Trang tin của VOV ngày 4-7 thông tin, nhiều thương hiệu Việt từng là biểu tượng khởi nghiệp của Việt Nam đã lần lượt rút khỏi thị trường. Hầu hết là các thương hiệu trong lĩnh vực thời trang, giày dép, mẹ và bé…Nguyên nhân hầu hết là “không đủ sức chống lại áp lực chi phí doanh nghiệp gia tăng và tốc độ tiêu thụ hàng bình dân quá nhanh”.
Tháng 6 vừa qua, thương hiệu DANGHAIYEN, với 10 năm có mặt trên thị trường, cũng chính thức rút lui khỏi thị trường tại Hà Nội. Trên mạng xã hội, chủ thương hiệu thẳng thắn thừa nhận không bắt kịp được nhịp thay đổi hành vi tiêu dùng chóng mặt của thị trường và áp lực khắt khe từ người tiêu dùng thời mạng xã hội. Việc thông báo “tạm dừng để học lại cách kết nối” thực chất là cách diễn đạt nhẹ nhàng cho một bước lùi chiến lược, trong bối cảnh định vị thương hiệu mờ nhạt, chiến lược kinh doanh thiếu bền vững và sức cạnh tranh yếu dần.
Mới nhất là thương hiệu LUU Vietanh, một thương hiệu thời trang cũng vừa thông báo “đóng cửa” sau 4 năm hoạt động. Trong chưa đầy một năm, hàng loạt thương hiệu Việt Nam biến mất: từ MỘT, nhãn hiệu giày tối giản có chất riêng, đến Lep’, chuỗi cửa hàng thời trang nữ từng mở rộng tới 17 chi nhánh, hay Catsa, cái tên quen thuộc với khách hàng Sài Gòn suốt 13 năm qua. Dù lý do đóng cửa thương hiệu nội địa mỗi nơi mỗi khác, điểm chung vẫn là sự hụt hơi giữa một thị trường khắt khe và liên tục biến động.
Theo giới chuyên gia, làn sóng thương hiệu Việt rút lui là hệ quả từ những nền móng yếu kém trong mô hình kinh doanh. Đa số các thương hiệu nội địa khởi phát mạnh mẽ trong giai đoạn 2015–2020, khi trào lưu khởi nghiệp thương hiệu Việt lan tỏa. Tuy nhiên, phần lớn hình thành từ cảm hứng cá nhân, thiếu chiến lược tài chính dài hạn, nghiên cứu thị trường hay tái đầu tư hợp lý.
