LÝ THÀNH PHƯƠNG
Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” trong tiếng Anh gọi là Belt and Road Initiative (BRI), được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố năm 2013, là một trong những dự án tham vọng nhất trong lịch sử hiện đại, có mục tiêu tái định hình trật tự kinh tế và địa chính trị toàn cầu, một hình thức Đế quốc kiểu mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhằm mục tiêu làm bá chủ hoàn cầu.
Được mệnh danh là “Con đường tơ lụa mới,” BRI được xây dựng trên hình ảnh và cảm hứng từ Con đường Tơ lụa cổ đại – một mạng lưới thương mại xuyên lục địa từng kết nối Trung Quốc với Trung Á, Trung Đông và Âu châu .
Bài viết này sẽ làm rõ mối liên hệ giữa BRI và các Con đường Tơ lụa trong lịch sử, đồng thời phân tích những ẩn ý chiến lược và dã tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đằng sau sáng kiến tưởng như thuần túy kinh tế này.
Lịch sử Con đường Tơ lụa, nền tảng cho BRI
Con đường Tơ lụa trên bộ
Con đường Tơ lụa trên bộ ra đời vào khoảng thế kỷ 2 TCN dưới thời nhà Hán ở Trung Quốc, nối liền Trường An (nay là Tây An, Trung Quốc) với Địa Trung Hải thông qua Trung Á và Trung Đông. Trong những tài liệu còn ghi lại ngày nay, những đoàn lữ hành với hàng trăm con lạc đà, trên lưng chở đầy những hàng hóa quý chủ yếu là tơ lụa, gốm sứ, và gia vị từ phương Đông sang phương Tây, và ngược lại là các sản phẩm kim loại, đồ trang sức, thủy tinh và đặc biệt là vàng, là những hình ảnh biểu tượng cho Con đường Tơ lụa trên bộ ngày xưa.
Không chỉ là tuyến đường thương mại, Con đường Tơ lụa còn là kênh trao đổi văn hóa, tôn giáo, khoa học kỹ thuật giữa các nền văn minh lớn như Trung Hoa, Ba Tư, Ấn Độ, La Mã, và thế giới Hồi giáo. Con đường Tơ lụa này kéo dài cả trăm năm mang nhiều câu chuyện huyền thoại của hai thế giới Đông Tây. Tuy nhiên, với sự suy yếu của các đế chế bảo vệ tuyến đường này. Con đường Tơ lụa trên bộ dần lụi tàn vào khoảng thế kỷ thứ 10.
Con đường Tơ lụa trên biển
Từ thời nhà Đường ở thế kỷ thứ 10, và dưới triều Minh thế kỷ thứ 14 qua các chuyến hải hành của Trịnh Hòa, một mạng lưới thương mại hàng hải phát triển từ Trung Quốc qua Đông Nam Á, Ấn Độ Dương đến tận Đông Phi đã hình thành, được gọi là Con đường Tơ lụa trên biển. Tuyến hàng hải này là cầu nối giữa Trung Quốc với các nền văn minh biển như Ấn Độ, Ả Rập và châu Phi.
Những đoàn tàu giương những cánh buồm to lớn chuyên chở được nhiều loại hàng hóa hơn và với số lượng lớn hơn dần dần thay thế con đường khó nhọc và đầy bất trắc trên bộ, Con đường Tơ lụa trên biển, một lần nữa, giúp Trung Quốc đưa những hàng hóa đặc thù của mình và mở rộng ảnh hưởng ra thế giới bên ngoài.
Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”
Tổng quan về sáng kiến
Được Tập Cận Bình công bố năm 2013 trong chuyến công du Kazakhstan và Indonesia, sáng kiến BRI bao gồm hai hợp phần:
- “Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa trên bộ”: mạng lưới đường sắt, xa lộ, đường ống dẫn dầu và khí đốt nối Trung Quốc với châu Âu qua Trung Á và Nga.
- “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21”: chuỗi các cảng biển và hành lang thương mại nối
Trung Quốc với Đông Nam Á, Nam Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu.
BRI nhanh chóng phát triển, bao phủ hơn 140 quốc gia, với hàng ngàn tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng lượng, đường sắt, cảng biển, viễn thông.
Mục tiêu công khai: Thúc đẩy hợp tác và phát triển
Theo tuyên bố chính thức từ Bắc Kinh, BRI là một sáng kiến hòa bình, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng, tạo ra “cộng đồng cùng chung vận mệnh,” một khái niệm mơ hồ nhưng mang tính chính trị cao của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Tập Cận Bình gọi BRI là “con đường dẫn đến hòa bình, thịnh vượng, cởi mở, xanh và sáng tạo.” Trung Quốc trình bày sáng kiến này như một giải pháp thay thế cho các thể chế tài chính phương Tây như IMF hay Ngân hàng Thế giới – vốn bị nhiều nước đang phát triển coi là bóc lột.
Dã tâm chiến lược
Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ thì đằng sau những sự hợp tác tưởng như là để giúp đỡ các nước trong thế giới thứ ba chậm phát triển, là một mưu mô thôn tính đầy xảo quyệt của đàn anh Cộng sản Trung Quốc.
Về phương diện kinh tế thì đây là một “bẫy nợ” và sự lệ thuộc tài chính. Trên thực tế, BRI không đơn thuần là một sáng kiến hỗ trợ phát triển, mà là một công cụ mở
rộng ảnh hưởng tài chính. Các nước tham gia thường vay từ các ngân hàng Trung Quốc để xây dựng hạ tầng. Khi không trả được nợ, họ buộc phải nhượng bộ các lợi ích chiến lược.
Ví dụ điển hình:
- Sri Lanka đã buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota 99 năm khi không trả nổi khoản vay 1.5 tỷ USD.
- Lào bị ràng buộc với khoản nợ khổng lồ từ tuyến đường sắt Vientiane – Côn Minh.
- Nhiều quốc gia châu Phi bị cuốn vào nợ Trung Quốc qua các dự án “ưu đãi” nhưng thiếu minh bạch.
- Iran khi bị cấm vận buộc phải bán 90% dầu hỏa với giá rẻ mạt cho Trung Quốc và bị nhận tiền nhân dân tệ của Trung Quốc thay vì đồng đô la Mỹ. BRI qua cơ hội này đã bành trướng thế lực qua Iran và biến Iran thành con nợ. Nếu Iran sản xuất thành công vũ khí hạt nhân và tiêu diệt được Do Thái, thì Iran sẽ trở thành lãnh tụ tại Trung Đông và Trung Quốc sẽ có cơ hội thao túng Trung Đông theo ý muốn của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Về phương diện chính trị, mục tiêu của ĐCSTQ là tạo ảnh hưởng và can thiệp nội bộ.
BRI được sử dụng như công cụ để gia tăng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc tại các quốc gia đối tác, thông qua các hình thức như:
- Đưa ra các điều kiện ngầm ràng buộc chính sách đối ngoại thân Trung Quốc.
- Thúc đẩy các chính quyền thân Bắc Kinh lên nắm quyền bằng nguồn lực tài chính.
- Áp dụng mô hình “ngoại giao chiến lang” để gây áp lực với các nước chỉ trích Trung Quốc.
Về quân sự, đảng Cộng Sản Trung Quốc củng cố năng lực triển khai lực lượng ra ngoài. Mặc dù không tuyên bố công khai, nhưng thông qua BRI, Trung Quốc đang mở rộng các cơ sở hậu cần quân sự trá hình khắp nơi trên thế giới:
- Căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở Djibouti (châu Phi) được xây dựng dưới danh nghĩa hỗ trợ hàng hải.
- Các cảng biển do Trung Quốc kiểm soát tại Pakistan (Gwadar), Myanmar (Kyaukpyu),
- Campuchia (Ream) có thể dễ dàng được quân sự hóa.
- Khu vực Formosa khống chế vùng biển Thanh-Nghệ-Tỉnh ở Việt nam.
- Thiết lập các điểm tiếp vận trên khắp Ấn Độ Dương để kiểm soát tuyến hàng hải quan trọng.
Ngoài ra BRI cũng là một phần trong chiến lược truyền bá mô hình quản trị độc đoán kiểu Trung Quốc, trong đó phát triển kinh tế mà không cần dân chủ. Nhiều quốc gia độc tài đã học theo mô hình “phát triển tập trung quyền lực” mà Trung Quốc cổ vũ, làm suy yếu các giá trị dân chủ tự do trên toàn cầu.
BRI và quan hệ giữa Trung Quốc – Việt Nam: Hợp tác hay lệ thuộc?
Quan hệ giữa đảng Cộng Sản Trung Quốc và đảng Cộng Sản Việt Nam là quan hệ đặc biệt giữa hai đảng Cộng sản cầm quyền, được duy trì qua các thời kỳ chiến tranh và thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hai đảng thường xuyên nhấn mạnh “tình hữu nghị truyền thống” và “đồng chí cùng chung lý tưởng.” Tuy nhiên, thực chất ai cũng biết là đảng Cộng Sản Trung Quốc luôn duy trì chính sách thôn tính và biến Việt Nam thành một chư hầu như trong thời kỳ 1000 Bắc thuộc thời xưa.
Mặc dù Việt Nam là một trong số ít quốc gia Đông Nam Á không chính thức ký kết toàn diện tham gia BRI, nhưng thực chất vẫn bị đảng Cộng Sản Trung Quốc lũng đoạn từng phần thông qua các dự án cụ thể.
Một số dự án đáng chú ý như:
- Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vay vốn từ Trung Quốc, chậm tiến độ, đội vốn khủng, và phụ thuộc vào công nghệ, nhân lực Trung Quốc.
- Nhiều dự án hạ tầng, đặc biệt ở khu vực phía Bắc và ven biển, do nhà thầu Trung Quốc trúng thầu theo hình thức EPC.
- Thu mua mỏ than Quảng Ninh của Việt Nam, rồi cho không các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than không còn sử dụng ở Trung quốc, rồi xoay lại bán than Quảng ninh cho Việt Nam với giá cắt cổ.
- Ngang nhiên chiếm đóng hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa để chiếm đoạt các mỏ dầu khổng lồ nằm dọc hai quần đảo này.
- Mua chuộc chính quyền để mua hết các mỏ quý hiếm như bô xít, cao lanh, và các quặng kim loại quý hiếm khác.
- Thu tóm và lũng đoạn các mỏ đất hiếm ở Việt Nam đến nỗi cả thế giới chẳng ai biết Việt Nam cũng có đất hiếm và nhiều khoa học gia có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
- Ngoài ra còn các khoản viện trợ không hoàn lại hoặc tín dụng ưu đãi từ Trung Quốc thường đi kèm điều kiện ngầm như sử dụng nguyên vật liệu, nhân công, công nghệ Trung Quốc, khiến Việt Nam khó kiểm soát chất lượng và chi phí.
Qua những chính sách hợp tác này, đảng Cộng Sản Trung Quốc dần dần trở thành chủ nợ lớn nhất của Việt Nam, qua đó khống chế chính quyền Việt Nam, ngầm biến Việt Nam thành một chư hầu của Trung Quốc để thực thi những chính sách của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
BRI và giấc mộng đại Hán”bình thiên hạ” mới
Tư tưởng “Trung Hoa” là trung tâm thiên hạ” đã có từ thời xa xưa nhất lúc Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ vào thế kỷ thứ 3 TCN và kéo dài xuyên suốt nền văn minh của Trung Quốc cho đến thời kỳ Nhà Thanh ở thời kỳ cận đại. Trung Quốc luôn coi mình là trung tâm văn minh, các nước xung quanh là chư hầu. Việc các nước triều cống Thiên triều được coi là một đạo lý vô hình tuân theo sự sắp đặt của Thượng đế.
Dưới thời nhà Thanh, Trung Quốc bị liệt cường Âu châu xâu xé đã trở thành một quốc nhục. Trong thời kỳ kế tiếp, đảng Cộng Sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông muốn dùng mô hình Cộng sản để làm cho nước Trung Hoa vĩ đại trở lại qua các kế hoạch Đại nhảy vọt, Trăm hoa đua nở … tuy nhiên nhất nhất đều bị thất bại. Đến thời kỳ Đặng Tiểu Bình, tư tưởng của đảng Cộng Sản Trung Quốc được chuyển hướng qua kinh tế thị trường theo kiểu Mỹ trong khi vẫn duy trì nền chính trị theo Cộng sản, Đặng đã đưa kinh tế của Trung Quốc tiến lên một bước thực sự nhảy vọt để trở thành nền kinh tế đứng hàng thứ hai trên thế giới, chỉ sau siêu cường Mỹ.
Thừa hưởng thành quả này, Tập Cận Bình có tham vọng muốn đưa Trung Quốc lên vị trí số 1 trên thế giới như tư tưởng “bình thiên hạ” đã có trong huyết quản của những người Trung Quốc từ mấy ngàn năm nay.
Tập Cận Bình từ khi lên nắm quyền đã khởi xướng khái niệm “Giấc mộng Trung Hoa” (ChinaDream), nhằm tái sinh dân tộc, phục hưng văn minh Trung Hoa, và vượt qua phương Tây.
Sáng kiến BRI, với bản đồ “hợp tác” giống như bản đồ cống phẩm ngày xưa, cho thấy đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn tái định hình lại cấu trúc quyền lực toàn cầu trong đó Trung Quốc là bá chủ thế giới và các nước khác phải triều cống và nghe theo mệnh lệnh của Thiên tử Trung Hoa.
Phản ứng toàn cầu và tương lai của BRI
Hiện nay các nước phương Tây như Mỹ, EU, Nhật Bản đã cảnh báo về “bẫy nợ” và âm mưu địa chính trị của Trung Quốc. Ấn Độ phản đối kịch liệt BRI do tuyến đường đi qua vùng tranh chấp Kashmir. Một số nước như Malaysia, Myanmar, Tanzania từng hủy hoặc đàm phán lại các dự án do nghi ngờ tính khả thi và độc lập của nó. Tuy nhiên, nhiều nước đang phát triển vẫn tham gia vì nhu cầu cấp thiết về cơ sở hạ tầng.
Kết luận
Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” là nỗ lực toàn diện và có tính toán của Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu. Mặc dù khoác áo hợp tác kinh tế và phát triển,nhưng BRI chứa đựng nhiều yếu tố bá quyền và mưu đồ chính trị.
Việc liên hệ với Con đường Tơ lụa xưa không chỉ nhằm gợi lại thời kỳ vàng son trong lịch sử Trung Hoa mà còn là một chiến lược khôn khéo để hợp pháp hóa những bước đi mở rộng ảnh hưởng.
Tuy nhiên, trong một thế giới ngày càng tỉnh táo và cảnh giác, nhất là trong thời gian gần đây, khi Tổng thống Trump tái đắc cử, chính quyền Trump đang được cho là có nhiều động thái nhằm kiềm chế con rồng hung hãn Trung Quốc với tham vọng làm bá chủ hoàn cầu này.
Cùng tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/i-to-p/ly-thanh-phuong/
