Chúng ta đang nghe nhiều về thuế quan – và nguy cơ thuế quan cao hơn – vậy điều này thực sự sẽ ảnh hưởng đến giá cả thực phẩm tại các siêu thị ở Hoa Kỳ như thế nào? Câu trả lời, theo những người trong ngành thực phẩm, không hề đơn giản. Hoa Kỳ tự sản xuất và chế biến nhiều loại thực phẩm trong nước, nhưng cũng phụ thuộc không nhỏ vào hàng hóa nhập cảng.
David Ortega, một chuyên gia kinh tế thực phẩm và giáo sư tại Đại học Tiểu bang Michigan, nhận định thẳng thắn: “Câu trả lời ngắn gọn là có, giá cả sẽ tăng lên. Chúng có thể không tăng vọt đối với tất cả các sản phẩm nhập cảng, nhưng chúng sẽ tăng. Thuế quan là một loại thuế đánh vào hàng nhập cảng, vì vậy theo định nghĩa, chúng gây ra lạm phát.”
Ngay cả khi thuế quan cao hơn có thể chưa đến ngay lập tức sau khoảng thời gian tạm dừng 90 ngày, mức thuế căn bản 10% đối với tất cả hàng hóa, cộng với các loại thuế cao hơn đối với sản phẩm Trung Quốc đã có hiệu lực, cũng đã tạo ra một sự gia tăng đáng kể trong chi phí thực phẩm cho ngân sách của người Mỹ. Thomas Gremillion, giám đốc chính sách thực phẩm tại Liên đoàn Người tiêu thụ Hoa Kỳ, cho rằng chỉ riêng mức thuế “mặc định” 10% đã đại diện cho một đợt tăng thuế liên bang có tác động rất lớn và đối với người có thu nhập thấp.
Cơ chế hoạt động của thuế quan
Điều quan trọng cần hiểu là thuế quan chỉ đánh vào giá trị của sản phẩm tại biên giới, theo giải thích của Ortega. Sau đó, sản phẩm còn phải chịu thêm các chi phí phát sinh trong nước như vận chuyển đến cửa hàng, phân phối, chi phí bán sỉ và lợi nhuận bán lẻ. Những chi phí này không bị đánh thuế quan. Do đó, giá của một sản phẩm cụ thể sẽ không nqất thiết tăng đúng bằng mức phần trăm thuế quan áp dụng.
Tăng giá và sự bất định
Nhìn chung, Hoa Kỳ nhập cảng khoảng 15% nguồn cung thực phẩm, bao gồm 32% rau tươi, 55% trái cây tươi và đến 94% hải sản, theo số liệu từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Một số mặt hàng như cà phê và chuối gần như hoàn toàn được trồng ở nước ngoài.
Thuế quan đang gây ra sự không chắc chắn, từ những gia đình đang liệt kê danh sách mua sắm đến các công ty nhập cảng thực phẩm. Ông Gremillion nói: “Đối với người tiêu thụ, điều này có thể gây thêm khó khăn trong việc quản trị túi tiền. Đối với các công ty thực phẩm, điều này có nghĩa là sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng có thể dẫn đến lãng phí thực phẩm nhiều hơn và rủi ro an toàn thực phẩm cao hơn.”
Một lãnh vực có thể chịu tác động đặc biệt là hải sản. Người ta vẫn chưa rõ cách thức đánh thuế sẽ diễn ra như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Michael Swanson, Chuyên gia Kinh tế Nông nghiệp Chính tại Viện Nông sản Thực phẩm Wells Fargo, nêu vấn đề: “Rất nhiều hải sản được đánh bắt ở đây, sau đó đưa sang Trung Quốc, nơi có lao động dồi dào và rẻ hơn để lóc xương, lột da, lấy chỉ, rồi đóng gói lại, đông lạnh và đưa trở lại Hoa Kỳ.” Câu hỏi đặt ra là, liệu quy trình này có bị đánh thuế không? Liệu nó có bị đánh thuế khi vào Trung Quốc, rồi lại bị đánh thuế khi ra, và trở nên quá đắt đỏ cho tất cả mọi người?
Rau quả tươi cũng có thể sẽ đắt hơn. Người tiêu thụ có nhu cầu quanh năm đối với các loại trái cây và rau quả, và đây là một phần lý do tại sao Hoa Kỳ nhập cảng nhiều mặt hàng này. Hoa Kỳ không thể trồng một số sản phẩm trong nước, như chuối, hoặc chỉ có thể sản xuất theo mùa. Trong nhiều trường hợp, nhập cảng thực phẩm rẻ hơn trồng trong nước, phần lớn do sự khác biệt về chi phí lao động. Tương tự, dù một lượng nhỏ cà phê được trồng ở Hawaii, chúng ta không trồng đủ để đáp ứng nhu cầu nội địa. Vì vậy, những mặt hàng chịu thuế quan 10% chắc chắn sẽ tăng giá. Ông Ortega cũng nhấn mạnh rằng các gia đình thu nhập thấp chịu tác động nặng nề nhất, vì họ chi một phần lớn thu nhập của mình cho thực phẩm.
Giá tăng ngay dù không có thuế quan trực tiếp?
Một điểm đáng chú ý là một số nhà bán lẻ có thể vẫn tăng giá sản phẩm ngay cả khi bản thân sản phẩm đó không bị đánh thuế trực tiếp. Chris Costagli từ NielsenIQ giải thích về khái niệm “quản trị khoảng cách giá trong ngành”. Ngay cả khi bạn là nhà sản xuất thực phẩm hoàn toàn nội địa, “nếu giá của tất cả các đối thủ cạnh tranh của bạn đang tăng lên vì họ bị ảnh hưởng bởi thuế quan… bạn cũng có thể tăng giá của mình,” ông nói.
Ngoài ra, một món ăn có thể được sản xuất tại Hoa Kỳ, nhưng bao bì hoặc các thành phần khác để làm ra sản phẩm đó lại có thể được nhập cảng. Điều này cũng có thể dẫn đến việc tăng giá.
Việc theo dõi các quy định thuế quan rất phức tạp, đặc biệt là khi các chính sách liên tục thay đổi. Có mức thuế 25% đối với hàng hóa từ Mexico và Canada (trừ khi thuộc hiệp định USMCA), mức thuế căn bản 10% đối với hàng nhập cảng từ các nước khác, và mức thuế 145% đối với hàng từ Trung Quốc. Sự thay đổi liên tục và các điều khoản miễn trừ khiến nhiều người tiêu thụ không rõ sản phẩm nào đang bị đánh thuế và mức thuế là bao nhiêu.
Một số mặt hàng có thể giảm giá
Tuy nhiên, cũng có một góc nhìn khác. Hoa Kỳ là một nhà sản xuất thực phẩm lớn và xuất cảng rất nhiều, ví dụ như khoảng 15% gia cầm và 20% thịt heo. Ông Swanson từ Wells Fargo cho rằng nếu một số thị trường xuất cảng bị mất đi do thuế quan trả đũa, lượng hàng đó sẽ phải ở lại thị trường nội địa và thực sự có thể làm giảm giá. “Chúng ta có thể thấy giá thịt heo và gia cầm giảm xuống khi thị trường phải bán chúng ở Mỹ trước,” ông nói.
Cách tiết kiệm cho người tiêu thụ
Người tiêu thụ có thể cố gắng tiết kiệm tiền bằng cách ưu tiên các loại thực phẩm được trồng, sản xuất hoặc chế biến tại Hoa Kỳ – và có rất nhiều lựa chọn như vậy. Tất nhiên, sẽ có những thứ họ phải trả nhiều hơn nếu không có sản phẩm thay thế hoặc họ không muốn đổi sang một sản phẩm khác (ví dụ như rượu champagne từ vùng Champagne của Pháp hay phô mai Parmesan chính gốc từ Parma, Ý). Nhưng có những nhà sản xuất phô mai parmesan ở Wisconsin với giá rẻ hơn. Người tiêu thụ có thể cân nhắc các sản phẩm thay thế khác, như thử rượu bourbon từ Kentucky thay vì rượu scotch từ Scotland.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên người tiêu thụ nên:
- Theo dõi sự biến động giá cả, đặc biệt là hải sản và thịt gà.
- Lập danh sách mua sắm và tuân thủ nó để tránh mua hàng không cần thiết.
- Cẩn thận với “shrinkflation” (hiện tượng giảm khối lượng/kích thước sản phẩm nhưng giữ nguyên giá). Hãy xem xét chi phí trên mỗi đơn vị.
- Xem xét các mặt hàng đông lạnh, khô và đóng hộp, chúng cũng có thể là lựa chọn lành mạnh.
- Cân nhắc các thương hiệu của cửa hàng tư (private-label), thường có chất lượng tương đương nhưng giá rẻ hơn.
- Cẩn trọng với các đợt giảm giá, không phải lúc nào cũng là món hời.
Tóm lại, thuế quan có khả năng làm tăng chi phí thực phẩm nói chung cho người tiêu thụ Hoa Kỳ, đặc biệt đối với hàng nhập cảng và những mặt hàng phụ thuộc vào nguyên liệu hoặc quy trình chế biến ở nước ngoài. Mặc dù có khả năng một số mặt hàng nội địa dư thừa có thể giảm giá, sự bất định và phức tạp của chính sách thuế quan đòi hỏi người tiêu thụ cần phải theo dõi sát sao và điều chỉnh thói quen mua sắm của mình.
Theo: USA Today