Việt Nam nới lỏng luật quốc tịch để thu hút chuyên gia & người Việt hải ngoại

by Năm Cư

Quốc hội Việt Nam gần đây đã thông qua các thay đổi đối với luật quốc tịch, giúp cho người Việt ở hải ngoại và những người khác dễ dàng trở thành công dân song tịch hơn, trong bối cảnh giới lãnh đạo đang cố gắng thu hút những người lao động có tay nghề cao.

Sự thay đổi pháp lý vào cuối tháng Sáu đã loại bỏ một số yêu cầu nhất định đối với những người muốn xin quốc tịch Việt Nam mà không từ bỏ quốc tịch ngoại quốc của mình. Các quy định được bãi bỏ bao gồm yêu cầu về trình độ ngôn ngữ và thời gian cư trú tối thiểu.

Quyết định này là một phần của cuộc cải cách lớn nhất tại Việt Nam trong gần bốn thập niên, nhằm thay đổi luật pháp, cơ cấu hành chính và nới lỏng các hạn chế đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội 8% trong năm nay và tăng trưởng hai con số trong những năm tới, hướng tới mục tiêu trở thành một quốc gia có lợi tức cao vào năm 2045.

Nhà cầm quyền Việt Nam xem công nghệ cao là chìa khóa cho nỗ lực này, nhưng đất nước lại thiếu những người có kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực tiên phong của khoa học và công nghệ. Sự thay đổi luật quốc tịch là bước đầu tiên trong nhiều bước mà Việt Nam dự kiến sẽ thực hiện để khuyến khích các chuyên gia đến đất nước này sinh sống và làm việc. Nhà nước Việt Nam tin rằng họ có thể vượt qua các đối thủ cạnh tranh về công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn, vào năm 2030.

Trong một bài diễn văn được truyền hình toàn quốc hôm thứ Hai, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tô Lâm nói: “Tôi kêu gọi đồng bào Việt Nam ở nước ngoài hãy tiếp tục hướng về quê hương, về cội nguồn dân tộc, để kết nối, tương trợ lẫn nhau và cùng với nhân dân trong nước góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường.” “Tổ quốc luôn rộng mở vòng tay chào đón những ‘công dân xa xứ’ chung tay xây dựng và phát triển đất nước,” ông nói.

Trong nhiều thập niên, Việt Nam chỉ cho phép một nhóm rất chọn lọc những người thường trú lâu năm được nhận quốc tịch Việt Nam trong khi vẫn giữ quốc tịch ngoại quốc của họ, chẳng hạn như các nhà khoa học nổi tiếng hoặc các cầu thủ đá banh. Tính đến tháng Ba, chủ tịch nước mới chỉ cho phép 60 người được giữ song tịch. Việt Nam lo ngại về mối đe dọa an ninh quốc gia tiềm tàng từ những người mang song tịch do lịch sử lâu dài bị các quốc gia khác xâm lược.

Ước tính có khoảng sáu triệu người Việt Nam ở hải ngoại, sinh sống tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dữ liệu từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tính đến tháng Mười năm 2024 cho thấy 80% trong số họ cư trú tại các nước phát triển. Nhiều người trẻ trong số này ở lại nước ngoài làm việc cho các công ty lớn như Google, Meta, IBM và Microsoft sau khi du học, với phần lớn làm việc trong các ngành khoa học, công nghệ và tài chính.

Trên thực tế, những người mang song tịch vẫn có thể sống ở Việt Nam nhưng đôi khi gặp phải những rắc rối về hành chính và bị hạn chế về quyền lợi. Các ngoại kiều sống tại Việt Nam bị giới hạn bởi các yêu cầu thị thực, hạn chế quyền sở hữu bất động sản và các rào cản trong việc tiếp cận các quyền lợi ngân hàng.

Nghị quyết 57, được ban hành vào tháng Mười Hai năm ngoái, tập trung vào việc phát triển khoa học và công nghệ. Nghị quyết này nêu rõ Việt Nam sẽ phát triển một “cơ chế đặc biệt” để thu hút người Việt Nam ở hải ngoại và ngoại kiều có trình độ cao đến làm việc và sinh sống, bao gồm các chính sách về quốc tịch, cho phép sở hữu nhà và đất, cùng mức lương hấp dẫn.

Tuy nhiên, công chức, quân nhân và nhân viên công an phải độc quyền mang quốc tịch Việt Nam, với một vài trường hợp ngoại lệ. Các nhà lập pháp vào tuần trước cũng đã nới lỏng các quy định về tên gọi để giúp người ngoại quốc dễ dàng có được quốc tịch Việt Nam hơn.

Nguồn: Nikkei Assia

You may also like

Verified by MonsterInsights