ĐINH VĂN TUẤN
Câu 646: Rấp nhà nhờ lượng người thương dám nài
Bản Kiều Nôm Liễu Văn Đường năm 1866 (LVĐ 1866) khắc bị lỗi , còn bản Liễu Văn Đường năm 1871 (LVĐ 1871) khắc chữ lạ
nhưng xét bản Đoạn trường tân thanh năm 1870 của Nguyễn Hữu Lập (NHL 1870) chép là 汲, Duy Minh Thị năm 1872 (DMT 1872) khắc là 扱 (riêng bản Tăng Hữu Ứng năm 1874 (THƯ 1874) viết 泣) và Thịnh Mỹ Đường năm 1879 (TMĐ 1879) khắc 﨤 nên chữ
của LVĐ 1866 sẽ được hiệu đính là 﨤. Chữ này thường đọc là “dớp/giớp” (Bùi Kỷ -Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Nguyễn Tài Cẩn…) có lẽ dựa theo E. Nordemann phiên là “dớp”, nhưng không thấy tài liệu xưa nào ghi nhận và giải nghĩa. Chỉ đến đầu thế kỷ 20, Việt Nam tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức (HKTTĐ) mới ghi nhận: DỚP. Hồi vận không may. Dớp nhà nên phải bán mình chuộc cha (Kiều). Lê Văn Hòe, Nguyễn Văn Hoàn đọc là “rớp”; Tản Đà, Nguyễn Quảng Tuân, Đào Thái Tôn đều phiên là gấp. Chúng tôi đọc là RẤP như Trương Vĩnh Ký và dựa theo nghĩa trong tự vị của P. Béhaine, Rấp: bị gió hay sóng đánh vào bờ. Rấp thuyền: thuyền bị sóng đánh dạt vào bờ. Génibrel ghi nhận Rấp việc nhà, đại ý là bị kìm hãm bởi việc nhà rất cấp bách. Nên RẤP nhà có thể hiểu theo nghĩa nhà có việc cấp bách vì bị mắc nạn, gặp vận rủi. Ở câu 898: 窒 nhà đến nỗi giấn vào tôi ngươi, chữ 窒 này Trương Vĩnh Ký phiên là rấp; E. Nordemann (và Lê Văn hòe) phiên là rớp; Bùi Kỷ -Trần Trọng Kim, Tản Đà, Nguyễn Quảng Tuân phiên là rấp; Đào Duy Anh phiên là dớp; Nguyễn Tài Cẩn và Đào Thái Tôn phiên là trất còn An Chi là trớt (tin là tiếng Nam bộ!). 窒 có nghĩa Hán là bị lấp, bế tắc, trở ngại nên chúng tôi vẫn đọc theo nghĩa của 窒 là RẤP, rấp nhà: nhà bị mắc nạn, gặp vận rủi.
Câu 868: Mã sinh sục sạo vội vàng ra đi
LVĐ 1866, NHL 1870, LVĐ 1871 và DMT 1872, TMĐ 1879 đều là hai chữ 𠽖𨄹. Nguyễn Tài Cẩn và Đào Thái Tôn đọc 𠽖𨄹 là giục giạo; Nguyễn Quảng Tuân đọc là giục rạo, Nguyễn Khắc Bảo, đọc là giục dạo và chú giải: Giục dạo là giục nhanh, thúc ép (nhộn nhạo lại ra vẻ ồn ào ầm ĩ). Nguyễn Quang Hồng giải nghĩa giục giạo là hối thúc, thúc giục (An Chi cũng dựa vào để đọc hiểu như vậy). Nhưng những nghĩa lý ở trên có vẻ do các học giả tự suy đoán theo văn mạch vì chúng tôi không thấy có tài liệu nào ghi nhận. Chính vì 𠽖𨄹 tối nghĩa nên đa số các nhà phiên âm Truyện Kiều xưa nay đã chọn “giục giã” như THƯ 1874 là 𠽖也 và Kiều Oánh Mậu năm 1902 (KOM 1902) khắc 𠽖吔. Chúng tôi đọc 𠽖𨄹 là sục sạo và dựa theo Genibrel ghi nhận sạo sục (= sục sạo) đại ý là hối thúc tìm kiếm, lùng kiếm ai và HKTTĐ: Sạo. Đi lùng = Sục sạo. Vậy có thể hiểu câu 868: Mã sinh sục sạo vội vàng ra đi: Mã Giám sinh hối thúc tìm gọi (người hầu để đưa Thúy Kiều) ra đi vội vàng (ngay vào buổi sáng sớm)
Câu 2926: Về sau chẳng biết vân mồng làm sao
Vân mồng 雲夢, Trương Vĩnh Ký giải nghĩa vân mồng là “nông nỗi” (Huình Tịnh Paulus Của giải nghĩa “nông nỗi” là cớ sự, cách thế). Bùi Khánh Diễn đọc là “vân mòng” và cho là tục ngữ Bắc kỳ nghĩa là tăm hơi mờ mịt, Nguyễn Văn Vĩnh đọc là “vân mồng” cũng cho nghĩa là tin tức, sau đó nhiều nhà chú giải Truyện Kiều đều giải nghĩa là “tin tức”. Tuy nhiên nghĩa lý vân mồng (mòng) là “tin tức” chưa thấy có trong tự điển, tự vị xưa nào. Trong Thúy Kiều truyện tường chú, Chiêm Vân Thị đã cho 雲夢 là tin tức (消息) và đã chú thích 雲夢 (vân mòng) từ văn vọng 闻望 chuyển âm ra (即闻望二字轉音). Tuy nhiên lý giải này đáng ngờ, thiếu thuyết phục vì vọng 望 có thể được chuyển âm là mòng (đúng âm là mong là nghĩa của vọng 望) nhưng khó lý giải văn 闻 chuyển âm thành vân 雲 được. Hơn nữa 闻望 nghĩa Hán là danh vọng, thanh danh chứ không liên quan đến tin tức. Gần đây An Chi cũng dựa vào Chiêm Vân Thị để biện luận, suy diễn tùy tiện: “Vân là âm thư tịch của văn [闻]” nhưng chúng tôi không thấy “thư tịch” Hán nào cho 闻 có âm vân (雲) cả, hơn nữa An Chi còn cố gượng ép, vô căn cứ khi cho văn vọng “chỉ đơn giản có nghĩa gốc là “nghe ngóng” và mọi đối tượng của sự nghe ngóng thì đều là “tin tức”.
Dựa theo cách diễn ý của Nguyễn Du trong Truyện Kiều như “hạc nội mây ngàn”; “mây bay hạc lánh”: chim hạc ẩn mình ở đồng nội không biết tung tích ra sao; mây bay trên dãy núi không biết về nơi đâu nên chúng tôi thấy có thể hiểu “vân mồng” như sau: “vân” 雲 là mây bay không biết về đâu còn 夢 không lấy âm “mòng” (biến âm của mong) nhưng là âm “mồng” (biến âm của mộng dùng để hợp âm điệu thơ Lục bát) là giấc mộng không thể biết sẽ ra sao và vân mồng sẽ được chuyển nghĩa là tình hình, diễn biến (tin tức) không thể biết được sẽ như thế nào. Vậy sẽ là: Về sau chẳng biết vân mồng làm sao: tình hình, tin tức (Kiều, Từ Hải) chẳng biết về sau ra làm sao.
Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/q-to-z/dinh-van-tuan/