Bắc Kinh – Một giải đấu túc cầu giữa các robot hình người trông vụng về nhưng lại là một bước đột phá đáng ghi nhớ cho công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) toàn diện vừa diễn ra tại Bắc Kinh.
Vào thứ Bảy, một giải túc cầu ba đấu với ba đã được tổ chức tại Bắc Kinh, với các đấu thủ là những robot trông giống người. Thoạt nhìn, trận đấu trông giống ngày đầu tiên của một giải đấu thiếu nhi hơn là sự trỗi dậy của một Lionel Messi phiên bản robot. Các robot di chuyển lạch bạch, loạng choạng và thỉnh thoảng ngã sấp mặt.
Cảnh các cầu thủ robot va vào nhau rồi ngã chồng lên nhau trong những cú va chạm chậm chạp diễn ra thường xuyên. Khung thành thường bị bỏ ngỏ và việc phòng thủ dường như không phải là ưu tiên. Một số robot giữ bóng khư khư, những con khác thì phải khó khăn lắm mới đứng được vững. Thậm chí, hai hoặc ba robot đã phải được đặt lên cáng và khiêng ra khỏi sân.

Tuy nhiên, đằng sau những cảnh tượng khôi hài đó là một công nghệ tối tân. Mỗi đội robot hoạt động hoàn toàn tự chủ, được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo mà không có sự can thiệp hay giám sát của con người. Đây là một bước đột phá đáng ghi nhớ, dù bị che khuất bởi màn trình diễn có phần hài hước trên sân.
Những robot có kích thước bằng trẻ em này được trang bị cảm biến thị giác tiên tiến, giúp chúng có thể xác định quả bóng và di chuyển trên sân với sự nhanh nhẹn dù còn ngập ngừng. Chúng cũng được thiết kế để có thể tự đứng dậy sau khi ngã, mặc dù một số vẫn cần đến sự giúp đỡ của con người.
Sự kiện này cho thấy một bức tranh lớn hơn: Trung Quốc đang đầu tư hàng chục tỷ đô la để dẫn đầu trong lĩnh vực robot thế hệ mới. Thị trường robot của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 23% và đạt 108 tỷ đô la vào năm 2028, tăng từ mức 47 tỷ đô la hiện tại. Đến năm 2050, Trung Quốc dự kiến sẽ có 302,3 triệu robot hình người được đưa vào sử dụng, vượt xa con số 77,7 triệu của Hoa Kỳ.
Ông Sheng Zhong, người đứng đầu nhóm nghiên cứu kỹ nghệ của Morgan Stanley, cho biết: “Rõ ràng là sự hỗ trợ quốc gia cho ‘AI toàn diện’ ở Trung Quốc có thể lớn hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia nào khác, thúc đẩy sự đổi mới liên tục.”
Thể thao đang trở thành một phần quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy ngành robot của Trung Quốc. Trận đấu túc cầu hôm thứ Bảy cũng là màn xem trước cho Đại hội Thể thao Robot Hình người Thế giới 2025 sắp tới, do Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 15 đến 17 tháng Tám. Sự kiện sẽ có 11 môn thể thao dành cho robot, bao gồm thể dục dụng cụ, điền kinh và túc cầu.
Ông Cheng Hao, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Booster Robotics, công ty cung cấp các cầu thủ robot, cho biết các cuộc thi thể thao là nơi thử nghiệm cho robot giốngheng Hao, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Booster Robotics, công ty cung cấp các cầu thủ robot, cho biết các cuộc thi thể thao là nơi thử nghiệm cho robot giống người. Những thành công và vấp ngã của chúng trên sân giúp đẩy nhanh việc phát triển các thuật toán cũng như các hệ thống tích hợp phần cứng và nhu liệu. Ông cũng nhấn mạnh rằng an toàn là mối lo lắng cốt lõi. “Trong tương lai, chúng tôi có thể sắp xếp để robot đấu túc cầu với con người. Điều đó có nghĩa là chúng tôi phải bảo đảm các robot hoàn toàn an toàn,” ông Cheng nói.
Trớ trêu thay, các robot hình người của Trung Quốc có thể mang tính giải trí cao hơn các cầu thủ con người. Trong khi đội tuyển quốc gia nam đang ở vị trí thứ 94 trên bảng xếp hạng FIFA, các robot ít nhất cũng biết cách trình diễn và ghi bàn. Trong trận chung kết, đội THU Robotics của Đại học Thanh Hoa đã đánh bại đội Mountain Sea của Đại học Nông nghiệp Trung Quốc với tỷ số 5-3 để giành chức vô địch.
Nguồn: NBC
