Vài hàng chia sẻ về bệnh tâm thần (mental disorders, mental problems)

by Tim Bui
Vài hàng chia sẻ về bệnh tâm thần (mental disorders, mental problems)

CHU TẤT TIẾN

Thông thường, với người Việt, khi nghe nói đến ba chữ “bệnh tâm thần,” người ta nghĩ ngay đến bệnh điên loạn, mất trí… Người nào bị gán cho mấy chữ đó, thường nổi xung thiên, cho rằng bị hạ nhục.

Thật ra suy nghĩ đó hoàn toàn không đúng, vì ở Mỹ, định nghĩa bệnh tâm thần (mental disorders, mental problems) rất rộng. Theo môn học về psychology, thì có hơn 200 trường hợp được gọi là bệnh tâm thần. Dựa vào định nghĩa rộng rãi này, mà có nhiều người Việt đã được hưởng tiền disability benefits, mặc dù họ vẫn sống với gia đình, sinh hoạt bình thường như mọi người, lấy vợ, lấy chồng, sinh con.

Cá nhân tác giả, khi còn làm Cố vấn Tâm lý cho những người bệnh tâm thần (Counselor for people with Mental health problems), mới nhận ra ngoài những điều mình học trong sách vở, có những trường hợp cũng được coi là bệnh tâm thần để được hưởng sự ưu đãi của chính phủ. Thí dụ như bệnh “learning disabilities,” nghĩa là người đó không có khả năng đi học chữ, vì hay quên, khó nhớ.

Trong danh sách bệnh nhân tâm thần do người viết chịu trách nhiệm, có hai em gái Việt, xinh xắn, dễ thương, lễ phép nhưng khi học chữ thì chỉ nhớ làm toán cộng trừ dễ, mà không làm toán nhân hay chia được, không học lịch sử hay địa lý được. Lại có trường hợp là người bệnh hay chửi thề, buột miệng ra là văng tục! (Không có định nghĩa chính xác về bệnh này!)

Người viết rất thương cảm cho một em gái Việt Nam, trên 20 tuổi, rất đẹp, xinh xắn, nhưng chửi thề kinh khủng. Hướng dẫn và cố vấn cho em năm này qua năm nọ, nhưng chứng nào tật nấy, em không thể nào bỏ được việc chửi thề, khiến cho cha mẹ không chịu nổi cũng phải gửi con vào trung tâm trợ giúp người tâm thần, để trung tâm giúp em làm những công việc nhẹ có tiền lương. Dĩ nhiên, các thanh niên chạy xa, không ai dám tán tỉnh em, cho dù em rất đẹp, vì hễ có ai hỏi chuyện là câu đầu tiên của em là “What the f. are you?” Chỉ riêng đối với tôi, em ngậm miệng và suy nghĩ trước khi trả lời tôi, không văng tục. Nhưng khi tôi vừa ra khỏi chỗ em đứng, em chửi vung tán tàn bằng tiếng Việt bất cứ ai gợi chuyện với em. Theo nghiên cứu, lý do mà em bị bệnh này là do tính tình em dễ xúc động, mà bố mẹ lại không để ý đến em, cứ hay chửi nhau, vung ra đủ thứ chữ tầm bậy, khiến hệ thống thần kinh của em bị ảnh hưởng, rồi dần dà em trở thành bệnh nhân của loại bệnh “chửi thề,” không thuốc chi chữa được.

Đó là hai dạng bệnh tâm thần, không phải “điên” (insane).

Theo bảng xếp hạng của môn học Psychology, có hơn 200 trường hợp bệnh tâm thần, trong đó có nhiều trường hợp người bệnh không biết mình mắc bệnh, vẫn sinh hoạt bình thường như mọi người, vẫn có thể làm chức vụ lớn, làm thương mại giỏi, thí dụ như bệnh “misophonia” là bệnh khó chịu với một loại nhạc, với một ý kiến đối lập. Khi nghe một loại nhạc mà mình không thích, người mắc bệnh “misophonia” lập tức cau có, khó chịu, đến gây gổ, nếu bản nhạc đó không được tắt đi. Người bệnh này cũng rất bảo thủ, cứng rắn với quan điểm của mình, nhất định không thay đổi cho dù có hiểu được rằng quan điểm của mình sai trái cũng cứ tìm cách bào chữa cho mình. Bệnh này khá phổ biến trong cộng đồng tranh luận hải ngoại.

Một căn bệnh tâm thần khác là “oppositional defiant disorder,” người mắc bệnh này hay cãi, ít khi cãi trúng mà đa phần là cãi bậy. Khi vừa nghe thấy một quan điểm gì mới là lập tức chống lại ngay, bất kể trúng trật, nghĩa là chỉ luôn tìm cách nói ngược lại người khác. Khi người ta nói “ở phía Đông,” thì lập tức nói “ở phía Tây,” khi người khác chuyển giọng, đồng ý là “ở phía Tây,” thì người bệnh lại nói “không phải, phía Đông!” Những người trên đây, có ai biết mình là mắc bệnh “tâm thần” đâu!

Theo y khoa Mỹ, không cần phải điên loạn, cởi quần áo, trần truồng la hét mới là bệnh tâm thần, ngay cả một dạng bệnh sau này cũng được y tế Hoa Kỳ cho điều trị: “nghiện rượu” cũng là một dạng tâm thần, khó trị. Lại còn một căn bệnh tâm thần mà những trẻ em, thanh niên, nam nữ dễ mắc phải: “eating disorders” Những bệnh nhân tâm thần loại này rất khó trị, họ mê ăn uống khủng khiếp, ăn để khoái chí, chứ không phải để thấy ngon, nhất là khi buồn phiền, bị thất tình, thất nghiệp. Bệnh này rất nguy hiểm vì ăn nhiều sẽ bị cao mỡ, cao máu, cao đường và thấp khớp nặng. Đến khi Cholesterol lên cao, thì đứng tim bất thình lình.

Chữa trị những căn bệnh trên có thể không cần thuốc mà cần các phương pháp tâm lý từ Bác sĩ Tâm lý (Psychologist) hơn là dùng thuốc, nếu cần thì uống thuốc bổ. Những thuốc trị bệnh tâm thần thường có chất gây nghiện, đã uống thì phải uống hoài uống hủy.  Còn những căn bệnh sau đây, thì cần đến Bác sĩ Tâm thần (Psychiatrist) cho thuốc uống và phải chấp nhận uống trong thời gian dài.

Trước hết là trường hợp mà rất nhiều người mình mắc phải: “anxiety disorders,” nghĩa là hay bị kích thích, xúc động. Khi thấy quan điểm của mình, lời nói hay việc làm của mình không đưa đến thành công, là thấy tim đập mạnh, cả thân thể uể oải, rã rời. Người này cũng hay xúc động khi coi phim buồn. Những người bệnh này không gây gổ với ai, nếu không có phương cách điều trị, sẽ thành “trầm cảm” (depression), chấm dứt mọi liên hệ với người chung quanh. 

Một căn bệnh dành riêng cho thanh thiếu niên nam nữ là bệnh nghiện “ma túy.”

 Bệnh này cần cả thuốc cả tâm lý trị liệu và cần phải có một thời gian tách biệt ra khỏi cộng đồng.

Căn bệnh mà người Mỹ mắc nhiều nhất là depression (trầm cảm). Từ “depression” nếu không chữa trị thì đến “bipolar disorder” (rối loạn) rồi “Insane” (điên) có khoảng cách ngắn. Theo thống kê, hiện nay nước Mỹ có khoảng 5 triệu 700 ngàn người hoặc 2,6% dân số Hoa Kỳ bị bệnh này. Những người bị bipolar có thể phải được điều trị với những người insane trong cùng một bệnh viện.

Điều quan trọng mà nhiều người thắc mắc là “nếu cha mẹ bị bệnh tâm thần, con cái có bị lây bệnh không?” Theo kinh nghiệm, nhận thức từ những người chung quanh, cha mẹ bị bệnh tâm thần có thể ảnh hưởng gì đến con cái, nếu người đó đang hoặc đã bị bệnh điên mà lập gia đình thì có sự di truyền từ DNA, vì thế có những gia đình bị điên truyền kiếp. Tuy nhiên, không phải tất cả các người con của người bị điên đều điên theo, nhưng chỉ có một hoặc hai người bị ảnh hưởng, còn lại đều khỏe mạnh và thành công. Ngược lại, nếu con cái sinh ra từ người đang khỏe mạnh, sau đó vì một biến cố nào đó, mới bị trầm cảm thì không ảnh hưởng gì. 

Bên cạnh những căn bệnh trầm kha đó, có một loại bệnh tâm thần mà không có thuốc nào chữa trị là “delusion” (Bệnh hoang tưởng!). Bệnh này vô cùng nguy hiểm, nếu là những người đang giữ vai trò lãnh đạo, vì ảnh hưởng tai hại của bệnh này không những cho cá nhân người ấy, mà còn làm hại cả nhân loại. Thực tế, có nhiều nhân vật nổi tiếng, mắc bệnh tâm thần loại này mà không hề biết: Người mắc bệnh hoang tưởng này lúc nào cũng nghĩ là mình vĩ đại (delusions of grandeur.) Người này có thể làm việc giỏi, thành công, nhưng không bao giờ thỏa mãn với địa vị hiện tại của mình, mà luôn muốn mình được ca tụng như vĩ nhân. Để thỏa mãn sự hoang tưởng ấy, người bệnh làm bất cứ việc gì để đạt mục tiêu: Nói láo, nói dối quanh, né tránh sự thật, tự đề cao mình, thấy của người tưởng là của mình, thích chiếm đoạt, và chống đối bất cứ ai phê phán mình, nếu có ai không đồng ý với mình thì tìm cách trả thù, tiêu diệt cho bằng được. Dạng bệnh này rất nguy hiểm cho nhân loại. Hitler, Staline, Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông và một số lãnh đạo khác, vì đã mắc bệnh này nên làm cho thế giới lao đao, sinh linh chết vô số.

Một vài kinh nghiệm cần chia sẻ thêm về các dạng bệnh tâm thần trong cộng đồng người Việt. Khi còn làm cố vấn cho người bệnh tâm thần tại một trung tâm trợ giúp người bệnh, mỗi buổi sáng, trung tâm đưa xe buýt đi đón các người bệnh đến trung tâm để nơi đây vừa cố vấn tâm lý cho họ, vừa tạo việc làm cho họ có tiền lương như người làm việc assembly.

Trung tâm nhận các job đơn giản như lắp ráp đồ chơi và các loại mặt hàng bằng nhựa. Có bốn vị cố vấn cho gần 50 người bệnh, bốn trainers là người trực tiếp hướng dẫn lắp ráp, và một senior worker coi tổng quát các công việc. Những trainers làm việc rất vất vả, vì phải đến từng bệnh nhân, chỉ dẫn cho những người không thông minh này làm việc. Cố vấn theo dõi từng hoạt động của bệnh nhân, ghi chép từng sự tiến bộ hay sự thụt lùi của mỗi người, gửi báo cáo hàng tuần lên trung ương, nơi đây chuyển báo cáo đến các cơ quan y tế cũng như các cơ quan tài chánh phân phát tiền disability benefits cho từng người.

Mỗi khi có một sự việc lộn xộn gây ra bởi các bệnh nhân tâm thần, cố vấn phải đến ngay, mời bệnh nhân vào phòng làm việc và sửa sai cùng hướng dẫn các hành động. Trong số 50 người bệnh này, có hơn 20 là thanh niên, thiếu nữ người Việt. Một em gái Việt, trên 20 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh, xinh đẹp, không có triệu chứng bệnh gì ngoài việc đam mê tình dục. Hễ cứ thanh niên nào gạ gẫm là cho liền. Vì cơ sở rất rộng, lại nhiều phòng ốc, ngõ ngách, nên lâu lâu lại nghe thấy tiếng kêu: “Thằng H. đang đè con N. tại toilet kìa.” Tôi phải chạy tới, lôi hai đứa ra, bảo vào phòng làm việc, rồi giải thích cho họ nghe hậu quả của việc mình làm. Người bệnh chăm chú nghe, nhận lỗi, rồi vài ngày sau, chứng nào tật đó.

Trong số này có một em gái Việt, 18 tuổi, mắc bệnh không nói được, chỉ bập bẹ vài tiếng. Thường lệ, mỗi tháng khi em có sinh hoạt thiếu nữ, em vào phòng cố vấn, vỗ vỗ vào chỗ cần vỗ, ra dấu cần tampon! Vì đã biết trước, nên trong bàn giấy làm việc, tôi đã trữ nhiều hộp tampon cho các em. Sau khi nhận tampon, em ôm tôi, cám ơn! Vì thế, có lần tôi suýt ở tù oan.

Hôm đó, đang làm việc, đột nhiên có hai cảnh sát viên, một điều tra viên, và một cán sự xã hội đến tìm tôi. Không nói dài dòng, họ hỏi tôi: “Ông có hiếp dâm cô … không?” Tôi chới với, hỏi lại: “What’s going on?”

Cán sự xã hội cho tôi biết, hôm qua, cô bé về  nhà, khóc, vỗ vỗ vào chỗ vỗ, nói bập bẹ: “hurt! hurt!” rồi nói “Mr. Tien!” Mẹ cô bé liền gọi cảnh sát, và có sự việc như hôm ấy. Nghe xong, tôi cười nói: “Tôi biết rồi! Hôm qua tôi nghỉ, nên không có tampon cho bé!” Rồi tôi dẫn cả toán thanh tra ra gặp senior worker và các trainer. Tất cả đều xác nhận việc này. Toán thanh tra xin lỗi tôi rồi rút lui. Hú hồn! Làm việc với tư cách cố vấn tâm lý không phải dễ dàng. Phòng nào cũng có camera theo dõi. Một lời nói sai, một cử chỉ lạ, là lập tức cảnh sát đến liền. 

Một em chừng 22 tuổi, gặp tôi là liếc mắt đưa tình. Có em kiếm cớ vào phòng tôi, nói chuyện linh tinh, tôi phải ngồi thẳng người, nghiêm chỉnh, khoanh tay, nghe em nói, không dám nhúc nhích cho đến khi em đi ra. Các em Việt đã vậy, thiếu nữ Mỹ còn bạo dạn hơn. Có lần, ông Mỹ cố vấn ở phòng bên cạnh, đột nhiên tung cửa chạy ra, rồi đứng khóc nức nở. Tôi đến hỏi ông “sao vậy?” Ông chỉ tay vào cô Mỹ trắng đang đứng cười khiêu khích. Ông nói “cô này dụ ông không được thì hăm dọa kiện ông về tội sexual harassment. Ông này vốn là thầy giáo, quá hiền lành, khi bị bắt nạt, ông chỉ có khóc.

Bệnh nhân tâm thần ở trung tâm này gồm đủ sắc dân: Mỹ da trắng, Mỹ gốc da đen, Lào, Campuchia, Mexico… Người làm cố vấn mà không bình tĩnh, từng trải, thì gặp nguy hiểm ngay. Có một cô người Mỹ da đen to lớn, cao hơn tôi một cái đầu, tháng nào cũng chạy vào phòng tôi lấy tampon. Sau khi nhận tampon, cô ôm ghì tôi đến ngạt thở. Tôi dẫy dụa cố thoát ra, làm mọi người cười ầm ĩ. Một cô Mỹ da trắng, to con, đẹp như người mẫu, nhưng cũng bị bệnh ham mê tình dục, năm nào cũng sinh một đứa, không biết cha đứa bé là ai. Một hôm, cô vào phòng tôi, quài tay đóng cửa sau lưng rồi lột áo mình ra, lấy tay chỉ vào ngực. Sợ quá, tôi vội vòng qua bàn, tung cửa chạy. Cô cười thích chí. Hôm sau, trước khi về, cô nhét vào tay tôi địa chỉ nhà, có ý mời tôi đến. Thật sự không dễ dàng cho việc làm cố vấn tâm Lý cho một trung tâm trợ giúp người tâm thần.

Chu Tất Tiến
M.S. Psychology

(Chú thích: Bài viết này dựa trên kinh nghiệm bản thân, không phải là một luận đề, nên nếu có chi sai sót, xin được lượng thứ)

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/q-to-z/chu-tat-tien/

You may also like

Verified by MonsterInsights