Tiếng Lào ra tiếng Ý!

by Tim Bui
Tiếng Lào ra tiếng Ý!

TÁM BÔN XA

Chữ nghĩa tiếng Việt xưa nay vốn đã phong phú với hai miền có tiếng nói và cách thể hiện khác nhau. Song nói gì thì nói, xưa nay người Việt cứ nói “tiếng nào ra tiếng ấy” thì ngày nay không biết vì sao mà người Việt lại “nói tiếng Lào ra tiếng Ý!” Về mặt chữ nghĩa thì hai câu này như nhau nhưng phát âm thì mỗi người mỗi cách.

Bây giờ, cứ đọc tin tức, nghe thuyết minh phim, đọc sách hay nhờ ông Gu Gồ dịch tiếng Việt thì nhức cái đầu. Bởi chữ nghĩa bây giờ sao rối rắm và khó hiểu quá!

Một ông bạn của Tám suýt “sanh chuyện” vì hai chữ “thanh toán.” Số là lần đầu ảnh về nước, vô quá ăn uống xong kêu tính tiền thì người phục vụ hỏi lại “Anh muốn thanh toán phải không?” Nghe xong ổng dợm chưn bỏ chạy bởi thanh toán ở Sài Gòn trước đây là chuyện giải quyết ân oán giang hồ chứ đâu có nhẹ nhàng như giờ. 

Người trong nước giờ cũng còn ngạc nhiên với hàng loạt chữ nghĩa từ trên… ấy rớt xuống mà không biết tại sao nó xuất hiện! Tỉ như các giao lộ, ngã ba, ngã tư giờ biến thành “nút giao,” các bùng binh lại trở thành “vòng xuyến” một cách…vô lý! Thay vì “chết đuối” thì người ta lại nói “đuối nước.” Mà đuối nước diễn nghĩa ra thì chẳng có nghĩa gì cả nhưng… bà con cũng rùng mình khi đọc “hai chiếc tàu đâm nhau,” hay nghe các cô gái dễ thương nói “thức xuyên đêm.” Đâm theo tự điển xưa nay đều định nghĩa là “làm cho lủng một cái gì đó” tỉ dụ như “dao đâm qua tay” chứ hai chiếc tàu, hai chiếc xe chỉ có thể “đụng” nhau làm sao mà “đâm qua” được? Còn “xuyên” là “đi qua” một cách nhanh chóng, không có nhiều cảm giác về đêm, chứ thức cả đêm thì phải nói là “suốt đêm,” bởi thức như vậy phải nhận đầy đủ cái buổi đêm nó như thế nào. Nhưng… lại nhưng…

Có người cho rằng, tiếng nói, chữ trong nước giờ phải “thống nhất,” đặc biệt là thống nhất bỏ các chữ miền Nam từng xài. Hễ “tiểu đường” mà Sài Gòn đã xài thì phải biến thành “đái tháo đường.” Hễ “xe lửa” thì phải biến thành “tàu hỏa,” “tàu điện.” “Xe đò” trở thành “xe khách,” “xe hơi” phải là “ô tô” mới oách xà lách. Ngay như phi trường Tân Sơn Nhất cũng bị biến thành “sân bay Tân Sơn Nhất.” Cũng cần phải thanh minh thanh nga rằng “Tân Sơn Nhất” là tên riêng của một làng, một địa phương của đất Sài Gòn đã có từ thuở đất Gia Định trở thành tên hành chánh của Việt Nam. Vì có làng Tân Sơn Nhất nên mới có làng Tân Sơn Nhì kế bên. Tự ý đổi tên riêng mà không cần cúng xôi chè chi hết thì thiệt là…!

Người Sài Gòn, người miền Nam cũng đã “đứng hình” mấy chục năm nay khi nghe “quào” mà không thấy “vô” trong các cuộc đá banh đã bị biến thành “bóng đá!” Mấy ông “bình lựng diên” cứ liên tục “vào,” “quào” như thể mấy ổng nổi điên lên vậy. Còn mấy ông người Nam thì cứ vỗ đùi “ĐM, vô thì nói vô đại cứ quào quào quài, mệt thấy mẹ!”

Cứ nghe chuyện tất cả những con rạch ở miền Nam bị biến thành “kênh” ráo trọi thì muốn bịnh rồi. Rác thì nói mẹ là rác chớ mắc chi thêm chữ “thải” vô cho nó rối như canh hẹ? Chứ còn xe cộ thì nay ô tô mai lại xe khách, xe con. Khi thì mô tô lúc lại xe hai bánh. Không hiểu người ta muốn nói, viết gì?

Một ông bạn khác lâu lâu về thăm quê lại giật mình vì chữ “điện.” Điện thì có gì lạ nhưng mà lại lạ! Bởi nghe em cháu dặn “Mai mốt có gì cần thì điện nha!” Bà mẹ, lâu nay chỉ biết có một thứ điện, nay nó biểu điện cho nó chắc… chớt! Nghe riết mới hiểu nó dặn “alo,” “phone,” “điện thoại” cho nó. Cái việc nói tắt này cũng khiến dân ta rối rắm. Cũng có người vô cùng ngạc nhiên khi kêu tắc xi từ nơi ở ra “phi trường” mà không chiếc tắc xi nào biết chỗ. Hóa ra người ta đã đổi “phi trường” ra thành “sân bay,” còn “phi cảng” thì biến thành “cảng hàng không” mấy em mấy cháu sinh ra sau năm 1975 làm sao mà biết được.

Thôi thì “gặp thời thế thế thì phải thế” chứ biết sao bây giờ! Còn may, nay thì Sài Gòn thuở nào lại có “phường Sài Gòn” để mọi người, trẻ cũng như già, xưa cũng như nay, biết được rằng thành phố hiện nay nó có một chỗ tên là Sài Gòn. Mà Sài Gòn là ở đâu? Dạ thưa, đó chính là trung tâm của đất Sài Gòn thuở nọ. Ở đó có chợ Bến Thành, có nhà thờ Đức Bà, có…đủ thứ mà Sài Gòn từng có như câu thơ:

Sài Gòn có bến Chương Dương,
Có dinh Độc Lập, có đường Tự Do.

Hì hì, trừ cái tên Sài Gòn còn có mặt trên bản đồ hành chánh từ 1//7/2025 này, chứ các tên Bến Chương Dương, dinh Độc Lập, đường Tự Do đã biến mất tự thuở nào rồi. Bến Chương Dương nằm dọc bờ rạch Bến Nghé giờ là đường Võ Văn Kiệt. Dinh Độc Lập đã trở thành dinh Thống Nhất, còn đường Tự Do với quán cà phê La Pagode, tiệm ăn Brodard, vũ trường Maxim… đã trở thành đường Đồng Khởi từ hồi nẫm!Mấy bạn già xa quê lâu năm về thăm quê hương phải nhớ, giờ đất nước có nhiều thứ thay đổi lắm, đặc biệt là chữ nghĩa, tên đường xá, tên phường xã. Nghe xong phải hỏi lại cho chắc chứ không thì sẽ… mệt! Đặc biệt khi nghe “tiếng Lào ra tiếng Ý” thì phải hỏi lại hai lần nha!

Similar articles: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/a-to-h/hai-dot/

You may also like

Verified by MonsterInsights