HÀ GIANG
“Chị có nghe thấy tiếng than của dòng sông?”
Minh, chàng trai trẻ người Việt dáng dấp nghệ sĩ trả lời tôi như vậy, khi tôi hỏi em đang lúi húi làm gì ở một góc sân của Mekong School, thuộc Chiang Khong, một tỉnh nằm trong vùng cực bắc Thái Lan.
Nhìn kỹ hơn chàng trai đã trả lời câu hỏi của mình bằng một câu hỏi, tôi mỉm cười, rồi đáp:
“Chị không biết có đang nghe thấy tiếng than không, nhưng chắc chắn là nghe được tiếng rù rì…”
Minh cũng cười, một cái cười đầy ý nghĩa. Cũng có thể tôi đã tưởng tượng ra ý nghĩa đằng sau nụ cười đó, khi thấy Minh nhìn sâu vào tấm băng rôn với hàng chữ “No Dams” treo trên bức tường của nhà trường.
Gọi là trường cho oai, nhưng thật ra đây chỉ là một gian nhà gỗ không thể mộc mạc đơn sơ hơn. Qua những khung cửa nhỏ ở tầng trên, tôi thoáng thấy vài căn phòng nhỏ, và tầng dưới là một quán bán cà phê, thức uống, linh tinh đủ thứ.
Gian nhà duy nhất này nằm sâu trong một khu vườn xanh lá, rộng ngút ngàn, chung quanh đó đây lác đác những bàn làm việc và những chiếc ghế nhỏ bên dưới những căn lều to được che bằng mái lá.
Minh cho biết em thuộc nhóm trẻ gồm các kỹ thuật viên cũng cấp dịch vụ cho các bảo tàng viện, đến đây từ Hà Nội, với mục đích “lắp ráp máy móc để thu băng “âm thanh” của dòng Cửu Long trong vòng một tuần lễ, rồi sau đó một nhạc sĩ nào đó sẽ biến những âm thanh này một tác phẩm và đưa đi tham dự cuộc triển lãm nghệ thuật được tổ chức hai năm một lần ở Bangkok.
“Một chị đi cùng nhóm với em vừa lên thuyền với người tour guide đi dọc theo dòng Cửu Long…” Minh nói rồi đưa tay chỉ ra dòng sông nước chảy êm đềm trước mặt.
Sau lưng, người tôi vừa phỏng vấn, ông Niwat Roykaew, một thầy giáo về hưu và là nhà đấu tranh bảo vệ môi sinh hơn 20 năm qua, hiện là Chủ tịch của “Chiang Khong Conservation Group,” tổ chức đã lập ra Mekong School, nhìn chúng tôi chuyện trò với ánh mắt có vẻ hài lòng.
“Mekong School được thành lập để tăng cường hoạt động của Mạng lưới Bảo tồn Văn hóa và Tài nguyên Thiên nhiên dọc theo dòng sông Cửu Long. Nơi đây cũng là nền tảng giúp nghiên cứu về những thay đổi mà các dự án phát triển quá nhanh ở các nước quanh vùng đã tạo ra cho dòng sông này.” Ông Roykaew cho tôi biết vài phút trước.
Một biểu ngữ to với hàng chữ “Please return our living Mekong River” gợi nhớ cuốn ‘Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng’ viết về tác hại của những đập nước (dams) do Trung Quốc xây lên, của tác giả Ngô Thế Vinh, mà tôi đã đọc cách đây khá lâu.
Từ Tam Giác Vàng đến Chiang Khong
Trong một buổi trưa được Chod Channum, người bạn địa phương làm tour guide, đưa đi lòng vòng “xem cho biết Chiang Khong,” tôi lạc vào Mekong School và gặp ông Niwat Roykaew một cách hết sức tình cờ.
Chiang Khong cách Tam Giác Vàng, thuộc tỉnh Chiang Rai hơn 65 cây số. Từ Tam Giác Vàng, chúng tôi lái xe hết hơn một tiếng mới đến đây. Nhưng chuyến đi thật xứng đáng, vì tôi thấy “thương” Mekong School ngay từ những giây phút đầu tiên. Có lẽ hình ảnh các em nhỏ xúm xít bên người thầy già, để học về ảnh hưởng của môi sinh, cũng như sinh hoạt của con người lên dòng sông là huyết mạch muôn đời của bao thế hệ người dân quanh đó. Những nét mặt ngây thơ khiến tôi không khỏi không liên tưởng đến các em bé Việt Nam cũng đang sống bên dòng Cửu Long này, nhưng ở mãi tận hạ nguồn.
Khi bay đến đây, tôi chỉ có ý định đi thăm Tam Giác Vàng, nhưng chẳng hiểu điều gì đã run rủi tôi đến Chiang Khong, một nơi đèo heo hút gió, mà Soraya Nakasuwan, người bạn Thái, từ Chiang Mai lái xe gần ba tiếng đồng hồ đến tận đây để chúng tôi có thể gặp nhau, đã “than”:
“Trời! Tôi là người Thái, mà nếu không có cô bạn từ Mỹ qua này thì chắc sẽ không bao giờ biết đến cái tỉnh Chiang Khong hẻo lánh dễ thương này, lại càng không bao giờ đặt chân đến Mekong School, vui thật!”
Quê tôi ở cuối con sông này
Rất khó để chúng ta thăm được ba quốc gia cùng một lúc, nhưng nếu bạn đến được Tam Giác Vàng, tại Chiang Rai, ở cực bắc nước Thái, nơi 3 quốc gia Thái Lan, Lào và Myanmar chụm đầu vào nhau trên dòng sông Cửu Long thì có thể nhìn thấy biên giới của ba nước, cách nhau chỉ bởi những nhánh sông nước cuồn cuộn chảy. Ở đây cảm nhận đầu tiên của tôi là cái đẹp của an vui, của chung sống hòa bình. Không thấy những hàng rào, những bức tường cao và đồn lính gác. Người từ nước này có thể dùng thuyền chèo đến nước kia, cập bến, lên bờ và mất hút vào những vùng cây xanh bát ngát.
Muốn đến thăm Tam Giác Vàng bạn có thể từ Bangkok đáp máy bay đến Chiang Rai, thành phố cách Chiang Mai khoảng 3 tiếng lái xe. Trung tâm của Tam Giác Vàng là Sop Ruak, một thị trấn nhỏ của Thái Lan nằm nơi sông Ruak hợp lưu với sông Mekong, tạo thành biên giới tự nhiên phân định 3 nước Thái Lan, Myanmar và Lào. Opium Museum, bảo tàng thuốc phiện, là nơi bạn có thể tìm hiểu về việc trồng, sản xuất và buôn bán thuốc phiện, một thời đã thống trị nơi này. Còn có cả hai ngôi chùa lớn với kiến trúc độc đáo… Với tôi đặc sắc nhất là chuyến du ngoạn ngắn bằng thuyền trên dòng Cửu Long.
Cửu Long Giang, gió về vui trên sóng sông
Uốn quanh như chín con rồng ôm chặt đứa con
Người từ Tiền Giang đi về xa xăm
Cuối con đường say đắm là miền rộng thênh thang…
Chẳng hiểu tôi bị mê hoặc bởi những lời nhạc và âm điệu trữ tình này của Phạm Duy về sông Cửu Long hay bị ám ảnh bởi chính dòng sông đầy tình tự dân tộc, mà vừa bước lên thuyền tôi đã hướng về phía xa, tưởng tượng thuyền sẽ đưa mình đến tận cuối dòng, để nhìn được tận mắt đồng bằng sông Cửu Long của đất mẹ, nghe được tiếng hò ò ơi quen thuộc một thưở nào đã rất rất xa.
Thuyền nhẹ nhàng trôi trên dòng sông mênh mông cuồn cuộn phù sa, trải dài vô tận trước mắt.
“Sau lưng chúng ta là Thái Lan, bên trái là Myanmar, bên phải là Lào,” người chèo thuyền giải thích.
Trái hay phải, Myanmar hay Lào, hai bên đều cây cỏ xanh rì, một không gian thanh bình bao lấy chúng tôi, yên lặng quá, tiếng nước vỗ đều đặn vào mạn thuyền nghe như tiếng cầu kinh.
“Quê tôi ở mãi cuối dòng sông…” tôi thốt khẽ với Chod ngồi bên cạnh. Anh nhìn tôi thoáng vẻ trầm ngâm.
Sau này Chod mới cho tôi biết là vì thấy tôi tư lự nhiều trên chuyến du ngoạn bằng thuyền đó, lại tâm sự là “nếu đi đến được cuối dòng sông, thì tôi sẽ vào đến Việt Nam”, nên ngày hôm sau anh nghĩ đến việc lái xe hơn một tiếng đồng hồ đến Chiang Khong, một tỉnh nhỏ, cũng dọc theo dòng sông Mekong, nghĩ rằng tôi sẽ thích. Thế rồi chúng tôi bất ngờ khám phá ra Mekong School.
Câu chuyện của Niwat Roykaew
Mà thích thật, dù lúc phỏng vấn Niwat Roykaew, tôi thực ra chưa biết rõ ông là ai. Chỉ biết là khi xe ngừng ở Mekong School, vừa bước vào thấy những biểu ngữ với cụm từ “No dams”, và được giới thiệu đây là “hiệu trưởng” của trường, đang đi chơi nhưng máu ký giả bỗng nổi lên, tôi bất chợt lấy phone ra xin ông cho phỏng vấn.
Được hỏi về tấm biểu ngữ “No dams”, Niwat Roykaew trả lời:
“Đập rất nguy hiểm cho dòng sông. Nó rất nguy hiểm vì đập thay đổi mọi thứ. Thay đổi hệ sinh thái, thay đổi mực nước, thay đổi dòng chảy của nước. Vì vậy, tôi nghĩ rằng dòng Cửu Long có vấn đề. Vấn đề lớn.”
Mekong School, theo lời Niwat Roykaew, ngoài việc giúp trẻ em hiểu về dòng sông Cửu Long, hiểu trách nhiệm bảo vệ môi trường, còn là nơi giúp Chiang Khong Conservation Group liên kết với phụ huynh của các em, tạo ra một xã hội dân sự ngày càng lớn mạnh để cùng nhau chia sẻ tin tức, đấu tranh bảo vệ sự sống còn của dòng sông cũng là sự sống còn của mình.
Niwat Roykaew khoe là sau bao nhiêu năm biểu tình chống đối, Chiang Khong Conservation Group và cộng đồng người Thái ở đây đã thành công trong việc khiến một dự án xuyên biên giới bị hủy bỏ, vì đã làm cho giới chức trách hiểu được nguy cơ hủy hoại môi trường mà dự án này có thể gây ra.
“Dự án nổ mìn ở thượng lưu sông Cửu Long, mà trước đó, hai chính phủ Thái Lan và Trung Quốc đã hợp tác để thực hiện, có tiềm năng phá hủy 248 dặm sông để đào sâu vào lòng sông, tạo điều kiện cho các tàu chở hàng khổng lồ của Trung Quốc, cuối cùng (năm 2005) đã bị chính phủ Thái Lan hủy bỏ, nhờ sự kiên trì phấn đấu của người dân trong vùng.” Ông giải thích.
Trở về Mỹ, tìm tòi đọc thêm tôi mới được biết là năm 2022, ông Niwat Roykaew, còn được gọi là Kru Ti (sư phụ), và 5 người khác đã đoạt Goldman Environmental Prize (giải thưởng Goldman về Môi trường.) Họ là những người cùng đóng vai trò quan trọng trong việc kiên trì phản đối dự án nổ mìn nói trên.
Nhà văn Ngô Thế Vinh viết “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng”, thầy giáo về hưu Niwat Roykaew mở trường. Người dùng ngòi bút, kẻ dùng lớp học, cả hai đều là những người đấu tranh, cùng thiết tha lên tiếng kêu cứu cho dòng sông đang bị bức tử. Còn cần nhiều sự dấn thân như vậy nữa.
Vì ngày nào con người còn nhiều tham vọng, sự sống còn của dòng sông nuôi sống hơn 65% triệu dân của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, vẫn còn bị đe dọa.
Viết đến đây tôi chợt nghĩ đến Minh. Không hiểu dự án thâu băng âm thanh, mà em gọi là “tiếng than” của dòng sông đến đâu rồi…