Thầy giáo làng, kỳ 42

by Tim Bui
Thầy giáo làng, kỳ 42

NGUYỄN TRỌNG HIỀN

Sau khi tỉa xong luống cuối cùng, Tâm dừng lại nghỉ ngơi, nhìn quanh nhưng không thực sự nhìn thấy khu vườn nhà. Trời tối sầm lại khi cơn mưa cuối mùa bắt đầu rơi xuống và bị gió thổi xiên. Chàng vội chạy ra giếng rửa sạch rồi đi vào trong nhà.

Mẹ chàng và Thi ngồi trên giường của mẹ kê ở một góc phòng. Cô học trò đang khóc trong khi mẹ chàng nắm lấy tay nàng và vỗ về, thì thầm với nàng những lời an ủi. Tâm đứng ở cửa, không biết có nên vào phòng hay không. Bà mẹ nhìn chàng rồi gật đầu, thầm bảo chàng vào đi.

Chàng đến ngồi trên ghế cạnh cái bàn mà cha chàng đã tự tay đóng bằng tre. Sau khi lau khô người, chàng để ý đến hai người phụ nữ, một người có nét mặt nhăn nheo và nhân hậu, còn người kia có khuôn mặt sắp rời xa tuổi thơ ấu nhưng vẫn còn giữ được nhiều nét hiền dịu như lần đầu tiên nàng đến trường làng.

Mắt nàng trông xuống đất, không nhìn một ai. Tâm không nhớ mình đã bao giờ nhìn thấy Thi khóc chưa, và nỗi đau khổ mà chàng cảm thấy bây giờ khi nhìn thấy những giọt nước mắt của nàng gia tăng một cách nhanh chóng trong lòng chàng. Thi là một trong những người hiếm hoi có thể mang lại niềm vui cho môi trường xung quanh mình, đặc biệt là ở trường làng này. Tại đây, hai thế hệ gia đình của chàng đã nuôi dưỡng tâm hồn nàng đồng thời thụ hưởng sự tận tâm mà nàng đã dành cho họ.

“Ông xã trưởng hôm nay cử bà mối đến nhà Thi,” mẹ chàng nói. “Bây giờ bà ấy đang ở đó, đại diện cho xã trưởng và con trai, quan tuần phủ mới.”

Từ lúc rời khỏi nhà của Xã Long, Tâm biết ngày đó sẽ đến. Chàng giữ chuyện đó trong lòng, và thất bại trong việc chôn vùi nó vào trong tiềm thức. Chàng đã hợp lý hóa ý tưởng nên mừng cho Thi. Kết hôn với một ông quan cấp cao như tuần phủ phải chăng là ước mơ của nhiều thiếu nữ.

“Thi nói rằng nàng không muốn lấy chồng”

Liệu Tâm có cần phải nhắc nàng về ba quy định trong Nho giáo về nghĩa vụ của người đàn bà trong xã hội hay không? Tại gia tòng phụ (khi còn ở nhà phải nghe theo cha) ; xuất giá tòng phu (lúc lấy chồng phải nghe theo chồng) ; phu tử tòng tử (nếu chồng chết phải nghe theo con trai). 

Nàng chắc cũng biết rằng việc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt và điều đó có nghĩa là mọi xu hướng hay sở thích cá nhân phải được bỏ sang một bên. Tục lệ đó có từ nhiều thế kỷ và đã từng áp dụng cho vô số cặp vợ chồng, đưa đến sự ổn định cả trong gia đình và ngoài xã hội. 

Với tư cách là một trong những trụ cột của uy quyền đạo đức trong làng, đó có nên là lời khuyên của Tâm không?

Lần đầu tiên Thi lên tiếng kể từ khi chàng vào trong nhà.

“Bác ơi, con buồn quá. Con phải làm gì đây? Con sẽ nói gì với cha mẹ? Tại sao cuộc sống của con không thể tiếp tục như trước? Con chỉ muốn tiếp tục con đường học vấn của mình, và được ở đây trong ngôi trường này với bác và thầy Tâm.”

Thi ngước đôi mắt lóng lánh nước lên nhìn Tâm, và lúc đó chàng biết rằng chàng không thể khuyên bảo nàng những điều mà bổn phận đòi hỏi.

Mẹ chàng cố gắng dùng những lời nói mà bà thường dùng khi không có phương cách nào khác để an ủi một tâm hồn đang đau buồn.

“Thi ơi, con người lớn lên và đi trên con đường mà nghiệp chướng đã vạch sẵn cho họ. Bác đã thấy nhiều người như cháu đến trường làng học, rồi ra đi sau vài năm để hoàn thành số phận trong cuộc đời. Hầu hết tự nguyện rời đi, một số ít làm như vậy một cách miễn cưỡng, sợ hãi trước những gì họ phải đối mặt ngoài kia. Nhưng tất cả đều tiếp tục sống cuộc sống rất hạnh phúc. Bác đã từng biết cháu trong suốt những năm qua và bác biết cháu rất có năng khiếu và có một trái tim nhân hậu. Cuộc sống chỉ có thể chứa đựng toàn những điều tốt đẹp cho cháu.”

Thi cúi đầu nhìn xuống sàn nhà, lắc đầu từ từ. Tâm chưa kịp suy nghĩ thêm thì chàng đã nói nhỏ nhưng đủ rõ để át cả tiếng mưa dồn dập đập trên mái nhà và trên mặt đất bên ngoài.

“Thi, em nên về nhà và nói với cha mẹ những gì em vừa nói ở đây. Em nên cho cha mẹ biết em cảm thấy thế nào và nghĩ gì về hướng đi mà em mong muốn cho của cuộc đời của em.”

Hai người phụ nữ quay mặt lại nhìn chàng. Bà Lân tỏ ra hơi sửng sốt, còn Thi, mắt vẫn còn ngấn lệ, cũng lộ vẻ ngạc nhiên. Tuy nhiên, khi nàng nhìn Tâm, nàng thôi không khóc nữa và khuôn mặt của nàng dần dần sáng sủa.

“Thi không thể về nhà bây giờ,” mẹ chàng cắt ngang. “Ngoài kia đang mưa to. Cháu ở lại ăn cơm đi Thi, khi nào tạnh thầy Tâm sẽ đưa cháu về.”

  Thi đứng dậy và cố gượng cười.

“Cám ơn bác đã mời cháu ở lại, nhưng cháu có thể xin bác một điều được không?”

“Và đó là điều gì vậy, Thi?”

“Bác để cháu nấu cơm tối nay. Hôm nay bác đã làm nhiều rồi. Vậy bác đừng đứng dậy và đừng làm gì hết cho đến khi cháu nấu xong bữa cơm tối.”

***

Sau khi tạnh mưa, Bà Bí bỏ đi báo cáo với Xã Long. Bà ta ở nhà Cả Nguyên lâu hơn bình thường vì thời tiết. Người cha từ ngoài đồng về nhà ngay khi trời bắt đầu đổ mưa. Trong khi bà Nguyên vui mừng thuật lại cho chồng chuyện gì đã xảy ra, bà Canh và bà Bí trao đổi những nụ cười hiểu biết. Người chồng không hào hứng đón nhận tin như bà vợ, mà lại nói lên một điều không ai ngờ được.

“Trước tiên mình phải nói với Thi để xem nó cảm thấy thế nào về chuyện này.”

  “Để tôi bảo con nó lên ngay.”

Bà Nguyên ra cửa sau nhà gọi con gái.

Vài phút sau, rõ ràng là bà ta không biết tìm ra cô con gái ở đâu cả. Người mẹ khéo léo giải thích rằng có lẽ nàng đã bị mắc mưa ở một nơi khác và đang đợi trời tạnh trước khi về nhà.

Bà Bí không ngạc nhiên. Các cô dâu tương lai ngại ngùng hoặc sợ hãi bà mối là điều bình thường. Có những cô còn lẩn trốn cho đến khi nào bà mối ra về. Có lẽ đó là trường hợp cô con gái Cả Nguyên.

“Không sao, tôi không cần gặp lại cháu nữa,” Bà Bí trấn an vợ chồng Cả Nguyên. “Tất cả những điều tôi cần bây giờ là anh chị cho tôi ngày và giờ sinh của cháu. Tôi sẽ đưa ngày giờ đó, cùng với ngày và giờ sinh của quan Tuần Phủ, cho thầy tử vi. Thầy ấy sẽ sớm cho chúng ta biết liệu hai người có hợp nhau hay không. Chúng ta chỉ phải đợi cho đến lúc đó thôi.”

Bà Bí đã nghĩ về cách làm thế nào có thể sử dụng thầy tử vi để thương lượng một phí khoản tốt hơn với Xã Long. Lúc đầu, các ngôi sao và nơi hợp lưu của chúng có thể khó đoán, khiến người ta không chắc hai người phối ngẫu tương lai có hợp với nhau hay không. Sau đó, nếu chú rể kiên quyết muốn lấy được cô dâu mà mình để mắt tới, thì Bà Bí sẽ cần có thêm một số tiền nữa để thuyết phục thầy tử vi giải đoán một lần thứ hai, một lần hoàn toàn thuận theo ý trời. Bà Bí đã hành nghề như thế tại nhiều tỉnh trong nhiều năm và mưu mẹo đó vẫn chưa lần nào thất bại. Những thầy tử vi mà Bà Bí sử dụng không bận tâm đến mưu mẹo này vì họ cũng được hưởng lợi thêm một ít.

Ở ngôi làng này, một khách hàng thú vị khác là cô con gái của ông Xã Trưởng. Cô nàng vừa trở về nhà sau khi bị bọn giặc bắt cóc đi mấy ngày. Quay sang bà Canh, bà mối cố gắng tìm hiểu thêm về Kim Liên.

“Này bà Canh, cô con gái ông Xã Trưởng, cô ấy có nơi nào chưa?”

“À, cô đó, đàn ông mà đến gần cô nàng là đã sợ hết vía,” bà Canh cười trả lời. “Cô ấy có tính khí của cha mình, với ý chí mạnh mẽ và hiếu chiến như ông ấy. Đó là lý do tại sao cô ấy vẫn còn độc thân, mặc dù hầu hết các cô gái ở độ tuổi của cô ấy giờ này đã có chồng rồi.”

“Cô ấy không xấu, ăn mặc đàng hoàng, và gia đình nổi tiếng và quyền lực,” bà Bí tuyên bố. Giá như cô con gái nhà này thử làm theo Kim Liên, thay vì để hàm răng trắng và đầu tóc lố bịch đó.

“Nói thật với bà, người có thể xứng đôi vừa lứa với cô đó chỉ có ông thầy giáo làng thôi,” bà Canh nói bằng cái giọng âm mưu mà bà hay dùng khi ngồi lê đôi mách. Bà không cần để ý đến nét mặt thản nhiên của cha mẹ Thi. “Thiên hạ nói rằng người đàn ông duy nhất mà cô ta ấy kính nể, ngoài cha cô ấy, là Thầy Tâm.”

Bà Bí bây giờ còn tò mò hơn.

“Vậy thì thầy ấy còn chờ gì nữa? Anh ta phải bằng tuổi với quan Tuần Phủ mới, phải không?”

 Liếc nhanh về phía cha mẹ của Thi, Bà Bí nói thêm: “Nhưng quan Tuần Phủ không già đâu. Ai cũng biết ngài đã phải trải qua nhiều năm học tập để có thể được như ngày hôm nay và làm cho cả gia đình lẫn cả làng này hãnh diện.”

Bà Canh không quan tâm đến phản ứng mà bà có thể đã gây ra, và tiếp tục một cách vui vẻ.

“À, sau khi thầy Tâm khiến bọn cướp thả cô con gái ông Xã Trưởng và đưa cô ấy trở về làng, mọi người nói rằng ông Xã Trưởng có thể sẽ bắt đầu một cái gì đó. Bà biết rằng chính ông Xã Trưởng đã kết hôn với con gái của một hương sư, phải không? Nhưng hiện bây giờ ưu tiên của ông ta là cậu con trai. Khi xong chuyện đó, sẽ đến lượt cô con gái. Đó là khách hàng tương lai của bà đấy!”

***

Hai người không đi qua phía sau như Thi lúc nãy mà đi theo con đường cái. Tâm mang theo một chiếc đèn lồng nhỏ bằng giấy treo ở đầu một thanh tre nhỏ. Không khí ban đêm mát mẻ và trong trẻo hơn. Mưa đã tạnh và để lại nhiều vũng nước. Không thể đi theo một đường thẳng được, Tâm và Thi phải đi vòng quanh rất nhiều vũng nước.

Thi theo sát Tâm và có lúc nắm lấy tay của chàng để giữ thăng bằng. Chàng quay về phía nàng, nhưng Thi đã thả tay ra khi bước sang một vũng nước khác. Họ nhìn nhau một lúc, mỗi người ngạc nhiên vì sự tiếp xúc bất ngờ. Tâm mỉm cười khi nhớ lại những trò chơi thời thơ ấu chàng đã chơi với Thi và những lần chàng cõng nàng trên lưng hoặc bế trên tay. Thi dường như cảm thấy ấm áp trước nụ cười của chàng và đưa tay ra. Chàng sẵn sàng nhận lấy và dẫn nàng đi về phía trước.

Khi đến nhà nàng, hai thầy trò dừng lại và từ từ buông tay. Cả hai vẫn im lặng, không biết phải nói gì, nhưng mỗi người đều có những suy nghĩ riêng quay cuồng trong đầu. Trong nhà Thi có ánh đèn nên có lẽ bà mối vẫn còn ở đó.

“Thi, em vào nhà đi.”

“Vâng thưa thầy.”

Tâm nhìn và đợi nàng bước qua cổng và đi vào trong nhà. Lúc đó chàng mới quay lại để đi về trường làng.

Trong bóng tối, cả hai không nhìn thấy ra bà Bí đang quan sát họ từ phía bên kia đường.

Tối hôm đó, khi về đến nhà, Tâm đã thấy mẹ ngồi đợi sẵn trên chiếc giường gỗ kê ở một góc. Không đợi chàng ngồi xuống, bà mẹ đã hắng giọng và bắt đầu.

“Hôm nay Thi rất buồn bã khi đến đây.”

Tâm đi đến bàn của mình và ngồi đợi, nhìn vào quyển sách mà chàng đã để mở sẵn trước đó. Chàng nhìn và nhận ra những chữ in trên giấy, nhưng chàng bị phân tâm và không hiểu được ý nghĩa của chúng.

“Mẹ biết con bao giờ cũng cư xử đúng mực như một thầy giáo, đặc biệt là trong vài năm qua khi Thi lớn lên và trở thành một thiếu nữ. Chắc con không biết điều đó, nhưng Mẹ đã theo dõi con và biết rằng con đã duy trì khoảng cách thích hợp và cần thiết vì địa vị của mình. Nếu không, Mẹ đã nhắc nhở con về những bổn phận của con ngay lập tức.”

Tâm nhìn vào bóng tối bên ngoài, tự hỏi liệu việc đưa Thi về nhà hôm nay có phải là sai lầm hay không. Chàng có khôn ngoan không khi nắm tay nàng, viện cớ là đường trơn trượt đầy những vũng nước mưa? Vài tháng trước đây, chàng đã để hoàn cảnh đẩy mình vào mối quan hệ với một thiếu nữ khác. Sau khi thất bại trong kỳ thi, người ta đã khuyên chàng chấm dứt mọi liên lạc với cô ấy và trở về làng của mình. Chàng đã cố gắng nhưng vẫn chưa quên kinh nghiệm cay đắng đó.

“Mình đã biết Thi nhiều năm rồi và nàng đã trở thành một phần của gia đình chúng ta. Cha của con đã từng cưng chiều Thi, cho đến lúc cuối đời. Mẹ đã quen với sự hiện diện của Thi, và nàng đối với mẹ như một người con đẻ.”

Bà mẹ dừng lại và nhìn quanh căn phòng, như có thể tìm thấy Thi trong đó.

Tâm nhớ đến cô bé thích chơi nhà và thường xoay xở để khiến chàng tham gia vào những trò chơi thời thơ ấu. Mẹ chàng cũng nuông chiều nàng, cho nàng tự do vào bếp và cuối cùng là khắp cả nhà. Thi thực sự là người con gái và người em đã chia sẻ cuộc sống với mọi người trong gia đình.

“Chưa bao giờ Thi buồn như hôm nay khi kể cho Mẹ nghe chuyện ông Xã Trưởng cử bà mối đến thưa chuyện với cha mẹ cô ấy. Chính con đã nhìn thấy nàng khi con bước vào nhà sau đó. Thi chỉ thôi không khóc nữa sau khi con nói rằng nàng nên cho cha mẹ biết về cảm xúc của chính nàng.”

Bà Lân để một lúc trôi qua rồi nhìn thẳng vào chàng.

“Còn con thì sao, thầy Tâm? Hãy cho mẹ biết cảm xúc của con là gì.”

Chàng đã sẵn sàng với một câu trả lời.

“Mẹ ơi, con chỉ cầu mong những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống cho Thi. Nhưng chính bản thân Thi và cha mẹ nàng sẽ phải quyết định những điều đó là gì. Con không thể khuyến khích Thi đừng vâng lời cha mẹ nàng.”

Sau một lúc lâu, Bà Lân thở dài, thất vọng nhưng không ngạc nhiên về câu trả lời của con trai mình. Bà thấy Tâm đã có những lúc buồn rầu kể từ khi về nhà. Ban đầu, bà cho rằng đó là do sự thất vọng của chàng về kết quả kỳ thi, nhưng khi thấy chàng làm việc hết mình trong việc áp dụng lối viết mới và hoạt động tích cực với các học trò của mình để quảng bá chữ Quốc Ngữ, bà mẹ cảm thấy có lẽ có một lý do khác. Bà muốn hỏi con trai về điều đó, nhưng bà đã không hỏi khi thấy Tâm bận rộn với việc giảng dạy và chuẩn bị cho các lớp học của mình.

“Con nói đúng rồi. Đó là những gì mẹ cũng đang nghĩ, và nếu còn sống, cha của con cũng sẽ đồng ý với mình.”

Bà Lân tự hỏi mình còn bao nhiêu lâu nữa trước khi sang thế giới bên kia để đoàn tụ với chồng. Bà không muốn rời xa Tâm cho đến khi chàng có người chăm sóc cho, một người như Thi. Bà sẽ rất tán thành điều đó, nhưng con trai bà có để cửa ngỏ cho ước muốn đó của bà không? Bà sợ rằng không, nhưng bà không biết tại sao Tâm lại như vậy. Có lẽ một cái gì đó phải xảy ra, nhưng bà không biết nó sẽ là gì. Một lúc sau, bà mẹ thở dài.

“Tâm, mẹ không biết tại sao, nhưng Mẹ cứ nghĩ rằng cuộc sống của con và Thi từ giờ trở đi sẽ gặp nhiều chuyện thử thách. Hai con đã làm gì trong kiếp trước để gây ra tình trạng đó?”Câu nói ấy giống như câu mà chính Tâm đã từng nói với Giang. Như một con đê bị vỡ, những ký ức tràn ngập vào thâm tâm chàng, và chàng không thể làm gì để ngăn chúng lại.

(Còn tiếp)

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/a-to-h/nguyen-trong-hien/

You may also like

Verified by MonsterInsights