chưa thấy ai nói cơn mưa sáng nầy nhà ga nầy còn dột hay có dột chỗ nào nữa không?
Cơn mừa thứ hai của mùa mưa năm nay rớt đúng vào ngày thứ bảy 10-5. Không phải mưa kiểu ông Trịnh Công Sơn là “mưa vẫn mưa bay” mà mưa xối xả, mưa tối mặt khi ra đường. Từ mờ sáng trời đã mưa và mưa kéo dài tới trưa vẫn chưa thấy dấu hiệu thuyên giảm. Và chuyện dĩ nhiên đã xảy ra, đó là “đường ngập”! Ưu tiên ngập là Thủ Đức. Một số clip cho thấy một số con, đường ở thành phố nầy, nhứt là quanh chợ, nước chỉ ngập tới…yên xe gắn máy thôi! Không chỉ ngập mà còn chảy cuồn cuộn khiến người yếu tay lái bị nước cuốn té xuống đường. Nhà chức trách phải cữ người ra để cấm đường vì sợ tai nạn! Kế đó là đường ở Gò Vấp, quận 12 cũng ngập. Một clip ở Bình Dương cho biết mưa rất lớn và ngập một số chỗ trủng thấp, có nơi ngập mút xe luôn! Mưa còn làm nhiều nơi bị cúp điện, ít nhứt là Tân Hiệp [Hóc Môn] và một vài xã ven ở Bình Dương.
Tại sao ngập? Chút nữa sẽ nói?

Nhà chức trách cấm đường quanh chợ Thủ Đức khi ngớt mưa
Chuyện lòng xe điếu của con heo cũng đang rầm rộ trong nước, từ Hà Nội vô Sài Gòn. Mọi người rần rần bàn tán cái sự thiệt giả của nó.
Mà lòng xe [se] điếu là cái gì?
Với người miền Bắc thì đó là món ngon, còn người miền Nam thì kêu đó là “phèo” non của con heo. Lòng heo ở miền Nam là món rẻ tiền chỉ dùng để nấu cháo lòng, kho nghệ hoặc khìa [một cách kho thịt của người Triều Châu] dành cho người nghèo. Với người miền Bắc thì lòng lại có giá nhen. Đặc biệt là dân nhậu. Chừng hai chục năm nay, nhiều quán nhậu món lòng heo mọc ra ở Sài Gòn khá nhiều, đặc biệt là khu vực có nhiều người Bắc vào ở sau năm 1975. Và lòng xe điếu là món nhậu ưng nhất của họ.
Theo một số chuyên gia, thì lòng xe điếu có giá vì hiếm, 1000 con heo mới có một con heo có lòng xe điếu. Bởi vậy giá lòng nầy mới cao tới trời, khoảng 3 triệu tới 4 triệu đồng/ký. Hiếm vậy mà không hiểu vì sao mà nhiều quán lòng xe điếu mọc rộ ở Sài Gòn? Rồi có quán như quán Lòng Chát nằm ở Tân Bình còn khoe có bộ lòng xe điếu dài tới 40m. Chính cái sự khoe khoang nầy khiến những người hiểu biết…”bực mình” và khiến giới chức trách nhiệm vô cuộc.
Sau một đợt kiểm tra ở Hà Nội, rồi Sài Gòn người ta phát hiện ra phần lớn lòng xe điếu của các quán là…hàng giả được nhập từ xứ ông bạn vàng! Giá nhập là 120 ngàn đồng/ký và bán ra chỉ có 3,5 triệu đồng/ký. Đúng là mua đồng nát mà bán kim cương! Có điều, thứ lòng giả nầy chỉ bịp được mấy ông thần ve chai thôi chớ dân thường mấy ai nhào vô các quán nhậu để mất tiền mà mua nhằm đồ giả!
Từ đầu năm tới nay, nhà chức trách Việt Nam bắt khá nhiều vụ hàng “giả”. Từ thuốc tây, sửa bột, mỹ phẩm, phân bón, thang máy, thuốc chuột…giả thì nay lại thêm “lòng heo giả”! Có nghĩa là giả không từ thứ gì!
Ai có trách nhiệm với các thứ giả nầy? Dĩ nhiên là mấy ông sản xuất, mấy ông bán ra rồi. Nhưng muốn bán hàng giả tràn lan cả nước thì phải có một hoặc nhiều ông khác mở cửa, ký giấy mới đi được chớ? Tới gia chưa thấy ông bà nào vổ ngực chịu trách nhiệm hết! Thương quá!
Quay lại cái nóc nhà ga T3 ở phi trường Tân Sơn Nhứt. Ông có trách nhiệm ở phi trường thì đỗ thừa nóc nhà dột là do…mưa! Đúng quá đi chớ! Nhưng tại sao mưa không làm những nhà ga cũ dột mà nhè cái nhà ga mới toanh dột? Lại phải đi hỏi cái ông thi công, rồi những ông mua keo, trét keo…trên nóc nhà. Người ta nghĩ tới việc thi công công trình nầy có cái gì đó nó…sai sai sao đó! Có đồ giả nào trên đó không chắc phải chờ mấy ông điều tra kết luận, nếu có điều tra. Bởi một công trình được báo chí hát tới khan cổ, tốn hàng chục ngàn tỷ đồng mà mới khai trường chưa đầy một tháng đã…dột thì coi sao được.
Xa hơn, là cái chuyện đường xá ngập lụt khi mưa lớn.
Phải thừa nhận rằng, mấy chục năm qua Sài Gòn phát triểu dữ dội, đường xá mở khắp nơi. Nhiều con hẽm xưa giờ đã biến thành thường nhựa ngon lành. Nhiều khu đất sình lầy xưa giờ trở thành những khu đô thị tấp nập nhà cửa. Thế nhưng cái phần bên trên thì nguy nga ngon lành nhưng cái phần bên dưới lại không được chú ý. Mấy ông có trách nhiệm khi đi thị sát công trình cũng chỉ ngó bên trên chớ mấy người soi xuống dưới đất. Bởi nhà nhiều, người đông mà cống rãnh ta nói nhó xíu hà! Chưa kể những cái cống nầy năm ba năm chưa được nạo vét cho sạch nên cứ mưa xuống là…ngập! Nói đâu xa, ngay quanh chợ Thủ Đức thôi, hàng trăm năm nay đâu nghe nói ngập dù chợ nằm trong vùng trủng của cuộc đất xung quanh. Nhưng nay thì người đông, nhà nhiều nhưng cống rãnh lại không nạo vét nên…
Nói chung là cái tầm nhìn của giới chức trách nhiệm nó không như những gì họ nói. Nào là tầm nhìn năm chục, trăm năm nhưng chỉ trong lời nói, trong các cuộc hội họp, báo cáo chớ còn trong thực tế thì ngược lại.
Ngay như nhà ga T3 tuyên bố rần rần đó cũng có cái gì đó nó không như tuyên bố. Tiền mất mà tật vẫn mang thưa các vị.