CHU TẤT TIẾN
Ngày 21/4/2025, Đức Giáo Hoàng Francis từ trần, thọ 88 tuổi. Ngay khi tin này được loan báo trên khắp hoàn cầu, giới truyền thông khắp nơi đã đổ xô về Vatican, thủ đô của Giáo hội Công Giáo vừa để tham dự những nghi lễ long trọng, tiễn chân người lãnh đạo một tôn giáo lớn có hơn 1 tỷ 500 triệu tín đồ về với Chúa, vừa để săn tin về người kế vị.
Vì thế, cho dù theo dõi tang lễ long trọng nhất thế giới này, giới Công Giáo hoàn vũ cũng như giới truyền thông vẫn xôn xao về người thừa kế gia tài của Thánh Peter (Phêrô). Ngày 8/5, sau 17 ngày chờ đợi, tin vui đến cho toàn thể thế giới Công Giáo cũng như không Công Giáo: Đức Hồng Y Robert Prevost, người Mỹ đầu tiên được chọn làm lãnh đạo công giáo toàn cầu.
Đức Tân Giáo hoàng sinh tại Chicago năm 1955, học thần học tại Catholic Theological Union ở Chicago. Năm 27 tuổi, ngài được gửi sang Roma để tu học và được lãnh chức linh mục năm 1982. Năm 1985, Linh Mục Robert sang Peru để phục vụ trong một dòng tu, và trở lại Hoa Kỳ năm 1986, rồi lại sang Peru năm 1988 để điều hành Tiểu Chủng Viện Augustinian ở Trujillo.
Đến năm 1999, Linh Mục Robert được chỉ định cai quản Giáo Hạt Augustinian Province của Chicago, và năm 2014, Cố Giáo Hoàng Francis lại chuyển Linh Mục Robert sang Giáo Hạt Chiclayo ở Peru, tại đây, Ngài đã được thụ phong giám mục. Năm 2020, Giám Mục Robert sang cai quản Giáo Hạt Callao cũng ở Peru, sau đó, Giám Mục Robert được phong chức Hồng Y. Ngày 8/5/2025, toàn thể 133 hồng y trên toàn thế giới đã long trọng bầu Hồng Y Robert vào Ngôi Vị Giáo Hoàng với danh xưng là “Leo XIV.” Theo nguồn tin từ Vatican, Đức Giáo Hoàng Leo XIV là người trung dung, nhưng rất kỹ lưỡng với Giáo điều tiên khởi, chẳng hạn như việc cấm phụ nữ làm phó tế.
Nhân dịp thế giới còn đang hân hoan kính mừng Tân Giáo Hoàng và xôn xao về tư cách và khả năng lãnh đạo Giáo hội Công Giáo của Ngài, bài viết này xin ghi lại vài nét liên quan đến vai trò của đức giáo hoàng cũng như phương thức bầu chọn người kế vị.
Theo truyền thống của đạo Công Giáo, ngôi vị Giáo Hoàng (Papacy) được thực hiện từ thời Thánh Peter (Phêrô), một trong 12 môn đệ của Chúa Jesus, người được Chúa chọn, khi Ngài phán: “Thầy bảo cho con biết: Con là đá, trên đá này thầy sẽ xây hội thánh của thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở.”
Từ đó, Thánh Peter được coi như người lãnh đạo hội thánh cho đến năm 64 AD, khi ông bị vua La Mã Nero xử chết treo trên thập giá như Chúa Jesus, nhưng đầu lộn ngược xuống đất. Sau khi Thánh Peter và hàng trăm ngàn người Công Giáo đã bị giết chết bởi các vua La Mã (cũng như các vua chúa Âu Châu,) thì đạo Công Giáo lại phát triển mạnh mẽ, tuy ngấm ngầm, và những người Công Giáo phải đào hang động dưới lòng đất của Roma mà sống để trốn tránh sự bách hại.
Cho đến đời vua Constantine, vào thế kỷ thứ 4 sau Thiên Chúa, thì bất ngờ vì một hiện tượng lạ mà vua tin rằng đó là phép lạ của Chúa giúp ông thắng trận, ông đã ra lệnh cho bãi bỏ mọi cuộc bắt bớ, chém giết, xử trảm người Công Giáo và còn cho phép người Công Giáo được bổ nhiệm một vị làm đầu lãnh của đạo ở ngay Roma. Người đứng đầu Hội Thánh Công Giáo là một vị được nhận chức vụ là Giám Mục thành Roma (Bishop).
Từ đó, đạo Công Giáo đã phát triển khắp năm châu bốn biển. Vì sự rộng lớn của hội thánh, nhiều dòng tu với các tín điều về việc hành đạo khác nhau, các giám mục tiên khởi đã phối hợp lại và đồng thanh lập ra nhiều chức vụ mới từ chức vụ thấp nhất là linh mục (priest) cai quản một giáo xứ, cấp trên của linh mục là chức vụ giám mục (bishop) cai quản nhiều họ đạo, hoặc nhiều tỉnh thành. Cấp quốc gia có chức vụ hồng y (cardinal), và trên hết là giáo hoàng (the pope), người lãnh đạo giáo hội hoàn vũ.
Trách nhiệm của đức giáo hoàng (còn được gọi là đức thánh cha vì ngài được coi như là thánh, đại diện cho thiên chúa ở trần gian) là người đứng đầu Hội Thánh Công Giáo, đồng thời là lãnh đạo hệ thống hành chính, chính trị của Roma, trung tâm điểm của Giáo Hội Công Giáo, như một vị vua hay tổng thống của Quốc gia Vatican (Holy See). Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm các vị Hồng Y vào các chức vụ giống như một chính phủ, có cơ quan tài chánh, cơ quan tư pháp, và các cơ quan cố vấn.
Để trực tiếp điều hành hành chính, ngài bổ nhậm một nhân vật có chức vụ là “President of the Governorate of Vatican City State” hiện nay là Sister Raffaella Petrini, người Ý, người nữ đầu tiên giữ chức vụ cao nhất trong hệ thống Vatican, tương đương một thủ tướng. Bên cạnh đó có một vị hồng y chuyên trách ngoại giao, tương đương một ngoại trưởng. Với sự cố vấn của các vị hồng y đứng đầu các cơ quan, Đức Giáo Hoàng ra quyết định chính sách đối nội và đối ngoại và ban lệnh cho các lãnh đạo các bộ và cơ quan thi hành. Trong số 605 người cư ngụ và làm việc trong Tòa Thánh Vatican, có 105 Lính Gác (Swiss Guards), các vị tu sĩ nam nữ và nhân viên làm việc trực tiếp trong nhiều tòa nhà hành chính, một Supermarket, một nhà băng, môt thư viện khổng lồ và một viện bảo tàng chứa toàn đồ quý từ nhiều thế kỷ. Về ngoại vi, có 2880 người làm việc theo chỉ thị của các cơ sở bên trong Vatican.
Người xưa nói: “Ôn cố, tri tân,” trong khi chờ đợi những thay đổi mới mà vị Tân Giáo Hoàng sẽ thực hiện, bài viết này xin trở lại vài dòng về vị Giáo Hoàng vừa từ trần, Giáo Hoàng Francis.
Giáo Hoàng Francis là một trong những Giáo Hoàng cấp tiến nhất của lịch sử Công Giáo. Ngài đã làm cho Giáo Hội kinh ngạc với tinh thần bình dân của Ngài. Điều mà dân Vatican nhìn thấy ngay là ngài đi làm bằng xe buýt, không đi xe hơi riêng. Ngài hay đến các khu bình dân thăm hỏi. Để chấn chỉnh lại hệ thống quản lý tài chính lỗi thời có thể đưa đến việc tham nhũng, ngài đã cho một số vị hồng y về vườn, và chọn người trẻ trung, có nhiều sáng kiến nắm giữ các cơ quan quan trọng của Vatican. Trên hết là ngài thay đổi nhiều điều luật cũ không thích hợp với thời đại mới, làm cho nhiều người ghen tị, tung tin sai trái làm hại danh dự ngài. Chẳng hạn như quan niệm của ngài về vấn đề người đồng tính lấy nhau, một số đã loan tin là ngài chúc lành và cho làm phép cưới giữa hai người đồng tính không khác gì hôn nhân truyền thống. Có kẻ còn cho ngài là “Gay,” nghĩa là đồng tính nam.
Trên thực tế, theo báo điện tử Catholic.com, ngài ra huấn thị rất kỹ về vấn đề hôn nhân truyền thống nhưng nói rất ít về sự kết hợp giữa hai người đồng tính. Nguyên văn như sau: “Hai người đồng tính lấy nhau không đơn giản là tương đương với hôn nhân giữa nam và nữ… Chúng tôi muốn xác nhận là mọi người, không cần biết phái tính, phải được tương kính với danh dự của họ và được đối xử tử tế, trong khi những sự kỳ thị không hợp lý phải được tránh né, đặc biệt là các hình thức tấn công và bạo lực.” Huấn thị này cũng viết: “Những gia đình như thế phải được sự hướng dẫn của các tu sĩ, như thế để những người có đồng tính luyến ái sẽ được những sự trợ giúp cần thiết để hiểu và đem theo Ý Chúa trong suốt đời của họ.” Huấn thị khẳng định: “Dứt khoát không thể coi sự nối kết giữa hai người đồng tính được tương đồng với hoặc là có ý liên hệ với các hôn nhân mà Chúa đã đặt ra.”
Về thủ tục bầu ra tân Giáo Hoàng: Sau khi Đức Giáo Hoàng Francis về với Chúa, lập tức một cuộc triệu tập toàn thể các vị Hồng Y trên toàn thế giới về Vatican để tham dự lễ tiễn chân Ngài, và cũng để thực hiện ngay một cuộc bầu cử người kế vị, không để ngôi vị Giáo Hoàng trống trải trong thời gian dài.
Cố Giáo Hoàng Francis mất ngày 21/4, thì ngày 7/5 là bắt đầu thủ tục bầu người kế vị. Việc làm này cũng không đơn giản, vì Giáo Hội Công Giáo coi người chủ chăn của Giáo Hội chính là người thừa kế của Thánh Peter, nghĩa là thừa kế nhiệm vụ truyền bá và rao giảng lời chúa theo sự chỉ định của chính Chúa Jesus đã trao cho Thánh Peter.
Kỳ bầu cử năm 2025 có số hồng y (cardinal) nhiều hơn những năm trước vì cố Giáo Hoàng Francis đã bổ nhiệm thêm vài vị giám mục vào chức hồng y. Theo Vatican, số hồng y tham dự kỳ bầu cử này là 133 vị đến từ khắp nơi trên thế giới. Sau khi hoàn tất thủ tục tiễn đưa cố Giáo Hoàng Francis, thì ngay lập tức, 133 vị hồng y được mời vào nơi gọi là “Conclave” nghĩa là “Công đồng đóng kín,” tất cả các cửa ra vào bị đóng kín và các phương tiện truyền thông ra ngoài đều bị cấm chỉ.
Từ 20 năm nay tính đến hiện tại có ba Conclave: Sau khi cố Giáo Hoàng John Paul Đệ Nhị băng hà năm 2005, thì Hội Đồng Hồng Y đã chọn Hồng Y Ratzinger là Giáo Hoàng Benedict XVI; sau khi Cố Giáo Hoàng Benedict XVI từ chức, thì cộng đồng đã chọn Hồng Y Jorge Mario Bergoglio vào chức vị Giáo Hoàng tức là Cố Giáo Hoàng Francis. Ngày nay, “Conclave” được tổ chức ngay tại Vatican City, một thành phố ngay trong lãnh địa Roma và được cai quản bởi “Holy See” (Chính phủ Vatican.)
Theo truyền thống, thì trước khi bắt đầu công nghị bầu cử, tất cả các vị hồng y đến hành lễ đặc biệt tại Nhà thờ St. Peter’s Basilica và cầu nguyện xin chúa hướng dẫn, sau đó thì đến Sistine Chapel, nơi cuộc bầu cử được thực hiện. Công đồng các vị Hồng Y sẽ chọn ứng viên nào được đề cử có 2/3 số phiếu để thành Giáo Hoàng. Ngày đầu tiên, các vị hồng y chỉ bỏ phiếu một lần trong buổi chiều, rồi sang ngày thứ hai và thứ ba, sẽ bầu hai lần, một buổi sáng, một buổi chiều. Sau ba ngày mà chưa chọn được ai, các vị Hồng Y sẽ nghỉ một ngày để cầu nguyện xin ý chúa soi sáng hầu chọn đúng người kế vị. Kết quả cuộc bầu cử sẽ được thông báo qua ống khói nhà thờ Sistine, nếu khói đen bốc lên qua ống khói tức là chưa có kết quả. Khi đã chọn được, thì khói trắng sẽ tỏa lên qua ống khói. Dân Roma sẽ nhảy mừng lên, reo hò khi thấy khói trắng. Hàng chục ngàn người sẽ khóc lóc vì vui sướng.
Vài chi tiết liên quan đến việc bầu Giáo Hoàng:
-Cuộc bầu chọn lâu nhất hai năm, kéo dài từ cuối năm 1200. Trong khi đó, ngôi vị Giáo Hoàng được một vị Hồng Y nhiếp chính. Có hai lần bầu chọn kéo dài năm ngày: 1903 và 1922. Năm 2005 và 2013 chỉ kéo dài có hai ngày. Điều kiện để được đề cử là vị Hồng Y đó phải trẻ dưới 80 tuổi.
-Một khi đã được chọn, vị Giáo Hoàng mới sẽ được dẫn đến “Room of Tears” trong Nhà thờ Sistine Chapel, tại đây, Giáo Hoàng sẽ mặc áo choàng trắng và nhận một thánh giá và một mũ miện trắng. Các vị Hồng Y sẽ chúc mừng Giáo Hoàng mới và thề là sẽ trung thành với Giáo Chủ.
Sau đó, vị Hồng Y niên trưởng sẽ ra trước “balcony” cửa sổ đền thánh Peter, và trước hàng triệu người chờ đợi, tuyên cáo lớn rằng: “Annuntio vobis gaudium magnum; Habemus Papam” có nghĩa là: “Tôi thông báo cho mọi người tin vui: Chúng ta đã có vị Giáo Hoàng.” Tiếp theo, vị Tân Giáo Hoàng sẽ chống niên trượng ra trước “balcony” và chúc lành cho toàn thể Giáo Hội hoàn vũ.
Chu Tất Tiến
Tháng 5, 2025.
Tham chiếu:
https://en.wikipedia.org/wiki/Pope_Francis
https://www.christianity.com/church/what-is-the-significance-of-the-pope-in-catholicism.html
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/anh-la-tang-da-9-8-2018-thu-nam-tuan-18-thuong-nien-b–33023
https://aleteia.org/2018/05/10/the-vatican-in-numbers
https://www.catholic.com/magazine/online-edition/pope-franciss-new-document-on-marriage-12-things-to-know-and-share
Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/q-to-z/chu-tat-tien/