Tên các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long xưa và nay

by Tim Bui
Tên các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long xưa và nay

VƯƠNG TRUNG HIẾU

Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, dự kiến là trước ngày 30/6/2025. Xin giới thiệu tên các tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long xưa và nay để bạn đọc tham khảo, biết đâu trong tương lai sẽ xuất hiện thêm những địa danh mới và mất đi một số danh xưng cũ.

Nhìn chung, tên các tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long được gọi là “địa danh” hoặc “phương danh” (tên các địa phương); đó có thể là tên thuần Việt, Hán Việt hoặc xuất phát từ tiếng các dân tộc thiểu số hay tiếng nước ngoài…

Từ thế kỷ 17, chúa Nguyễn kiểm soát vùng lãnh thổ Đàng Trong của nước Đại Việt (từ sông Gianh (Quảng Bình) trở vào Nam). Trải qua nhiều sự đổi thay về tên gọi, nhập tách các khu vực hành chính, Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay gồm có một thành phố trực thuộc trung ương là Cần Thơ và 12 tỉnh. Dưới đây là những phương danh xưa và nay của các tỉnh thành thuộc vùng đồng bằng này, xếp theo thứ tự A,B,C.

An Giang

Thời xưa, vùng đất An Giang thuộc vương quốc Phù Nam, sau đó thuộc vương quốc Chân Lạp. Người Việt gọi vùng đất này là Tầm Phong Long. Đến thế kỷ 19, người Khmer gọi là meatchrouk (មាត់ជ្រូក), nghĩa là xứ Miệng Heo, tức xứ có nhiều heo rừng.  Năm 1832, vua Minh Mạng chia trấn Vĩnh Thanh thành hai tỉnh An Giang và Vĩnh Long. Nhiều tài liệu phiên địa danh An Giang bằng chữ Hán là 安江; trong đó: an (安) có nghĩa là “yên tĩnh, an toàn, an lạc” và giang (江) là “sông lớn, sông cái”. 

Bạc Liêu

Tỉnh này thành lập vào năm 1900, trên cơ sở của hạt tham biện Bạc Liêu. Xét về từ nguyên, có nhiều cách giải thích về địa danh Bạc Liêu, chẳng hạn như gọi theo tên của con rạch Bạc Liêu hoặc phát âm theo từ 泊僚 (paak liu) trong tiếng Quảng Đông hay âm “pô léo” trong tiếng Triều Châu (“pô léo” có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề chài lưới, đánh cá, đi biển…). Học giả Vương Hồng Sển cho rằng “Bạc Liêu” xuất phát từ âm Pô Loeu trong tiếng Khmer, nghĩa là “chỗ, vùng có cây Bồ Đề (Lâm vồ) cao nhất. Theo chúng tôi, địa danh “Bạc Liêu” có thể dựa vào cách phát âm “paclơ liêu” (ពល​លាវ), địa danh mà người Khmer dùng để gọi tỉnh này.

Bạc Liêu ngày xưa có đông đảo người Tiều [Triều Châu] cư ngụ. Dân gian có câu:

Bạc Liêu là xứ quê khờ,
Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu

Bạc Liêu cũng là quê của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy nổi tiếng đầu thế kỷ 20.

Bến Tre

Ngày xưa người Khmer gọi là “Sóc Treay” (xứ cá) vì khu vực này phân bố đa dạng chủng loại cá. Bến Tre còn là tên chợ và tên con rạch ở đây. Từ năm 1757, Bến Tre là tổng Tân An thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ. Thời Pháp thuộc trở thành hạt rồi tỉnh Bến Tre vào năm 1900. Đến năm 1956, tỉnh Bến Tre đổi thành tỉnh Kiến Hòa, năm 1976 lấy lại tên cũ là tỉnh Bến Tre.

Cà Mau

Tên của vùng đất này dựa vào cách gọi của người Khmer là toek kh-maw (តឹកខ្មៅ), tức nước đen (toek là nước; kh-maw là đen). Người ta gọi như thế vì khu vực này có rừng rập rạm, lá rụng ngâm trong nước lâu ngày khiến nước có màu đen. Nhìn chung, địa danh Cà Mau được sử dụng từ thế kỷ 17 cho tới nay. 

Cần Thơ

Năm 1739, có tên là Trấn Giang. Đến đầu thế kỷ 19, Cần Thơ mang tên là Phong Phú, sau đó đổi thành Phong Dinh (thời VNCH). 

Có vài giả thuyết về nguồn gốc địa danh Cần Thơ. Trong Gia Định thành thông chí, tên chữ Hán của Cần Thơ là 芹苴, âm Hán Việt là “cần trư”, đọc trại thành “cần thơ”. Khi đối chiếu địa danh Cần Thơ với tên Khmer nguyên thủy của vùng này là Prek Russey (ខេត្តព្រែកឬស្សី), nghĩa là “sông tre”, ta thấy cũng không liên quan về ngữ âm. Có lẽ gần giống nhất với “cần thơ” là từ Kan Thor (កន្ធរ) trong tiếng Khmer, một từ cổ nghĩa là “cá sặc rằn, cá sặc bổi”. Ngoài ra, Cần Thơ còn được gọi là Tây Đô (西都) chỉ nhằm ví von đây là “thành phố lớn ở miền Tây” chứ không có nhiều ý nghĩa về mặt từ nguyên.

Đồng Tháp

Xuất phát từ tên Đồng Tháp Mười, một vùng đất rộng lớn thuộc vương quốc Phù Nam cổ. Ngày xưa, khu vực này được gọi chung là “Chằm ao” (Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức); còn tên “Tháp Mười” thì được nhắc lần đầu trong bản tin của Công báo Nam kỳ (1866). Có giả thuyết cho rằng người ta đặt tên “Tháp Mười” vì vùng đất này có ngọn tháp 10 tầng do người Chân Lạp xây nên. Theo giả thuyết khác, địa danh Đồng Tháp Mười xuất phát từ cánh đồng có ngôi chùa (còn gọi là tháp) của người Khmer cổ cao 10 tầng. 

Hậu Giang

Là tên gọi âm Hán Việt của sông Hậu, chữ Hán viết là 後江. Khu vực tỉnh Hậu Giang trước đây thuộc tỉnh Ba Xuyên, tỉnh Chương Thiện và tỉnh Phong Dinh.

Kiên Giang

Năm 1757, Kiên Giang là một đạo thuộc trấn Hà Tiên do Mạc Thiên Tích thành lập. Đến năm 1808, đạo Kiên Giang được đổi thành huyện Kiên Giang. Năm 1867, vùng đất này đổi tên thành hạt Kiên Giang thuộc tỉnh Rạch Giá. Trong tiếng Khmer, Rạch Giá được gọi là Kromuon so (ក្រមួនស), nghĩa là “sáp trắng”, hoặc gọi là Srôk Kromuon So (xứ sáp trắng), còn Kiên Giang được gọi là Kieng​ yeang (កៀង​យ៉ាង). Địa danh Kiên Giang viết bằng chữ Hán là 堅江

Long An

Đầu thế kỷ 17, vùng đất này thuộc Chân Lạp. Năm 1620, Chey Chettha II lên ngôi vua ở Chân Lạp, cưới Công Nữ Ngọc Vạn, con của chúa Nguyễn Phước Nguyên. Ông cho phép người Việt đến khu vực này sinh sống. Năm 1698, thuộc tổng Thuận An, phủ Gia Định. Năm 1956, tỉnh Long An được thành lập từ phần lớn tỉnh Chợ Lớn và một phần của tỉnh Tân An. Trong tiếng Khmer, Long An được gọi là Kampngko (កំពង់គោ), người Trung Quốc gọi là 隆安.

Sóc Trăng

Là địa danh, phiên âm từ chữ Srok Khleang (ស្រុកឃ្លាំង) trong tiếng Khmer. Srok có nghĩa là ngôi làng hoặc xứ; Khleang là nơi để đồ đạc, hàng hóa, vải vóc. Có tài liệu cho rằng Srok Khleang mang ý nghĩa là “xứ có kho chứa bạc của nhà vua”. Vào thời Minh Mạng, Sóc Trăng được đổi thành Sông Trăng. Người Trung Quốc gọi địa phương này là Nguyệt Giang (月江) hay Sóc Trăng tỉnh (朔莊省). 

Tiền Giang

Trước thế kỷ 17, Tiền Giang thuộc vương quốc Chân Lạp. Trong triều đại Paramaraja VIII (1658-1672), người Việt đến khu vực này sinh sống. Giữa thế kỷ 19, gọi là Mỹ Tho, thuộc tỉnh Định Tường (một trong Nam Kỳ lục tỉnh vào thời nhà Nguyễn). Năm 1976, tỉnh Mỹ Tho đổi thành tỉnh Tiền Giang.  

Có ý kiến cho rằng địa danh Mỹ Tho “bắt nguồn từ phương ngữ gốc Khmer như Mi Sâr biến thể thành Mỹ và Tho, có nghĩa là xứ có người con gái da trắng, đẹp” (Wikipedia). Song hiện nay, người Khmer gọi Mỹ Tho là Mê-so (មេ-ស), có khả năng là họ phát âm theo người Việt, vì (មេ) có nghĩa là người hoặc động vật (lớn, đứng đầu, quan trọng nhất); còn so (ស) là từ dùng để giúp biểu hiện hoặc diễn đạt rõ ràng.

Một điều chắc chắn rằng ngày nay người Khmer gọi Tiền Giang là Tien Yeang (ទៀនយ៉ាង) theo cách phát âm của người Việt; còn tên chữ Hán của Tiền Giang là 前江, tức “sông Tiền” theo cách gọi dân gian.

Trà Vinh

Từ thế kỷ 18 đến 19, khu vực này được gọi là Trà Vang, thuộc vùng Châu Định Viễn. Theo giới nghiên cứu thuật ngữ Trà Vang có nguồn gốc từ ngôn ngữ Nam Á cổ, thường được gọi là Trah Păng.

Năm 1825, trở thành huyện Trà Vinh thuộc phủ Lạc Hóa, Gia Định Thành; năm 1832 Trà Vinh là một huyện thuộc phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long. Từ đầu năm 1900, người Pháp đặt tên tỉnh Trà Vinh (tiếng Pháp: Province de Trà Vinh).Vĩnh Long
Theo Đại Nam nhất thống chí, nguyên xưa Vĩnh Long là đất Tầm-đôn, Xoài-lạp của Thủy Chân Lạp. Năm 1832, cải làm trấn Vĩnh Long, phân hạt thành tỉnh Vĩnh Long. Giới nghiên cứu cho rằng cái tên Vĩnh Long xuất phát từ việc ghép hai địa danh của vùng đất này trước đây: châu Định Viễn và huyện Long Hồ, trong đó chữ “Viễn” đọc trại lâu ngày thành “Vĩnh”. Tên chữ Hán của Vĩnh Long là 永, trong đó vĩnh là “vĩnh viễn, vĩnh hằng”, nghĩa là “mãi mãi”; còn long là long trọng, nghĩa là “thịnh vượng, giàu có”. Tuy nhiên người Khmer lại gọi Vĩnh Long là Luông Haor (លង់ហោរ), tức gọi theo tên huyện Long Hồ, bên cạnh đó, huyện Long Hồ cũng được gọi là Srok Luông Haor (ស្រុកលង់ហោរ).

Similar article: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/lang-thang-ben-dong-song-cuu-long/

You may also like

Verified by MonsterInsights