Đức Đạt Lai Lạt Ma công bố kế hoạch về người kế vị

by Năm Cư

DHARAMSHALA, Ấn Độ – Trong một quyết định quan trọng cho tương lai của Phật giáo Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa công bố kế hoạch về người kế vị của mình, khẳng định rằng Trung Quốc sẽ không có tiếng nói trong vấn đề này. Tuyên bố được đưa ra ngay trước thềm sinh nhật lần thứ 90 của ngài, nhấn mạnh rằng thể chế Đạt Lai Lạt Ma sẽ tiếp tục tồn tại.

Trong một video được ghi hình trước và phát tại một hội nghị tôn giáo kéo dài ba ngày ở Dharamshala, nơi ngài sống lưu vong từ năm 1959, nhà lãnh đạo tinh thần trông có vẻ yếu đi. Ngài đọc chậm rãi bản tuyên bố bằng tiếng Tạng, thường xuyên dừng lại để nghỉ.

Vậy ai sẽ là người dẫn dắt cuộc tìm kiếm?

Theo bản dịch tiếng Anh trên trang web của ngài, việc tìm kiếm người kế vị sẽ do Quỹ Gaden Phodrang Trust, một cơ quan tôn giáo gồm các nhà sư Phật giáo thuộc văn phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Ấn Độ, thi hành. Tuyên bố này dường như nhắm thẳng vào Bắc Kinh khi nói thêm rằng “không ai khác có thẩm quyền can thiệp vào vấn đề này”.

Trong nhiều năm, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố họ có toàn quyền chỉ định nhà lãnh đạo tiếp theo của Phật giáo Tây Tạng. Bắc Kinh coi Đức Đạt Lai Lạt Ma là một “người lưu vong chính trị tham gia vào các hoạt động ly khai dưới chiêu bài tôn giáo”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mao Ninh, cho rằng các lạt ma cấp cao tái sinh phải có “sự chấp thuận của chính quyền trung ương”. Một đạo luật năm 2007 của Trung Quốc quy định rằng việc tìm kiếm các lạt ma tái sinh phải diễn ra trong lãnh thổ Trung Quốc và chính phủ có tiếng nói cuối cùng. Bắc Kinh cũng nhấn mạnh việc sử dụng một nghi lễ trong đó tên các ứng viên cuối cùng được bỏ vào một chiếc bình vàng để rút thăm.

Tuy nhiên, người Tây Tạng phản biện rằng không phải tất cả các vị Đạt Lai Lạt Ma đều sinh ra ở Trung Quốc và không phải tất cả đều được chọn bằng nghi thức bình vàng.

Niềm tin về sự tái sinh đối đầu chính trị

Tín đồ Phật giáo Tây Tạng tin rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là một vị Phật sống có thể tự quyết định nơi mình sẽ tái sinh sau khi viên tịch. Cameron Warner, một giáo sư tại Đại học Aarhus ở Đan Mạch, giải thích: “Nếu Đức Đạt Lai Lạt Ma, người đang còn sống, nói rằng, tôi sẽ không tái sinh ở Trung Quốc, thì từ góc độ tôn giáo, Trung Quốc không thể làm gì được”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại, vị thứ 14, tên khai sinh là Lhamo Thondup, sinh năm 1935 trong một gia đình nông dân. Khi ngài mới hai tuổi, một phái đoàn tìm kiếm đã xác định ngài là người tái sinh sau khi cho ngài xem nhiều đồ vật của vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 13. Trang web chính thức của ngài kể lại rằng đứa trẻ đã nhận dạng chính xác những món đồ, nói rằng, “Của tôi. Của tôi”. Trong cuốn sách gần đây, ngài viết rằng vị Đạt Lai Lạt Ma mới sẽ sinh ra “trong thế giới tự do” và bên ngoài Trung Quốc.

Kịch bản về hai Đạt Lai Lạt Ma đối địch nhau không phải là không có tiền lệ. Năm 1995, sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma công bố một cậu bé sáu tuổi là hóa thân của Ban Thiền Lạt Ma, vị giáo phẩm cao thứ hai, nhà cầm quyền Trung Quốc đã bắt giữ cậu bé này và sau đó chọn một người khác. Bắc Kinh khẳng định Ban Thiền Lạt Ma do họ chọn sẽ đóng vai trò chính trong việc lựa chọn Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo.

Lobsang Sangay, cựu Sikyong (tổng thống) của chính phủ Tây Tạng lưu vong, nhận định rằng người Tây Tạng sẽ coi bất kỳ ai do Trung Quốc chỉ định là một “Đạt Lai Lạt Ma giả”. Đối với họ, đây là “vấn đề của đức tin”.

Một thời điểm nhạy cảm

Thông báo về kế hoạch kế vị được đưa ra vào một thời điểm mong manh đối với cộng đồng Tây Tạng. Các cuộc đàm phán chính thức giữa các nhà lãnh đạo Tây Tạng lưu vong và Trung Quốc đã bị đình trệ từ năm 2010. Trung Quốc đã tăng cường tuần tra biên giới và xây dựng một mạng lưới các ngôi làng biên giới, bị các nhà phê bình cho là một nỗ lực nhằm thay đổi cấu trúc dân tộc của Tây Tạng.

Trong khi đó, cộng đồng người Tây Tạng lưu vong ở Dharamshala đang chuẩn bị kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của nhà lãnh đạo tinh thần của họ. Các áp phích và biển quảng cáo đã được dựng lên dọc các con phố. Hàng chục ngàn người, bao gồm các nhà lãnh đạo Phật giáo, các chính trị gia Ấn Độ và những người ủng hộ lâu năm như tài tử Richard Gere, dự kiến sẽ tham dự.

Sonam Tsomu, một người bán hàng rong, nói rằng vào ngày sinh nhật của Đức Đạt Lai Lạt Ma, cô sẽ đóng cửa hàng để đến chùa. “Tôi sẽ mặc quần áo mới và tham dự các buổi cầu nguyện, như mọi năm,” cô chia sẻ. “Bởi vì ngài là cha, là mẹ, là tất cả của chúng tôi”.

Theo: https://www.dalailama.com/news/statement-affirming-the-continuation-of-the-institution-of-dalai-lama

You may also like

Verified by MonsterInsights