Chữ quốc ngữ, chữ nước ta, kỳ 14 – Giáo dục: Thầy và sách!

by Tim Bui
Chữ quốc ngữ, chữ nước ta, kỳ 14

TRẦN NHẬT VY

Trong giáo dục, dạy học có hai “món” không thể thiếu là “thầy và sách.” Lớp học thì diễn ra ở đâu cũng được. Một cái bàn ở ngoài vườn, một căn phòng nhỏ, một chái nhà lá… đều có thể trở thành lớp học, nơi mà thầy chuyển những kiến thức cho học trò của mình. Nhưng nếu “cái lớp học” ấy lại không có thầy và cũng không có sách thì không thể thành…giáo dục!

Khi chữ quốc ngữ bắt đầu được phổ biến, khi sự giáo dục chữ quốc ngữ bắt đầu trở thành “quốc sách” của người Pháp thì thầy và sách không thể thiếu. Và khi trường lớp mọc rộ lên từ làng, xã, tổng cho đến các đô thị lớn thì nhu cầu có nhiều thầy, có sách giáo khoa căn bản càng lớn.

Thời gian đầu, nhà cầm quyền Pháp ở Nam Kỳ chỉ mở có vài trường dạy chữ quốc ngữ “căn bản.” Nói căn bản nghĩa là đào tạo cấp tốc những nhân sự có khả năng “đứng lớp” trong vòng một hai năm để đứng lớp cùng với những ông thầy đã được đào tạo từ các tu viện, nhà thờ. Và với mục đích giáo dục rất hạn chế, người thầy khi đó không cần có nhiều kiến thức mà chỉ cần đủ “chữ quốc ngữ” để truyền đạt cho học sinh mà thôi. Trong vòng mấy năm từ năm 1861 đến 1868 có khoảng vài trăm thầy giáo được đào tạo. Xin lưu ý, thời gian này chưa có trường Sư Phạm Thành Phố chuyên đào tạo thầy giáo. Những thầy giáo này được cấp bằng do đích thân Thống đốc Nam Kỳ ký và bổ nhiệm. Từ năm 1874 trở đi, lớp thầy giáo chuyên nghiệp được đào tạo ở trường Sư Phạm Thành Phố mới ra trường sau hai năm học. Ông Trương Minh Ký là một trong số các “thầy” tốt nghiệp trường sư phạm này. 

Thuở ban đầu, người Pháp với quyết tâm “quốc ngữ hóa” người Việt ở Nam Kỳ trong chiến lược loại bỏ chữ Nho ra khỏi đời sống của dân chúng, họ huy động gần như “tất cả” những viên chức, cộng sự biết chữ quốc ngữ làm thầy giáo dạy chữ quốc ngữ ở các trường học. Ngoài các tu sĩ đã rời bỏ tu viện lẫn các tu sĩ vẫn còn mặc áo chùng khi tới trường lớp, những thông ngôn được tin cẩn như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của và một số đông các quân nhân đã được đào tạo căn bản chữ quốc ngữ ở trường Thuộc Địa…đều là thầy giáo. 

Song song đó, họ cũng tích cực mở các lớp đào tạo giáo viên cấp tốc để đáp ứng cho nhu cầu dạy chữ quốc ngữ ở cấp thấp hơn là Tổng, làng… Cho tới năm 1871 trở đi thì đã có hàng trăm giáo viên được đào tạo. Sau khi rời trường học sau hai năm học tập, họ được đưa đi “thực tập” ở các địa phương. Trong năm 1871, đã có 40 học sinh ở vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định thi đậu vào trường Sư Phạm Thành Phố. Từ bậc thầy giáo “thực tập” họ tiến lên dần trở thành những giáo viên chính thức với bậc lương cao hơn. Và tất cả các giáo viên này đều được Thống đốc Nam Kỳ trực tiếp “phong cấp.” 

Dù vậy, theo nhận định của nhà nghiên cứu Osborne thì “chất lượng của các trường Tổng, làng vẫn rất kém” và “các giáo viên tại các trường cấp dưới này thường được rút ra từ hàng ngũ “gia nhân” (boys) và “đầu bếp” (cooks) là những kẻ đã học được dăm chữ Pháp trong công việc phục dịch trong nhà là một lờI xác quyết có giá trị.” Ông cũng cho rằng “Sự bất mãn kéo dài về phẩm chất của việc giảng dạy tiếng Việt tại các trường hàng tổng đã đưa đến việc thành lập một trường cao đẳng huấn luyện giáo viên.” 

Đặc biệt đối với các trường hàng tỉnh và hàng tổng, có ý kiến cho rằng sự theo học rất bất thường và đã đưa đến việc giảng dạy rất kém hiệu quả. Một thành viên Việt Nam trong Hội Đồng Thuộc Địa đã tin tưởng trong năm 1906 rằng chính phủ cần bổ nhiệm một thanh tra để theo dõi các hoạt động của các trường hàng tổng.  Ông đã phát biểu, và các lời tuyên bố của ông không bị bác bỏ bởi viên giám đốc giáo dục cùng hiện diện, rằng các nhà hành chánh Pháp thường đã sử dụng các giáo chức trường hàng tổng để thi hành các công tác hành chánh. Để cho họ tự ý, các giáo chức trường hàng tổng thường không mở cửa các trường học.  Nếu có một cuộc thanh tra bởi một viên chức từ chính quyền trung ương, các giáo chức đã thực hiện các sự sắp xếp đặc biệt để bảo đảm rằng mọi ghế ngồi trong trường học sẽ được lấp kín trong ngày đó.

Dù có nhiều sự phản kháng “ngầm” trong dân chúng, có nhiều khó khăn trong việc học và dạy, đặc biệt là ở các cấp dưới, nhưng trong một tổng kết mà Osborne ghi nhận đến đầu thế kỷ 20 đã có “Hơn bốn trăm người Việt đã theo học tại các trường được duy trì bởi các thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn. Đã có 4,000 học trò Việt Nam tại các trường cấp tỉnh, hơn 12,000 tại các trường hàng tổng, và khoảng 9,500 học trò tại các trường học được duy trì bởi Giáo Hội Công Giáo và các làng xã Việt Nam.”

Thầy giáo thì “lêu bêu” như vậy, còn sách giáo khoa thì sao? Dù có nhiều giáo viên đứng lớp từ Sài Gòn cho tới làng xã xa xôi, nhưng không phải giáo viên nào cũng đủ trình độ, đủ khả năng để viết sách. Và nếu không có có sách thì… học sinh có thể quên ngay những gì đã học ngay sau khi ra khỏi lớp học và hoàn toàn không biết mặt chữ như thế nào. Do đó, một số thầy giáo có trình độ đã viết hàng loạt sách giáo khoa dưới sự khuyến khích của nhà cầm quyền, phần lớn những cuốn sách này đều được tài trợ bởi ngân sách, đã viết và in sách giáo khoa. Và những ông thầy tích cực và có trình độ nhất là các ông Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký…

Để có sách để cho các học sinh có thể tiếp cận được mặt chữ quốc ngữ, ngay từ năm 1862, Thống đốc Nam Kỳ Charner đặt in cuốn tự vị Annam- Pháp ở Ấn Độ. [Thời gian này Nam Kỳ chưa có bộ chữ in tiếng Việt]. Đây là cuốn tự vị dành cho cả học sinh lẫn giáo viên sử dụng. Có thể vào thời điểm ấy người Pháp chưa tìm thấy cuốc tự vị Annam-Latin của Bá Đa Lộc viết năm 1772-1773, một cuốn sách rất giá trị về mặt phát triển chữ quốc ngữ 100 năm sau Đắc Lộ. Thực chất cuốn tự vị này bị thất lạc và cho đến thập niên 1980 người ta mới tìm lại được. 

Bên cạnh tự vị, năm 1869 Thống đốc Nam Kỳ đã ra nghị định ngày 22/2 “Kể từ 1/4/1869 tất cả giấy tờ chính thức: nghị định, quyết định, án lệnh, phán quyết, thông tư…đều sẽ được viết và công bố bằng mẫu tự châu Âu…”. Trước đó, ngày 22/2/1868 đã có nghị định về “những giấy tờ chính thực được công bố bằng tiếng An Nam phải được viết bằng mẫu tự Latin” thông báo “tờ Gia Định Báo được tiếp tục xuất bản dưới sự coi sóc của ông Potteau…” [Chữ, văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc, Nguyễn Văn Trung, Nam Sơn xuất bản, Saigon 1975, trang 26].

Sau những nghị định, nhà cầm quyền Pháp cũng khuyến khích và tài trợ việc in các sách tiếng Việt để học sinh có điều kiện tiếp cận chữ quốc ngữ, sau tờ Gia Định Báo. Và hai ông Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của là hai người đầu tiên làm công việc này. Cuốn “Chuyện đời xưa” của ông Ký được in lần đầu vào năm 1867 và được in lại hàng chục lần sau đó. Sau đó là nhiều cuốn sách khác như “Bài giảng Lịch sử An Nam,” “Tóm lược ngữ pháp An Nam,” “Dư đồ thuyết lược,” “Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ”…Còn ông Huỳnh Tịnh Của từ thập niên 1880 cũng viết “Chuyện giải buồn,” “Gia lễ,” “Bác học sơ giải,”Câu hát góp”… Song có lẽ tác phẩm quan trọng nhất của ông Của cho đến nay vẫn còn được sử dụng là bộ Đại Nam quấc âm tự vị gồm hai cuốn in vào năm 1895 và 1896. 

Mặc dù hai ông tinh thông cả Pháp văn lẫn Hán văn, tuyệt đại đa số các tác phẩm của hai ông đều viết bằng chữ quốc ngữ, vào thời ấy thứ chữ này vẫn chưa được coi trọng và bị đánh giá thấp hơn so với chữ Hán hay chữ Pháp. Điều đó cho thấy cả hai ông Vĩnh Ký lẫn ông Của có lòng thế nào với thứ chữ ghi âm bằng tiếng nói của đất mẹ như thế nào.

Lớp học trò sau hai ông cũng viết nhiều sách cho học sinh là ông Trương Minh Ký. Ông Minh Ký hoàn toàn được đào tạo trong nhà trường của Pháp. Tiếng là thầy dạy chữ Nho ở trường Chasseloup Laubat nhưng thực chất ông dành khá nhiều công sức cho chữ quốc ngữ. Các sách dành cho học sinh của ông gồm Leçon de langue annamite. Cours autographié au collège des Interprètes, Châu tử gia huấn, Tập dạy học tiếng Phansa và tiếng Annam, Ấu học khải mông, Vần quốc-ngữ… Ông cũng viết nhiều truyện văn xuôi theo nội dung thơ của La Fontaine với những truyện ngắn gọn, chữ viết dễ hiểu, dễ đọc sau đó in thành tập mang tên Truyện phansa diễn ra quốc ngữ… Điều đáng tiếc là sự nghiệp giáo dục bên cạnh sự nghiệp làm báo, viết văn của ông chưa được nghiên cứu thấu đáo nên ngày nay có sự đánh giá về ông chưa được chính xác và có phần thiếu công tâm.

Song cũng không thể không thừa nhận rằng, dù có đánh giá thế nào đi nữa thì những tác phẩm của ông, trong đó có những du ký bằng văn vần như cuốn “Như Tây Nhựt Trình,” Chư Quấc Thại Hội” khá giá trị về mặt du ký và xã hội đương thời. Hy vọng một ngày nào đó, tên tuổi ông sẽ được vinh danh xứng đáng với những gì ông đóng góp cho chữ quốc ngữ.

Riêng ông Vĩnh Ký, người đã được đánh giá cao về học thuật, thì nhiều tác phẩm của ông trong thời kỳ ấy đã góp phần giúp cho học sinh biết được nhiều hơn về mặt chữ và sức mạnh của chữ quốc ngữ. Đã có lúc, nhiều người cho rằng chữ quốc ngữ không đủ để diễn tả tình cảm, trạng thái của cuộc sống như chữ Nho. Song với trình độ và kiến văn phong phú, ông đã viết khá nhiều mặt của cuộc sống, thể hiện sự phong phú của chữ quốc ngữ góp phần làm cho chữ quốc ngữ trở thành đời sống thực. Ông sưu tầm từ những câu hò, vè, câu đố, tới những câu chuyện sống động trong thực tế như hút á phiện, cờ bạc, câu thai [trong đánh đề]…làm cho chữ quốc ngữ ngày càng sống động, phong phú hơn.

Ví như cuốn Phong hóa điều hành viết về nhiều mặt của đời sống. Ngay trong lời tựa ông viết: “Trong những sự ta phải biết, chẳng có sự gì cẩn cấp cho bằng sự biết ăn ở theo phong hóa chính, mà nhiều khi người ta lo về mọi việc khác, mà ít lo việc chính này…Ta có lòng ước ao cho các thầy giáo tập trong các trường, lấy sách này mà cho học trò đọc đi đọc lại, nhất là đọc thuộc lòng, thì sẽ quen cùng khắn vào trong trí nhưng gương nhơn từ, đức hạnh, rộng rãi và khiêm nhượng. Ắt thật những gương ấy sẽ giục lòng học trò tấn tới trong việc phước, cùng giúp cho biết việc lành phải làm, việc dữ phải lánh…”

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/q-to-z/tran-nhat-vy/

You may also like

Verified by MonsterInsights