Xem phim cao bồi, biết tâm lý người Mỹ

by Tim Bui
Xem phim cao bồi, biết tâm lý người Mỹ

BẮC KỲ DI CƯ

Hồi còn trẻ, Sáu tui mê coi phim cao bồi mút chỉ cà tha luôn. Học hành vất vả cũng vì phim cao bồi uýnh nhau với da đỏ, cao bồi uýnh nhau với cao bồi. Có ngày coi ba phim liên tục luôn, ra khỏi rạp, choáng váng mặt mày, phải đứng nhắm mắt một lúc mới ra lấy xe đạp được. Hầu như không rạp nào chiếu phim cao bồi mà vắng tui.

Tui nhớ có mấy rạp trong khu Đa Kao như Casino Đakao, Modern, Văn Hoa; tại Khu Gia Định – Bà Chiểu thì có Cao Đồng Hưng, Đại Đồng, (rạp Huỳnh Long chuyên phim Ấn Độ có các nữ diễn viên bịt ngực, hở rốn, lắc bụng hát “a ả à a ả à a…”); Khu trung tâm Saigon như Lê Lợi, Kinh Đô, Casino, Hưng Đạo, Đại Nam, Long Phụng, Long Vân và vài rạp nữa không nhớ tên. Khu Trương Minh Giảng, gần nhà tui có rạp Văn Lang, là nơi tui coi nhiều nhất. Những phim cao bồi mà tui mê là “Bắn chậm thì chết,” “Django,” “Tay súng bá vàng,” “The Good, the Bad, and the Ugly,” “Bẩy tay súng,” “Cuộc đấu súng Rio Bravo,” “The River of No Return,” “Đổ xô đi tìm vàng”… Các tài tử mà tui mê như điên là John Wayne, Clint Eastwood, Glenn Ford, Yul Brynner, Marlon Brando, Charles Bronson, Steve McQueen, James Coburn, Eli Wallach, Robert Vaughn, Lee Van Cleef, James Steward, Anthony Quinn, Gregory Peck, Burst Lancaster, Audie Murphy, và Gary Cooper.

Mỗi anh hùng một vẻ, Burt Lancaster thì đấm mạnh, John Way và Gregory Peck thì chững chạc, Yul Brynner đểu đểu, Lee Van Cleef chuyên đóng vai ác, còn Audie Murphy thì trẻ trung, nhỏ con nhưng anh hùng… Với các nữ tài tử thì thôi, tui mê chết luôn. Hồi đó, đang học vẽ, nên vẽ các nàng lia chia, mà các nàng mặc hơi thiếu vải, nên mẹ tui đánh tui nhừ đòn: “Giêsu Maria! Mày vẽ cái gì thế này? Ma quỷ! Ma quỷ!” rồi đốt, rồi xé, rồi quất tui lia lịa đến tui muốn sụm, nhưng tui vẫn lén lút vẽ, rồi đem dấu ở nhà bạn. Các người đẹp thần tượng của tui hồi đó là: Brigitte Bardot (BB), Natalie Wood, Elizabeth Taylor, Claudia Cardinale (CC), Marilyn Monroe, Gina Lollobrigida, và Audrey Hepburn. Trong số này, chỉ có Audrey Hepburn là có thân hình thon thả mà báo lá cải gọi là “người đẹp vu khống” (nói lái), nhưng có cặp mắt long lanh, cuốn hút mê hồn, ngoài ra, cô nào cũng có được báo chí hồi đó mệnh danh là có “bộ ngực núi lửa,” trong số núi lửa này, các ngọn núi nhọn hoắt và cao nhất là đến từ hai cô đào Elizabeth Taylor và Gina Lollobrigida, nàng Gina mà lắc lắc trái núi của nàng một cái là mấy gã trai điên lên. Thú thiệt, hồi đó, tâm hồn thanh niên như tui rất trong trắng, thấy đẹp và bự thì nói vậy thôi, chứ núi lửa có nhảy qua nhảy lại cũng chẳng làm tui xúc động bằng cặp mắt đẹp của Audrey Hepburn. 

Những tên tuổi mà tui kể ra trên đây thiệt ra chưa đủ đâu. Bây giờ đã bị lão hóa chút chút rồi nên quên nhiều lắm, chỉ nhớ các khuôn mặt đặc biệt, các vai diễn đặc biệt và vài khung cảnh đặc biệt mà thôi. Trong trí nhớ còn hoạt động của tui, thì các phim cao bồi miền Viễn Tây hồi lập quốc, thời đào vàng, đã cho thấy tư cách của người Mỹ khá nhiều. Đại loại như sau:

-Luôn luôn có một anh hùng đơn độc giữa một đám đông mất tính người, ỷ lại vào tài bắn nhanh, giết lẹ mà vọt lên làm chủ thành phố. Súng bán tràn lan, đàn bà con gái cũng đeo súng. Sức mạnh làm chủ chiến trường, văn hóa thì nhỏ giọt. Trước khi giết người cũng làm dấu thánh, giết xong cũng làm dấu thánh, các ngôi mộ đều có hình thập giá, kể cả mộ kẻ giết người, hiếp dâm. Cướp mở miệng ra là kêu “Chúa ơi,” hoặc “Godamn!” hay “f..k.”

-Thú vui giải trí của người Mỹ là đánh bạc và gái gú. Uống rượu thì như uống nước lã, sáng mới ngủ dậy là tu một ly, cả vài ngày chưa ăn gì cũng làm một ly 100%, bệnh nặng, bị bắn, cũng làm vài cốc.

-Cướp cạn từng đàn. Luật pháp vô dụng. Đa số sheriff là tay chân của bọn cướp, hoặc bị mua chuộc nên im miệng khi có chém giết. Bác sĩ cũng có khi là “undertaker,” nghĩa là vừa chữa bệnh vừa làm nhà quàn. Trong mười phim cao bồi thì sáu phim có sheriff hay mayor gốc là cướp của, giết người, hai là do dân bầu lên làm cảnh, và hai là anh hùng cô đơn, thắng bọn cướp được dân gắn cho ngôi sao. 

-Những người từ xa đến lập nghiệp bị coi là “di dân bất hợp pháp” là “squatters,” nghĩa là đến ngồi chiếm đất, sẽ bị bắn, giết, hoặc đầy đọa, áp bức. Người nào không chịu nổi thì bỏ chạy, sau khi người thân đã bị bắn chết, kẻ nào anh hùng thì vùng lên, để chết đến 90%, vì kẻ đến trước có trang bị đầy đủ, còn mới đến thì lơ ngơ. 

-Đa số dân chúng thì giữ mồm, giữ miệng, không dám chống đối kẻ đàn áp để được yên thân. Thấy phe nào đấm mạnh, bắn nhanh, ăn to nói lớn thì theo.

-Đàn bà, con gái phải biết âm mưu, thủ đoạn mới sống sót. Nàng nào ngờ nghệch mà có sắc đẹp, có trại gia súc thì trước sau gì cũng bị bắt, bị ép làm vợ băng đảng, hoặc bị giết. Thành phố nào cũng có một cái Saloon là trung tâm cờ bạc, gái gú. Điều kỳ lạ là các nàng ngủ lung tung, mà không thấy bầu bì, con cái gì cả mà hồi đó chưa có thuốc ngừa thai. 

-Trên hết, và chiếm đến 90% cốt truyện là “tầm thù, báo oán” cho những vụ bắn lén, bắn sau lưng, hèn nhát giết người ban đêm, sát hại cả nhà dân lành. 

Đại khái tâm lý người Mỹ hồi đổ xô đi tìm vàng là như thế, nhưng dần dần văn minh đô thị đã làm thay đổi rất nhiều.

Người Mỹ thập niên 1960- 1970 lịch sự và hào hoa vô cùng. Hồi tui đi học ở San Antonio, Texas, năm 1967-1968, vì không có xe, nên cứ đứng bên lề đường, lấy ngón tay cái ngoắc ngoắc về phía trước là chỉ mươi, mười lăm phút là có xe đậu lại hỏi “Where are you going?” rồi chở đi, không cần biết xa hay gần. Một người bạn Mỹ mới quen đã chở tui một lèo từ San Antonio sang Mễ ăn chơi cả ngày trời. Một kỷ niệm đẹp với người Mỹ là một lần tui đi lễ nhà thờ Chủ Nhật ra, đang đứng lớ quớ chờ xe, thì một cặp vợ chồng người Mỹ trung niên tiến đến, hỏi tui từ nước nào đến, tui nói “Vietnam,” thì hai ông bà mời tui lên xe về nhà ăn cơm.

Tui ở đó, nói chuyện suốt ngày, đến chiều, ăn nữa, rồi bà chở tui về lại chỗ tui ở. Từ đó, tui thành người thân trong gia đình họ, cho đến khi tui rời San Antonio đi sang Georgia, rồi về Việt Nam vẫn giữ liên lạc. Sau 1975, nghe tin toàn bộ sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa bị đày đi khổ sai, bà làm đơn khắp nơi, gửi đến các dân biểu, nghị sĩ xin can thiệp cho tui ra, nhưng vì không biết tui ở nhà tù nào nên không có kết quả. Đến khi sang Mỹ, liên lạc lại, bà mừng quá, kéo cả gia đình sang thăm tui ở California.

Những người Mỹ tốt như thế, giờ đây rất hiếm, vì chính tâm lý xã hội Mỹ đã đổi thay.

Những lãnh đạo Mỹ bây giờ chỉ chú trọng quyền lợi của đảng họ, của bản thân họ, hơn là quyền lợi của đồng minh. Họ sẵn sàng phản bội, bắn lén, bắn sau lưng y như thời Viễn Tây đào vàng, không còn coi trọng tính anh hùng như trước. Người Việt Nam ta, sang Mỹ dù lâu nhất cũng chỉ mới 50 năm, vẫn chưa hiểu tâm lý người Mỹ, nên cuồng phe này, cuồng phe kia, đến nỗi mắng chửi nhau như kẻ thù, kẻ cướp, giả như cho phép bắn súng thì chắc cũng có nhiều cuộc Rio Bravo giữa người Việt với nhau.

Dân Mỹ cũng có nhiều người kỳ thị, coi người di dân, trong đó có người Việt, như những “squatters,” nghĩa là kẻ đến sau, di dân lậu, chiếm đất, chiếm “job” của người Mỹ chính cống, ngoại trừ những người trẻ thuộc thế hệ một rưỡi và hai, đã cần cù học và thành công trên mọi phương diện khoa học, kỹ thuật, văn hóa, chính trị, tài chánh, khiến người Mỹ nể nang đôi chút. Giả như không có thế hệ sau này, thì chắc người số phận người Việt di tản cũng sẽ dần tàn như người Trung Hoa hồi đó sang làm đường xe hỏa. 

Thiệt buồn cho dân Việt, dòng giống Lạc Long Quân và Âu Cơ, theo gương tổ tiên, chia nhau ra thành hai lực lượng kình chống nhau vì những chuyện hão huyền, cho dù cũng là cùng con một nhà. Bắc Kỳ Di Cư
Đầu tháng Năm, 2025

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/a-to-h/bac-ky-di-cu/

You may also like

Verified by MonsterInsights