NGUYỄN DUY CHÍNH
Quá trình nặn một thành cái ấm
Nặn được một cái ấm thuỷ bình trơn [không hoa văn] tuy đơn giản nhưng phải qua 63 thao tác, chia làm năm giai đoạn:
1. Thân ấm gồm 22 trình tự, bao gồm từ việc chia cục đất thành nhiều phần khác nhau để làm thân ấm, đáy ấm. Sau khi đập dẹt, đất làm thân được cuốn thành hình tròn. Ðường nối của thân ấm luôn luôn được đánh dấu để sau này gắn quai ấm. Sau khi làm được thân ấm, người thợ sẽ nối với đáy và khoét thành miệng ấm.
2. Vòi ấm gồm bảy trình tự, quan trọng nhất là làm sao cho thành vòi đều, nước chảy ra không bị tắc và cân xứng với thân ấm.
3. Quai ấm gồm sáu trình tự, sao cho cân với vòi ấm.
4. Nắp ấm gồm 17 trình tự, là phần phức tạp nhất trong việc nặn ấm. Nắp ấm có nhiều phần, dày mỏng không đều, phải vừa với miệng ấm. Những ấm tốt hiện nay có phần chìm rất mỏng và khít, đậy lên không xục xịch chút nào. Sau khi gắn núm trên nắp, người thợ đục lỗ thông hơi để nước có thể chảy ra khi rót.
5. Giai đoạn sau cùng quan trọng hơn cả là ráp tất cả những bộ phận thành cái ấm.
Quai ấm, vòi ấm cân xứng và thích hợp, được chau chuốt lại cho mất vết tích đã nối. Thân ấm cũng được chà bóng cho trơn tru và miệng ấm không bị biến dạng trong quá trình nặn ấm.
Một khi mọi việc đều hoàn chỉnh, người thợ mới đóng dấu lên nắp ấm, đáy ấm, tay cầm … trước khi đưa vào lò nung. Các công việc trên chỉ bao gồm việc hoàn thành cái ấm, còn như vẽ hình hay viết chữ lại thuộc giai đoạn khác. Những chiếc ấm quý, công viết chữ, vẽ hình được tính ngang với việc làm ấm. Nhiều cơ xưởng có một đội chuyên gia làm việc này nhưng những thợ lành nghề có hoa tay thường tự mình đảm trách.
Nhiều chiếc ấm giá cao vọt lên vì có đến ba danh thủ cùng làm, người thợ nặn ấm, người khắc hoa văn và người đề chữ. Một chiếc ấm đẹp có thêm vài chữ nho hay một hai câu thơ thường tạo ra một cảm xúc khó tả nhất là nếu chúng ta hiểu được rằng mỗi động tác đều không thể sửa lại được, chiếc ấm đã hoàn thành cũng giống như một thư pháp gia hạ tay xuống tờ giấy bản, nếu không vừa ý chỉ có cách xé bỏ chứ không có thể tẩy xóa.
Tôi ấm
Tôi ấm là quá trình làm cho ấm mất đi mùi đất trước khi dùng. Ấm mới dù tốt cũng vẫn có những mạt đất li ti, nếu dùng pha trà ngay sẽ có mùi gạch, vừa khó chịu, vừa mất vệ sinh. Do đó, trước khi dùng chúng ta nên dùng giấy nhám đánh sơ qua bên trong ấm, dùng kim móc đi những vụn đất còn sót lại trong các khe nhỏ hay vòi ấm.
Khi ấm đã sạch rồi, nên rửa ấm nhiều lần, cho nước chảy để xem có gì không được như ý chăng? Nắp ấm đôi khi không khít lắm tuy hiện nay những ấm tốt thường được mài hay tiện lại cho thật vừa. Chúng ta cũng nên dùng nắp ấm xoay quanh miệng ấm một vài vòng để hai bên cọ sát với nhau cho thật tròn, không bị vướng hay hóc.
Ấm Nghi Hưng là loại không tráng men, có những khí khổng li ti (pores) nên uống trà một thời gian, cao trà đóng vào sẽ bít đi những kẽ hở và tạo nên một hương vị riêng. Vì thế ấm cũ thường kín hơn ấm mới và nhìn cao đóng quanh nắp ấm chúng ta có thể đoán chừng được ấm đã dùng nhiều hay ít.
Sau khi chuẩn bị, cho ấm vào một cái nồi, đổ bã trà hay trà cũ vào ninh lên chừng hai tiếng đồng hồ, vừa để cho ấm sạch, vừa để ấm có dịp nở ra cho cao ngấm vào. Sau khi tôi ấm, rửa sạch rồi phơi cho khô trước khi dùng để pha trà. Thường ấm phải dùng vài ba lần mới biết được những ưu và khuyết điểm của nó. Nhiều ấm trông đẹp, đắt tiền nhưng khi dùng lại có những điều không vừa ý, nước chảy không đều, cầm trên cao rót xuống không chảy thành dòng mà tung toé, nhắc không cân, lệch tay, quai rộng hay chật quá …
Mỗi người chúng ta có vóc dáng riêng, tiêu chuẩn riêng nên ấm cũng như áo, vừa với người này mà chưa hẳn thích hợp cho người khác. Việc pha trà cũng cần thoải mái nên nếu như ấm có điều bất toàn, trà thủ sẽ không cảm thấy tự nhiên.




Thế Đức Gan Gà…
Thứ nhất Thế Ðức gan gà,
Thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần.
Nghi Hưng [hay tên cũ Dương Tiện] nằm ở phía tây Thái Hồ [ngã ba của các tỉnh Giang Tô, An Huy, Chiết Giang] là một khu vực chuyên sản xuất đồ bằng đất nung, nổi tiếng nhất là ấm trà. Vùng Nghi Hưng có những mỏ đá, được khai thác và qua một chu trình biến chế trở thành đất nặn ấm. Tuỳ loại đất, loại mỏ người ta có được những sản phẩm khác về chất, về màu. Do đó nói ấm Nghi Hưng là nói chung về ấm đất không tráng men [unglazed].
Như chúng tôi đã đề cập, đất nặn ấm bao gồm ba loại chính: chu nê [朱泥], đoạn nê [緞泥] và tử sa [紫砂]. Hai màu tím nâu [tử sa] và đỏ [chu nê] thông dụng nhất. Ðoạn nê là loại đất màu vàng hơi ngả màu xanh lục.
Về màu gan gà, hiện nay có hai giải thích xem ra đều có lý. Một lối giải thích chính thức [theo nghĩa trong từ điển] cho rằng màu gan gà “tả màu vàng hoặc xám vàng, giống như màu gan của gà (thường nói về đất sét).” Ðây là định nghĩa trong Từ Ðiển Tiếng Việt do Viện Ngôn Ngữ Học [Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam] (Hà Nội: Trung Tâm Từ Ðiển Ngôn Ngữ, 1992) tr. 373. Ðịnh nghĩa này còn có thêm “đất gan gà, vách đá gan gà” làm thí dụ. Ðây hẳn là màu miếng gan gà đã luộc chín cắt ra bày lên đĩa.
Cũng theo cách giải thích này, Từ Ðiển Việt Hán [giáo sư Ðinh Gia Khánh hiệu đính], (Hà Nội: Bộ Ðại Học và Giáo Dục Chuyên Nghiệp, 1990) trang 414 định nghĩa “gan gà 1-鷄肝 [kê can] 2-黄色 [hoàng sắc]” với thí dụ “đất gan gà -黄色土 [hoàng sắc thổ.]” Một số từ điển tiếng Việt khác chúng tôi tra cứu lại không rõ, nói đúng ra là không định nghĩa gì cả. Việt Nam Tự Ðiển của Hội Khai Trí Tiến Ðức (Hà Nội: Trung Bắc Tân Văn, 1931) tr. 202 viết “Gan gà: Màu như màu gan gà: Ðất gan gà.” Ðại Từ Ðiển Tiếng Việt
[Nguyễn Như Ý chủ biên] do Trung Tâm Ngôn Ngữ và Văn Hoá Việt Nam [Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo] (Hà Nội: Văn Hoá-Thông Tin, 1999) tr. 705 viết “gan gà: Màu của đất giống như màu gan của con gà: đất gan gà.”

Tuy nhiên, ngoài màu vàng ở trên, một lối giải thích khác không hẳn là vô lý. Màu gan gà là màu nâu sậm, ẩn màu tím của lá gan con gà còn tươi khi mới mổ. Màu này cũng chính là màu tía theo nguyên thuỷ chữ Hán trong “tử sa.” Nếu như thế, ấm gan gà là ấm tử sa màu nâu sậm là màu khá thông dụng cho các loại ấm đất, chỉ sau loại màu đỏ gạch. Cụ thể là trong số những ấm đất mà người ta tìm thấy trong các thuyền buôn bị đắm thì hầu như chỉ có hai loại ấm màu đỏ [chu sa] và ấm màu nâu [tử sa], không thấy ấm màu vàng [đoạn nê] là loại mà ngay ở Trung Hoa cũng ít thấy. Nếu xem tận mắt lá gan gà chưa luộc chín thì màu sắc quả rất tương đồng với những ấm tử sa loại tốt. Do đó ấm gan gà mà cổ nhân mua được chính là ấm tử sa màu nâu sậm, không phải ấm màu vàng. Ðây là một giả thiết được bằng hữu góp ý, người viết chỉ đưa ra cho rộng đường dư luận.
Thực ra “Thế Ðức gan gà” mà các cụ ta nhắc đến không phải là ấm số một trong các loại ấm Nghi Hưng. Dưới thời Minh Thanh [và cả sau này thời Dân Quốc], người Trung Hoa có một mạng lưới thương mại rất rộng, hầu như khắp nơi trên thế giới. Ðồ sứ, đồ đất nung là những món hàng được ưa chuộng. Riêng các quốc gia Ðông Nam Á, ấm đất được chở sang gồm nhiều hiệu khác nhau nhưng Thế Ðức Ðường [世德堂] là loại nổi tiếng nhất, kế đó là ấm nhỏ hình quả lê theo hai kiểu Lưu Bội, Mạnh Thần. Khi chọn ấm, phân biệt Thế Ðức, Lưu Bội, Mạnh Thần là nhãn hiệu ở đáy ấm, thường là chữ viết hay con dấu. Thế Ðức Ðường là tên một hãng sản xuất, Lưu Bội và Mạnh Thần trái lại là tên của hai danh sư chuyên nặn ấm đời Minh. Về sau, một số kiểu ấm của hai vị này được hình danh, gắn liền với tên trở thành hai cái tên ấm – ấm Lưu Bội, ấm Mạnh Thần. Khi ba cái tên Thế Ðức, Lưu Bội, Mạnh Thần được gộp chung lại xem ra có điều bất ổn vì một đằng là thương hiệu, một đằng là kiểu ấm. Trong những ấm mới hiện nay, không thấy ấm giả mang dấu Thế Ðức [Ðường]. Những loại Lưu Bội, Mạnh Thần mà các cụ nói đến là kiểu ấm chứ không phải do hai danh thủ Lưu Bội hay [Huệ] Mạnh Thần [đời Minh] hơn năm trăm năm trước nặn rồi chở thuyền sang bán ở bên ta.( Trong một số cổ vật tìm thấy tại những thuyền buôn bị đắm, khá nhiều ấm nhỏ kiểu “quả quýt” được tìm thấy chứng tỏ đây là một mặt hàng thông dụng được chở đi bán cho nước ngoài thời Minh Thanh. Những ấm cổ sưu tập tại Thái Lan, Malaysia cũng có các kiểu ấm Lưu Bội, Mạnh Thần có bịt vàng hay bạc theo sở thích của dân địa phương)
Nói chung, ba tên này là ba hiệu ấm thông dụng nhất nhập cảng vào nước ta hồi thế kỷ XVIII, XIX. Ngày xưa chẳng mấy ai đủ tiền để mà so sánh hơn kém nên hai câu: “Thứ nhất Thế Ðức gan gà, Thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần” được người nọ truyền cho người kia như một câu “thần chú” để khi mua khỏi bị lầm. Thời xưa, việc có được một chiếc ấm là đại sự, không phải như chúng ta hôm nay, muốn mua bao nhiêu cũng có.
Thực ra, ba hiệu này cũng có nhiều thành phẩm, tốt xấu tuỳ loại, tuỳ hàng, tuỳ đợt … việc khẳng định một cách võ đoán như trên chưa hẳn đã đúng. Có điều khi đã thành định kiến rồi thật khó thay đổi. Cho đến nay, hai loại Thế Ðức và Lưu Bội hầu như tuyệt chủng nhưng ấm Mạnh Thần thì có nhiều, không phải vì tên hiệu mà vì kiểu ấm được nhiều người biết đến.
Lưu Bội: không rõ năm sinh, năm mất. Một số chuyên gia đoán rằng ông sống vào thời Thanh sơ, cũng có người cho rằng ông thuộc đời Minh mạt hay sớm hơn nữa, đời Gia Tĩnh. Lưu Bội nổi tiếng về các loại ấm chu nê nhỏ, hiện nay còn lại không nhiều. Dương Tiện Sa Hồ Ðồ Khảo [陽羨砂壺圖考] liệt kê 5 chiếc:
– Chiếc thứ nhất do Ðường Thiên Như sưu tầm được, thuộc loại chu nê nhỏ, dưới trôn ấm có dấu viết năm chữ “Dĩ Tri Cấp Cổ Công” [以知汲古功] và ký tên “Lưu Bội Chế” [留珮製], chữ chìm.
– Chiếc thứ hai do Phi Vân Lâu cất giữ, cũng là loại ấm chu nê nhỏ, dưới đáy có hai chữ “Thính Ðào” [聽濤] (nghe tiếng sóng vỗ), khắc bằng dao tre, trong nắp có ấn kiềm hai chữ “Nguyên Giang” theo lối triện, vành nắp có viết hai chữ “Lưu Bội.”
– Chiếc thứ ba do Bất Ðam Các cất giữ, dưới đáy có viết sáu chữ “Lưu Bội Chu Nê Tiểu Hồ” nét tương tự như của Ðường Thiên Như.
– Một chiếc khác cũng do Bất Ðam Các sưu tầm được, có sáu chữ “Lưu Bội Chu Nê Tiểu Hồ” theo lối thảo.
– Chiếc thứ năm do Trương Hồng giữ, dưới đáy có sáu chữ “Lưu Bội Chu Nê Tiểu Hồ,” dưới nắp có dấu kiềm “Nguyên Giang.”(Trích từ Nghi Hưng Tử Sa Từ Ðiển (2002), tr. 152).
Nếu đúng như thế, ấm do chính tay Lưu Bội nặn ngày nay không còn nhiều. Những ấm có đóng dấu Lưu Bội tuy cũ thật nhưng đều thuộc dạng ấm thương mại được sản xuất hàng loạt. Thỉnh thoảng trên internet cũng thấy một hai chiếc ấm Lưu Bội hay Mạnh Thần để bán và thường được mua với giá từ 100 đến 400 dollars, tuỳ loại, tuỳ kiểu, xem ra cũng không phải là đắt lắm, nếu có dư dật và kiên nhẫn một chút có thể mua được.
Về Mạnh Thần, theo chính những hàng chữ viết thì ông sống vào đời Minh Thiên Khải (1621-1627) qua tới đời Sùng Trinh (1628-1644). Ông thường nặn loại ấm nhỏ tròn, khắc chữ bằng dao tre, trong nắp có hai chữ “Vĩnh Lâm” bằng chữ triện.(Gần đây, số lượng ấm Mạnh Thần được tìm thấy khá nhiều, trong đó có một chiếc ấm màu vàng lớn dưới đáy viết “Ðại Minh Thiên Khải Ðinh Mão Kinh Khê Huệ Mạnh Thần Chế” nên người ta mới biết ông họ Huệ người đất Kinh Khê).
Ấm Mạnh Thần chế tạo đa số là ấm chu nê và tử sa, chỉ có rất ít ấm bằng đoạn nê. Các loại ấm cỡ trung và đại cũng hiếm.
Trong các ấm cổ, dường như ấm Mạnh Thần được người ta “nhái” nhiều hơn cả và cũng là loại ấm nhỏ thông dụng nhất. Tuy nhiên, ấm do chính tay ông làm không dễ kiếm và đều ở trong tay các nhà chuyên môn hay viện bảo tàng.
Các loại ấm thương mại Thế Ðức, Lưu Bội, Mạnh Thần xuất hiện trong sách phần lớn là loại “thuỷ bình,” 8 (Thuỷ bình về sau là tên gọi của kiểu ấm nhỏ, thường là độc ẩm có thể nổi trong trà thuyền mà các cụ bảo tay cầm, miệng ấm và vòi ấm ngang nhau [còn gọi là “tam sơn tề”] mà các cụ bảo rằng cân nhau, không triềng).
Ðặc tính này cũng trở thành một tiêu chuẩn để chọn ấm [bằng cách lật úp trên một mặt phẳng, hoặc thả vào nước xem có cân không]. Ấm có ba điểm ngang nhau sẽ không bị tràn nước ra khỏi vòi khi rót đầy. Tuy nhiên, theo cách thức pha trà ngày nay, ấm luôn luôn được để trong một cái tô lớn [trà thuyền] nên việc nước trào ra hay không cũng không còn là vấn đề. Việc quai ấm phải ngang với miệng ấm cũng không còn là một trọng điểm vì thực ra quai ấm không liên quan đến mực nước mà để cho thuận tiện, quai ấm nhiều khi được chế tạo cao hơn miệng bình để khi rót không phải nâng lên, dễ cầm hơn có quai ngang với thân ấm.
Việc lật úp ấm lên mặt bàn cũng chỉ áp dụng được cho những loại ấm đơn giản, kiểu cổ. Ngày xưa ấm đem sang bán ở nước ta thường là loại thương mại, được chế tạo với số lượng lớn, ít khi được điểm xuyết bằng tay, cái tròn cái méo không đều nên phương thức giản dị để chọn một cái ấm đẹp và tốt khi đến hiệu buôn là cần thiết. Những cách thức mà nhà văn Nguyễn Tuân nhắc đến nên được hiểu và áp dụng trong khung cảnh xã hội Việt Nam cách đây 100 năm, thời đại mà dân trí thấp, nghèo nàn, buôn bán đều là tiểu thương, ngày nay những tiêu chuẩn đó không có giá trị bao nhiêu.

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/am-tra-nghe-choi-cung-lam-cong-phu-ky-1/