Ttruyền thông trong nước ngày 13-7 đồng loạt đưa tin, theo Chỉ thị 20 ban hành ngày 12-7 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, bảo đảm đến ngày 1/7/2026 không còn xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1. Đây là khu vực trung tâm Hà Nội.
Từ ngày 1/1/2028, ngoài cấm xe môtô, xe gắn máy chạy xăng dầu, xe hơi cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng bị hạn chế trong khu vực Vành đai 1 và Vành đai 2; đến năm 2030 áp dụng với toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi Vành đai 3.
Thành phố được giao lập và công bố Đề án vùng phát thải thấp trong quý III/2025. Đến năm 2030, Hà Nội cần phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, phủ kín các tuyến chính, kết nối khu vực đông dân cư và các đầu mối lớn. Hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện năng lượng sạch cũng như các đội xe buýt điện, tàu điện được yêu cầu mở rộng.
Cùng với đó, thành phố sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sạch; tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số và giá trông giữ với xe chạy xăng, dầu trong khu vực trung tâm. Từ quý IV/2025, Hà Nội cũng thí điểm cấm đồ nhựa dùng một lần tại nhà hàng, khách sạn, quán ăn trong Vành đai 1.
Chỉ thị của Thủ tướng đặt mục tiêu tạo chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt ở các đô thị lớn, khu công nghiệp, làng nghề và lưu vực sông. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu chấm dứt tình trạng ô nhiễm kéo dài không được xử lý dứt điểm, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan liên quan. Theo chỉ thị nầy, không chỉ Hà Nội mà nhiều tỉnh thành ở Việt Nam trong vài năm tới sẽ có kế hoạch “dẹp xe chạy xăng” bằng nhiều cách! Dư luận đặt vấn đề sản xuất xe “không chạy bằng xăng, dầu” trong nước ra sao trong thời gian sắp tới?
