Nhân ngày quân lực, nhắc lại vụ Tướng Nguyễn Ngọc Loan và tên Bảy Lốp

by Tim Bui
Nhân ngày quân lực, nhắc lại vụ Tướng Nguyễn Ngọc Loan và tên Bảy Lốp

CHU TẤT TIẾN

Trước năm 1975, nhiều bài hát về lính Cộng Hòa được phổ biến rộng rãi và được hâm mộ bởi toàn thể dân miền Nam. Các nhạc sĩ viết về lính, có thể là quân nhân và cũng có thể không thuộc quân đội, nhưng những bài tình ca về lính, những bài viết thay cho lính đều nói lên được những cảm xúc của người nhập ngũ bảo vệ tổ quốc.

Trong số các tác giả nói trên, có hai nhạc sĩ được dân miền Nam quý trọng và yêu mến nhất, đó là nhạc sĩ Đại tá Nguyễn Văn Đông, tức Phượng Linh, cũng là tác giả cổ nhạc Đông Phương Tử, và nhạc sĩ Trần Thiện Thanh tức ca sĩ Nhật Trường.

Mỗi tác giả có một phong cách riêng khi nhìn về quân đội. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, với tâm hồn lãng mạn, thường dùng những âm điệu nhẹ nhàng và ngôn ngữ bóng bẩy, văn chương của một triết gia, tỷ dụ như “Lòng người còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay, gió cuốn còn nhiều anh ơi,” hoặc nồng nhiệt như “Người đi giúp núi sông, hàng hàng lớp lớp chưa về, hàng hàng nối tiếp câu thề, dành lấy quê hương.” Trong khi đó, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh lại đi thẳng vào đời lính với những suy tư dằn vặt, cay đắng trước những sự kiện thương đau như “Anh không chết đâu em, người anh hùng mũ đỏ tên Đương,” hoặc “Sao không hát cho người giết giặc trên cầu, khi bùn lầy còn pha sắc áo xanh, trong khói súng xây thành, mắt quầng thâm, mất ngủ? Sao không hát cho những bà mẹ hằng đêm nhớ con xa? Sao không hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua?”

Trong cuộc chiến 1975, đã có hơn 500,000 chiến sĩ nằm xuống… chiều qua. Những người lính ấy, những anh hùng vô danh ấy đã chết vì đạn pháo xé toang thân thể, vì những vết thương chảy máu mãi không ngừng. Nhưng cũng có những người không chết trong chiến trận mà chết vì bị du kích miền Nam khát máu giết hại khi trong tay họ không có một tấc sắt.

Một trường hợp bi thảm nhất mà dân miền Nam chỉ nghe loáng thoáng, nhưng không biết rõ chi tiết, đó là vụ tên du kích Bẩy Lốp đã bắn chết cả gia đình gồm tám người của một Trung Tá Thiết Giáp. Theo nhiều nguồn tin, thì vào dịp Tết 1968, vì miền Nam tin tưởng vào ba ngày hưu chiến với Bắc Việt, nên quân đội không phòng bị. Các quân nhân thay nhau về nhà ăn Tết, chỉ để lại một số nhỏ canh gác doanh trại. Việt Cộng lợi dụng sự chân thành tin tưởng của chế độ Cộng Hòa mà tung vào miền Nam gần trăm ngàn lính mưu đồ cướp miền Nam. Vì sự bất phòng bị đó mà Việt Cộng xâm nhập dễ dàng vào các trại gia binh và giết loạn những nạn nhân không có súng, cả phụ nữ và trẻ em. 

Trường hợp bi thảm nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam xảy ra tại trại Thiết Giáp Phù Đổng, nơi gia đình các Sĩ quan cấp tá cư ngụ. Đầu tiên bọn du kích chỉ huy bởi tên Bảy Lốp (Nguyễn Văn Lém) xâm nhập vào nhà Trung tá Huỳnh Ngọc Diệp, bắn chết cả gia đình, sau đó tràn sang nhà Trung tá Nguyễn Tuấn, lúc đó có tám người gồm bà mẹ 80 tuổi, hai ông bà Trung tá Nguyễn Tuấn, và 6 người con còn nhỏ. Vì bị bất ngờ, Trung tá Nguyễn Tuấn đã bị tên Bẩy Lốp chĩa súng vào khống chế cả gia đình tám  người và bắn chết họ một cách dã man. 

Trời không phụ người ngay. Một cháu bé hôm đó là cháu Nguyễn Từ Huấn lại đi ngủ ở nhà người chú. Cháu bé sinh năm 1959, lúc đó là 11 tuổi. Cháu là người họ Nguyễn duy nhất đứng nhìn năm chiếc quan tài từ từ hạ xuống lòng đất một lượt.

Căm thù và uất hận dâng cao nhưng cháu Huấn vẫn nghiến răng, không khóc. Vì tình máu mủ, cháu Huấn đã được gia đình người chú, là Đại tá Nguyễn Tú nuôi dưỡng và đưa sang Hoa Kỳ năm 1975. Với nhiệt tình và lòng dũng cảm, cũng như với trí tuệ sâu sắc, ảnh hưởng của thân phụ, Nguyễn Từ Huấn đã học rất thông minh, năm 1981, tốt nghiệp bằng kỹ sư điện rồi thạc sĩ về kỹ thuật thông tin. Vì mến mộ sự cứu trợ của Hải Quân với gia đình cháu, năm 1991, Nguyễn Từ Huấn đã tình nguyện vào Hải Quân. Trí tuệ và lòng dũng cảm đã giúp Huấn thăng tiến rất nhanh. Năm 2013, ông được thăng chức hạm trưởng. Chỉ sáu năm sau, năm 2019, ông được thăng cấp thành phó đề đốc.

Ngày gắn lon phó đề đốc, có mặt hai vị chỉ huy người Việt, Thiếu tướng Lương Xuân Việt và Chuẩn tướng Châu Lập Thể Flora, hai vị tướng lãnh lừng danh trong quân đội Hoa Kỳ đến để chia vui với người bạn Việt Nam. Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn từng được trao hai huy chương cao cấp trong Hải quân: Huy chương Danh Dự Legion of Merit và Bronze Star của Thủy quân Lục chiến.

Trở lại vấn đề Bẩy Lốp. Lúc đó Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan đang chỉ huy cuộc tổng phản công quân Bắc Việt và du kích tấn công Saigon, tại khu vực chùa Ấn Quang, Chợ Lớn, góc đường Sư Vạn Hạnh và Ngô Gia Tự thì hai cảnh sát viên dẫn tên Bảy Lốp đã bị bắt khi đang lúng túng tìm đường đi.

Hai Cảnh sát viên đã tường thuật tội ác của tên Bảy Lốp này, đã tàn nhẫn bắn chết toàn bộ hai gia đình sĩ quan Thiết Giáp là gia đình Trung Tá Huỳnh Ngọc Diệp và gia đình Trung Tá Nguyễn Tuấn, tổng cộng mười mấy người khi trong tay họ không có một tấc sắt. Nghe tường trình về tội ác dã man này và trong lúc khói lửa tung trời, Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan cực kỳ nổi giận. Tưởng tượng đến thảm cảnh mười mấy người bị tên Bẩy Lốp này đang tay tàn sát, cả phụ nữ, mẹ già và trẻ em, Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan không thể dằn cơn phẫn nộ, chĩa súng ngay đầu tên Bẩy Lốp cũng như hắn đã từng chĩa súng ngay đầu mười mấy nhân mạng kia, mà nổ súng. 

Vận mệnh cuộc chiến tranh Việt Nam đã rơi vào khúc quanh nghiệt ngã này. Đúng lúc đó, nhiếp ảnh gia Eddie Adams, thuộc Associated Press, đưa máy lên chụp được khoảnh khắc viên đạn bắn ra của tướng Loan vào đầu tên Bảy Lốp. Đau lòng cho vận nước Việt, vì tên Bẩy Lốp mặc thường phục, nên khi bức ảnh được tung ra ở Hoa Kỳ, người dân Mỹ giận dữ cho rằng tướng Việt Nam Cộng Hòa thản nhiên bắn chết người dân lành, từ đó mà làn sóng phản chiến lại nổ ra khắp nơi. Từ đó mà cộng với phương pháp tuyên truyền phản chiến của Cộng Sản, phong trào chống chiến tranh lan rộng khắp nước Mỹ, như làn sóng triều dâng, bất chấp bao nhiêu bức hình ghi lại cảnh chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đối xử tử tế với tù binh. Tướng Nguyễn Ngọc Loan bị mất chức vụ trong cay đắng. 

Kết quả ra sao như chúng ta đã biết: năm 1971, Nixon, Tổng Thống thuộc đảng Cộng Hòa, thấy không chống lại được phong trào phản chiến cũng như đã tính toán thấy rằng cuộc chiến Việt Nam không đem lại cho y lợi lộc gì, nên đã lệnh cho Kissinger, kẻ mưu mô thủ đoạn nhất thế kỷ, sang Bắc Kinh làm hòa với Mao Trạch Đông, rồi cũng Kissinger bắc cầu cho Nixon đơn phương sang Trung Cộng, diện kiến (hay triều kiến) Mao Trạch Đông, trùm cộng sản Châu Á, và mặc cả bán đứng Việt Nam Cộng Hòa cho Trung Cộng.

Từ đó mới xảy ra cuộc Hòa đàm Paris do Mỹ chủ động, ép miền Nam Việt Nam phải ký kết một tờ giấy lộn, chấp nhận cho Quân đội Bắc Việt được ở lại miền Nam, tiếp tục tiến đánh miền Nam, trong khi Nixon cho rút hết quân đồng minh về nước, để lại Việt Nam Cộng Hòa chơ vơ đánh giặc với súng không đạn, súng hỏng không được thay thế, hết đạn không được cung cấp. Rồi cũng Hải đội Mỹ đứng chĩa ống nhòm nhìn quân Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, bắn chìm tàu Việt Nam, mà không hề phản ứng, ngay cả việc đến vớt những chiến sĩ đang chìm trong làn nước biển cũng không thực hiện. 

Vận nước đã sang trang, có lẽ một phần cũng vì bức ảnh. Tác giả chụp ảnh này, sau đó hối hận không cùng khi biết mình đã hấp tấp, không tìm hiểu vấn đề để làm hại Việt Nam, đặc biệt là làm hại đời Tướng Loan, đến khi nghe tin ông mất, Eddie Adams, lúc đó 67 tuổi, đã khóc và hối hận, rồi viết về tướng Nguyễn Ngọc Loan trên tạp chí Time:

Tôi đoạt giải Pulitzer năm 1969 vì một tấm ảnh chụp một người đàn ông bắn một người khác. Hai người đã cùng chết trong tấm ảnh đó: Người bị ăn đạn và Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Ông tướng giết tên Việt Cộng. Và tôi đã giết ông tướng bằng máy ảnh của mình.”

Có tin nói rằng hậu quả của tấm hình oan nghiệt đó đã khiến Eddie Adams bị trầm cảm và đã khước từ không nhận một số giải thưởng.

Nhưng mọi chuyện đã an bài.

Chu Tất Tiến
Tháng 6, năm 2025

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/q-to-z/chu-tat-tien/

You may also like

Verified by MonsterInsights