HÀ GIANG
Trong trái tim của biết bao người di dân, nước Mỹ luôn là một miền đất hứa, nơi mọi ước mơ có thể nảy mầm và được bảo vệ. Niềm tin ấy được xây dựng trên một trụ cột vững chắc: quyền công dân theo nơi sinh, một nguyên tắc được khắc sâu trong Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ, khẳng định rằng bất cứ ai sinh ra trên đất Mỹ đều là công dân của quốc gia này.
Thế nhưng, một làn gió bất an đã thổi qua cộng đồng di dân khi Sắc lệnh Hành pháp 14160 (EO 14160) do tổng thống Donald Trump ban hành ngày 20/1/2025 tìm cách thay đổi nguyên tắc ấy. Hy vọng lại lóe lên một ngày sau đó, khi 22 tiểu bang và một số tổ chức xã hội lập tức nộp đơn kiện để ngăn chặn sắc lệnh, gọi đó là vi hiến. Cuộc chiến pháp lý lên đến đỉnh điểm tại TCPV Hoa Kỳ (TCPV) trong vụ kiện nổi tiếng mang tên Trump v. CASA.
Quyết định của TCPV, được công bố ngày 27/6/2025, đã một lần nữa khuấy động mọi niềm tin, khiến người dân hoang mang tự hỏi: Chuyện gì đang xảy ra cho quyền công dân theo nơi sinh tại Mỹ? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cuộc chiến pháp lý đầy cam go này.
Một quyền hiến định được sinh ra từ lịch sử đau thương
Quyền công dân theo nơi sinh không chỉ là một dòng chữ trong hiến pháp, mà còn là một câu chuyện lịch sử đầy ý nghĩa. Nguyên tắc này được ấn định bởi Tu chính án thứ 14, ra đời năm 1868, ngay sau cuộc Nội chiến. Nó mang theo sứ mệnh hàn gắn một vết thương lịch sử: phán quyết Dred Scott v. Sandford (1857), trong đó Tối cao Pháp viện từng tuyên bố rằng người da đen không thể là công dân Mỹ.
Phán quyết ấy là một cái tát vào lý tưởng tự do và bình đẳng. Để xóa bỏ di sản đau thương đó, Tu chính án 14 đã ra đời với một điều khoản mang tính cách mạng: “Mọi người sinh ra tại Hoa Kỳ hoặc được nhập tịch, đều là công dân của Hoa Kỳ và của tiểu bang họ cư trú.”
Từ đó đến nay, nguyên tắc này được xem là nền tảng của quốc tịch Mỹ, một hệ thống dựa trên nơi sinh (jus soli), khác với nhiều quốc gia phương Tây đặt quốc tịch theo dòng máu (jus sanguinis). Quyền công dân theo nơi sinh đã mở ra cánh cửa học hành, làm việc, và được pháp luật bảo vệ bình đẳng cho hàng triệu người, đặc biệt là con em các gia đình di dân. Nó phản ánh triết lý cốt lõi của nước Mỹ: bạn không cần xuất thân cao sang, chỉ cần sinh ra trên mảnh đất này, bạn đã là một phần của ‘giấc mơ Mỹ.’
Mục đích của Sắc lệnh Hành pháp 14160
Sắc lệnh Hành pháp 14160 (EO 14160) đánh thẳng vào cốt lõi của nguyên tắc trên. Sắc lệnh này quy định rằng một đứa trẻ sinh ra tại Mỹ chỉ được hưởng quyền công dân nếu có cha hoặc mẹ là công dân Mỹ, có thẻ xanh, hoặc có tình trạng cư trú hợp pháp (như visa làm việc, du học).
Điều này có nghĩa là, trẻ em sinh ra ở Mỹ mà cha mẹ cư trú bất hợp pháp, hoặc chỉ có visa du lịch hay đang xin tị nạn nhưng đơn chưa được chấp thuận, sẽ không tự động được công nhận là công dân Mỹ. EO 14160 có hiệu lực từ ngày 19/2/2025, chỉ 30 ngày sau khi được ban hành.
Cuộc chiến pháp lý đầu tiên: Vụ kiện của 22 tiểu bang
Ngay sau khi Sắc lệnh 14160 được ban hành, một làn sóng phản đối dữ dội đã bùng lên. Dẫn đầu cuộc chiến pháp lý đầu tiên là một liên minh mạnh mẽ gồm 22 tiểu bang, cùng với thủ đô Washington D.C và hàng chục tổ chức nhân quyền, tôn giáo và xã hội dân sự hàng đầu của Mỹ.
Họ cùng nhau đệ đơn lên Tòa án Liên bang, với mục đích ngăn chặn sắc lệnh này trên toàn quốc (nationwide injunction). Phía nguyên đơn đưa ra những lập luận đanh thép, cho rằng sắc lệnh đã vi phạm Tu chính án thứ 14, nền tảng của quyền công dân theo nơi sinh ở Mỹ. Họ cũng lập luận rằng sắc lệnh này mâu thuẫn với Luật Di trú và Quốc tịch của Liên bang và tổng thống đã vượt quá thẩm quyền của mình, xâm phạm quyền lập pháp của Quốc hội. Cuối cùng, họ cảnh báo sắc lệnh có thể tạo ra một xã hội phân biệt đẳng cấp cho hai loại trẻ em, trong đó trẻ em chưa là công dân bị khước từ nhiều quyền lợi.
Ban đầu, các thẩm phán liên bang đã đứng về phía họ, ban hành một lệnh ngăn chặn EO 14160 trên toàn quốc. Tuy nhiên, phán quyết của TCPV sau đó đã làm thay đổi tất cả.
Quyết định bất ngờ từ Tối cao Pháp viện
Trái với kỳ vọng, TCPV, trong phán quyết ngày 27/6 đã không đưa ra câu trả lời cuối cùng về việc Sắc lệnh Hành pháp có quyền thay đổi hiến pháp hay không. Thay vào đó, họ chỉ tập trung vào vấn đề thủ tục.
TCPV phán quyết rằng các thẩm phán liên bang cấp dưới không có quyền ban hành lệnh cấm mang tính toàn quốc. Điều này có nghĩa là lệnh ngăn chặn EO 14160 đã bị thu hẹp đáng kể: Sắc lệnh này hiện chỉ bị chặn trong phạm vi 22 tiểu bang đã tham gia vụ kiện. Đối với những người sống ở các tiểu bang còn lại, chính quyền vẫn có thể áp dụng sắc lệnh trong khi chờ cuộc chiến pháp lý ngã ngũ.
Quyết định này của TCPV mặc dù không trực tiếp hợp pháp hóa sắc lệnh, nhưng đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm: nó thu hẹp đáng kể khả năng của các tòa cấp dưới trong việc ngăn chặn các chính sách của chính phủ trên diện rộng, cho phép chính sách đó tiếp tục được thi hành đối với hàng triệu người không trực tiếp tham gia kiện tụng.
Tiếng nói của Thẩm phán Sotomayor
Quyết định của đa số thẩm phán đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phe thiểu số, đặc biệt là từ Thẩm phán Sonia Sotomayor. Trong bản phản đối của mình, giọng văn của bà không chỉ là một lập luận pháp lý, mà còn là một lời cảnh báo đầy tâm huyết:
“Không một quyền nào của người dân được an toàn nếu tòa án không thể cấm chính phủ thực hiện những chính sách rõ ràng vi hiến, chỉ vì chưa có ai kiện hoặc không kịp kiện.”
Lời cảnh báo này phản ánh nỗi lo sâu sắc rằng việc giới hạn thẩm quyền của tòa án có thể làm suy yếu khả năng bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương. Thẩm phán Sotomayor cho rằng, việc buộc mỗi cá nhân phải tự mình ra tòa để bảo vệ quyền lợi là một gánh nặng không nhỏ đối với những người không có đủ nguồn lực hoặc kiến thức pháp lý. Bà nhắc nhở rằng công lý phải được tiếp cận và bảo vệ cho tất cả mọi người, không chỉ cho những người có khả năng tự vệ trước pháp luật.
Mặt trận pháp lý: Cơ hội và thách thức
Phán quyết của TCPV đã hé lộ một con đường đầy chông gai phía trước. Cuộc chiến pháp lý này là một cuộc chạy đua đường dài với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.
CƠ HỘI
Tiền lệ Hiến pháp mạnh mẽ: Đây là một lợi thế rất lớn. Vụ án lịch sử Wong Kim Ark (1) vào năm 1898 đã khẳng định vững chắc nguyên tắc quyền công dân theo nơi sinh. Việc lật đổ một tiền lệ đã đứng vững hơn một thế kỷ là một bước đi cực kỳ táo bạo và khó khăn đối với TCPV, ngay cả với thành phần các thẩm phán hiện tại.
Sự phản đối rộng rãi: Sắc lệnh này vấp phải sự chống đối từ một liên minh rộng lớn, bao gồm 22 tiểu bang, hàng chục tổ chức nhân quyền, tôn giáo và xã hội dân sự. Sự đoàn kết này tạo ra một sức mạnh đáng kể để gây áp lực và chống lại sắc lệnh.
Hậu quả xã hội và kinh tế nghiêm trọng: Nếu sắc lệnh có hiệu lực trên diện rộng, những hậu quả về xã hội và kinh tế sẽ rất rõ ràng và nghiêm trọng. Điều này có thể tạo ra một đòn bẩy đạo đức và chính trị không nhỏ, buộc chính phủ phải xem xét lại chính sách.
THÁCH THỨC
Sự phân cực chính trị của TCPV: Với thành phần thẩm phán hiện tại có xu hướng bảo thủ rõ rệt, môi trường pháp lý trở nên không chắc chắn cho các vụ kiện thách thức sắc lệnh.
Khó khăn trong việc kiện tụng cá nhân: Việc TCPV yêu cầu các vụ kiện phải được giải quyết riêng lẻ thay vì ban hành lệnh cấm toàn quốc đã tạo ra một gánh nặng khổng lồ về thời gian, tài chính và sức lực cho các nguyên đơn và tổ chức pháp lý.
Sự thiếu rõ ràng khi thi hành: Ngay cả khi sắc lệnh được phép thi hành, sự thiếu rõ ràng trong việc áp dụng nó trên thực tế có thể tạo ra sự mơ hồ và hỗn loạn trong toàn bộ hệ thống hành chính, từ các cơ quan đăng ký khai sinh cho đến các tổ chức dịch vụ công cộng.
Nguy cơ hình thành “thế hệ thứ hai trong bóng tối”
Nếu sắc lệnh có hiệu lực, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng:
Hàng trăm nghìn trẻ em có thể bị tước quyền công dân: Theo ước tính, mỗi năm có hàng trăm nghìn trẻ em được sinh ra tại Mỹ mà cha mẹ không có tình trạng cư trú hợp pháp. Nếu sắc lệnh có hiệu lực, những đứa trẻ này sẽ bị tước bỏ quyền công dân ngay từ khi lọt lòng, dù chúng được sinh ra trên đất Mỹ.
Hệ thống công cộng phải đối mặt với thách thức khổng lồ: Các hệ thống cơ bản như trường công, bệnh viện… sẽ phải hoạch định một chính sách cho nhóm trẻ “không quốc tịch” trên đất Mỹ. Tình trạng này sẽ tạo ra một tầng lớp công dân hạng hai, không có quyền lợi, không có giấy tờ, và không có tương lai rõ ràng.
Một nước cờ khôn ngoan từ New Hampshire
Nếu phán quyết của TCPV thu hẹp khả năng của các tòa cấp dưới, thì nó cũng để lại một “lỗ hổng.” Lỗ hổng đó là không loại bỏ khả năng kiện tập thể (class action lawsuit), một hình thức cho phép một nhóm đại diện có thể thay mặt cho toàn bộ những người có “cùng một hoàn cảnh” để kiện ra tòa. Nếu được chấp nhận, phán quyết của tòa sẽ áp dụng cho toàn bộ nhóm trên toàn nước Mỹ, kể cả những người không trực tiếp nộp đơn kiện.
Và chỉ vài giờ sau phán quyết của TCPV, các luật sư của ACLU và tổ chức CASA đã ngay lập tức kiện tập thể. Họ đã áp dụng chiến thuật này, và thật không ngạc nhiên, khi Thẩm phán Joseph Laplante tại tiểu bang New Hampshire đã chính thức chấp nhận đơn kiện và ban hành lệnh khẩn cấp trên toàn quốc, ngăn chặn việc thực thi EO 14160.
Trong phán quyết của mình, Thẩm phán Joseph Laplante nhấn mạnh rằng việc tước quyền công dân khỏi trẻ em chỉ vì tình trạng cư trú của cha mẹ có thể gây “thiệt hại không thể khắc phục.” Lệnh ngăn chặn này có hiệu lực trên toàn quốc, kể cả ở các tiểu bang không tham gia vụ kiện ban đầu, trong khi chờ chính quyền liên bang nộp đơn kháng cáo.
Tương lai của quyền công dân theo nơi sinh và ‘giấc mơ Mỹ’
Sau phán quyết của Thẩm phán tại tiểu bang New Hampshire, EO 14160 hiện đang tạm thời bị đình chỉ trên toàn quốc để chính quyền có thời gian kháng cáo. Giới phân tích cho rằng vụ này rất có thể sẽ lên đến Tòa Phúc thẩm Liên bang, và quay lại Tối cao Pháp viện.
Tuy nhiên, cho đến ngày 17/7/2025, EO 14160 vẫn đang bị chặn hoàn toàn, và tất cả các trẻ em sinh ra bất cứ nơi nào trên nước Mỹ từ giờ đến hôm đó, vẫn được là công dân Mỹ, dù cha mẹ là công dân, thường trú nhân hay không có giấy tờ. Sau ngày 17/7, trẻ em sinh ra tại 22 tiểu bang đang kiện EO 14160 có thể được bảo vệ quyền công dân theo nơi sinh, nhưng điều này phụ thuộc vào kết quả của các vụ kiện tập thể cụ thể được đệ trình tại các tiểu bang đó, và phạm vi của bất kỳ lệnh cấm mới nào do tòa án ban hành.
Trong cơn lốc chính trị đang cuộn xoáy nước Mỹ, phán quyết của TCPV về EO 14160, và những vụ kiện sau đó, không chỉ là những quyết định pháp lý. Nó là tiếng gõ mạnh vào cánh cửa lịch sử, nơi bao thế hệ di dân được ngẩng đầu với niềm tin: rằng con cháu họ, dù sinh ra trong cảnh nghèo, khi cha mẹ không có quốc tịch, vẫn xứng đáng được gọi là người Mỹ.
Nhưng hôm nay, câu hỏi nhức nhối lại vang lên trong biết bao gia đình nhập cư: Liệu con mình có thực sự được là công dân, được thuộc về mảnh đất này? Đó không còn là câu hỏi của luật sư hay giới học giả, mà là của những người cha, người mẹ đang làm hai ba công việc mỗi ngày. Là của những người bà không nói được tiếng Anh, nhưng ôm đứa cháu sinh ra trên đất Mỹ với ước nguyện cháu mình được lớn lên bình an, được đi học, được sống không sợ hãi.
Tu chính án thứ 14 của hiến pháp Hoa Kỳ, tấm khiên từng che chở cho bao nhiêu thế hệ, đang bị thử thách trong cơn gió ngược của ý chí chính trị. Cuộc tranh đấu pháp lý ấy không đơn thuần là tranh chấp chữ nghĩa, mà là một phép thử đạo lý, đặt ra câu hỏi căn bản: Làm người, có cần thêm điều kiện? Là con dân của một quốc gia, có cần phải được cho là “xứng đáng?”
Trong bóng tối của bất định, vẫn có những ánh sáng nhỏ không ngừng tỏa ra, từ các tổ chức xã hội, những nhà hoạt động pháp lý, và cả cộng đồng di dân không bao giờ chịu buông xuôi hy vọng. Họ chiến đấu không chỉ để bảo vệ cho một điều khoản trong hiến pháp, mà để gìn giữ giấc mơ Mỹ trong từng bữa cơm gia đình, từng tiếng cười trẻ thơ, từng lời ru bằng giọng mẹ trầm ấm giữa lòng một đất nước ngày đang càng có cái nhìn khắt khe hơn với những người không phải là người bản xứ.
Tương lai còn bỏ ngỏ. Nhưng ngày nào người dân còn hiểu quyền hiến định của mình và dám đứng lên bảo vệ, thì giấc mơ Mỹ, tuy đang mong manh trong gió, sẽ không bị dập tắt. Nó sẽ sống tiếp, trong ánh mắt sáng ngời của những đứa trẻ được sinh ra, không phải để xin phép, mà để được đón chào.
Chú thích:
(1): https://www.oyez.org/cases/1850-1900/169us649
Tham khảo:
https://www.washingtonpost.com/politics/2025/06/27/sotomayor-dissents-supreme-court-birthright
https://www.cbsnews.com/news/supreme-court-birthright-citizenship-universal-injunctions
https://www.cpr.org/2025/06/27/scotus-ruling-birthright-citizenship-protected-in-colorado
https://www.ft.com/content/d678fbfb-2243-470c-ac7c-2c79ddc8506d
https://www.ft.com/content/446cc613-ee85-4cc8-80f9-7d169c7016a7
https://www.sfchronicle.com/us-world/article/trump-birthright-citizenship-order-blocked-20765063.php
Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/a-to-h/ha-giang/
