Tiếc gì một nén nhang, một lời khấn?

by Tim Bui
Tiếc gì một nén nhang, một lời khấn?

DAVID LE

Đọc báo trong nước, Tết nào cũng có một buổi “tế lễ vong linh” mấy ông đặc công ở Sài Gòn đã hy sinh vì nước. Đây là việc làm cần thiết và tình nghĩa của người sống với người đã mất. Đọc tin này, tôi nghĩ tới những người đã hy sinh để bảo vệ thành phố Sài Gòn trong các mùa Xuân quá khứ. 

Trong bối cảnh rất cần sự “hòa giải” tại sao chúng ta lại không có một buổi tế lễ những người đã nằm xuống cho mảnh đất này trong lịch sử? Dù họ là ai, đứng dưới ngọn cờ nào thì họ cũng là người Việt, cũng máu đỏ da vàng, cũng hy sinh dưới danh nghĩa “bảo vệ tổ quốc,” giữ gìn đất đai của tổ tiên!

Chúng ta không thể quên, mùa Xuân năm 1859, khi dân chúng Bến Nghé đang vui Xuân mới thì liên quân Pháp -Tây Ban Nha đã tấn công và nhanh chóng hạ thành Gia Định. Cái thành nay là cái nền của trung tâm thành phố Sài Gòn vẫn còn nóng trong lòng người Việt. Trong cuộc chiến này bao nhiêu người chết? Số liệu lịch sử không rõ ràng, nhưng ước tính phải cả ngàn người hy sinh để rồi thành Gia Định bị Pháp cho nổ tung bằng 33 cốt mìn. 

Ai chết trong trận này? Không rõ. Nhưng tất cả đều là người Việt.

Mùa Xuân năm 1861, cũng trong lúc dân chúng Bến Nghé, Chí Hòa, Bà Quẹo vui Xuân, liên quân Pháp -Tây Ban Nha tấn công và chiếm đại đồn Chí Hòa. Chỉ trong vài ngày, đại đồn đã bị hạ và lịch sử ghi nhận có hơn 1.000 người chết tại chỗ. Số còn lại bị giết và bị thương được đồng đội mang về đồn Thuận Kiều rồi mất sau đó là bao nhiêu? Tất cả không có số liệu. Họ là ai? Chúng ta không rõ nhưng điều chắc chắn họ là những người yêu nước và là người Việt. Họ quá xứng đáng để có được một buổi cầu siêu! Nói như cụ Đồ Chiểu trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, họ là những người:

Cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó,
Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung,
Chỉ biết ruộng trâu, ở theo làng, hộ
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm;
Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.

Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan;
Ngày xem ống khói chạy đen xì, muốn ra cắn cổ.

Họ chết không vì quyền lực, không vì tiền bạc, không vì cần được gắn tên lên bảng tên đường mà chỉ vì yêu nước thương nòi, thấy đất nước bị ngoại xâm mà cầm vũ khí xông ra trận tuyến. Họ không xứng đáng được một nén nhang, một lời khấn sao?

Không chỉ vậy, mùa Xuân năm 1968, cũng trong không khí vui Xuân mới, trận chiến diễn ra gần cả năm. Riêng Sài Gòn, quân lực hai bên đều thiệt hại. Dù đứng dưới lá cờ nào, danh nghĩa gì họ cũng là người Việt, là người bảo vệ đất nước. Sao hậu thế lại dễ dàng quên họ?

Nhưng những người thiệt hại nhiều nhất lại là dân chúng bị ở trong vùng chiến sự về cả tài sản lẫn nhân mạng. Dân ở gần phi trường Tân Sơn Nhất. Dân ở quận 5, 6. Dân ở Bình Thạnh… Con số mất mát tới nay vẫn chưa được biết. Họ là ai? Là người Việt!

Rồi mùa Xuân năm 1975, có bao nhiêu người chết, mất tài sản? Vẫn chưa có con số chính xác. Nhưng ít nhất chúng ta cũng biết được có hàng trăm ngàn người chết trên đường vượt biển, vài chục ngàn người chết trong các trại tù và hàng triệu gia đình ở riêng Sài Gòn bị ly tán!

Tất cả đều là người Việt.

Các mùa Xuân ấy đã qua rất lâu dù cố quên nhưng không thể nào không để lại những dấu ấn đau lòng cho thế hệ mai sau. Các cuộc chiến ấy không chỉ làm nhiều người chết, không chỉ làm nghèo đất nước mà còn làm tổn thương nặng nề đến nguyên khí của quốc gia. 

Đã năm mươi năm đi qua kể từ ngày 30/4/1975, dù cuộc chiến đã nguôi khói súng, nỗi đau cũng dịu đi nhưng vết thương trong lòng hàng triệu người Việt vẫn còn rỉ máu. Với “kẻ thù” nhà cầm quyền đã nhanh chóng hàn gắn, đã bắt tay hữu hảo, đã mua bán và gác lại quá khứ! Song với chính người Việt thì vẫn còn một “cuộc chiến” âm thầm diễn ra: cuộc chiến giữa người Nam và người Bắc. Người Việt thường có câu “nhớ lâu, thù dai” nhưng lại chỉ “thù” với chính đồng bào của mình, còn với những người bên ngoài thì rất mau quên! Đau lắm! Thay vì quên đi bằng cách hòa giải giữa người thắng và thua cuộc để xây dựng đất nước, thì đất nước lại xốc lên một trận chiến không tuyên chiến khác. Đó là trận chiến phân biệt vùng miền Bắc Nam trong việc giành quyền lực, giành đất đai, giành mối làm ăn… Thậm chí cả tiếng thơm cũng cố giành cho được! Bên thắng cuộc cho tới nay vẫn coi miền Nam đặc biệt là Sài Gòn là “chiến lợi phẩm.” Đó là việc người Bắc ào ạt đổ vào Nam sanh sống, làm ăn và chiếm giữ nhiều vùng đất công. Đó là việc tiếng nói, chữ viết của người miền Nam bị xóa bỏ. Đó là việc các công ty, các Bộ, ngành… của trung ương “chỉ có người Bắc” mới được nhận làm việc… khiến người Nam rất khó chịu. Mà không khó chịu sao được khi mình “bị thất nghiệp,” không được nói tiếng của mình ngay trên đất của mình, còn người được làm việc thì ở đâu đâu!

Và cũng trong 50 năm ấy, nhà cầm quyền chưa một lần nghĩ tới chuyện làm cái gì đó cho những người đã khuất. Có bao nhiêu linh hồn vất vưởng đang chờ đợi được siêu thoát? Một cuộc tế lễ cấp quốc gia dành cho những người đã bỏ mình trong các trận chiến diễn ra tại Sài Gòn có quá khó không? Chắc là không. Nhưng…

Trong khi đó, mỗi cục đất dưới chân người Sài Gòn vẫn còn ấm những dòng máu yêu nước. Mỗi ngọn cỏ, mỗi gốc cây vẫn còn phảng phất mùi máu lẫn xương cốt của người xưa. Tướng Trần Văn Trà, chủ tịch Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn Gia Định tuyên bố sau khi chiếm Sài Gòn: ‘’Đối với người Việt Nam không có ai là kẻ chiến thắng hay chiến bại.” Nhưng dường như câu nói ấy chỉ để xoa dịu bên thua cuộc để rồi….

Lịch sử cho biết, có nhiều quốc gia sau chiến tranh, dù tên gọi là gì “vệ quốc” hay “nội chiến” đều nhanh chóng hòa giải để cùng xây dựng đất nước. Còn chúng ta? Tại sao chúng ta không tổ chức được một đại lễ cầu siêu tế lễ các vong hồn đã mất trong các cuộc chiến ở Sài Gòn? Đó là điều mà nhà cầm quyền hiện nay cần làm. Đó chính là một hành động, một thái độ thực tâm muốn dân tộc hòa giải, bỏ qua quá khứ để cùng xây dựng đất nước giàu mạnh. Thay vì nắm tay nhau để xây dựng đất nước thì người Việt trong và ngoài nước, Nam và Bắc lại “nhìn ngó” nhau một cách thiếu tin tưởng. Vì sao?Một trí thức ở Mỹ nói “Khi tôi vượt biên, họ coi tôi là tội phạm. Cha anh tôi họ bỏ tù, có người chết trong rừng bụi không có một manh chiếu bó thây. Nay họ mời chúng tôi về “xây dựng đất nước” làm sao tin được!

Năm mươi năm đã qua, số trí thức thành đạt ở xứ người nhiều lắm, họ cũng muốn góp sức cho quê hương. Nhưng quê hương như hiện nay thì…!

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/chuyen-thoi-cuoc-nong-va-sot/

You may also like

Verified by MonsterInsights