TRUNG NAM
Vào ngày 4/9 năm 2024, báo chí Mỹ đăng một câu chuyện rất thú vị: Một bà cụ người Lỗ Ma Ni (Romania) tìm thấy một viên đá có kích thước khá lớn ở gần một con sông nằm về phía Tây Nam thành phố Colti.
Bà cụ thấy viên này có màu sắc đẹp nên đem về nhà. Đá có màu đỏ, trong suốt, nặng khoảng 7 pounds (3.17515 kg), bà không biết loại đá gì, có công dụng gì hay không nên cả mấy chục. năm trời bà dùng nó để… “chặn cửa.”
Sau khi bà cụ mất (năm 1991), một thân nhân của bà nghĩ rằng viên đá này có thể có giá trị, nên đem bán cho thành phố Lỗ Ma Ni (tin tức không cho biết giá bán là bao nhiêu nhưng chắc rẻ). Sau đó, các chuyên gia của Bảo Tàng Viện ở Krakow, Ba Lan đến xem xét và cho biết đây là một khối hổ phách to lớn nhất thế giới. Tuổi đời khoảng từ 38,5 đến 70 triệu năm.
Theo tờ báo El Pais (Tây Ban Nha), hổ phách này trị giá khoảng $1,100,000 Đôla Mỹ (một triệu, một trăm ngàn).
Một điều lý thú mà thân nhân của bà cụ cho biết là có một lần nhà bà cụ bị mấy tên đạo chích đến “thăm viếng” nhưng không tên nào để ý đến viên hổ phách nằm dưới sàn nhà mà chỉ lấy vàng bạc trang sức mà thôi. Đúng là “trời ban” cho người “hữu duyên.”
Hiện nay, bảo tàng Provincial Museum ở Buzau (Romania) là chủ nhân viên hổ phách này. Ông Daniel Costache, giám đốc bảo tàng, hãnh diện tuyên bố: “Việc khám phá hổ phách này rất là quan trọng lớn lao cho khoa học và cho viện bảo tàng chúng tôi.”
Từ câu chuyện này, chúng ta thử tìm hiểu xem “hổ phách” là gì? Công dụng và giá trị ra sao so với kim cương hột xoàn?
Hổ phách, còn được gọi là huyết phách, minh phách, hồng tùng chi, (tiếng Latin: succinum), là nhựa cây đã hóa đá (hóa thạch) từ nhiều triệu năm về trước, được đánh giá cao về màu sắc và vẻ đẹp tự nhiên.
Hổ phách thường được thấy dưới dạng khối nhựa cứng hoặc dạng nhũ đá với các khối to nhỏ không đều nhau, nhìn trong suốt với màu rất đẹp; một số trường hợp còn thấy rõ trong mảnh hổ phách chứa các động vật hóa thạch nguyên vẹn. Đem đun nóng, hổ phách tỏa mùi hương dễ chịu. Hổ phách dẫn nhiệt rất kém. Nói nôm na, hổ phách không phải là đá, không phải khoáng chất, mà là loại nhựa cây hóa thạch có tuổi hàng triệu năm được tìm thấy trong các cây cổ thụ lâu năm, có tên khoa học là Amber.
Người ta thường biết đến màu hổ phách là màu vàng như mật ong. Trong thực tế thì hổ phách có rất nhiều màu khác nhau như: trắng, vàng, cam, đỏ, xanh lá cây, xanh lam, nâu, đen. Hổ phách màu xanh dương và xanh lá cây thì rất quý hiếm, nhưng hổ phách trong suốt thì càng quý hơn.
Độ cứng của hổ phách Mohs chừng 2 đến 2.5 (rất mềm so với độ cứng của ngọc nephrite 6-6.5). Hổ phách được tìm thấy ở Anh, Nga, Ý, Đức, Ba Lan, Cộng hòa Dominica, Đức, Myanmar, Romania, và khai thác ở nhiều quốc gia vùng biển Baltic, một số nước Đông Nam Á như Myanmar, Việt Nam.
Tuy nhiên, loại hổ phách được biết tới rộng rãi nhất là hổ phách lấy từ vùng Baltic ở châu Âu. Mỏ hổ phách Baltic lớn nhất thế giới nằm ở tỉnh Kaliningrad của Nga. Hiện giờ tỉnh này bị chia cắt khỏi nước Nga sau khi các nước vùng Baltic tách ra thành các quốc gia độc lập năm 1991 và các nước này lại nằm giữa Kaliningrad và phần còn lại của nước Nga.
Hổ phách Baltic rất quý vì nó có đặc tính chữa bệnh (giảm đau xương khớp, chữa viêm họng, chữa đau răng cho trẻ khi mọc răng, chữa bướu cổ), một đặc tính mà các loại hổ phách ở vùng khác không có. Đặc tính chữa bệnh có được là nhờ một loại axit chứa trong hổ phách Baltic có tên là axit succinic.
Trong hổ phách có chứa acid, loại có nhiều chất chống oxy hóa, có tác dụng hỗ trợ phục hồi hệ thống thần kinh, tăng cường hệ miễn dịch, chống nhiễm trùng. Người Tàu ngày xưa dùng hổ phách như ngọc, kích thích cơ thể tự chữa lành vết thương. Theo Đông y, hổ phách có tác dụng đả thông kinh mạch, lưu thông khí huyết giúp ngủ ngon, và có tác dụng đến gan, thận, lá lách và túi mật (hèn chi trong thế giới sưu tầm cổ vật Trung Hoa, có nhiều món vòng đeo cổ, vòng đeo tay… làm bằng hổ phách xưa có giá trị lên đến hai trăm ngàn đô la Mỹ).
Nhờ màu sắc đa dạng, dễ chạm, mài dũa và trọng lượng nhẹ nên hổ phách trở thành vật liệu quý rất dễ phù hợp trong ngành thủ công mỹ nghệ: chế biến tẩu thuốc, làm nhiều món trang sức đắt tiền như mặt nhẫn, sợi dây chuyền, cườm tay, hoa tai, v.v… Một tính chất đặc biệt của hổ phách là sẽ chìm trong nước ngọt, nổi trong nước mặn.
Nói về trị giá hổ phách, hổ phách nào được tạo thành các món đồ và được cắt, mài, đánh bóng thì có trị giá từ một đô đến cả ngàn đô Mỹ tùy theo đặc tính trong suốt, màu sắc, chỗ nứt và những con sinh vật nhỏ bé bị chôn dính ở bên trong. Có khoảng 1.000 loại động thực vật, bao gồm cả những loài đã tuyệt chủng, được tìm thấy trong hổ phách, từ thằn lằn, côn trùng tới lá, hoa, lông vũ và các mảnh vụn thực vật khác.
Hổ phách còn được dùng trong phong thủy và sức khỏe, đặt trong nhà, phòng ngủ, nhà bế, trên bàn thờ, đeo trong người, để giúp tạo năng lực tích cực, đem lại may mắn và chữa lành cơ thể.
Trên thế giới, có khoảng 10 vật thể do con người tạo bằng hổ phách có giá trị cao nhất, trong đó con ếch hổ phách làm từ thời nhà Thanh bên Tàu có trị giá $265,000 đô la Mỹ. Nhưng đứng đầu danh sách là một phòng hổ phách “The Queen’s Amber Room”. Căn phòng được chế tác từ nhiều thanh hổ phách rồi được lát vàng lá. Phòng này là tác phẩm của một nhóm thợ Đức và Nga hợp tác làm ra vào đầu thế kỷ XVIII, và sau đó được vua Phổ Friedrich Wilhelm I tặng cho Nga hoàng Peter Đại Đế vào năm 1716.
Đây là một tuyệt tác có một không hai. Không ai có thể định trị giá căn phòng hổ phách này, nhưng theo các chuyên gia, ít nhất phải là 150 triệu đô. Rất tiếc, vào tháng 10/1941, tức bốn tháng sau khi quân Đức tấn công Liên Xô, trong một chiến dịch bí mật, lính Quốc xã đã tháo rời toàn bộ căn phòng trong Cung điện Catherine, gần thành phố Leningrad và chuyển nó đến Konigsberg, nay thuộc Kaliningrad của Nga.
Phòng hổ phách sau đó biến mất vào năm 1945.
Cho tới ngày nay, không ai biết được phòng này ở đâu? Có còn tồn tại hay không? Hàng trăm giả thuyết được đặt ra về sự biến mất bí ẩn này cũng như về số phận của căn phòng nổi tiếng. Một số nhà sử học thậm chí khẳng định phòng hổ phách đã bị bom phá hủy trong một cuộc tấn công vào Konigsberg, số khác thì cho rằng nó đã chìm dưới biển.
Cũng vì hổ phách có nhiều công năng nên từ lâu, con người (nhất là người Tàu) đã xem hổ phách là “báu vật thiên nhiên. Dĩ nhiên thị trường giả tạo hổ phách cũng khá nhiều, làm nhiều người hoang mang “thật giả khó phân”. Cho nên một cách phân biệt hổ phách thật và giả là cho nó vào nước muối, hổ phách thật sẽ nổi còn giả thì chìm xuống. Một cách khác là cầm hổ phách trên tay, cái thật sẽ đem lại cảm giác ấm áp.
Nguồn:
Futurism
Wikipedia
Baltic Jewerly News
Bách Hóa Xanh
Dojilab.